Close

Đăng ký

Close

Thông tin Đăng nhập

Giới tính:

Thông tin chuyên môn

Bạn là:
Lĩnh vực:

Giấc mơ làm giàu từ Hàu Thái Bình Dương

Thứ 3, ngày 06/03/2018 823


Vùng biển Vân Đồn hiện là trung tâm nuôi hàu Thái Bình Dương lớn nhất toàn quốc với diện tích hàng ngàn ha, sản lượng trên dưới 400.000 tấn/năm. Hàu Thái Bình Dương đã mang lại doanh thu hàng trăm tỷ đồng/năm cho người nuôi.

Ước tính trung bình mỗi ngày người dân Vân Đồn xuất gần 10.000 tấn hàu Thái Bình Dương. 

Có được thành công đó, vai trò tiên phong thuộc về doanh nghiệp vô cùng to lớn. Câu chuyện “nông sản tiền tỷ” của hàu Thái Bình Dương thực sự đã truyền cảm hứng cho giấc mơ nâng tầm tới nhiều nông sản khác…

Câu chuyện của những người tiên phong

Qua nghiên cứu cho thấy, trong con hàu có chứa rất nhiều protein, kẽm và các vi chất có lợi khác, không chỉ được sử dụng rộng rãi trong ẩm thực mà còn được coi là “Viagra thủy sản”, hỗ trợ sức khỏe sinh sản của đàn ông. Tuy nhiên, dù hàu Thái Bình Dương thời điểm đó đã nổi tiếng ở nhiều quốc gia, được nuôi tại nhiều vùng biển trên thế giới, thì tại Việt Nam vẫn còn khá xa lạ. Chính vì vậy, năm 2006, doanh nhân Đoàn Quốc Việt, Chủ tịch Tập đoàn BIM là người đầu tiên đưa con hàu Thái Bình Dương từ Đài Loan về phát triển tại Vân Đồn (Quảng Ninh). Do điều kiện nuôi ở vùng biển Vân Đồn tốt nên những dây hàu sống khỏe, lớn nhanh, ruột to, béo, ngọt và hàm lượng dinh dưỡng cao vượt ngưỡng. Vụ thu hoạch đầu tiên, năm 2007, đã đạt gần 500 tấn hàu, 5 năm tiếp theo đạt trung bình 700 tấn/năm.

Giai đoạn đầu, trong khi khâu nuôi trồng thuận lợi bao nhiêu thì khâu tiêu thụ lại khó khăn bấy nhiêu. Vốn là đối tượng nuôi ngoại lai, hàu Thái Bình Dương có nét khác biệt rất lớn đối với những loại hàu hà bản địa, chính bởi vậy người tiêu dùng rất e dè, thậm chí “ghẻ lạnh”.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc dự án hàu Thái Bình Dương, Tập đoàn BIM, nhớ lại giai đoạn khó khăn khi hàu Thái Bình Dương tiếp cận thị trường: Chúng tôi phải chia quân đưa hàu đến các chợ, nhà hàng trên địa bàn TP Hạ Long với giá rẻ như cho, hy vọng đây là vùng đất của biển cả, người dân quen với các đồ hải sản và cũng là trung tâm du lịch thì sức mua sẽ tốt. Thế nhưng, lợi thế nhiều sản vật của biển ở Hạ Long có lẽ chính là một bất lợi đối với đối tượng lạ lẫm, chưa quen mặt, biết tên như hàu Thái Bình Dương. Ngay cả khi chúng tôi đưa hàu vào hệ thống các siêu thị lúc đó cũng không được chấp nhận. Liên tục trong 5 năm đầu, những lần chúng tôi phải thu dọn đống hàu chết thối tại các chợ do bán ế hay không thu hoạch, để mặc cho hàu già chết hàng loạt hoặc rụng xuống biển là rất thường xuyên.

Những tưởng “một vốn, bốn lời”, dự án nuôi hàu Thái Bình Dương của Tập đoàn BIM trở thành “một vốn, bốn lỗ”, doanh thu mỗi năm đạt dưới 2 tỷ đồng trong khi chi phí đầu vào lên đến 6-7 tỷ đồng.

Nuôi hàu Thái Bình Dương tại xã Bản Sen, huyện Vân Đồn.

Không vì thất bại mà nản, Tập đoàn BIM kiên trì mở rộng các hoạt động tiếp cận thị trường cho con hàu Thái Bình Dương, trong đó bám sát thị trường tại chỗ, tổ chức các buổi nếm thử, trình diễn nấu các món ăn từ hàu… đầu tư công nghệ sơ chế tiên tiến nhằm đảm bảo VSATTP. Chính nhờ đó, kể từ năm 2012, sản phẩm hàu Thái Bình Dương nguyên vỏ, tách ruột tươi của BIM đã dần được người tiêu dùng chấp nhận, vào được hệ thống các siêu thị, sức mua trên thị trường cả phân khúc bình dân và cao cấp đều tăng.

Kể từ thời điểm đó, BIM đã lấy thu bù chi, đến năm 2017 thì có lãi lớn. Theo thống kê của Tập đoàn, năm 2017, sản lượng đạt trên 2.000 tấn, doanh thu gần 40 tỷ đồng, cao gấp 25 lần so với giá trị doanh thu năm đầu tiên. Năm 2018, dự kiến sản lượng tiêu thụ 3.000 tấn; doanh thu 70 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp khác cũng đi lên từ sản phẩm hàu Thái Bình Dương. Năm 2014, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh tham gia hoạt động chế biến đồ ăn liền từ nguyên liệu hàu Thái Bình Dương. Mặc dù con hàu Thái Bình Dương lúc này đã được thị trường đón nhận, tuy nhiên, đa số hàu tiêu thụ nguyên con, không qua chế biến. Trong khi, đơn vị lại đi sâu vào ngành hàng chế biến nguyên liệu từ hàu; quá trình chế biến không dùng phụ gia, kể cả mì chính, thành phẩm vẫn có mùi tanh, khá khó dùng. Chính vì thế nên lượng tiêu dùng sản phẩm rất chậm, Công ty đứng trước nguy cơ thua lỗ.

Để khắc phục tình trạng này, Công ty đã đầu tư nguồn kinh phí lớn để nghiên cứu, hoàn thiện các sản phẩm chế biến từ con hàu theo khẩu vị người tiêu dùng.

Bà Phạm Thị Thu Hiền, Giám đốc Công ty cho biết: Tôi từng có nhiều dự án nghiên cứu về con hàu Thái Bình Dương, hiểu rất rõ ưu thế vượt trội về chất lượng của chúng, rất mong muốn được đưa chúng vào bàn ăn của người dân. Tôi tin đầu tư cho hàu Thái Bình Dương là đúng đắn, vì đã là sản phẩm tốt thật sự thì sẽ có chỗ đứng, quan trọng là doanh nghiệp phải có hướng đi phù hợp. Bởi vậy, nếu nói là chúng tôi đã mạo hiểm khi bỏ tiếp vốn đầu tư cho hàu là không đúng, đây hoàn toàn là chiến lược lâu dài của Công ty.

Chế biến ruốc hàu ở Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh. 

Được biết, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh đã phát triển được hàng chục sản phẩm chế biến từ hàu Thái Bình Dương để đưa ra thị trường. Các sản phẩm liên tục được cải tiến về mẫu mã, khẩu vị, do đó đã được người tiêu dùng chấp nhận, trong đó sản phẩm chính là ruốc hàu, nem hàu, tinh chất bột hàu phục vụ sản xuất dược liệu, bánh hải sản các loại… Từ đầu năm 2017 đến nay, Công ty xuất trên 6.000 sản phẩm đồ ăn liền, 120.000 cái nem, 450kg tinh chất bột hàu, tổng doanh thu gần 15 tỷ đồng, đã đủ bù chi, chính thức cắt được lỗ. Riêng sản phẩm tinh chất bột hàu, trong năm 2017 mới chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu của khách hàng, năm 2018 này nếu không mở rộng quy mô sẽ chỉ đáp ứng được 40% đơn hàng của khách.

Trợ lực cho doanh nghiệp

Mặc dù chưa phải là đối tượng nuôi chủ lực của tỉnh, tuy nhiên trước sự phát triển mạnh mẽ cũng như tiềm năng to lớn của con hàu Thái Bình Dương, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã dành những chương trình hỗ trợ rất thiết thực cho loại thủy sản này. Đơn cử như chương trình quan trắc môi trường nuôi; giám sát VSATTP trong thu hoạch nhuyễn thể 2 mảnh vỏ; chương trình OCOP…

Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc dự án hàu Thái Bình Dương, Tập đoàn BIM, khẳng định: Các chương trình trên là sự nâng đỡ đúng cách, đúng lúc và hiệu quả của nhà nước dành cho doanh nghiệp, có thể bảo lãnh cho sản phẩm, gắn kết doanh nghiệp sản xuất đối với các kênh phân phối và người tiêu dùng.

Được biết, chương trình quan trắc môi trường và giám sát thu hoạch nhuyễn thể đều được cơ quan chuyên môn uy tín là Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh thủy sản Miền Bắc (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1) thực hiện theo phương pháp rất sát thực là lấy mẫu để kiểm tra chất lượng môi trường nuôi, các chỉ tiêu bất lợi trong sản phẩm như tảo độc, độc tố sinh học biển, vi sinh vật gây bệnh, kim loại nặng, thuốc trừ sâu gốc chlor hữu cơ…

Các kết quả thường kỳ trong chương trình liên tục được gửi về các đơn vị chuyên môn và các kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm, đối tác của doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến hàu Thái Bình Dương. Riêng chương trình giám sát VSATTP trong thu hoạch nhuyễn thể 2 mảnh vỏ còn đồng thời thực hiện giám sát thu hoạch và cấp giấy chứng nhận xuất xứ cho các sản phẩm. Đây là điều kiện vô cùng quan trọng để các đơn vị doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm, nhất là sang những thị trường khó tính như Mỹ, EU.

Sản phẩm ruốc hàu được bày bán tại các kỳ hội chợ OCOP của tỉnh, được người tiêu dùng ưa chuộng. 

Có thể thấy từ các chương trình quan trắc, giám sát VSATTP đã khiến con hàu Thái Bình Dương và vùng nuôi hàu Thái Bình Dương tại Vân Đồn được đánh giá cao, chiếm ưu thế cạnh tranh, thuận lợi hơn khi vào các kênh phân phối uy tín. Nhiều siêu thị bán hàng đã chủ động liên hệ với doanh nghiệp để nhập sản phẩm.

Riêng đối với chương trình OCOP, doanh nghiệp được hưởng lợi cả giá trị hiện hữu và vô hình. Bà Phạm Thị Thu Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh cho biết: Chúng tôi không chỉ được tiếp cận vốn vay, hỗ trợ lãi suất vốn vay, hỗ trợ đầu tư thiết bị, ứng dụng công nghệ… mà quan trọng hơn được xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, vốn là nền tảng để doanh nghiệp phát triển lâu bền và mạnh mẽ. Thực tế các sản phẩm khi nằm trong hệ thống sản phẩm OCOP sẽ được hỗ trợ đánh giá chất lượng sản phẩm, dán tem, nhãn mác truy xuất nguồn gốc, được quảng bá hình ảnh, xúc tiến thương mại…

Bà Hiền khẳng định, nếu không có sự hỗ trợ từ chương trình OCOP, doanh nghiệp sẽ phải bỏ chi phí không nhỏ cho các hoạt động này, quan trọng hơn kết quả cũng sẽ không được toàn diện, lan tỏa như hiện nay. Từ sự hỗ trợ của nhà nước, bà Hiền tự tin khẳng định sẽ phát triển trở thành doanh nghiệp sản xuất đồ thủy sản ăn liền quy mô lớn của toàn quốc, trong đó ưu tiên cho các sản phẩm từ con hàu Thái Bình Dương.

Có thể thấy từ một đối tượng nuôi ngoại lai, không có nhiều ưu thế cạnh tranh nhưng với những nỗ lực không mệt mỏi, sự tự thân đáng khâm phục của doanh nghiệp và sự hỗ trợ đúng cách của cơ quan quản lý nhà nước, con hàu Thái Bình Dương đã ghi điểm trên thị trường, tìm được chỗ đứng vững chắc cho mình. Điều này cho thấy với bất kỳ nông sản nào, nhất là các nông đặc sản bản địa, vốn mang lợi thế về sự khác biệt, riêng có, nếu có sự đầu tư bài bản, chiến lược rõ ràng, cái “bắt tay” chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nhà nước thì hành trình đi đến thành công chắc chắn rất rộng mở…

Nguồn: Báo Quảng Ninh được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Các chuyên gia về lĩnh vực này:

Trần Anh Ân Tấn Phát Đức Dương Tuấn Dũng