Close

Đăng ký

Close

Thông tin Đăng nhập

Giới tính:

Thông tin chuyên môn

Bạn là:
Lĩnh vực:

Trồng dưa lưới đón Tết

Thứ 3, ngày 23/01/2018 636

Nông dân (ND) huyện đầu nguồn An Phú, tỉnh An Giang đang rất phấn khởi ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) vào sản xuất nông nghiệp (SXNN). Đặc biệt, để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán, ND tăng cường đầu tư SX rau màu sạch, trong đó có sản phẩm độc đáo là trồng dưa lưới theo công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel.
Thăm mô hình nhà lưới rộng 1.000m2 tại thị trấn An Phú, mới cảm nhận hết hiệu qủa mô hình SXNN ƯDCNC ở An Phú. Mỗi cây được trồng trong 1 bịch giá thể (có trọng lượng khoảng 3kg, gồm xơ dừa trộn với phân trùn quế) đặt trong luống đã được lót bạt nhựa cách ly với nền đất để tránh mầm bệnh xâm nhập. Nhà lưới ở đây trồng từ năm 2014 với chu kỳ sản xuất “2 năm, 7 vụ”.
Vụ thu hoạch vừa qua, Công ty Cổ phần nông nghiệp Công nghệ cao An Phú (doanh nghiệp đầu tư) thu hoạch dưa lưới giống Bảo Khuê (Đài Loan) cho năng suất khá cao, với sản lượng 3,5 tấn/1.000m2, bán với giá 30.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, công ty còn lãi từ 30-50 triệu đồng/1.000m2/vụ. Hiện, nhà lưới đang xuống giống vụ dưa mới với số lượng 2.272 cây khoảng 20 ngày tuổi, đang phát triển tốt.

Khi dưa lưới đủ 25 lá thì tiến hành bấm ngọn để phát triển tốt

Huyện An Phú hiện có 3 nhà màng trồng dưa lưới và dưa lê. Dưa được trồng trong nhà lưới không sử dụng thuốc hóa học và áp dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt công nghệ Israel giúp cho trái dưa phát triển tự nhiên nên rất an toàn cho người sử dụng. Ngoài trồng dưa lưới giống Bảo Khuê (Đài Loan) 1.000m2 nhà lưới ở thị trấn An Phú, nhà lưới 300m2 ở xã Vĩnh Lộc đang được vệ sinh sạch sẽ để chuẩn bị trồng giống dưa lưới DH1 (Thái Lan).
ThS Nguyễn Văn Đệ cho biết: Trồng dưa lưới CNC áp dụng kỹ thuật mới nên phải theo dõi chặt chẽ quá trình sinh trưởng, phát triển hàng ngày. Khi dây dưa được 25 lá thì tiến hành bấm ngọn; mỗi dây treo chỉ để từ 1-4 trái, tỉa trái sẽ nâng chất lượng trái loại 1. Lượng nước tưới và dinh dưỡng cho trái tùy quá trình phát triển của cây, sau đó giảm lượng nước đến khi thu hoạch thì cắt nước hoàn toàn.

ThS Nguyễn Văn Đệ kiểm tra quá trình sinh trưởng, phát triển của dưa lưới

Dưa lưới trồng trong nhà lưới chủ yếu gặp một số sâu hại như: bọ phấn trắng, bọ trĩ… nên chỉ sử dụng biện pháp sinh học để xử lý như dùng bọ xít, bọ rùa khống chế. Nếu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cần tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” và đảm bảo thời gian cách ly. Mỗi vụ dưa lưới từ khi trồng đến thu hoạch khoảng 80 ngày tuổi, trọng lượng từ 1,5-2,5kg/trái, năng suất khoảng 3,5 tấn/1,000m2. Được chăm sóc đúng kỹ thuật nên dưa rất đồng đều, màu thịt đẹp, giòn và ngọt, bảo quản được lâu.
“Hiện, diện tích nhà lưới trên địa bàn huyện còn ít (do chi phí đầu tư mỗi nhà lưới gần 400 triệu đồng/1.000m2) nên sản lượng dưa không đủ cung ứng cho thị trường. Không chỉ trong tỉnh, mà ở TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cũng đặt mua. Nhất là vào dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu mua dưa lưới làm quà biếu tăng lên gấp nhiều lần nên sản lượng bao nhiêu cũng tiêu thụ hết” – ThS Đệ cho biết.

Theo báo An Giang, kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Các chuyên gia về lĩnh vực này:

Trần Anh Ân Tấn Phát Đức Dương