Close

Đăng ký

Close

Thông tin Đăng nhập

Giới tính:

Thông tin chuyên môn

Bạn là:
Lĩnh vực:

Kỹ thuật trồng bông vải năng suất cao (P1)

Thứ 3, ngày 30/01/2018 915

Hiện nay, giống bông vải đang được trồng phổ biến trong sản xuất đều là giống có dạng cành vô hạn, tức là cây bông ra nụ, hoa, quả từ cành dưới lên cành trên và từ trong ra ngoài .

I. Các giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây bông:

Quá trình sinh trưởng và phát triển từ khi gieo hạt đến bắt đầu có quả nở khoảng 95 – 125 ngày và đến tận thu khoảng 140 – 170 ngày, được chia thành năm giai đoạn:

1. Giai đoạn nẩy mầm (từ khi nẩy mầm đến xòe hai lá mầm):

Giai đoạn này thường kéo dài từ 4 đến 7 ngày và cần có đủ nước, nhiệt độ và oxy thích hợp để mầm mọc khỏe.

2. Giai đoạn cây con (từ khi xòe hai lá mầm đến khi có nụ):

Giai đoạn này thường kéo dài 24 – 36 ngày tùy từng giống, điều kiện thời tiết khí hậu và chăm sóc. Giai đoạn này rễ cây được ưu tiên phát triển. Cây bông còn nhỏ nên rất mẫn cảm với tác động của mọi điều kiện ngoại cảnh, nếu bất lợi sẽ làm cho cây bông sinh trưởng không bình thường, năng suất thấp và phẩm chất xơ kém. Để cây sinh trưởng tốt cần phải đủ nước, oxy và dinh dưỡng trong đất.

Các biện pháp cần chú ý trong giai đoạn này là:

– Tỉa định cây sớm.

– Làm cỏ, xới xáo, bón phân cân đối.

– Đủ nước nhưng không để cây bông bị úng.

3.Giai đoạn nụ (từ khi nụ đầu tiến đến nở hoa đầu tiên):

Khi cây có 4 – 8 lá thật thì xuất hiện nụ đầu tiên. Nụ bông do mầm hoa phân hóa từ mầm hỗn hợp mà thành. Giai đoạn này kéo dài khoảng 20-25 ngày.

Cây bông cùng một lúc vừa ra cành lá, vừa ra hoa, quả và luôn được tiếp diễn. Khi cây còn non, ra rễ, thân, lá được gọi là thời kỳ sinh trưởng dinh dưỡng. Khi có nụ đến khi nở quả vừa sinh trưởng dinh dưỡng vừa sinh trưởng sinh thực chồng chéo lên nhau.

Quan hệ giữa sinh trưởng dinh dưỡng và sinh trưởng sinh thực là quan hệ thúc đẩy lẫn nhau. Sinh trưởng dinh dưỡng cung cấp cơ sở vật chất cần thiết cho sinh trưởng sinh thực, nếu sinh trưởng dinh dưỡng kém sẽ làm cây còi cọc, cho năng suất thấp. Ngược lại, nếu sinh trưởng dinh dưỡng quá mạnh, dinh dưỡng được tiêu phí cho phát triển thân, lá, cành quá nhiều, cây bông bị “bốc lá” dẫn đến nụ, hoa, quả non rụng nhiều. Vì vậy đối với cây bông trong giai đoạn này rất quan trọng, phải điều khiển kỹ thuật canh tác thật tốt để cây sinh trưởng cân đối, cho hoa, quản nhiều đạt năng suất cao, phẩm chất tốt.

4 .Giai đoạn hoa nở (từ hoa nở đầu tiên đến quả đầu tiên chín):

Giai đoạn này khoảng 42 – 55 ngày ,từ nở hoa đến hình thành qủa.

– Nở hoa và thụ phấn: Hoa bông thường nở từ 7-9 giờ sáng. Tràng hoa bung ra, bao phấn nứt vãi hạt phấn ra xung quanh và bắt đầu có sự thụ phấn. Nhiệt độ cao hoa nở sớm, nhiệt độ thấp hoa nở muộn.

– Trình tự nở hoa: Hoa nở theo trình tự từ dưới lên trên mất khoảng 2-3 ngày và từ trong ra ngoài mất khoảng 5-7 ngày.

– Hình thành quả: Thụ phấn tốt thì đậu quả tốt, không đậu quả thì hoa rụng. Đến ngày thứ 10 từ khi hoa nở nếu quả non không rụng thì được coi là quả đã đậu.

5 .Giai đoạn quả nở:

Khi quả già thành thục hoàn toàn, vỏ quả mất nước co lại và tách ra thành 4-5 mảnh. Múi bông bị phơi ra nhưng còn dính vào vỏ quả, xơ bông khô đi và nở bồng lên, lúc này ta có thể thu hái phơi 1-2 nắng và đóng bao.

II. Những yêu cầu về ngoại cảnh của cây bông

1. Nhiệt độ:

Cây bông có nguồn gốc nhiệt đới, nên đòi hỏi cao về nhiệt. Nhiệt độ tối ưu cho bông nẩy mầm, sinh trưởng và phát triển là 25-30oC , nhiệt độ dưới 25oC sự phát triển của cây bị chậm lại và nhiệt độ 37-40oC cây ngừng phát triển. Để hoàn thành quá trình sinh trưởng, phát triển từ khi mọc đến khi có quả nở cây bông cần một lượng nhiệt hữu hiệu khoảng 1450 – 1650ºC.

2. Ánh sáng:

Bông vải là cây trồng ưa ánh sáng, lá bông luôn thay đổi góc độ để phiến lá luôn nhận được nhiều ánh sáng mặt trời nhất. Trời âm u, nhiều mây, mưa làm cho bông phát triển chậm, yếu, rụng nụ, quả non.

Thời gian chiếu sáng trong ngày cũng ảnh hưởng đến phát triển, cây bông đòi hỏi đêm dài ngày ngắn. Trong điều kiện dài ngày cây phát triển chậm, chậm hình thành nụ hoa, ngược lại thời gian chiếu sáng nhiều, cây bông phát triển nhanh hơn và sớm ra nụ, nở hoa. Đặc tính này giúp cho chúng ta bố trí thời vụ cho từng vụ, từng nơi một cách hợp lý.

3. Nước:

Cây bông có bộ rễ khá phát triển nên chịu hạn rất tốt, nhưng để đảm bảo năng suất cao, phẩm chất xơ tốt thì còn có chế độ nước thích hợp.

Giai đoạn nảy mầm độ ẩm đất thích hợp là 70 – 80 %.

Giai đoạn cây con cần ít nước: 10 – 12m3/ha, độ ẩm đất thích hợp là 55 – 65 % .

Giai đoạn nụ : 30 – 35m3/ha ,độ ẩm đất thích hợp là 60 – 70 % .

Giai đoạn hoa nở: 90 – 150m3/ha ,độ ẩm đất thích hợp là 70 – 80 % .

Giai đoạn quả lại cần rất ít: 30 – 35m3/ha ,độ ẩm đất thích hợp là 65 % .

Cả vụ cây bông cần khoảng 4.000 – 5000 m3/ha. Những vùng có lượng mưa trên 1.000 mm và đều có thể trồng bông không cần tưới.

Đối với cây bông tỉ lệ rụng nụ, đài thường cao, làm giảm năng suất, vì vậy phải tìm cách hạn chế, chú ý cung cấp đủ nước, phân bón cân đối, phòng trừ sâu bệnh kịp thời, chăm sóc đúng theo quy trình kỹ thuật.

III. Kỹ thuật trồng bông vải năng suất cao

1. Chọn đất trồng bông:

Hầu hết các loại đất thích hợp cho cây trồng cạn đều có thể trồng bông vải, tuy nhiên để đạt năng suất cao, hiệu qủa kinh tế lớn cần chọn đất tốt, giàu dinh dưỡng, tơi xốp, thoát nước, giữ ẩm, ít chua ( pH > 5 ) và có độ mặn thấp < 0,4% .

Đối với vùng Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Duyên Hải Miền Trung cần chọn các loại đất Bazan nâu đỏ, Bazan nâu đen, đất đen, đất xám và đất phù sa không được bồi hàng năm. Bông vải là cây chịu hạn, rất sợ bị úng vì vậy khi trồng cần chọn đất cao ráo, dễ tiêu nước khi bị úng.

Đồng bằng sông Cửu Long nên chọn đất phù sa ven sông Tiền, sông Hậu, vùng đất thịt pha cát gò cao. Những vùng trũng, thấp cần phải lên liếp cao hơn mực nước ngập hàng năm ít nhất từ 30-50cm.

2. Thời vụ trồng bông:

Thông thường bông vải ở nước ta có hai thời vụ trồng đó là vụ khô (còn gọi là vụ Đông xuân) và vụ mưa (còn gọi là vụ mùa). Tuy nhiên mỗi vùng có điều kiện khí hậu, đất đai khác nhau, nên thời vụ trồng cũng khác nhau.

Đồng bằng sông Cửu Long:

-Vụ khô: Gieo trong tháng 10 đến 11 dương lịch.

-Vụ mưa: Gieo trong tháng 8 dương lịch trên vùng đất gò cao.

3. Làm đất trước khi gieo:

– Đất trồng bông trước khi cày, bừa làm đất cần phải dọn sạch cỏ dại. Dùng cày máy hoặc trâu bò cày sâu, bừa kỹ đảm bảo 50% cục đất nhỏ hơn 3-6cm. Sau đó rạch hàng sâu 7 – 10 cm theo khoảng cách quy định để bón phân lót và gieo hạt bông.

– Vùng đất trũng dễ bị ngập khi mưa thì phải lên luống, lên líp.

– Với những chân đất cây trồng trước chưa thu hoạch mà đã đến thời vụ gieo bông thì cần tổ chức gieo gối vụ vào cây trồng trước, có thể rạch hàng hoặc bổ hốc theo khoảng cách qui định.

– Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long đất lúa sau khi cắt bỏ gốc rạ, đào rãnh để thoát nước theo băng 3 – 5 m. Không cần làm đất, chỉ cần chọc lỗ gieo hàng ngang theo khoảng cách quy định. Lỗ chọc sâu 2 – 3 cm, gieo hạt và lấp đất nhỏ hoặc phân hữu cơ vi sinh .

– Để diệt cỏ một cách hữu hiệu có thể phun thuốc diệt cỏ Ametrex 80 WP, liu lượng 1,0 – 1,5 kg/ha trước khi gieo từ 7 – 10 ngày.

4. Mật độ và khoảng cách:

Mật độ là yếu tố cấu thành năng suất quan trọng, việc xác định mật độ phụ thuộc vào điều kiện khí hậu, đất đai, giống, thời vụ, trình độ thâm canh,…

* Vụ khô:

– Đất tốt, thâm canh cao, gieo đúng thời vụ: Mật độ: 4,0 – 5,0 vạn cây/ha . Khoảng cách: 70 – 80 cm x 30 cm x 1 cây. Lượng hạt gieo: 4,5 – 5,5 kg/ha .

– Đất trung bình, xấu, thâm canh kém và gieo muộn: Mật độ: 5,5 – 6,5 vạn cây/ha. Khoảng cách: 50 – 60 cm x 30 cm x 1 cây hoặc 60 – 70 cm x 25 cm x 1 cây/ha. Lượng hạt gieo: 6,0 – 6,5 kg/ha.

* Vụ mưa :

– Đất tốt ,thâm canh cao , gieo đúng thời vụ: Mật độ: 3,0 – 4,0 vạn cây/ha. Khoảng cách: 90 – 100 cm x 30 cm x 1 cây hoặc 80 – 90 cm x 30 cm x 1 cây. Lượng hạt gieo: 4,0 – 4,5 kg/ha.

– Đất trung bình, xấu, thâm canh kém và gieo muộn: Mật độ: 4,0 – 5,0 vạn cây/ha. Khoảng cách: 70 – 80 cm x 30 cm x 1 cây . Lượng hạt gieo : 4,5 – 5,5 kg/ha.

5. Cách gieo hạt bông:

– Đất sau khi làm cỏ, cày bừa, người ta tiến hành rạch hàng để bón phân lót và gieo hạt bông. Vùng nào đất tơi xốp hoặc tranh thủ thời vụ thì chỉ cần cắt bỏ cây trồng trước sau đó cuốc hốc hoặc chọc lỗ bỏ hạt. Chú ý gieo thẳng hàng để dễ dàng chăm sóc và thu hoạch sau này.

– Tiến hành gieo khi đất đang còn ẩm.

– Gieo mỗi hốc 1-2 hạt, tốt nhất là gieo xen kẽ 2 hạt – 1 hạt – 2 hạt,…/hốc, khi cây bông có 2-3 lá thật nhổ tỉa chỉ để 1 cây/hốc.

– Lấp đất nhỏ, mịn, dày 3-4cm, nơi khô hạn thì lấp dày 5-7cm.

– Sau khi gieo xong có thể phun thuốc trừ cỏ Dual 720 EC với liều lượng 1,5-2 lít/ha.

6. Cây trồng xen – gối vụ:

Xen canh cây trồng khác với bông vải có nhiều ý nghĩa rất quan trọng, nó làm tăng hiệu quả kinh tế trên diện tích, đồng thời làm cho người nông dân ít bị thiệt hại hơn khi bị rủi ro. Theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu cây bông và cây có sợi cho thấy sản lượng cây trồng xen có thể trang trải tất cả chi phí cho đến trước khi thu hoạch bông. Mặt khác trồng xen sẽ tạo ra môi trường sinh thái thích hợp cho ký sinh, thiên địch sâu hại bông phát triển tốt, do đó hạn chế được sâu bệnh hại cho cây bông.

Kết quả nghiên cứu cho thấy trong các phương thức xen thì xen kiểu 1/ 1 là thích hợp, tức một hàng bông, một hàng cây xen.

Nên gieo cây xen sau khi cây bông đã gieo 15-20 ngày, nhằm tránh cây xen che phủ bông khi còn nhỏ

* Cây trồng xen: Cây trồng xen trong ruộng bông tùy thuộc vào điều kiện, tập quán canh tác cũng như hiệu quả kinh tế của cây trồng xen. Nhưng phải đảm bảo nguyên tắc :

– Cây trồng xen là cây ngắn ngày.

– Không che phủ hoặc tranh chấp ánh sáng của cây bông.

– Không lây nhiễm sâu bệnh sang cây bông

* Một số cây trồng thường được khuyến cáo trồng xen trong ruộng bông thâm canh như : Đậu xanh, đậu nành, bắp ăn tươi, hành, tỏi, các loại rau,…

* Gối vụ: Để tranh thủ thời vụ có thể trồng gối bông vải vào chân đất cây trồng trước .cách trồng gối như sau: Cắt bỏ bớt lá (cây trồng trước giống như cây ngô), dùng sào ép ngả (cây trồng trước giống như cây đậu) về hai phía, tạo khoảng trống để rạch hàng trồng bông. Thời gian trồng gối khoảng 15 – 20 ngày là tốt nhất, không nên trồng gối quá 20 ngày.

7. Phân bón cho cây bông:

7.1. Thời kỳ bón phân:

– Bón lót: Việc bón phân trước khi gieo bông là rất cần thiết và là một tiến bộ kỹ thuật, đặc biệt có hiệu quả đối với vùng đất xấu và cây trồng trước không phải là cây họ đậu.

– Bón thúc:

• Bón thúc lần 1: Bón vào giai đoạn cây bông được 20-25 ngày sau gieo.

• Bón thúc lần 2: Bón vào giai đoạn cây bông được 40-45 ngày sau gieo.

• Bón thúc lần 3: Bón vào giai đoạn cây bông được 60-65 ngày sau gieo.

7.2 .Liều lượng phân bón và số lần bón phân:

7.2.1 .Khu vực Tây nguyên – ĐBSCL và vùng đất tốt:

Các vùng đất tốt: Đất bazan, đất đen, đất phù sa,… bón với lượng phân như sau:

– Tổng lượng phân bón (tính cho 1 ha):

90 kg N + 45 kg P2O¬¬5 + 45 kg K2O
– Loại phân và lượng phân bón cho mỗi lần cho như sau:

Số lần bón

          

Lượng phân bón cho 1 ha ( Kg ) Lượng phân bón cho 1000 m2 (Kg)
Lân Đạm SA Urea Kali Lân ĐạmSA Urea Kali
1.Bón lót 300 100 0 25 30 10 0 2,5
2.Thúc lần 1 0 0 50 25 0 0 5 2,5
3.Thúc lần 2 0 0 50 25 0 0 5 2,5
4.Thúc lần 3 0 0 50 0 0 0 5 0
5.Tổng số 300 100 150 75 30 10 15 7,5

7.3. Sử dụng phân bón lá:

Cung cấp bổ sung dinh dưỡng cho cây bông bằng các loại phân bón qua lá là rất cần thiết nhằm tăng khả năng đậu qủa, sức chống chịu sâu bệnh, năng suất và phẩm chất sợi. Các loại phân thường dùng hiện nay là: K-HUMATE, VCC, KN03,…

Cách sử dụng K-HUMATE loại 100 ml như sau: Phun 3 lần / vụ.

Lần 1: Khi cây bông được 30 – 35 ngày sau gieo, pha 15 ml (3 nắp chai) cho 1 bình phun 8 – 10 lít nước.

Lần 2: Khi cây bông được 45 – 50 ngày sau gieo , pha 15 ml (3 nắp chai) cho 1 bình phun 8 – 10 lít nước.

Lần 3: Khi cây bông được 60 – 65 ngày sau gieo, pha 15 ml (3 nắp chai) cho 1 bình phun 8 – 10 lít nước.

Chú ý: Không nên sử dụng một số loại phân bón chứa chất kích thích sinh trưởng có tác dụng tương tự như 2,4D sẽ làm lá bị xoăn lại ,ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây bông.

8. Sử dụng chất điều hòa sinh trưởng PIX:

Để cây bông sinh trưởng cân đối, năng suất cao cần phải sử dụng PIX. Điều kiện sử dụng PIX có hiệu qủa là:

– Đúng liều lượng .

– Đúng thời kỳ .

Đối với ruộng bông tốt , trình độ thâm canh cao ,trồng dày và phun vào 3 thời kỳ :

– Lần 1: 35 – 40 ngày sau gieo, liều lượng 5 ml / 1000 m2 hay 50 ml cho 1 ha.

– Lần 2: 50 – 55 ngày sau gieo, liều lượng 10 ml / 1000 m2 hay 100 ml cho 1 ha.

– Lần 3: 65 – 70 ngày sau gieo, liều lượng 10 – 15 ml / 1000 m2 hay 100 – 150 ml cho 1 ha.

Đối với ruộng bông sinh trưởng bình thường nên phun như sau:

– Lần 1: 35 – 40 ngày sau gieo,liều lượng 2,5 ml / 1000 m2 hay 25 ml cho 1 ha.

– Lần 2: 50 – 55 ngày sau gieo liều lượng 5 ml / 1000 m2 hay 50 ml cho 1 ha .

– Lần 3: 65 – 70 ngày sau gieo liều lượng 10 ml / 1000 m2 hay 100 ml cho 1 ha.

Nguồn: Hội nông dân Cần Thơ được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Các chuyên gia về lĩnh vực này:

Trần Anh Ân Tấn Phát Đức Dương