Close

Đăng ký

Close

Thông tin Đăng nhập

Giới tính:

Thông tin chuyên môn

Bạn là:
Lĩnh vực:

Kỹ thuật trồng Cải Thìa (P2)

Thứ 6, ngày 02/02/2018 917

Ở phần 1, Fman đã giới thiệu cho các bạn về kỹ thuật trồng và bón phân cho cải thìa, ở phần 2, chúng tôi sẽ giới thiệu cho các bạn biện pháp phòng trừ sâu bệnh cũng như biện pháp thu hoạch cải thìa.

8. Phòng trừ sâu bệnh hại trên cây cải thìa:

– Nguyên tắc phòng trừ sâu hại bằng thuốc hóa học: Sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc, đúng nồng độ-liều lượng, đúng lúc và đúng cách.

Sử dụng luân phiên các loại thuốc hoá học, ưu tiên sử dụng các loại thuốc vi sinh, điều hoà sinh trưởng, gốc cúc tổng hợp. Bắt đầu phun khi có sâu hại, mỗi vụ có thể phun 2- 4 lần tùy tình hình sâu hại, đảm bảo đúng thời gian cách ly (Theo khuyến cáo của nhà sản xuất ghi trên nhãn thuốc). Ngoài biện pháp hoá học khi thăm vườn lưu ý bắt sâu bằng tay và ngắt bỏ các ổ trứng sẽ giảm được mật số sâu.

– Một số đối tượng sâu, bệnh hại chính.

8.1 Sâu hại:

a. Bọ nhảy (Phyllotreta striolata)

– Tập quán sinh sống và gây hại:

+ Thành trùng thường ẩn nấp vào nơi ẩm mát, mặt dưới lá gần mặt đất khi trời nắng, có khả năng nhảy xa và bay rất nhanh. Thường bò lên mặt lá ăn phá vào lúc sáng sớm và chiều tối, cắn lủng khắp mặt lá, làm lá có thể bị vàng và rụng.

+ Ấu trùng ăn rễ cây làm cây bị còi cọc, đôi khi héo hoặc thối.

+ Xuất hiện gây hại trên cải rất sớm: gây hại cả giai đoạn cây con cho đến lúc thu hoạch.

– Phòng trừ:

+ Vệ sinh ruộng sau khi thu hoạch, thu gom các cây cải hoặc lá cải hư vào một nơi để tiêu hủy.

+ Luân canh với các loại cây trồng khác không phải họ cải, góp phần hạn chế thiệt hại của vụ sau.

+ Khi cần thiết có thể sử dụng thuốc để phòng trừ như: Tậpkỳ, Sec-Saigon, Actara, Sokupi, Dibonin …

+ Chú ý xử lý đất bằng phơi đất và xử lý đất bằng thuốc hóa học như: Dibonin 5G, BM-Tigi 5H để hạn chế sâu non. Sử dụng các bẩy dính (dùng mỡ bò) để bắt trưởng thành.

b. Sâu tơ (Plutella xylostella):

– Tập quán sinh sống và cách gây hại:

+ Sâu tơ có tính ăn hẹp, chỉ gây hại các cây thuộc họ cải.

+ Sâu non mới nở bò lên mặt lá gặm biểu bì tạo thành những đường rảnh nhỏ ngoằn ngoèo.

+ Từ tuổi 2, sâu ăn thịt lá để lại lớp biểu bì tạo thành những vết trong mờ.

+ Sâu lớn ăn toàn bộ biểu bì lá làm lá thủng lỗ chỗ, khi mật độ sâu cao ruộng rau bị hại xơ xác, giảm năng suất và chất lượng rau. Gây hại quanh năm, gây hại từ vườn ươm đến thu hoạch.

+ Thành trùng là một loại ngài nhỏ màu nâu xám, trên cánh trước có nhiều đốm nhỏ màu nâu. Khi đậu 2 cánh xếp trên lưng. Thành trùng ban ngày thường ẩn nấp dưới lá, nhập nhoạng tối mới ra bắt cặp và đẻ trứng.

– Phòng trừ.

+ Luân canh, xen canh với cây khác họ thập tự.

+ Vệ sinh đồng ruộng, hủy bỏ tàn dư cây trồng.

+ Sâu có khả năng kháng thuốc cao do vậy nên dùng luân phiên xen kẽ các loại thuốc, dùng thuốc B.T, Dipel, Tập kỳ, Success, Pegasus. Kết hợp biện pháp tưới phun mưa vào lúc chiều tối 6-8 giờ để hạn chế sự đẻ trứng và làm rửa trôi trứng.

+ Nên áp dụng biện pháp IPM hoặc trồng rau trong nhà lưới.

c. Sâu ăn tạp- sâu khoang (Spodoptera litura)

– Tập quán sinh sống và cách gây hại:

+ Bướm thường vũ hoá vào buổi chiều và hoạt động vào lúc vừa tối, ban ngày bướm đậu ở mặt sau lá hoặc trong các bụi cỏ. Bướm hoạt động từ tối đến nửa đêm, có thể bay xa đến vài chục mét và cao đến 6-7 mét.

+ Sâu non có khả năng biến đổi màu sắc từ xanh thẩm đến nâu tối, sống tập trung.

+ Là loại ăn tạp gây hại trên nhiều loại cây trồng nên có mặt quanh năm trên đồng ruộng.

+ Sâu cắn phá mạnh vào lúc sáng sớm nhưng khi có ánh nắng sâu chui xuống dưới tán lá để ẩn nắp. Chiều mát sâu bắt đầu hoạt động trở lại và phá hại suốt đêm.

+ Sâu làm nhộng trong đất.

– Phòng trừ:

+ Đất trước khi trồng cần phải được cày, phơi và xử lý thuốc trừ sâu hoặc cho ruộng ngập nước 2-3 ngày để diệt nhộng, sâu non có trong đất.

+ Phải thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện sâu, ngắt bỏ ổ trứng hoặc tiêu diệt sâu non mới nở khi chưa phân tán đi xa.

+ Thành trùng có khuynh hướng thích mùi chua ngọt và ánh sáng đèn, do đó có thể dùng bả chua ngọt để thu hút bướm khi chúng phát triển rộ.

+ Bả chua ngọt gồm: 4 phần giấm + 1 phần mật + 1 phần rượu + 1 phần nước. Sau đó đem bả mồi vào chậu rồi đặt ở ngoài ruộng vào buổi tối nơi thoáng gió có độ cao 1m so với mặt đất.

+ Có thể sử dụng các loại thuốc hoá học gốc Cúc tổng hợp, Match, Pegasus, Anitox… để diệt sâu.

Cần lưu ý: Sâu ăn tạp rất dễ kháng thuốc, nên luân phiên nhiều loại thuốc để phun.

d. Sâu đục nõn (Hellula undalis fabricius):

– Bướm nhỏ, màu nâu xám đậm, đời sống của bướm ngắn (1 tuần), đẻ 100-200 trứng rải rác trên các lá non của đọt cải.

– Ấu trùng màu hồng, đầu đen và có những sọc đen chạy dọc thân mình, thời gian phát triển lâu độ 10 ngày, nhộng màu đỏ nâu, phát triển 6-8 ngày.

Ấu trùng nở ra thường sống tập trung tìm ăn ở đọt non của cây cải. Chúng nhả tơ bao phủ đọt cải và ăn ở bên trong làm cho đọt non bị chết nên gây thiệt hại đáng kể cho cải bắp, cải ngọt, bẹ xanh và cải bông.

– Phòng trừ:

+ Thường xuyên thăm ruộng cải để phát hiện sớm khi sâu vừa xuất hiện, còn ở ngoài lá chưa chui vào trong đọt cải để dễ dàng áp dụng các loại thuốc hoá học

+ Có thể sử dụng các loại thuốc hoá học gốc Cúc tổng hợp, Match, Pegasus, Anitox… để diệt sâu.

8.2. Bệnh hại trên cải thìa

a. Bệnh thối nhũn vi khuẩn (Erwinia carotovora):

– Bệnh xuất hiện nặng vào mùa mưa, nhưng chưa có thuốc nào phòng trừ hiệu quả.

– Để quản lý bệnh thối nhũn, chủ yếu sử dụng các biện pháp canh tác: Trước hết cần có cơ cấu luân canh hợp lý, đối với vùng đất bị nhiễm bệnh nặng, cần luân canh trên hai vụ.

– Khi xuất hiện bệnh cần giảm tưới nước, nhổ bỏ cây bệnh và xử lý vôi ở vị trí cây bệnh để tránh lây lan. Rắc thêm tro để giảm ẩm độ trong ruộng, dùng thuốc Starner, Kasumin 2L, Kasuran để hạn chế sự phát triển bệnh.

b. Bệnh đốm lá vi khuẩn (Xanthomonas campestris pv):

– Vi khuẩn tồn tại trong tàn dư cây trồng, đất, hạt giống.

– Vết bệnh thường xuất hiện ở mặt dưới của lá, triệu chứng ban đầu là đốm xanh giọt dầu, sũng nước, gần giống như vết bọ nhảy phá hại, bệnh nặng mặt trên lá màu vàng sáng.

– Điều kiện thời tiết nóng ẩm xen kẽ thuận lợi cho bệnh phát triển.

– Phòng trừ: Thu gom tàn dư, mật độ cây không trồng dầy, sử dụng giống chống chịu bệnh, có thể sử dụng thuốc Starner, Kasumin 2L, Kasuran để hạn chế sự phát triển bệnh. Ngoài ra khi trời mưa có thể hạn chế sự lây lan phát triển bệnh bằng cách che chắn luống.

c. Bệnh thối hạch lá (Rhizoctonia solani):

Gây hại nặng vào mùa mưa phun thuốc khi bệnh xuất hiện, nếu bệnh nặng có thể phun thuốc 2-3 lần cách nhau 5-7 ngày, thường phun thuốc phòng trừ kết hợp phòng trừ bệnh thối nhũn. Có thể dùng Ridomil, Moceren, Validacin.

9. Các kỹ thuật khác

– Chú ý làm cỏ kịp thời. Đối với cải được gieo trực tiếp lên liếp, cần chú ý tỉa thưa hợp lý (khoảng cách 20 x 20cm) nếu để dày quá sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây và cây dễ bị nhiễm bệnh.

– Tưới đủ ẩm để cây sinh trưởng tốt, tưới đẫm quá cải dễ bị nhiễm bệnh.

– Tưới nước 2-3 lần trong ngày.

10. Thu hoạch và xử lý sau thu hoạch

Tiến hành thu hoạch đúng độ tuổi sinh trưởng, không để cải ngồng làm mất giá trị thương phẩm; đảm bảo thời gian cách ly thuốc BVTV, phân đạm; đảm bảo các chỉ tiêu an toàn cho người tiêu dùng. Áp dụng qui trình thu hoạch và xử lý sau thu hoạch theo Quyết định 379/QĐ-BNN-KHCN ngày 28/01/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ban hành Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau, quả tươi an toàn.

11. Ghi chép, lưu trữ hồ sơ, truy nguyên nguồn gốc và thu hồi sản phẩm:

Quy định tại mục 10, chương II của Quyết định số 379/QĐ-BNN-KHCN ngày 28/01/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ban hành Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau, quả tươi an toàn.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Các chuyên gia về lĩnh vực này:

Trần Anh Ân Tấn Phát Đức Dương