Kỹ thuật trồng Dâu Tằm sai quả, mọng nước
1. Đặc điểm sinh trưởng của cây dâu tằm
Cây dâu tằm là cây có nguồn gốc từ khu vực Đông Á, thích hợp sinh trưởng và phát triển trên nền khí hậu nhiệt đới. Dâu tằm là cây thân gỗ, có thể cao tới 5 m tùy điều kiện chăm sóc. Cây ưa sáng, dễ trồng, không tốn công chăm sóc, sai quả.
Trồng đúng kỹ thuật dâu tằm sẽ rất sai quả
Hiện nay có rất nhiều nơi trồng cây dâu làm bonsai bởi dâu tằm là cây sống lâu năm, cành dâu tằm mềm, nhiều cành, dễ uốn tỉa, tạo dáng, sai quả, quả đẹp nên rất được các nhà vườn ưa chuộng trồng làm bonsai. Đồng thời theo quan niệm dân gian cây dâu kị tà nên có tác dụng trừ tà. Các gia đình Bắc Bộ thường quan niệm trồng cây dâu để ngăn không cho các tà ma vào quấy nhiễu gia chủ.
Khi trồng cây dâu tằm nên trồng vào mùa xuân, khí hậu ấm áp, mưa gió thuận hòa để cây nhanh phát triển.
2. Kỹ thuật trồng cây dâu tằm sai quả
- Chuẩn bị đất trồng:
Bạn chọn khoảng đất tươi xốp, thoát nước tốt, khu vực nhiều ánh sáng mặt trời để cây phát triển tốt nhất.
Nếu không có đất vườn bạn có thể trồng cây dâu tại chậu cảnh, thùng xốp, hay vỏ bao xi măng…
Bạn có thể tiến hành trộn đất với phân chuồng, rơm rạ đã hoai mục hoặc mua đất đã trộn sẵn thành phần hữu cơ. Trước khi trồng cây dâu tằm, đất cần được bón vôi và phơi ải từ 7 – 10 ngày để diệt sạch mầm bệnh trong đất.
- Giống dâu tằm sai quả
Đối với trồng cây dâu tằm tại nhà bạn có thể giâm cành dâu lấy giống cây hoặc mua sẵn cây con đã được nhân giống về trồng.
Giống dâu tằm tại nước ta là giống dâu trắng, ngoài ra hiện nay có một số giống tằm khác như giống dâu quả dài,… Dâu tằm thường được nhân giống bằng cách giâm cành bởi cách trồng dâu tằm bằng giâm cành thường sai quả và tuổi thọ cao hơn.
- Kỹ thuật giâm cành, nhân giống dâu tằm
Chọn cành bánh tẻ có tuổi trên 8 tháng từ những cây dâu sai quả, quả ngọt, mọng nước nhất để tiến hành giâm cành.
Cắt cành giâm thành từng đoạn từ 18 – 20cm, mỗi đoạn phải có ít nhất 2 mắt, chặt cách mắt từ 0,5 tới 1cm.
Nếu trồng nhiều bạn có thể tiến hành nhúng cành dâu vào thuốc kích thích ra rễ cho tỉ lệ nảy mầm cao.
Sau đó tiến hành cắm cành dâu vào đất đã chuẩn bị sẵn hoặc vào hom rồi tưới đẫm nước. Hàng ngày chú ý tưới đủ ẩm cho đất để cành dâu nhanh bén rễ.
- Kỹ thuật trồng cây dâu tằm sai quả
Sau khi cành giâm được từ 30 – 45 ngày bạn có thể tiến hành ruống cây ra đất trồng hoặc vào chậu.
Đối với cây con mua sẵn tại vườn thì về bạn bóc bỏ vỏ hom sau đó trồng cây vào bồn, lấp đất kín hom.
Rồi tưới đẫm nước cho cây nhanh bén rễ.
Sau khi trồng cây khoảng 15 – 20 ngày cây đã bén rễ bạn tiến hành bón thúc cho cây bằng phân hữu cơ hoặc hòa phân lân với nước rồi tưới. Cứ khoảng 1 – 2 tháng bạn lại tiến hành bón thúc và nhổ cỏ, vun gốc cho cây dâu một lần.
Thường xuyên tưới nước, giữ ẩm cho cây phát triển tốt, vặt bỏ lá sâu, lá già trên cây.
Tỉa cành: Nếu bạn không muốn cây phát triển cao thì ngắt ngọn hoặc cành của cây dâu. Ngoài ra bạn có thể uốn nắn cành dâu thành bonsai rất dễ, bởi cành dâu khá mềm, dễ sống nên bạn hoàn toàn có thể tự uốn nắn, tạo dáng bonsai cho cây dâu tằm của mình.
3. Thu hoạch
Cây dâu tằm thường ra hoa vào tháng 2 – tháng 3 và tới tháng 4 – tháng 5 là quả bắt đầu chín và cho thu hoạch. Trong thời gian cây ra hoa bạn nên bón thúc phân lân một đợt và khi quả đã đậu thì bón một đợt nữa để cây lấy dinh dưỡng nuôi quả.
Thu hoạch dâu tằm
Dâu tằm khi chín thường chuyển dần từ màu xanh sang vàng rồi đỏ và tím đen. Khi quả dâu tằm chuyển sang đỏ hoặc tím thì bạn có thể tiến hành thu hái và thưởng thức dâu tằm ngay tại vườn nhà.
Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.