Ninh Bình lần đầu trồng cây thuốc đinh lăng theo tiêu chuẩn GACP
Với dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất giống và dược liệu đinh lăng lá nhỏ”, Ninh Bình trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước trồng loài cây dược liệu này theo tiêu chuẩn GACP (thực hành trồng trọt tốt và thu hái) của WHO ở quy mô lớn.
Vườn giống đinh lăng lá nhỏ được trồng trong nhà lưới đảm bảo giống cây khỏe, sạch bệnh.
Sức hấp dẫn từ “cây nhân sâm của người nghèo”
Ông Vũ Văn Tâm – Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Dược liệu Vũ Gia – đơn vị chủ trì thực hiện dự án – cho biết, sau khi được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt, dự án bắt đầu triển khai từ tháng 9/2016.
Sở dĩ cây đinh lăng lá nhỏ được chọn làm đối tượng của dự án vì đây là cây dược liệu truyền thống của Việt Nam, được sử dụng làm thành phần chính trong nhiều loại thuốc – ông Tâm lý giải.
Bên cạnh đó, đinh lăng là loài cây dễ trồng, dễ chăm sóc, phù hợp với nhiều loại đất khác nhau. Thị trường tiêu thụ đinh lăng cũng rất rộng mở, tất cả các bộ phận của cây đinh lăng đều có thể dùng để chế biến thành cao, thuốc, trà…
Được coi là “nhân sâm của người nghèo”, cây đinh lăng đã và đang tạo ra thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình. “Do đây không phải là cây mới nên chúng tôi có thể tính toán được lợi nhuận. Sau 3 năm, cây đinh lăng cho thu hoạch có thể đem lại 150 – 200 triệu/ha/năm. Ngoài ra, trên cùng một diện tích có thể trồng xen canh các cây ăn quả khác” – ông Tâm nói.
Dự án được thực hiện nhằm giúp chuyển đổi cơ cấu cây trồng nông nghiệp hiệu quả thấp sang trồng cây dược liệu bản địa đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người dân tại huyện Nho Quan, Ninh Bình – nơi có khí hậu, địa chất phù hợp với sự phát triển của cây đinh lăng. Để tạo nguồn thu trước mắt, hiện dự án đang cho trồng xen hoa hòe, bưởi.
Từ nhỏ lẻ đến tập trung
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, cây đinh lăng lá nhỏ mới được trồng nhỏ, lẻ ở quy mô hộ gia đình, và chưa theo hướng sản xuất hàng hóa. Kỹ thuật trồng chủ yếu sử dụng cây hom tự khai thác trong tự nhiên hoặc tự để giống nên không bảo đảm. Có thể nói, chưa có quy trình công nghệ nào được áp dụng trong việc trồng và chế biến cây đinh lăng lá nhỏ tại địa phương.
ThS Phạm Tiến Duật – chủ nhiệm dự án – cho biết, dự án sẽ khắc phục những điểm hạn chế này với các quy trình công nghệ về sản xuất giống, trồng, thu hoạch và chế biến để có năng suất và hàm lượng hoạt chất đảm bảo theo yêu cầu. Dự án cũng đào tạo 10 cán bộ, kỹ thuật viên cơ sở; và tập huấn kỹ thuật cho 100 nông dân vùng dự án về sản xuất dược liệu theo GACP – WHO.
Theo tiêu chuẩn GACP, từ khâu giống, làm đất, đến nước tưới đều phải có nhật ký. Trong quá trình chăm sóc, việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phải áp dụng nguyên tắc 4 đúng (đúng loại, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp). Khâu sơ chế cũng tuân thủ tiêu chuẩn nước rửa sạch, công đoạn thái sơ chế đảm bảo trong điều kiện sạch sẽ, nhà xưởng đảm bảo khép kín.
“Chúng tôi đang xây dựng vườn đinh lăng giống gốc rộng 1,5ha theo tiêu chuẩn GACP. Sau đó sẽ xây dựng mô hình thâm canh đảm bảo năng suất và hàm lượng hoạt chất để phát triển vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất và chế biến dược liệu với quy mô 30ha, năng suất 10 tấn tươi/ha, tương đương khoảng 2,0 tấn khô/ha; xây dựng nhà xưởng và hoàn thiện quy trình thu hoạch, sấy khô và bảo quản nguyên liệu dược liệu” – ông Duật cho biết.
Nếu thành công, Ninh Bình sẽ có cơ hội mở rộng vùng sản xuất nguyên liệu dược liệu đạt tiêu chuẩn cho các đơn vị sản xuất chế biến thuốc trong và ngoài nước, ông Duật kỳ vọng.
Theo Chủ tịch HĐQT Công ty Vũ Gia, trước Ninh Bình, mới có một dự án trồng đinh lăng theo tiêu chuẩn GACP ở Nam Định, nhưng quy mô nhỏ. Công ty Vũ Gia cam kết thu mua hết sản lượng đinh lăng theo hợp đồng ký kết ngay từ đầu vụ sản xuất với giá mua đảm bảo lợi ích cho người nông dân. Đồng thời Công ty Vũ Gia cũng phối hợp với các công ty như Traphaco, Sao Thái Dương, Mediplantex, Nam Dược… để cung cấp các sản phẩm dược liệu từ cây đinh lăng lá nhỏ cho thị trường trong và ngoài nước.
Nguồn: Khoahocvaphattrien.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.