Liên kết trồng dưa lưới, hiệu quả bền vững
Chỉ cần diện tích 1.000-2.000m2, mỗi nhà màng trồng dưa lưới có thể thu hoạch được 4 vụ/năm, doanh thu cả trăm triệu đồng/công/vụ. Nếu có hợp đồng liên kết đầu ra ổn định, canh tác dưa lưới sẽ nhanh thu hồi vốn, mang lại lợi nhuận lâu dài cho nông dân.
Từ thành công của chàng kỹ sư trẻ…
Ở huyện đầu nguồn An Phú, nhắc đến Nguyễn Văn Đệ (xã Vĩnh Lộc), những nông dân lớn tuổi còn phải nể phục bởi anh được xem là người đầu tiên thành công với dưa lưới, một loại cây trồng vốn mới mẻ với vùng đất đã “quen” với lúa, rau màu.
Là một kỹ sư nông học (tốt nghiệp năm 2006), anh Đệ đã bắt đầu với những công việc trái ngành trước khi “kết duyên” với cây dưa lưới từ năm 2014. Để khởi nghiệp tại quê nhà, anh đã đến nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước. “Lần đầu trồng, thấy dưa bị nứt tôi cũng hơi lo lắng. Sau khi tìm hiểu, biết đây là giai đoạn nứt trái để tạo lưới nên mới yên tâm. Tôi cố gắng vừa canh tác, vừa rút kinh nghiệm để tìm ra quy trình sản xuất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng” – anh Đệ chia sẻ.
Nhờ sản phẩm được tiêu thụ nhanh với giá cao, chỉ sau 2 năm canh tác, anh Đệ đã trả hết nợ ngân hàng (vay đầu tư nhà lưới) và bắt đầu có lời. Nhận thấy tiềm năng loại cây trồng này còn lớn nên anh nâng diện tích nhà lưới lên 2.500m2, trồng đa dạng các giống dưa xuất xứ từ Đài Loan và Thái Lan. Anh còn liên kết với nông dân cùng thực hiện quy trình canh tác an toàn và làm đầu mối thu gom sản phẩm của họ. Chàng kỹ sư trẻ đã xây dựng nhãn hiệu dưa “Mr.Đệ”, được ngành chức năng cấp chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Anh Đệ cho biết, với giá thu mua lại từ 25.000 – 30.000 đồng/kg, đảm bảo nông dân có lời ít nhất 35 triệu đồng/vụ/1.000m2. Nếu mỗi năm canh tác được 4 vụ thì sau khoảng hơn 2 năm, nông dân đã lấy lại được vốn đầu tư nhà màng. “Sau khi liên kết ổn định với 6 nông dân ở An Giang và Cà Mau, phát triển 10.000m2 dưa lưới, tôi đang mở rộng liên kết sang Vĩnh Long, Kiên Giang, TP. Cần Thơ để dần nâng diện tích lên gấp đôi. Bên cạnh dưa lưới, tôi đang thử nghiệm quy trình trồng dưa hấu, cà chua tí hon, dưa lê theo hướng an toàn để chuyển giao cho nông dân, nhằm đa dạng sản phẩm, tăng hiệu quả canh tác” – anh Đệ nhấn mạnh.
…đến thắng lợi của những nông dân chịu thay đổi
Một trong những nông dân đang liên kết thành công với kỹ sư Nguyễn Văn Đệ là anh Dương Hiếu Thảo (ấp Mỹ Phó 3, xã Tân Hòa, Phú Tân). Được anh Đệ tận tình hướng dẫn quy trình canh tác an toàn, cam kết bao tiêu sản phẩm với giá 28.000 đồng/kg, anh Thảo cùng bạn của mình đã mạnh dạn đầu tư 350 triệu đồng xây dựng nhà màng 1.000m2, thiết kế hệ thống tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân hữu cơ tự động. Vụ đầu tiên, anh trồng 2.600 gốc dưa lưới trong những chậu nhựa, được nối hệ thống tưới nhỏ giọt vào tận gốc. “Khi dưa lưới được 7 ngày tuổi, cao từ 10-15cm thì tiến hành quấn đọt lên dây. Công việc này cần 2 người quấn liên tục trong 40 ngày. Khi cây được 2,5m thì ngắt đọt. Trồng trong nhà màng nên ít bị sâu bệnh, nhất là không có bọ trĩ, bọ phấn trắng. Trong chiếc bồn chứa 2.000 lít, mình hòa sẵn phân hữu cơ. Mỗi ngày, bật hệ thống tưới tự động trong 1-2 giờ là được” – anh Thảo chia sẻ.
Ngay vụ dưa đầu tiên, mỗi gốc đều cho ít nhất 1 trái, trọng lượng bình quân trên 2kg, đạt yêu cầu về độ đường, tiêu chuẩn thu mua. Với 2.600 gốc dưa, sau 85 ngày canh tác, anh Thảo thu hoạch được hơn 5 tấn trái, giao hết cho anh Đệ giá 28.000 đồng/kg. Tính ra, doanh thu khoảng 140 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí giống, dinh dưỡng hữu cơ, nhân công khoảng 50 triệu đồng, nhóm anh Thảo thu lời 90 triệu đồng. Nếu tiếp tục đà thắng lợi này, chỉ sau 1 năm với 4 vụ dưa, nhóm anh Thảo đã có thể lấy lại vốn đầu tư nhà màng và bắt đầu thu lợi nhuận không dưới 200 triệu đồng/công từ năm thứ 2.
Kỹ sư Nguyễn Văn Đệ cho biết, với hệ thống nhà màng được lắp ráp bằng khung thép vững chắc thì 5 năm sau mới phải bảo trì. Trong thời gian này, người sản xuất đã thu được lợi nhuận khá nên hoàn toàn có thể tái đầu tư mở rộng, tăng diện tích liên kết.
“Dưa lưới là loại cây trồng cho năng suất cao, kỹ thuật sản xuất không khó, thời gian canh tác ngắn, giá trị thương phẩm tốt. Điều quan trọng là khi canh tác, cần có hợp đồng liên kết thu mua nhằm ổn định đầu ra, đảm bảo quy trình sản xuất an toàn, chất lượng” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư lưu ý.
Tổng hợp và duyệt bởi Farmtech Việt Nam