Close

Đăng ký

Close

Thông tin Đăng nhập

Giới tính:

Thông tin chuyên môn

Bạn là:
Lĩnh vực:

Triển khai mô hình trồng măng Tây ở Ninh Hòa

Thứ 5, ngày 05/10/2017 683

Hiện nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa đang triển khai hỗ trợ mô hình trồng măng Tây ở Ninh Hòa. Hy vọng với sự chuẩn bị kỹ càng, cây trồng có giá trị kinh tế cao này sẽ đâm chồi nảy lộc và thêm chọn lựa về cây trồng cho nông dân Khánh Hòa.

Cây măng tây

Cây trồng có thu nhập khá

Người ta gọi là măng Tây do có nguồn gốc từ phương Tây nhằm để phân biệt với “măng ta” như: măng tre, măng nứa… Măng Tây là một loại cây trồng lâu năm để thu hoạch chồi non, loại rau có giá trị dinh dưỡng cao và mang dược tính nên được thị trường trong và ngoài nước rất chuộng. Cây măng Tây du nhập vào Việt Nam từ gần 60 năm trước. Hiện nay đã trở thành cây trồng khá phổ biến ở nhiều địa phương trên cả nước, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ nông dân.

Theo tính toán, cứ sau khoảng 4 tháng trồng là măng Tây đã cho thu hoạch đều đặn mỗi ngày, thời gian thu hoạch thường từ 8 đến 10 tháng mỗi năm và kéo dài trong 8 – 10 năm mỗi đợt xuống giống. Mỗi sào măng Tây (1.000m2) ở độ trưởng thành cho thu hoạch trung bình 10kg măng/ngày. Với giá bán bình quân là 50 nghìn đồng/kg, mỗi ngày sau khi trừ các chi phí, nông dân có thể bỏ túi tới 300 nghìn đồng. Đó là một mức thu nhập cao so với nhiều loại cây trồng khác.

Tuy nhiên, măng Tây với đặc tính sinh trưởng theo kiểu thay thế, cây măng con khỏe mạnh liên tục được sử dụng để thay thế cây măng mẹ nên công tác chăm sóc, cắt tỉa, chọn cây thay thế được thực hiện một cách thường xuyên, đòi hỏi mức độ tỉ mỉ, dày công của người trồng. Ngoài ra, măng Tây thích hợp với địa hình cao ráo, đặc biệt là ở những bãi bồi phù sa, thường là ven sông, suối; tuy nhiên, đây lại là những nơi dễ bị ngập úng vào mùa mưa nên không dễ tìm kiếm được các khu vực đáp ứng đồng thời được các đòi hỏi này. Ngoài ra, giá giống cây măng Tây khá cao. Hiện nay, mỗi gốc giống được bán với giá 10 nghìn đồng, mỗi hạt giống là 6 nghìn đồng. Mỗi héc-ta măng Tây, nông dân phải bỏ ra số vốn hàng trăm triệu đồng về giống, phân bón. Đặc biệt, măng Tây thường già đi một cách nhanh chóng và giảm hẳn giá trị, thậm chí là trở thành phế phẩm nếu không tuân thủ tốt các đòi hỏi về bảo quản sau thu hoạch.

Mô hình măng Tây từng được trồng tại Khánh Hòa

Trông chờ từ mô hình điểm

Theo ông Đào Đình Cương – Trưởng phòng Khuyến nông Trung tâm Khuyến nông tỉnh, thực hiện kế hoạch năm 2017, trung tâm tiến hành hỗ trợ cho 1 mô hình trồng măng Tây trên diện tích 4.500m2 của hộ ông Phan Đình Thành tại xã Ninh Thân, thị xã Ninh Hòa. Trong đó, nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cấp cho hoạt động khuyến nông sẽ hỗ trợ 70% chi phí giống và 30% chi phí vật tư phân bón, với số tiền hỗ trợ khoảng 80 triệu đồng. Nông dân bỏ ra khoảng 60 triệu đồng để trồng khoảng 10 nghìn gốc măng Tây trên diện tích đó. Theo ông Nguyễn Tiến – Trưởng trạm Khuyến nông thị xã Ninh Hòa, hiện nay, người dân đã hoàn tất việc chuẩn bị đất, dự kiến trong tháng 8 sẽ tiến hành xuống giống.

Được biết, cây măng Tây đã được trồng thử nghiệm tại Khánh Hòa vào các năm 2012, 2013 và 2014, nhưng chưa mang lại thành công như mong đợi. Nguyên nhân chính được cơ quan chuyên môn rút ra là do kinh nghiệm, kiến thức chăm sóc loại cây này của nông dân chưa thực sự đầy đủ.

Ông Đào Đình Cương cho biết, trong ít ngày tới, công tác tập huấn kỹ thuật trồng măng Tây sẽ được Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức tại Ninh Hòa. Và với tính chất của một mô hình điểm, hoạt động hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch cũng sẽ được thực hiện xuyên suốt quá trình thử nghiệm. Trung tâm coi đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, thường xuyên trong quá trình triển khai mô hình. Đồng thời, ngoài 4.500m2 kể trên, trong thời gian tới, diện tích trồng măng Tây sẽ tiếp tục được khuyến khích mở rộng nhằm đáp ứng đủ số lượng thu hoạch mỗi ngày theo yêu cầu của các đơn vị thu mua. “Tại tỉnh Ninh Thuận, phong trào chuyển đổi sang trồng măng Tây đang phát triển và mang lại hiệu quả rõ rệt cho người nông dân. Măng Tây đạt chất lượng và số lượng đang được nhiều doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội tổ chức thu mua để xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Khánh Hòa cũng đã tiếp cận được với các doanh nghiệp này nên người nông dân không lo về đầu ra”, ông Cương khẳng định.

Hy vọng mô hình này sẽ mang lại thành công, mở ra hướng đi mới cho cây trồng ở khu vực lân cận và xa hơn là triển khai diện rộng ở những khu vực thích hợp trên toàn tỉnh.

 

 

Nguồn: đã kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Các chuyên gia về lĩnh vực này:

Trần Anh Ân