Close

Đăng ký

Close

Thông tin Đăng nhập

Giới tính:

Thông tin chuyên môn

Bạn là:
Lĩnh vực:

Mô hình trồng mãng cầu xiêm bằng hạt cho thu nhập cao ở Hậu Giang

Thứ 5, ngày 25/01/2018 748

Tuy không phải là một trong những loại nông sản chủ lực của tỉnh Hậu Giang, nhưng thời gian qua nông dân vùng đất bị nhiễm phèn, mặn ở huyện Phụng Hiệp, Long Mỹ, thị xã Ngã Bảy… chọn cây mãng cầu xiêm để chuyển đổi đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Hiệu quả từ một mô hình

Lâu nay, nhiều nông dân vùng đất phèn ở đồng bằng sông Cửu Long trồng mãng cầu xiêm chỉ quen ghép nhánh mãng cầu xiêm trên gốc cây bình bát. Nhưng đối với nông dân ở ấp Mỹ Phú A, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp thì ươm hẳn hạt mãng cầu xiêm cho lên cây rồi đem trồng. Lúc đầu trồng chỉ để ăn, nhưng thấy hiệu quả, nhiều bà con đã chọn cây mãng cầu xiêm để cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cây mía, lúa lâu nay cho thu nhập không cao.

Một trong những người đi đầu trong mô hình này là ông Võ Văn Phải. Ông kể rằng, 6 năm trước gia đình ông phá bỏ bảy công mía để trồng mãng cầu xiêm bằng hạt, thấy hiệu quả, gia đình đã nhân rộng lên 4 ha. Thông thường, mãng cầu xiêm cho trái 2 vụ/năm. Vụ thuận vào mùa nắng và vụ nghịch vào mùa mưa. Tuy nhiên, để mãng cầu tự thụ phấn sẽ cho trái rất ít. Do vậy, qua thời gian nghiên cứu, học hỏi, ông Phải đã tìm ra bí quyết để thụ phấn cho cây mãng cầu ra trái nhiều và có trái quanh năm.

Khi hỏi “bí quyết”, ông Phải chia sẻ: “Khi mãng cầu ra hoa, vào buổi chiều cần phải hái hoa mãng cầu cái và phơi trong 8 giờ cho hoa bung nhụy, sau đó trút nhụy hoa vào ly thủy tinh cho vào tủ lạnh để ở ngăn mát. Khoảng 8-9 giờ sáng kiểm tra xem thấy nhụy có nước nhô lên thì chấm phấn vào nụ thì mãng cầu sẽ đậu quả. Cách khác đơn giản hơn là lắc bông mãng cầu cho nhụy và phấn rơi vào đáy hoa mãng cầu mới đậu quả”.

Nhờ phương pháp này mà vườn mãng cầu của ông Phải cho năng suất khá cao. Cây mãng cầu hai năm tuổi đạt từ 50-70 kg/cây, những cây lâu năm hơn có thể đạt từ 100 kg-150 kg/cây/năm. Với giá bán từ 18 nghìn đến 30 nghìn đồng/kg, tùy vào thời điểm, tính ra mỗi năm 1 ha mãng cầu xiêm ông thu nhập khoảng 350 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí, kể cả ngày công.

Lý giải vì sao bà con ở đây trồng mãng cầu xiêm bằng hạt, mà không trồng ghép gốc bình bát, các nhà vườn cho rằng: Đối với cây giống ghép gốc bình bát thì thích hợp ở những vùng đất trũng nhiễm phèn nặng, nhưng hạn chế của loại cây này là cho trái ít trong mùa nắng. Còn cây mãng cầu trồng bằng hạt có sức chống chịu tốt hơn và cho trái gần như quanh năm, việc xử lý cho trái cũng dễ dàng hơn, tỷ lệ trái tròn đều, mang vị ngọt thanh. Năng suất trái đạt tương đương nhau, nhưng chất lượng trái của cây trồng bằng hạt luôn đạt cao, vì thế giá bán cũng cao hơn mãng cầu ghép từ 2 nghìn đến 3 nghìn đồng/kg.

Đến liên kết sản xuất theo hướng hàng hóa lớn

Từ mô hình trồng mãng cầu xiêm bằng hạt cho thu nhập cao của ông Võ Văn Phải, nhiều nông dân đã cải tạo vườn tạp học hỏi trồng theo, từ đó diện tích tăng dần lên. Ngày 19-5-2015, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các nhà vườn trong ấp quyết định thành lập Tổ hợp tác sản xuất mãng cầu xiêm với 48 thành viên, diện tích 41 ha. Đến ngày 20-4-2017, Tổ hợp tác này chính thức chuyển thành Hợp tác xã (HTX) thu hút 91 nhà vườn trong xã Hòa Mỹ tham gia, với tổng diện tích trồng mãng cầu xiêm bằng hạt lên 65 ha, trong đó có hơn 40 ha đang cho trái.

Người dân ươm hạt mãng cầu để trồng và bán với giá 5 nghìn đồng/cây.

Ông Võ Văn Phải, Giám đốc HTX mãng cầu xiêm Hòa Mỹ, cho biết: Thời gian qua, giá trái mãng cầu xiêm lên xuống thất thường, có khi tuột xuống dưới 15 nghìn đồng/kg, nên việc thành lập HTX nhằm hướng đến đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, tạo thuận lợi trong việc ký kết hợp đồng bao tiêu với các doanh nghiệp thu mua với số lượng lớn, giúp ổn định đầu ra cho bà con xã viên.

Hiện trên địa bàn huyện Phụng Hiệp chỉ có Công ty TNHH MTV chế biến nông sản Tiến Thịnh chuyên thu mua trái mãng cầu xiêm để sản xuất nước uống xuất khẩu. Tuy nhiên, công ty này chỉ mua với giá “chết” là 15 nghìn đồng/kg – trái loại một và 9 nghìn đồng/kg trái loại hai, chứ không bao tiêu. Điều này làm bà con hơi hoang mang, nên bước đầu chỉ ký cam kết bán cho công ty trong vòng ba tháng, từ tháng 1 đến tháng 3 vừa qua. Hiện tại bà con thu hoạch chủ yếu bán qua thương lái với giá 17 nghìn đồng/kg.

Trong khi đó, theo ông Phạm Tiến Hoài, Giám đốc công ty TNHH MTV chế biến nông sản Tiến Thịnh, hiện nay nhu cầu thu mua mãng cầu xiêm để chế biến của công ty rất lớn, nguồn nguyên liệu cung ứng của Hậu Giang chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu, công ty phải đi thu gom ở nhiều nơi khác. Do đó việc xây dựng vùng nguyên liệu, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm ở Hậu Giang là chiến lược kinh doanh lâu dài của công ty. Tuy nhiên, hiện nay HTX sản xuất mãng cầu xiêm mới thành lập, khả năng cũng như lòng tin, “chữ tín” chưa biết như thế nào, nên bước đầu công ty chỉ đặt hàng với giá thu mua cố định trong một thời gian nhất định.

Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành nông nghiệp Hậu Giang, toàn tỉnh hiện có hơn gần 700 ha trồng mãng cầu xiêm, trong đó, huyện Phụng Hiệp có gần 300 ha trồng mãng cầu xiêm bằng hạt. Ông Nguyễn Thế Tự, Phó Phòng Nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, cho biết: Trong những năm gần đây, thực hiện Đề án 1.000 trong chuyển đổi cây trồng của tỉnh, bà con chuyển đổi rất mạnh, trong đó có cây mãng cầu xiêm. Ngành nông nghiệp huyện đã và đang đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, các nhà vườn cũng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, nên cây mãng cầu xiêm mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, đạt từ 300-400 triệu đồng/ha.

Đối với việc công ty đặt hàng mua sản phẩm của HTX mãng cầu xiêm Hòa Mỹ với giá cố định, trong một thời gian nhất định, ông Nguyễn Thế Tự cho rằng chỉ là bước đầu thăm dò về chất lượng, sản lượng của HTX. Để mối liên kết giữa nhà vườn với doanh nghiệp phát triển bền vững, đòi hỏi phải có hợp đồng bao tiêu cụ thể, phải đưa ra được giá sàn và mua theo giá thị trường nếu giá có biến động tăng, giống như đối với cây mía hiện nay. Thỏa thuận được điều này sẽ giúp nhà vườn yên tâm sản xuất, còn doanh nghiệp có vùng nguyên liệu ổn định, phục vụ sản xuất kinh doanh lâu dài.

Có thể nói, hiện nay, cây mãng cầu xiêm không những góp phần cải thiện đời sống kinh tế của người dân địa phương, mà còn mở ra thêm sự lựa chọn để chuyển đổi cho những diện tích vườn tạp, cây trồng kém hiệu quả ở những vùng trũng, nhiễm phèn, mặn của Hậu Giang nói riêng và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Nguồn: Báo Nông dân được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Các chuyên gia về lĩnh vực này:

Trần Anh Ân Tấn Phát Đức Dương