Gạo Việt NAm có mặt ở 150 thị trường nhưng vẫn ít người biết
Hạn chế về năng lực tiếp cận, thâm nhập thị trường, marketing thương hiệu… nên gạo Việt Nam ít được người tiêu dùng thế giới biết đến.
Những năm gần đây, ngành gạo Việt Nam có bước phát triển và đạt được kết quả tích cực. Năm 2017, Việt Nam tiếp tục là nước xuất khẩu gạo đứng thứ ba thế giới chỉ sau Ấn Độ và Thái Lan. Tính trong 9 tháng năm 2018, Việt Nam đã xuất khẩu trên 4,89 triệu tấn gạo với giá trị khoảng 2,46 tỷ USD, lần lượt tăng 6,7% về lượng và tăng 21,3% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
15% lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới
Hiện nay, lượng gạo Việt Nam xuất khẩu chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới. Gạo Việt hiện đã có mặt ở gần 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, bước đầu đã thâm nhập được vào những thị trường có yêu cầu cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, những tiến bộ trong sản xuất, cơ cấu giống, mùa vụ cùng với những biện pháp canh tác thích hợp đã từng bước nâng cao chất lượng gạo Việt Nam. Ngoài ra, các giống lúa thơm, chất lượng cao nhằm phục vụ những phân khúc thị trường cao cấp cũng được quan tâm hơn.
Đặc biệt, để tiếp tục tạo dựng môi trường thông thoáng, thúc đẩy đầu tư
, kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, thương mại gạo, ngày 15/8 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 10/2018/NĐ-CP7 thay thế Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh, xuất khẩu gạo.
“Một số cơ chế chính sách khác như Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo; Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo; Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam sẽ góp phần tăng cường liên kết, gắn sản xuất với thị trường theo chuỗi giá trị, bảo đảm chất lượng gạo xuất khẩu, xây dựng và khẳng định uy tín thương hiệu gạo Việt Nam”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.
Tuy nhiên, theo ông Đỗ Thắng Hải, mặc dù sản phẩm gạo đã có mặt ở hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trong đó có một số thị tường đòi hỏi chất lượng cao, song xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn cần khắc phục một số điểm yếu.
“Năng lực tiếp cận thâm nhập thị trường, marketing, đàm phán, ký kết thực hiện hợp đồng, xử lý tranh chấp thương mại quốc tế, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo còn hạn chế. Bởi vậy, sản phẩm gạo chưa gây dựng được thương hiệu nên ít được người tiêu dùng thế giới biết đến”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ.
Chú trọng hơn nữa chất lượng và an toàn
Với mục tiêu xây dựng và nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam trong xu thế cạnh tranh toàn cầu, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đã ngày càng chú trọng hơn vào chất lượng gạo xuất khẩu thay vì sản lượng. Cùng với đó, thời gian qua, các chính sách về xuất khẩu gạo đi vào thực tiễn đã giúp cho hoạt động kinh doanh lúa gạo của các doanh nghiệp trong ngành đi vào nề nếp, bài bản hơn.
Bà Nguyễn Thuý Kiều Tiên, Phó Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cho biết, Viện đã nghiên cứu và đưa ra nhiều giống lúa chất lượng cao để có thể đáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu của thị trường. “Hiện nay, Viện lúa ĐBSCL đang nghiên cứu chương trình phát triển giống lúa hạt rất dài, có đặc điểm thơm đậm, gạo trong, dài phù hợp với thị hiếu của thị trường và đó cũng là xu hướng chung của thế giới”, bà Tiên cho hay.
Để nâng cao giá trị gạo xuất khẩu, bà Tiên cũng đưa ra khuyến cáo, các doanh nghiệp cần chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa vào sản xuất những giống lúa chất lượng có thể chịu đựng được điều kiện bất lợi của môi trường, biến đổi khí hậu gia tăng. “Trong dài hạn, các doanh nghiệp cần sự đầu tư mạnh mẽ của Nhà nước cho công tác nghiên cứu chọn tạo giống lúa thơm, chất lượng cao tạo lợi thế cho xuất khẩu”, bà Tiên lưu ý.
Nhận thấy những năm gần đây, xu hướng xuất khẩu gạo chạy theo sản lượng của các doanh nghiệp Việt đã thay đổi, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời nhận xét, thế giới ngày nay nhắc đến gạo Việt là nhắc tới chất lượng và sự an toàn và ngành gạo đã có bước chuyển mình ngoạn mục.
Từ kinh nghiệm sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp, ông Thòn chia sẻ, doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần có sự thay đổi lớn để có thể ghi được tên mình vào bản đồ xuất khẩu thế giới.
“Lộc Trời áp dụng phương thức sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững. Khi đó, doanh nghiệp và người dân cùng nhau quy hoạch, tập trung nguyên liệu, sản xuất tập trung theo loại hình “cánh đồng mẫu lớn”, liên kết các hộ sản xuất nhỏ lại thành hộ sản xuất lớn, thành hợp tác xã. Chính nhờ sự liên kết này, câu chuyện sản xuất manh mún, phân tán, không rõ nguồn gốc tại Lộc Trời đã trở thành quá khứ”, ông Thòn nhấn mạnh.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hiện nay các quốc gia nhập khẩu đang có những động thái quản lý chặt hơn mặt hàng gạo. Đơn cử, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam đã duy trì chế độ nhập khẩu chặt chẽ thông qua hạn ngạch, kiểm tra an toàn thực phẩm nghiêm ngặt.
“Do đó, định hướng phát triển, sản xuất, xuất khẩu gạo thời gian tới cần theo quy trình sạch, tăng cường sản xuất gạo hữu cơ, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ lúa gạo; tổ chức sản xuất gạo theo quy trình chuẩn, đồng bộ từ khâu giống, canh tác, thu hoạch, chế biến, đóng gói… Cùng với đó, cần xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất lúa gạo hàng hóa có chất lượng để tạo dựng uy tín, tạo thương hiệu hạt gạo Việt Nam rõ nét hơn trên thị trường thế giới”, ông Trần Thanh Hải mong muốn.
Nguồn: Tổng hợp, duyệt bởi Farmtech Vietnam