Close

Đăng ký

Close

Thông tin Đăng nhập

Giới tính:

Thông tin chuyên môn

Bạn là:
Lĩnh vực:

Quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc chuối già - Phần 1

Thứ 4, ngày 11/10/2017 2783

Chuối là cây trồng ít kén đất, có thể sống trong điều kiện pH= 4,5 – 8, nhưng thích hợp nhất trong khoảng 6 – 7. Chuối già hiện nay có nhiều loại: già lùn, già hương, già cui, già Nam Mỹ, tiêu hồng, …

Chuối già Nam Mỹ

Chuối già có chiều cao thân (tính từ cổ rễ đến điểm giao nhau 2 bẹ lá trên cùng) khoảng 2 – 3m. Đặc biệt ở giống chuối già Nam Mỹ, chuối tiêu hồng ngay từ nhỏ trên lá xuất hiện những vết loang màu tím đặc trưng, khi cây lớn những vết này mất dần và chuyển sang màu xanh đậm, thời gian trổ quày khoảng 7 – 8 tháng (trồng từ cây giống nuôi cấy mô), từ trổ quày đến thu hoạch khoảng 3 – 4 tháng, mỗi quày có thể nặng 30 – 50 kg, trái thon, dài, vỏ trái khi chín có màu vàng tươi, ruột vàng, ăn có vị thanh ngọt, thơm, dẻo.

KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CHUỐI GIÀ NAM MỸ

  1. Chuẩn bị đất trồng

Tùy theo địa hình cao thấp mà có thể lên liếp hoặc không. Vùng ĐBSCL là  vùng đất thấp, trồng chuối phải đào mương, lên liếp, lập hệ thống bờ bao để ngăn lũ trong mùa mưa. Mặt liếp phải cao hơn mực nước trong mương tối thiểu là 60cm. Khi đào mương lên liếp, chú ý không đưa tầng sinh phèn hoặc vật liệu sinh phèn lên mặt liếp, mương đào phải đủ rộng để dễ vận chuyển sản phẩm, vật tư và tưới nước trong mùa nắng cho vườn. Chiều rộng mương thường bằng 1/2 hay 1/3 chiều rộng liếp.

Lên liếp vào đầu hay giữa mùa nắng để đất có thời gian khô, khi mưa xuống đất bong ra là bắt đầu trồng cây được. Chuối trồng 2 hàng theo hình nanh sấu có bề ngang mặt liếp khoảng 5m. Nếu trồng 3 hàng xen kẽ thì mặt liếp rộng khoảng 7m.

  1. Thời vụ trồng

Nên trồng chuối vào đầu mùa mưa để cây có đủ nước và đỡ mất công tưới, nhưng cần lưu ý cho đất thoát nước tốt. Nếu đảm bảo đủ nước tưới, có thể trồng chuối bất cứ lúc nào trong năm. Tuy nhiên, nên trồng ở những tháng có nhiệt độ thấp, ẩm độ cao để thân giả ít bị mất nước.

  1. Chọn cây giống

Sử dụng cây giống sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô để trồng.

Ưu điểm của loại cây giống này là đồng đều về kích cỡ, tuổi cây nên rất thuận lợi cho trồng thâm canh, áp dụng đồng bộ quy trình kỹ thuật canh tác chung cho toàn vườn; thời gian thu hoạch đồng loạt, nên thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm; có hệ thống rễ hoàn chỉnh nên cho tỷ lệ sống cao; hơn nữa đây là nguồn cây giống tương đối sạch bệnh, tương đồng về di truyền và độ thuần giống nên khả năng cho năng suất và chất lượng cao hơn.

Chọn cây giống có chiều cao thân (đo từ mặt bầu đến điểm giao nhau 2 bẹ lá trên cùng) ≥ 20cm, đường kính thân (đo cách gốc 2 cm) ≥ 2 cm, có trên 5 lá, cây phát triển tốt. Nên chọn cây giống có nguồn gốc rõ ràng và đã được kiểm định chất lượng.

  1. Khoảng cách và mật độ trồng

Mật độ trồng thay đổi tùy theo khí hậu và đất đai, hoặc tùy theo số lượng con chuối cần chừa lại ở mỗi bụi mà quyết định khoảng cách trồng. Khoảng cách trồng giữa các hàng thường khoảng 2,0 – 2,5m và khoảng cách giữa các cây trung bình khoảng 2m. Mật độ cây trung bình cho 1 ha (có lên liếp) thường khoảng 1.000 – 1.500 cây (tùy kích thước và tỷ lệ mương/liếp).

  1. Phương pháp trồng

Đào hố sâu 50 cm và rộng 40 – 50 cm, bón lót cho mỗi hố 10 – 15 kg phân hữu cơ, 0,1 kg phân NPK 16-16-8. Trộn phân với đất cho vào khoảng nửa hố, tháo bỏ bầu nylon, đặt cây chuối giống vào giữa hố trồng sao cho mặt bầu ngang bằng mặt đất, lấp đất vào đầy hố, lấp vừa quá cổ gốc chuối, ém đất chung quanh gốc, tưới đẫm.

Các bước trồng chuối từ cây con nuôi cấy mô

Cây con sau khi trồng

  1. Bón phân

* Phân hữu cơ: gồm phân gia súc gia cầm, tro, trấu đã hoai mục, bùn sông và bùn ao, chứa chất dinh dưỡng cao. Bón phân hữu cơ tạo môi trường tốt cho vi sinh vật có lợi hoạt động phân hủy vật chất hữu cơ tạo thành chất mùn cung cấp cho cây trồng và cải tạo đất giúp đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng, không bị cằn cỗi trong quá trình canh tác. Trung bình, một cây chuối cần khoảng 20 – 25 kg phân hữu cơ /năm, bón vào đầu mùa mưa hàng năm, cuốc xung quanh gốc tạo thành rãnh cách gốc 1,5 – 1,7m, phân được rải đều bên trong rãnh.

* Phân vô cơ:

– Lượng phân bón cho 1 bụi chuối trong năm đầu mới trồng:

Cách bón: Đào 4 hốc xung quanh gốc, sâu 10 – 15 cm , lần 1 cách gốc 40 – 50cm, lần 2 cách gốc 50 – 70cm, lần 3 cách gốc 1m, lần 4 cách gốc 1,5 – 1,7m, bón phân vào hốc và lấp đất lại.

– Lượng phân bón cho 1 bụi trong các năm tiếp theo:

Cách bón: Nếu có điều kiện tưới nước thì chia đều lượng phân trên thành 3 lần bón: lần 1 sau khi thu hoạch, lần 2 sau đó 2 – 3 tháng và lần 3 sau 2 – 3 tháng tiếp theo sao cho bón phân dứt điểm trước khi trổ buồng. Trường hợp không có điều kiện tưới nước, lượng phân được chia đều cho 2 lần bón, vào đầu và cuối mùa mưa. Đào 4 hốc xung quanh gốc, sâu 10 – 15 cm , cách gốc 1,5 – 1,7m, bón phân vào hốc và lấp đất lại.

Lưu ý: Tùy thuộc vào tình trạng sinh trưởng và năng suất của cây ở những thời điểm khác nhau hoặc cây trồng trên những vùng đất khác nhau, có thể điều chỉnh lượng phân bón so với công thức trên. Tùy thuộc vào mức độ nhiễm phèn của đất trồng, có thể bón thêm 1 – 3kg vôi/cây/năm.

Nguồn:  TRUNG TÂM GIỐNG NLNN KIÊN GIANG được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Các chuyên gia về lĩnh vực này:

Trần Anh Ân Tấn Phát Đức Dương