Kỹ thuật trồng Đậu Tương
Đậu tương hay đỗ tương, đậu nành (tên khoa học Glycine max) là loại cây họ Đậu (Fabaceae), là loài bản địa của Đông Á. Loài này giàu hàm lượng chất đạm protein, được trồng để làm thức ăn cho người và gia súc.
Cây đậu tương
Cây đậu tương là cây thực phẩm có hiệu quả kinh tế lại dễ trồng. Sản phẩm từ cây đậu tương được sử dụng rất đa dạng như dùng trực tiếp hạt thô hoặc chế biến thành đậu phụ, ép thành dầu đậu nành, nước tương, làm bánh kẹo, sữa đậu nành, okara… đáp ứng nhu cầu đạm trong khẩu phần ăn hàng ngày của người cũng như gia súc.
1. Cơ cấu giống
Căn cứ trình độ thâm canh và đặc điểm sinh thái của mỗi vùng để lựa chọn bộ giống thích hợp cho từng địa phương.
– Các giống chín sớm và trung bình như: DT84, DT92, DT96, DT99….Lượng giống sử dụng 50-60 kg/ha.
– Tất cả các giống trước khi gieo phải thử sức nảy mầm (hạt giống đủ tiêu chuẩn phải có tỷ lệ nảy mầm trên 70%).
2. Thời vụ
– Căn cứ đặc điểm thời gian sinh trưởng của từng giống mà bố trí thời vụ thích hợp để đậu tương sinh trưởng phát triển thuận lợi (lưu ý đến yếu tố thời tiết vào thời kỳ ra hoa – đậu quả). Tại ĐBSCL, cây đậu nành có thể trồng trên nhiều vùng đất khác nhau và được sản xuất quanh năm, nhưng thời điểm xuống giống thuận lợi nhất là vụ Đông Xuân và Xuân Hè, phổ biến nhất là trong vụ Xuân Hè. Thông thường, vào khoảng giữa tháng 2 dương lịch, sau khi thu hoạch xong vụ lúa Đông Xuân, bà con tiến hành dọn sạch cỏ, cắt gốc rạ và dọn đất để xuống giống đậu nành.
– Nên luân canh, xen canh đậu tương với cây trồng khác họ (không trồng đậu tương qua nhiều vụ trên cùng một chân đất hoặc vụ trước đã trồng cây họ đậu).
3. Đất trồng
– Đậu tương là cây không kén đất, nhưng để có năng suất cao nên ưu tiên đất có thành phần cơ giới nhẹ hoặc trung bình, giữ ẩm và thoát nước tốt: đất thịt nhẹ, đất cát pha, phù sa ven sông,…
– Đất phải được cày bừa kỹ, sạch cỏ dại; Đất dốc phải thiết kế thành băng chống sói mòn. Đất phải lên luống tạo rãnh thoát nước kịp thời khi mưa to (mặt luống rộng 1,0-1,2 m, cao 15-20 cm, rãnh rộng 25-30 cm).
4. Mật độ, khoảng cách trồng
– Lượng giống gieo/ sào (360m2): Đậu tương 2,0 – 2,2kg.
– Khoảng cách gieo: Hàng cách hàng 60 – 65cm. Cây cách cây 15cm. Mật độ 3.600 – 4.000 khóm/sào.
– Cách gieo: Chọc lỗ sâu 1,5 – 2cm, bỏ hạt, lấp đất; gieo 2 hạt/hốc, khoảng cách hốc 15cm. Thông thường có 03 cách gieo hạt giống:
+Phương pháp gieo vãi: Thông thường gieo vãi áp dụng với ruộng cao, đất chỉ cần cày lên là có thể gieo vãi. Mật độ gieo 3kg/sào gieo đều là đảm bảo.
+Phương pháp tra rạch: Gặt sát gốc rạ, sau gặt tạo rãnh thoát nước bằng cày, cuốc, các rãnh cách nhau 1,5m (bằng bề ngang luống). Sau đó dùng nông cụ tạo rạch ngang luống sâu 2-3cm, các rạch cách nhau 30-35cm và tra hạt vào rạch, hạt cách hạt 3-5cm.
+Phương pháp tra gốc rạ: Thu hoạch lúa xong tạo rãnh thoát nước như trường hợp gieo vãi. Dùng tay gạt nghiêng gốc rạ, tra mỗi gốc rạ 1-2 hạt vào kẽ, tiếp xúc giữa đất và gốc rạ, tuyệt đối không tra vào giữa gốc rạ hạt đậu sẽ không hút được ẩm để nảy mầm
Chú ý: Không gieo hạt vào những ngày mưa to, hạt bị trương nước làm giảm sức nảy mầm; Phơi lại hạt giống trước khi gieo, phơi trên nong, nia, dưới nắng nhẹ để kích thích nảy mầm.
5. Chăm sóc
Trừ cỏ:
– Trước gieo đậu 5 – 7 ngày, cần làm sạch cỏ dại, cắt bỏ các lá khô, lá vàng, lá sâu bệnh và lá già khuất sáng trên cây ngô, gom hủy tàn dư thực vật, tạo sự thông thoáng trong ruộng ngô, kết hợp phun thuốc phòng trừ cỏ dại. Có thể sử dụng 1 trong các loại thuốc trừ cỏ như Cariza 5EC, Gromoxone 20SL, Wisdom 12 EC…
– Khi cây có 1 – 2 lá thật, kiểm tra tỉa bỏ các cây còi cọc, cây sâu bệnh… chỉ để lại 1 – 2 cây đậu khỏe/khóm.
Bón phân:
– Bón đủ phân hữu cơ hoai mục (nếu không có phân chuồng hoặc phân rác hoai mục có thể thay thế bằng phân hữu cơ vi sinh), bón cân đối N-P-K và đủ lượng canxi.
Toàn bộ phân hữu cơ, phân lân, vôi bột nên trộn đều, rồi ủ vài ngày trước khi bón để tăng hiệu quả sử dụng phân.
– Không cần bón phân qua rễ. Vì, cây đậu dưới 3 lá thật, có thể sinh trưởng, phát triển tốt nhờ dư lượng phân bón trong đất từ cây trồng trước đó. Đậu tương từ 4 – 5 lá thật trở lên, sẽ tự tổng hợp được dinh dưỡng cho nhu cầu sinh trưởng của cây thông qua hệ vi khuẩn nốt sần hình thành trên rễ.
– Phun bón lá kết hợp với chế phẩm tăng ra hoa đậu quả 6 lần: Trước, trong thời gian ra hoa. Sau đó, cứ 7 ngày 1 lần phun nhắc lại. Có thể sử dụng một số phân bón lá, chế phẩm đậu quả như: Atonik 1.8 DD, Grow more, Agriseed-Mg, thuốc đậu quả Bo TRS-108…
Lưu ý: Những vùng đất chua nên bón phân lân nung chảy.
Phòng trừ sâu bệnh:
– Sau khi gieo, cần kiểm tra để lấp kín toàn bộ hạt.
– Các lần bón thúc cho đậu tương, cần kết hợp với xới xáo làm cỏ, tạo độ thoáng khí để vi khuẩn nốt sần hoạt động tốt, đậu tương phân cành sớm. Đặc biệt sau khi mưa rào phải xáo phá váng ngay, giúp bộ rễ phát triển thuận lợi.
– Khi cây đậu tương bắt đầu ra hoa có thể phun các loại phân bón qua lá để bổ sung vi lượng cho cây.
– Giai đoạn từ khi cây mọc đến khi đậu tương phân cành cần chú ý sự xuất hiện và gây hại của sâu xám, dòi đục thân, bệnh lở cổ rễ.
– Giai đoạn từ khi cây ra hoa đến cuối vụ cần chú ý: dòi đục hoa, sâu đục quả, sâu cuốn lá, bệnh gỉ sắt,…
+ Phòng trừ dòi đục thân, sâu khoang, sâu xám…: Rải Regent 3G trên mặt luống 2 lần (khi gieo đậu và sau cây mọc 5 – 7 ngày)
+ Phòng trừ sâu cuốn lá, đục quả: Sử dụng thuốc Sherpa 2%, Motox 5 EC… Phun 3 lần (kết hợp với phân bón lá): Trước ra hoa 5 – 7 ngày, trong giai đoạn cây ra hoa, sau hoa rộ lần đầu 5 – 7 ngày (cây đậu tương sau hoa rộ 5 – 7 ngày). Nếu sâu hại phát sinh gia tăng, cần tăng số lần phun thuốc.
6. Thu hoạch
– Thu hoạch khi có 2/3 số quả trên cây chuyển màu nâu, bộ lá chuyển màu vàng và rụng dần từ dưới lên (sau trồng 80 – 90 ngày). Nên thu hoạch vào ngày thời tiết nắng ráo để tiện vận chuyển và phơi. Không thu đậu vào lúc mưa, hạt dễ bị thối, mốc.
– Cắt gom cây rải phơi trên sân gạch/bê tông 3 – 4 nắng, tuốt lấy hạt trên máy tuốt lúa đạp chân, sàng, sảy.
– Phân loại: những cây chín nhiều (khô) phơi riêng, cây còn nhiều quả xanh có thể ủ thêm 2-3 ngày cho chín tiếp. Cây khô đập tách lấy hạt, phân loại để bảo quản hoặc tiêu thụ.
– Nếu bảo quản dài ngày, cần phơi khô hạt trên nong, nia, cót, bạt,… tới thủy phần 14% (cắn hạt không dính răng, nghe tiếng kêu giòn cốp là được). Không phơi hạt trực tiếp trên nền xi măng, nền gạch. Gom lại hạt đậu, để nơi thoáng mát 4 – 6 giờ cho nguội, đóng bao bì, bảo quản nơi khô ráo và chủ động biện pháp phòng trừ mọt đục hạt.
7. Để giống
– Chọn những ruộng tốt, không bị bệnh, năng suất cao, đúng giống thu riêng và phơi riêng cho đến khô (đến khi độ ẩm của hạt ≤12%), quạt sạch vỏ, loại bỏ hạt xấu, hạt bị sâu bệnh. Bảo quản trong chum, vò, lọ sành, sứ, đáy và miệng lọ lót một lớp lá xoan khô hoặc tro bếp dày 2 – 3cm, đậy nắp kín, cất nơi khô ráo, thoáng mát.
Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.