Đua nhau trồng, cam Cao Phong mất giá mạnh
Giá cam sành ở ĐBSCL có loại chỉ còn 4.000-6.000 đồng/kg, giảm 1/3 giá so với năm ngoái. Trong khi đó, tại thủ phủ cam Cao Phong, các chủ vườn cho biết giá cam cũng đang giảm mạnh do người dân ồ ạt trồng, cam lại được mùa khiến cung vượt cầu.
Giá cam Cao Phong đang giảm do nguồn cung dồi dào
Theo Bộ NN-PTNT, nửa cuối tháng 11, người dân ĐBSCL đang thất thu lớn vì giá cam sành tại các tỉnh này giảm 1/3 so với năm ngoái. Cụ thể, giá cam loại 1 thương lái thu mua tại vườn chỉ còn 7.000-8.000 đồng/kg; các loại còn lại dao động từ 4.000-6.000 đồng/kg, tức giảm hơn 20.000 đồng/kg so với thời điểm cùng kỳ năm trước.
Các nhà vườn ở ĐBSCL cho biết, chi phí trồng mỗi 1ha cam sành hết khoảng 500-700 triệu đồng. Trong khi, với mức giá bán hiện tại, họ đang thua lỗ nặng, đặc biệt là những vườn mới cho quả trong năm nay.
Nguyên nhân khiến giá cam sành giảm, theo các thương lái và nhà vườn, là do sản lượng cam sành quá nhiều dẫn đến cung vượt cầu nên giá giảm thê thảm.
Tương tự, tại thủ phủ cam Cao Phong (Hòa Bình), sau mấy năm được mùa, nông dân trồng cam trúng lớn thì năm nay, giá cam tại địa phương này lại quay đầu giảm mạnh.
Anh Bùi Văn Khánh, ở thị trấn Cao Phong, chia sẻ, mùa cam năm nay, số lượng thương lái đến tận vườn cắt không giảm, nhưng giá cam lại hạ xuống đôi chút. Nếu cuối năm ngoái, giá cam lòng vàng cắt tại vườn có giá 28.000-30.000 đồng/kg thì hiện nay chỉ còn 20.000 đồng/kg. Giá cam bán lẻ trên thị trường khoảng 30.000 đồng/kg, thấp hơn so với mức 40.000-50.000 đồng/kg của năm ngoái.
Một số nhà vườn chia sẻ, nguồn cung đang vượt cầu do người dân ồ ạt mở rộng diện tích khiến giá cam giảm.
Ông Trần Văn Tiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình, cho biết, mặc dù trải qua trận lũ lịch sử nhưng cam năm nay ở huyện Cao Phong vẫn được mùa và có chất lượng ổn định. Theo đó, giống cam lòng vàng cho thu hoạch sớm nhất trong các giống cam trồng ở Cao Phong. Đây cũng là giống cam ngon đã tạo nên thương hiệu cam Cao Phong nổi tiếng.
Ngoài cam ở Cao Phong, năm nay, ở Hòa Bình còn có thêm diện tích cam được trồng tại huyện Lạc Thủy và Kim Bôi. Với sản lượng khá dồi dào, giá cam có giảm chút ít. “Nhưng không có chuyện cam Cao Phong sắp ‘vỡ trận’ vì sản lượng quá cao, không tiêu thụ hết”, ông Tiệp khẳng định.
Theo thống kê của UBND huyện Cao Phong, tổng diện tích cây có múi của toàn huyện là trên 2.800ha, trong đó riêng cây cam là 1.652ha, ước tính cho 33.000 tấn quả. So với năm 2010, diện tích cam ở Cao Phong đã tăng gấp 4 lần.
Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.