Kỹ thuật nhân giống, trồng và chăm sóc cây Quất cảnh quanh năm
Bệnh thường làm cho rễ và phần gốc sát mặt đất bị thối và chết. Ngoài ra, bệnh còn gây hại trên thân, làm nứt vỏ cây, chảy nhựa màu nâu, dẫn đến chết thân cành.
I-Kỹ thuật nhân giống cây quất cảnh
Cây quất thường được nhân giống theo phương pháp vô tính. Trong các phương pháp nhân giống vô tính thì chiết cành là phương pháp tối ưu nhất đối với cây Quất cảnh bởi cây nhanh cho thu hoạch, lại giữ được đặc tính tốt từ thế hệ bố mẹ.
1.1 Thời vụ chiết cành: vào khoảng tháng 2, cắt cành chiết vào khoảng tháng 4 âm lịch hàng năm.
1.2 Chọn cây mẹ: Cây khỏe, đẹp sinh trưởng phát triển tốt, không sâu bệnh, tán lá phát triển đều, rộng…
1.3 Chọn cành chiết: Chọn cành khỏe, không sâu bệnh, cành có đường kính to bằng cây đũa ăn, dài khoảng 30 cm là được
1.4 Chuẩn bị giá thể chiết cành: Giá thể chiết cành bao gồm đất phù sa nhẹ hoặc đất bùn ao phơi khô nghiền nhỏ phối trộn với rơm rạ mục, rễ bèo…theo tỷ lệ như sau: (Rơm rạ, rễ bèo)/đất bột bùn = 1/2. Hỗn hợp trên được phối trộn với chất kích thích ra rễ nhằm hỗ trợ quá trình ra rễ của cành chiết.
1.5 Kỹ thuật chăm sóc cây con Vườn ươm: Sau khi chiết, sau 60-65 ngày cành chiết phát triển triển cho ra bộ rễ hoàn chỉnh, lúc đó cắt cành và đưa ra vườn ươm cây và chăm sóc cây con năm thứ nhất: như bón phân, tưới nước, làm cỏ, phòng trừ sâu bệnh, cắt tỉa tạo tán…Đối với cây Quất cảnh thì từ lúc chiết cành đến ươm cây đến cho thu hoach mất khoảng 3 năm:
*Năm 1: Thời gian ươm cây khoảng 10 tháng từ lúc cắt cành chiết (tháng 4) đến tháng 2 năm sau tiến hành đảo cây ra trồng ở nơi khác để chuẩn bị bước sang năm thứ 2. lưu ý khoảng cách trồng cây vườn ươm là 60×60 cm.
*Chăm sóc cây quất Năm 2:
– Khoảng cách: 1-1,2m/cây
– Bón phân hóa học: 5-7 kg NPK tổng hợp/tháng/lần
– Làm cỏ, tuới nước theo nhu cầu của cây và theo mùa vụ
– Phòng trừ sâu bệnh: thường thì 20-25 ngày phun thuốc BVTV 1 lần
– Bổ sung dinh dưỡng bằng đậu tương nghiền nhỏ hoặc đậu tương nguyên hạt bón xung quanh gốc cây(đậu tương chưa rất nhiều dinh dưỡng như acid amin 19 loại, các chất khoáng đa lượng đặc biệt là vi lượng Ca, Fe, Mg, Na, S; các vitamin A, B1, B2, D, E, F; các enzyme…): cách bón như sau: Đối với cây năm 2 sử dụng đậu tương nghiền nhỏ bón mỗi gốc 200g, bón 3 đợt trong năm.
– Cắt tỉa tạo tán vào 3-4 tháng/lần vào các tháng 5-8-12
*Chăm sóc quất năm 3: về cơ bản như năm 2 tuy nhiên đây là năm cho hoa, quả để thu hoặch nên các kỹ thuật bón phân, tưới nước được chú ý hơn năm thứ 3 công việc cắt tỉa hạn chế vì tán đã đi vào ổn định:
– Đảo quất vào tháng đầu 5 âm lịch trồng lại sao cho khoảng cách tán cách tán khoảng 40cm là được. Mục đích đảo quất nhằm điều chỉnh tỷ lệ hormon Cytokinin(hormon trẻ hóa cây) làm cho cây chuyển từ giai đoạn sinh trưởng dinh dưỡng sang giai đoạn sinh trưởng sinh sản cây sẽ cho ra hoa và trung tuần tháng 6, lưu ý với nhưng năm mưa nhiều, độ ẩm cao cây có thể cho ra hoa sơm cần phải vặt bỏ hoa để đảm bảo thời vụ cho quả đúng dịp tết nguyên đán.
– Bón phân: NPK tương tự như năm 2, bổ sung đậu tương như năm 2 vào các tháng 5 và 8. Cách bón đậu tương: rắc bột đậu tương xung quanh mép ngoài của bầu(đỉnh rễ), không cần lấp đất.
1.6 Cải tạo đất sau mỗi vụ thu hoạch: cần bổ sung thêm đất phù sa, bón thêm vôi nếu đất chua 20-25kg/sào Bắc bộ.
II-Phòng trừ sâu bệnh
Sâu bướm phượng
Sâu bướm phượng thường đẻ trứng rải rác trên các chồi non của cây. Sâu non nở ra ăn lá non và búp, làm cây sinh trưởng chậm, lá bị khuyết nham nhở làm mất vẻ đẹp tự nhiên của cây.
Phòng trừ: Thường xuyên kiểm tra các chậu quất, khi mật độ sâu thấp có thể bắt và diệt bằng tay. Khi mật độ sâu cao, dùng một trong các loại thuốc để phun như Ofatox 400 EC, Bassa 50 EC, Karate 2,5 EC…, nồng độ từ 0,1- 0,15%.
Rệp
Rệp hại quất cảnh thường sống thành từng ổ trên các búp non, chùm hoa và quả non. Rệp chích hút dịch làm lá, búp và quả non phát triển dị dạng.
Phòng trừ: Nếu số lượng rệp ít có thể ngắt ổ rệp tiêu huỷ để tránh lây lan. Khi mật độ rệp cao có thể dùng một trong các loại thuốc để phun trừ như Bassa 50 EC, Betox 5 EC, Karate 2,5 EC…, nồng độ từ 0,1- 0,15%.
Bệnh ghẻ (bệnh sẹo)
Bào tử nấm thường tồn tại trên lá non, chúng xâm nhập và gây hại chủ yếu trên các phần non của cây như lá, cành và quả. Những lá bị hại phát triển cong về một phía.
Phòng trừ: Cắt tỉa các lá và quả bị bệnh. Khi bệnh nặng có thể dùng các loại thuốc để phun trừ như Daconil 75 WP, Anvil 5 EC, Tilt sunper 300 EC…
Bệnh thối gốc và rễ
Bệnh thường làm cho rễ và phần gốc sát mặt đất bị thối và chết. Ngoài ra, bệnh còn gây hại trên thân, làm nứt vỏ cây, chảy nhựa màu nâu, dẫn đến chết thân cành.
Phòng trừ: Cần giữ vườn và chậu quất thông thoáng, giữ độ ẩm trong chậu vừa phải, không nên tưới quá đậm.