Mô hình trồng dưa chuột bao tử xuất khẩu.
Dưa chuột (tên khoa học Cucumis sativus) (miền nam gọi là dưa leo) là một cây trồng phổ biến trong họ bầu bí cucurbitaceae, là loại rau ăn quả thương mại quan trọng, nó được trồng lâu đời trên thế giới và trở thành thực phẩm của nhiều nước.
Cây giống.
Có thể mua hạt giống ở những trung tâm giống, ở mỗi tỉnh đều có trung tâm giống cây trồng vật nuôi.
Đất trồng.
Dưa chuột bao tử thích hợp trồng trên đất pha cát, đất thịt nhẹ, phát triển tốt ở độ ẩm 70-80%. Do đó, người trồng cần đánh luống cao, rãnh sâu để cây non không bị úng rễ, cây trưởng thành hạn chế sâu bệnh.
Kỹ thuật trồng.
Dùng cây nứa hoặc vật liệu sẵn có làm giàn cho cây, giàn cao 1,2-1,5m. Có sự phân tầng, khoảng cách giữa các chân giàn 20-25cm tùy theo khoảng cách cây trồng. Dựng giàn theo luống, đan chéo cây cọc cho chắc chắn.
Khoảng cách mỗi gốc dưa khoảng 20-40cm, một luống trồng từ 200 đến 250 cây.
Chăm sóc.
Thường xuyên kiểm tra, phòng và trừ sâu bệnh, làm cỏ, bón phân cân đối, dọn dẹp ruộng thường xuyên.
Giữ đủ nước ở rãnh luống, cây leo đến đâu cần buộc ngọn và nhánh vào giàn tới đó. Người chăm sóc cũng phải thường xuyên cắt tỉa các loại lá vàng, đốm héo nhằm tránh lây lan bệnh cho vườn. Chu kỳ phun thuốc bảo vệ thực vật và thời gian cách ly giữa mỗi kỳ là 3-4 ngày.
Thu hoạch.
Sau khi trồng từ 30 đến 35 ngày, dưa chuột bắt đầu cho thu hoạch. Mỗi đợt thu hái cách nhau khoảng 4 ngày.
Dưa bao tử lớn rất nhanh, chỉ trong vòng một ngày có thể đạt kích cỡ tiêu chuẩn từ 3 đến 5cm nên cần thu hái thường xuyên. Vào dịp thu hoạch, người dân có thể hái 2 lần mỗi ngày vào buổi sáng và chiều. Nếu để quá kích cỡ, giá bán sẽ bị giảm.
Sản lượng dưa chuột bao tử trung bình đạt khoảng 1,5 tấn trên mỗi ha. Giá thu mua ổn định ở mức 7.000 đồng một kg, loại to hơn có giá 4.500-5.000 đồng một kg. Chi phí sản xuất gồm tiền giống, phân bón, thuốc trừ sâu, tre, nứa bắc giàn chỉ từ 500.000 đến 700.000 đồng cho cả vụ. Lợi nhuận thu về cao gấp 2 lần trồng lúa.
Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.