Close

Đăng ký

Close

Thông tin Đăng nhập

Giới tính:

Thông tin chuyên môn

Bạn là:
Lĩnh vực:

Bệnh hại cây hoa huệ

Thứ 5, ngày 18/01/2018 3257

Bông huệ trắng (Polianthes tuberosa Linn.) là cây trồng có giá trị kinh tế cao . Nhiều nông dân đã cải tạo đất vườn, chuyển đất lúa kém hiệu quả sang trồng hoa huệ và có nhiều hộ gia đình đã thoát được đói nghèo. Khi trồng, huệ thường gặp một số bệnh sau:

I. Sâu hại

Sâu hại cây hoa huệ không nhiều. Các loại sâu ăn lá và chích hút như cào cào, bọ cánh cam, bọ trĩ, rệp… gây hại rải rác, loài tác hại phổ biến nhất là Nhện đỏ.

Nhện đỏ
Tên khoa học: Tetranychus sp.
Lớp Nhện: Arachnida
Bộ Nhện nhỏ: Acarina

– Đặc điểm sinh học và tác hại: Nhện trưởng thành đẻ trứng vào lớp tơ mỏng mặt dưới lá. Một con cái có thể đẻ 200 trứng. Nhện non và trưởng thành sống tập trung mặt dưới lá, chích hút nhựa tạo thành các vệt màu nâu vàng nhạt dọc 2 bên gân lá. Mật độ nhện cao làm lá vàng khô, cây sinh trưởng kém. Nhện còn làm nụ héo, hoa nhỏ.Vòng đời trung bình 20 – 25 ngày. Nhện đỏ phát triển nhiều khi thời tiết nóng và khô. Ngoài hoa huệ, nhện còn hại nhiều loại cây như bông, chè, cam quít, đậu, dưa…

– Biện pháp phòng trừ: Bón phân, tưới nước đầy đủ cho cây, khi nhện gây hại,không để ruộng khô, phun thuốc đặc trị như Danitol, Nissorun, Ortus, Sirbon.

II. Bệnh hại

Bệnh hại trên lá cây hoa Huệ thường không đáng kể, cá biệt có bệnh cháy lá do nấm… Các bệnh phổ biến nhất là bệnh thối bẹ, thối gốc và héo xanh.

1.Bệnh thối bẹ

– Tác nhân: Nấm Rhizoctonia solani

– Nhóm Nấm Bất thụ: Mycelia sterilia

– Triệu chứng, tác hại: trên bẹ lá xuất hiện những đốm tròn hoặc bầu dục màu xanh tái, hơi ướt. Vết bệnh lớn dần, hình dạng thay đổi, màu nâu xám, xung quanh nâu đậm. Lá bị bệnh biến vàng và héo rũ, cây nhỏ, bông nhỏ, ít hoa. Bệnh ít khi làm chết cây, chỉ giảm chất lượng chùm hoa.

– Điều kiện phát sinh bệnh: Nấm phát triển dưới dạng sợi và hạch. Sợi nấm trắng hoặc vàng nhạt, thô, các nhánh vuông góc với nhau. Hạch do sợi nấm liên kết lại, màu vàng nhạt hoặc nâu, hình bầu dục dẹt, kích thước thay đổi từ 0,5 – 2,0 mm.Sợi nấm và hạch tồn tại trên cây bệnh và trong đất 1 – 2 năm. Bệnh phát triển nhiều khi khí hậu nóng, mưa nhiều, ẩm thấp, trồng mật độ dày, bón nhiều phân đạm.

– Biện pháp phòng trừ: Làm đất kỹ, đất chua cần bón vôi, trồng cây mật độ vừa phải, không bón nhiều phân đạm, loại bỏ lá già và lá bệnh, phun thuốc Anvil, Monceren, Validacin.

2.Bệnh thối gốc (Bệnh héo vàng):Tác nhân Nấm Fusarium sp- Lớp Nấm Bất toàn : Deuteromycetes

– Triệu chứng, tác hại: Nấm xâm nhập vào gốc cây tạo thành những vết màu nâu. Nấm chủ yếu ăn sâu vào trong thân, phát triển phá hủy mạch dẫn, hạn chế vận chuyển nước,chất dinh dưỡng làm cây sinh trưởng kém,lá vàng, cuối cùng cây chết.Trong đất,nấm cũng phá hại bộ rễ làm cây suy yếu nhanh. Một số cây bị nhẹ có thể hồi phục nhưng ảnh hưởng chất lượng hoa.

– Điều kiện phát sinh bệnh: Nấm hình thành 2 loại phân sinh bào tử. Phân sinh bào tử lớn không màu, dài và cong hình lưỡi liềm nhiều vách ngăn. Phân sinh bào tử nhỏ hình trứng, không màu, không hoặc có một vách ngăn. Bào tử tồn tại trong đất tới 1 – 2 năm. Ruộng đất cát, chua, thiếu đạm và lân thường bị bệnh nhiều.

– Biện pháp phòng trừ: Ruộng bị bệnh cần luân canh lúa nước, làm đất kỹ, đất chua cần bón vôi, bón đủ phân đạm và lân, dùng thuốc gốc Đồng hoặc pha hỗn hợp thuốc Đồng với Benomyl tưới xuống gốc hạn chế một phần sự phát triển của nấm.

3. Bệnh héo xanh: Tác nhân : Vi khuẩn Pseudomonas sp.

 Triệu chứng, tác hại: Cây đang sinh trưởng thì đột ngột héo rũ lá vẫn còn xanh. Hiện tượng héo xảy ra khi trời nắng, ban đêm cây xanh lại, sau 2 – 3 ngày cây không hồi phục và chết. Cắt ngang gốc thân cây bệnh thấy mạch dẫn bị nâu, ấn mạnh gần mặt cắt sẽ tiết dịch vi khuẩn màu trắng đục. Vi khuẩn trong đất xâm nhập rễ cây, phát triển lên phá hủy mạch dẫn, ngăn cản hấp thu và vận chuyển nước làm cây bị héo.

– Điều kiện phát sinh bệnh: Vi khuẩn hình gậy ngắn, 2 đầu tròn, 1 – 3 tiêm mao ở một đầu, gram âm, phát triển thích hợp ở nhiệt độ 30 – 35oC, chết ở 52oC trong 10 phút, pH thích hợp khoảng 6,6. Vi khuẩn tồn tại trong cây bệnh và trong đất trên 1 năm, là nguồn lan truyền gây bệnh cho cây vụ sau.

– Biện pháp phòng trừ: Làm đất kỹ, phơi ải và bón vôi, không để ruộng đọng nước hoặc quá ẩm, không trồng cây ngay sau mưa, tiêu hủy cây bệnh, luân canh với lúa nước, phun ngừa bệnh bằng thuốc kháng sinh: Kasugamycin, Streptomycin hoặc tưới gốc bằng thuốc gốc Đồng.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Các chuyên gia về lĩnh vực này:

Trần Anh Ân Tấn Phát Đức Dương