Phòng trừ sâu bệnh hại Ca Cao
I. Côn trùng gây hại chính
1. Bọ xít muỗi (Helopeltis spp)
Triệu chứng và tác hại: Chích hút nhựa trái, chồi non, cành non. Các vết chích bị thâm, sau đó bị thối. Chồi non, cành non bị hại sau sẽ héo khô.
Bọ xít muỗi hại ca cao
Biện pháp phòng trừ : Vệ sinh vườn sạch sẽ, tỉa bớt cành nhánh không cần thiết. Có thể phun các loại thuốc như Bassa 50 EC, Supracide 40 ND.
2. Sâu hồng (Glenia celia)
Triệu chứng và tác hại : Sâu thường đục phần thân ngọn và các cành rồi đùn phân và mạt cưa ra ngoài miệng lỗ đục và rơi xuống đất. Những cành ca cao bị đục sẽ héo rồi chết khô.
Sâu hồng đục thân ca cao
Biện pháp phòng trừ : Thường xuyên thăm vườn để phát hiện sớm sau đó cắt các cành bị hại và đốt để diệt sâu nằm trong. Các loại thuốc được sử dụng như Basudin 50 EC.
3. Bọ cánh cứng hại lá (Apogonia spp, Adoretus spp)
Côn trùng ăn lá ca cao thuộc nhiều loài khác nhau như bọ nâu, bọ xám, bọ hung kim; Triệu chứng và tác hại: Chủ yếu phá hại vào ban đêm, ban ngày trú ngụ nơi tối hay dưới đất. Bọ ăn lá non tạo những lỗ khuyết trên lá làm giảm sự phát triển của cây.
Bọ cánh cứng hại thân ca cao
Biện pháp phòng trừ: Vệ sinh vườn sạch sẽ, có thể phun các loại thuốc như Basudin 50 ND
4. Rầy mềm (Aphid)
Triệu chứng và tác hại: Rầy mềm sống tập trung và chích hút nhựa cây trên các chồi non, lá non, trái non làm cây chậm phát triển, trái khô héo. Thường có các loài kiến sống kết hợp với loài rầy nầy.
Rầy trên cây ca cao
Biện pháp phòng trừ: Vệ sinh vườn sạch sẽ, có thể phun các loại thuốc như Bassa 50 EC theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
5. Rệp sáp (Planococcus citri)
Triệu chứng và tác hại: Rệp sáp sống bám vào cuống lá, trái, thân, trái non hay cổ rễ để hút nhựa làm cây, trái chậm phát triển, còi cọc. Rệp tiết ra chất hơi dính như mật ong nên thường có nhiều loại kiến sống kết hợp với rệp
Biện pháp phòng trừ: Cần chú ý theo dõi để phát hiện những ổ rệp sáp mới hình thành tránh hiện tượng lây lan. Có thể diệt rệp sáp bằng cách phun các loại thuốc trừ sâu như Bi 58 40 EC.
6. Chuột ăn trái
Chuột thích ăn cùi ngọt bao quanh hạt ca cao. Thường chúng cắn phá quả ca cao bằng cách khoét lỗ để moi hạt. Khi chuột gây hại nặng buộc phải tổ chức diệt trừ bằng cách dùng bả độc cho kết quả tốt.
II. Bệnh hại ca cao
1. Bệnh thối trái (Phytopthora palmyvora)
Triệu chứng: Bệnh xuất hiện trên mọi lứa tuổi của trái. Bệnh phát triển nhiều vào mùa mưa. Trái bị bệnh có màu nâu đen làm giảm năng suất 20-35%, đôi khi 90%
Phòng trừ: Chúng ta cần hái bỏ các trái thối càng sớm càng tốt để tránh lây lan đặc biệt trong mùa mưa. Không nên để trái chín lâu trên cây. Vườn cây nên được thông thoáng, khô ráo, không còn cỏ dại. Có thể sử dụng các thuốc trừ nấm có gốc đồng, phun định kỳ 10 – 12 ngày/lần để hạn chế mầm bệnh.
2. Bệnh nấm hồng (Corticium salmoncolor)
Bệnh thường chỉ xuất hiện vào mùa mưa, ở những vườn ca cao quá ẩm và rợp. Nấm phá hoại ở những cành lá đã hoá nâu. Vết bệnh lúc đầu có vết mốc trắng nhưng dần dần chuyển sang màu trắng hồng, cành khô nâu, lớp vỏ thân cành bị tách ra từng mảng.
Phòng trừ: Để phòng trừ cần tỉa cây thông thoáng giảm ẩm độ, cắt bỏ các cành bị bệnh và phun thuốc trừ nấm.
3. Bệnh hại rễ (Rigidoporus lignosus, Ganoderma pseudoferum, Phellinus noxius, Rosellina bunodes)
Rễ ca cao có thể bị trắng, hoá nâu, hoá đen hoặc nứt cổ rễ gây ra bời nhiều loại nấm khác nhau. Vệ sinh đồng ruộng, xử lý hố trước khi trồng, tránh trồng nơi đất khó thoát nước, tránh tổn thương rễ. Phòng trị bằng bằng các loại thuốc trừ nấm phun trực tiếp quanh gốc.
Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.