Close

Đăng ký

Close

Thông tin Đăng nhập

Giới tính:

Thông tin chuyên môn

Bạn là:
Lĩnh vực:

"Hoàng hậu quả khô" khẳng định vị thế trên đất cà phê

Thứ 4, ngày 22/11/2017 689

Bên cạnh cây trồng chủ lực là cà phê, những năm gần đây, cây mắc ca đã từng bước khẳng định vị thế trên đất Krông Năng (Đắk Lắk), góp phần phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho nhiều người dân địa phương.
Mắc ca được mệnh danh là “hoàng hậu quả khô” vì hàm lượng dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao mà nó mang lại. Loại cây này được đưa vào trồng rải rác ở một số khu vực tại huyện Krông Năng từ hàng chục năm trước. Có thời gian cách đây chừng 10 năm, người dân ồ ạt đưa vào trồng mắc ca khiến cây trồng này lên cơn “sốt”. Để nhanh chóng phát triển diện tích, nông dân đua nhau tìm cây giống về trồng bất chấp nguồn gốc, chủng loại và chất lượng giống, trong đó, chủ yếu là giống thực sinh. Do đó, một số hộ gặp thất bại vì kiểu làm ăn xổi, bởi cây mắc ca phát triển tốt nhưng không cho quả. Bên cạnh đó, nhiều vườn mắc ca cho năng suất cao, mang lại thu nhập cao cho người trồng. Những diện tích này được trồng bằng giống cây ghép, trồng ở khu vực có địa hình, thổ nhưỡng phù hợp và canh tác đúng kỹ thuật.

Vườn mắc ca của gia đình ông Đinh Minh Đại tại thôn Giang Minh, xã Ea Puk, huyện Krông Năng.

Một trong những người có kinh tế khá lên nhờ trồng mắc ca là ông Đinh Minh Đại, thôn Giang Minh, xã Ea Puk với vườn cây 2,6 ha trồng từ năm 2011 đến nay. Hiện, trong tổng số 800 cây mắc ca của gia đình ông, đã có 300 cây cho thu hoạch, năng suất đạt 15 kg hạt/cây. Bên cạnh thu hạt, vườn cây của ông còn cung cấp 4 dòng giống mắc ca ghép ra thị trường với số lượng 3.000 cây/năm, tổng thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Ông Đại cho biết, cây mắc ca có thể trồng thuần hoặc xen trong cà phê, tiêu…, năng suất vẫn tương đương và không ảnh hưởng đến các loại cây khác, thu hoạch xong được doanh nghiệp thu mua tận nơi với giá gần 100.000 đồng/kg hạt tươi.
Nói về sản xuất mắc ca ở Krông Năng thì không thể không nhắc đến Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp mắc ca Tân Định (xã Đliê Ya). Đơn vị có 49 thành viên, canh tác hơn 350 ha mắc ca trồng từ năm 2008 đến nay, trong đó, một phần diện tích đã cho thu hoạch, tổng sản lượng hằng năm đạt 40 tấn và 4 sào cây đầu dòng sản xuất giống ghép. Bên cạnh bán thô, HTX đã nghiên cứu, chế tạo dây chuyền chế biến mắc ca với công suất 6 tấn/năm. Ông Đinh Công Định, Giám đốc HTX cho biết, sản phẩm của đơn vị sản xuất được bao nhiêu đều được tiêu thụ hết ở thị trường khắp cả nước với giá bình quân 240.000 đồng/kg. Bên cạnh bán hạt, HTX còn sản xuất tinh dầu, rượu và một số sản phẩm khác từ mắc ca nhằm tăng thêm giá trị kinh tế của loại cây này. Đặc biệt, sản phẩm của đơn vị đã được cấp quyền sở hữu công nghiệp cho nhãn hiệu tập thể “Mắc ca Chiến Thắng”.

Mắc ca của Hợp tác xã nông nghiệp mắc ca Tân Định đạt năng suất 3,5 tấn/ha.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Krông Năng, trên địa bàn huyện hiện có 302 ha mắc ca trồng thuần và trồng xen, tập trung nhiều nhất tại các xã Ea Puk (99 ha), Cư Klông (45,7 ha), Ea Tam (38 ha)… Đặc biệt, từ năm 2012 đến nay, đa phần diện tích mắc ca được trồng bằng giống cây ghép, hiện nhiều vườn cây đã cho thu hoạch với năng suất 3,5 tấn/ha. Những diện tích này tuy mới bước vào thời kỳ kinh doanh vài năm đã cho thấy hiệu quả kinh tế cao và từng bước khẳng định vị thế trên đất Krông Năng. Thời gian tới, địa phương sẽ đánh giá toàn diện để xây dựng kế hoạch phát triển mắc ca, trong đó, chú trọng vào chất lượng cây giống và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm này.

Theo báo Đắk Lắk , kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Các chuyên gia về lĩnh vực này:

Trần Anh Ân Tấn Phát Đức Dương