Close

Đăng ký

Close

Thông tin Đăng nhập

Giới tính:

Thông tin chuyên môn

Bạn là:
Lĩnh vực:

Kỹ thuật trồng Cải Thìa (P1)

Thứ 6, ngày 02/02/2018 4070

Cây cải thìa có đặc điểm hình thái: cuống lá hình lòng máng, màu trắng, phiến lá hơi tròn, cây mọc gọn có thể trồng gần như quanh năm. Thời gian sinh trưởng từ 35 – 40 ngày, dễ trồng, chi phí đầu tư thấp.

1. Giống

– Sử dụng các giống năng suất cao, thích hợp với điều kiện địa phương, có nguồn gốc rõ ràng, có trong danh mục được phép kinh doanh tại Việt nam.

– Nếu giống tự sản xuất phải có hồ sơ ghi lại đầy đủ các biện pháp xử lý hạt giống, xử lý cây con, hoá chất sử dụng, thời gian, tên người xử lý và mục đích xử lý. Trong trường hợp giống không tự để giống phải có hồ sơ ghi rõ tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân, thời gian cung cấp, số lượng, chủng loại, phương pháp xử lý giống (nếu có).

– Lượng giống:

+ Gieo hạt trực tiếp lên liếp: 400-600gr/1000m2.

+ Gieo qua liếp ươm: 100-200gr hạt gieo trên 100m2 cấy cho 1000m2. Tuổi cây con được nhổ trồng lại 17 – 23 ngày tuổi tùy theo mùa vụ.

– Xử lý giống: xử lý khô hạt giống bằng Roval, Benlate-C hoặc Aliette, lượng dùng: 1gr thuốc cho 10 gr hạt. Sau khi gieo hạt, phủ một lớp đất trộn phân chuồng hoai mỏng, rồi phủ một lớp rơm mỏng, tưới đủ ẩm.

2. Thời vụ:

– Cải thìa có thể trồng quanh năm, tuy nhiên trong mùa khô năng suất đạt được cao hơn. Trong mùa mưa khi trồng cần phải có biện pháp che chắn (lưới, giàn che…) để tránh nước mưa làm rách, dập lá.

– Thời gian cấy đến thu hoạch 18-25 ngày .

– Thời gian gieo đến thu hoạch (không qua vườn ươm) 35-40ngày.

– Phải lập hồ sơ lịch canh tác.

3. Chuẩn bị đất:

– Yêu cầu: Cải thìa có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau. Đất thích hợp trồng cải thìa là loại đất có nhiều mùn, tơi xốp, thoát nước tốt không bị ngập úng. Đất không bị ô nhiễm các chất độc, kim loại nặng….Theo Quyết định số 106/2007/QĐ-BNN ngày 28/12/2007 về việc Ban hành Quy định về sản xuất và kinh doanh rau an toàn, mức giới hạn tối đa cho phép của một số kim loại nặng trong đất như sau:

Bảng 1: Mức giới hạn tối đa cho phép của một số kim loại nặng trong đất

TT
Nguyên tố
Mức giới hạn tối đa

cho phép (mg/kg)

Phương pháp thử
1 Asen (As) 12,0 TCVN 6498:1999; 10 TCN 797:2006
2 Cardimi (Cd)  2,0 TCVN 6498:1999; 10 TCN 796:2006
3 Chì (Pb) 70,0 TCVN 6498:1999; 10 TCN 796:2006

Trong mùa mưa cần có biện pháp che phủ (rơm hoặc nylon) để tránh đất bám trên lá, cây dễ nhiễm bệnh và làm giảm giá trị thương phẩm của rau.

– Kỹ thuật làm đất: làm đất tơi xốp, tùy điều kiện tốt nhất nên phơi ải đất từ 7- 10 ngày trước khi lên liếp mới.

– Kích thước liếp: chiều dài tùy theo kích thước vườn, rộng 1 – 1,2m x cao 10 -15cm ( mùa mưa lên liếp cao 20-25cm). Khoảng cách giữa hai liếp khoảng 25 – 30cm để thoát nước và đi lại chăm sóc, tưới nước.

– Xử lý đất: tiến hành xử lý đất 3 ngày trước khi trồng, sử dụng Dibonin 5G, BM-Tigi 5H, Pounce 1.5G để phòng trừ sâu đất, tuyến trùng.

– Hàng năm phải tiến hành phân tích, đánh giá các nguy cơ tiềm ẩn trong đất và giá thể theo tiêu chuẩn hiện hành của Nhà nước.

– Khi cần thiết phải xử lý các nguy cơ tiềm ẩn từ đất và giá thể, tổ chức và cá nhân sản xuất phải được sự tư vấn của nhà chuyên môn và phải ghi chép và lưu trong hồ sơ các biện pháp xử lý.

– Không được chăn thả vật nuôi gây ô nhiễm nguồn đất, nước trong vùng sản xuất. Nếu bắt buộc phải chăn nuôi thì phải có chuồng trại và có biện pháp xử lý chất thải đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường và sản phẩm sau thu hoạch.

4. Nước tưới:

– Nước tưới cho sản xuất và xử lý sau thu hoạch rau phải đảm bảo theo tiêu chuẩn hiện hành của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn mà Việt Nam đang áp dụng.

Theo Quyết định số 106/2007/QĐ-BNN ngày 28/12/2007 về việc Ban hành Quy định về sản xuất và kinh doanh rau an toàn, mức giới hạn tối đa cho phép của một số chất trong nước tưới như sau:

Bảng 2: Mức giới hạn tối đa cho phép của một số chất trong nước tưới

TT Nguyên tố Mức giới hạn tối đa

cho phép (mg/lít)

Phương pháp thử
1 Thủy ngân 0,001 TCVN 5941:1995

TCVN 6665:2000

2 Cardimi(Cd) 0,01 TCVN 6665:2000
3 Asen (As) 0,1 TCVN 6665:2000
4 Chì (Pb) 0,1 TCVN 6665:2000

– Việc đánh giá nguy cơ ô nhiễm hóa chất và sinh học từ nguồn nước sử dụng cho: tưới, phun thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng cho bảo quản, chế biến, xử lý sản phẩm, làm sạch và vệ sinh, phải được ghi chép và lưu trong hồ sơ.

– Trường hợp nước của vùng sản xuất không đạt tiêu chuẩn phải thay thế bằng nguồn nước khác an toàn hoặc chỉ sử dụng nước sau khi đã xử lý và kiểm tra đạt yêu cầu về chất lượng. Ghi chép phương pháp xử lý, kết quả kiểm tra và lưu trong hồ sơ.

– Không dùng nước thải công nghiệp, nước thải từ các bệnh viện, các khu dân cư tập trung, các trang trại chăn nuôi, các lò giết mổ gia súc gia cầm, nước phân tươi, nước giải chưa qua xử lý trong sản xuất và xử lý sau thu hoạch.

5. Khoảng cách trồng

– Khoảng cách trồng 20 x20 cm hoặc 20 x 15 cm.

6. Phân bón, chất phụ gia:

– Từng vụ phải đánh giá nguy cơ ô nhiễm hoá học, sinh học và vật lý do sử dụng phân bón và chất phụ gia, ghi chép và lưu trong hồ sơ. Nếu xác định có nguy cơ ô nhiễm trong việc sử dụng phân bón hay chất phụ gia, cần áp dụng các biện pháp nhằm giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm lên rau.

– Chỉ sử dụng các lọai phân bón có trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Sử dụng phân hữu cơ và phân vô cơ đúng liều lượng, đúng kỹ thuật và đúng thời điểm, không bón thừa phân đạm(N), đảm bảo cách ly phân đạm từ 7-10 ngày trước khi thu hoạch. Không lạm dụng các chế phẩm tăng trưởng, các chất kích thích, phân bón lá vì sẽ gây tốn kém, dễ bị nhiễm sâu bệnh.

– Phân hữu cơ phải được ủ hoai đúng phương pháp, đúng kỹ thuật, không sử dụng phân bắc, phân rác… để bón cho rau.

– Không sử dụng phân hữu cơ chưa qua xử lý (ủ hoai mục). Trong trường hợp phân hữu cơ được xử lý tại chỗ, phải ghi lại thời gian và phương pháp xử lý. Trường hợp không tự sản xuất phân hữu cơ, phải có hồ sơ ghi rõ tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân vả thời gian cung cấp, số lượng chủng loại, phương pháp xử lý.

– Nơi chứa phân bón hay khu vực để trang thiết bị phục vụ phối trộn và đóng gói phân bón, chất phụ gia cần phải được xây dựng và bảo dưỡng để giảm nguy cơ gây ô nhiễm vùng sản xuất và nguồn nước.

– Lưu giữ hồ sơ phân bón và chất phụ gia khi mua (ghi rõ nguồn gốc, tên sản phẩm, thời gian và số lượng mua).

– Lưu giữ hồ sơ khi sử dụng phân bón và chất phụ gia (ghi rõ thời gian bón, tên phân bón, địa điểm, phương pháp bón phân và tên người bón).

-Lượng phân dùng trên diện tích 10m2 đất trồng cải thìa bao gồm:

+ Phân hữu cơ: Phân chuồng hoai từ 10-15kg hoặc phân hữu cơ vi sinh liều lượng từ 1-2kg.

+ Phân vô cơ: Urê 50-100gr; DAP 50gr; NPK 16-16-8 300-350gr tùy thuộc vườn cấy hoặc vườn gieo thẳng. Trường hợp không có phân hữu cơ có thể tăng gấp đôi liều lượng từng loại phân.

-Cách bón:

Bón lót: Dùng cho vườn ươm và vườn sản xuất (vườn cấy hoặc gieo thẳng)

10-15kg phân chuồng hoai (hoặc 1-2kg hữu cơ vi sinh) + 150gr NPK.

Bón thúc:

*Vườn ươm:

Bón thúc 1 lần vào giai đoạn 10 ngày sau gieo: tưới 50gr urê +50gr DAP.

*Đối với vườn cấy: Được bón thúc 2 lần:

Lần 1: 5-7 ngày sau cấy, tưới 50gr urê + 50gr DAP.

Lần 2: 10 ngày sau cấy, tưới 150gr NPK.

*Đối với cải sạ thẳng (không qua giai đoạn vườn ươm): Bón thúc 3 lần: Lần 1: 10 ngày sau gieo 50gr urê + 50gr NPK.

Lần 2: 17 ngày sau gieo 50gr urê + 50gr DAP.

Lần 3: 25 ngày sau gieo 150gr NPK.

7. Hoá chất (bao gồm cả thuốc bảo vệ thực vật)

– Người lao động và tổ chức, cá nhân sử dụng lao động phải được tập huấn về phương pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các biện pháp sử dụng bảo đảm an toàn.

– Trường hợp cần lựa chọn thuốc bảo vệ thực vật và chất điều hoà sinh trưởng cho phù hợp, cần có ý kiến của người có chuyên môn về lĩnh vực bảo vệ thực vật.

– Nên áp dụng các biện pháp quản lý sâu bệnh tổng hợp (IPM), quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) nhằm hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

– Chỉ được phép mua thuốc bảo vệ thực vật từ các cửa hàng được phép kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật.

– Chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục được phép sử dụng cho từng loại rau, qủa tại Việt Nam.

– Phải sử dụng hoá chất đúng theo sự hướng dẫn ghi trên nhãn hàng hoá hoặc hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm đảm bảo an toàn cho vùng sản xuất và sản phẩm.

– Các hỗn hợp hoá chất và thuốc bảo vệ thực vật dùng không hết cần được xử lý đảm bảo không làm ô nhiễm môi trường.

– Sau mỗi lần phun thuốc, dụng cụ phải vệ sinh sạch sẽ và thường xuyên bảo dưỡng, kiểm tra. Nước rửa dụng cụ cần được xử lý tránh làm ô nhiễm môi trường.

– Kho chứa hoá chất phải đảm bảo theo quy định, xây dựng ở nơi thoáng mát, an toàn, có nội quy và được khoá cẩn thận. Phải có bảng hướng dẫn và thiết bị sơ cứu. Chỉ những người có trách nhiệm mới được vào kho.

– Không để thuốc bảo vệ thực vật dạng lỏng trên giá phía trên các thuốc dạng bột.

– Hoá chất cần giữ nguyên trong bao bì, thùng chứa chuyên dụng với nhãn mác rõ ràng. Nếu đổi hoá chất sang bao bì, thùng chứa khác, phải ghi rõ đầy đủ tên hoá chất, hướng dẫn sử dụng như bao bì, thùng chứa hoá chất gốc.

– Các hoá chất hết hạn sử dụng hoặc đã bị cấm sử dụng phải ghi rõ trong sổ sách theo dõi và lưu giữ nơi an toàn cho đến khi xử lý theo quy định của nhà nước.

– Ghi chép các hoá chất đã sử dụng cho từng vụ (tên hoá chất, lý do, vùng sản xuất, thời gian, liều lượng, phương pháp, thời gian cách ly và tên người sử dụng).

– Lưu giữ hồ sơ các hoá chất khi mua và sử dụng (tên hoá chât, người bán, thời gian mua, số lượng, hạn sử dụng, ngày sản xuất, ngày sử dụng).

– Không tái sử dụng các bao bì, thùng chứa hoá chất. Những vỏ bao bì, thùng chứa phải gom và cất giữ ở nơi an toàn cho đến khi xử lý theo quy định của nhà nước.

– Nếu phát hiện dư lượng hoá chất trong rau quả vượt quá mức tối đa cho phép phải dừng ngay việc thu hoạch, mua bán sản phẩm, xác định nguyên nhân ô nhiễm và áp dụng các biện pháp ngăn chặn giảm thiểu ô nhiễm. Phải ghi chép cụ thể trong hồ sơ lưu trữ.

– Các loại nhiên liệu, xăng, dầu và các hoá chất khác cần được lưu trữ riêng nhằm hạn chế nguy cơ ô nhiễm lên rau, quả.

– Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện quy trình sản xuất và dư lượng hoá chất có trong rau theo yêu cầu của khách hàng hoặc cơ quan chức năng có thẩm quyền. Các chỉ tiêu phân tích phải tiến hành tại các phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc gia hoặc quốc tế về lĩnh vực dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Các chuyên gia về lĩnh vực này:

Trần Anh Ân Tấn Phát Đức Dương