Nghề 'chăm con mọn' ở đầm Nha Phu thu bạc triệu
Nhìn qua tưởng đơn giản nhưng nghề nuôi gia công trai lấy ngọc cũng lắm công phu khi người nuôi chăm những “viên ngọc thô” của mình chẳng khác gì chăm con mọn…
Tỉ mỉ, kỳ công
Sau 15 phút xuất phát từ bến ghe thôn Ngọc Diêm (xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), chúng tôi đến khu vực nuôi trai của anh Nguyễn Văn Tuấn trên đầm Nha Phu. Anh Tuấn là người đầu tiên trong tỉnh hợp tác với một công ty của Nhật nuôi gia công trai lấy ngọc. Từ ngoài nhìn vào, khu bè của gia đình anh rộng cả ngàn mét vuông, tít tắp tầm mắt. Khi chúng tôi đến, anh Tuấn đang đo độ mặn của nước.
Trai giống 4 tuần tuổi được đưa lên thay lồng
Hơn chục công nhân hối hả đưa những lồng nuôi trai lên vệ sinh. Những con trai giống xù xì, hàu rêu bám mốc, dính vào nhau, chỉ một loáng đã được tách ra, cắt tai sạch sẽ. Anh Tuấn cho biết, con trai rất “khó tính”, muốn nó sống và tăng trưởng mạnh khi chăm sóc phải rất tỉ mỉ, cẩn thận. Chỉ cần lơ là, vệ sinh không tốt trai sẽ chết.
Nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trai, anh Tuấn rút ra kết luận, nghề này thực lắm công phu. Không chỉ có kỹ thuật nuôi mà việc chăm sóc trai chẳng khác nào chăm con mọn. Giai đoạn trai từ 1 tuần tuổi đến 8 tuần tuổi là thời gian vất vả nhất. “Ban đầu trai được công ty cung cấp để nuôi chỉ nhỉnh hơn hạt cát một chút. Muốn trai lớn và đạt tiêu chuẩn phải qua hàng trăm công đoạn khác nhau, theo đúng chu kỳ nhất định.
Thu hoạch trai
Hàng ngày phải đưa trai lên vệ sinh, thay túi theo kích cỡ tăng trưởng của nó. Lúc vệ sinh cũng phải để ý không được cắt tơ của con trai, nếu cắt trúng tơ thì nó sẽ chết”, anh Tuấn chia sẻ.
Không chỉ có kỹ thuật mà người nuôi phải thành thục con nước triều lên xuống. Anh Lê Thạnh, người có nhiều năm nuôi trai ở trại anh Tuấn cho hay, môi trường khu vực đầm Nha Phu thuận lợi cho việc nuôi con 2 mảnh vỏ, nhất là hàu, trai, vẹm xanh.
Tuy nhiên, với đặc tính của con trai không chịu được nước ngọt nên khi nước nguồn từ núi chảy xuống đầm mang theo nước ngọt, người nuôi phải nhận biết để xử lý kịp thời. Khi nước ngọt xâm nhập, trai phải được thả dây sâu xuống tầng đáy. Nếu không kịp xử lý thì chỉ 2 giờ ngâm nước ngọt trai sẽ chết. Vì vậy, anh em phải trực 24/24 giờ để xử lý khi có sự cố xảy ra.
Theo người nuôi trai kinh nghiệm, trong số các công đoạn nuôi thì việc xử lý muối công phu và khó nhất. Bởi cứ 2 tuần phải xử lý muối 1 lần, giúp trai kháng khuẩn, tránh bệnh tật. Nồng độ muối phải đạt ngưỡng bão hòa mới có thể diệt được rêu mốc, sâu vỏ. Con trai sau 7 tháng nuôi sẽ được xuất bán lại cho công ty thực hiện cấy ghép ngọc; nếu đạt chuẩn nó có trọng lượng từ 10gram trở lên và không bị sâu vỏ.
Người tiên phong nuôi trai lấy ngọc
Với anh Tuấn, cái duyên đến với nghề nuôi trai cũng thật tình cờ. Năm 2012, sau khi thành công với con hàu sữa Thái Bình Dương, tiếng tăm của anh đã được một công ty Nhật Bản chuyên nuôi trai lấy ngọc biết đến. “Họ chủ động liên hệ với tôi, đặt vấn đề nhờ nuôi thí điểm trai giống lấy ngọc. Tôi vốn thích cái mới nên đã nhận lời, bỏ hơn 1 tỷ đồng để đầu tư bè, với hơn 3.000m2.
Phía công ty Nhật cung cấp toàn bộ con giống, mình chỉ việc chăm sóc. Thế nhưng, ban đầu khi mới nuôi, kỹ thuật chưa có, lại không hiểu được con nước triều… nên gặp khá nhiều khó khăn. Có thời điểm giống chết quá nhiều do thiên tai, chán nản tôi tính bỏ nghề nhưng nghĩ lại vì uy tín và là một người Việt nên tôi đã quyết tâm vượt qua”, anh chia sẻ.
Lâu dần, với kinh nghiệm làm nghề nuôi nhiều năm và được sự hướng dẫn của đối tác, anh Tuấn trở thành người nuôi đạt nhất trong số đối tác của Nhật. Đến nay, mỗi tháng trại giống của anh cung cấp cho công ty Nhật Bản từ 500.000 đến 800.000 con trai giống lấy ngọc có trọng lượng từ 17 đến 20gram. Hiện nay, mỗi kg trai giống được bán với giá dao động từ 15.000 đến 17.000 đồng.
Những thành công trong nghề nuôi trai giúp anh Tuấn có thu nhập ổn định từ 200 đến 400 triệu đồng/năm. Không chỉ vậy, anh đã tạo việc làm cho gần 20 lao động thường xuyên ở thôn Ngọc Diêm. Tuy đã chia sẻ kinh nghiệm cho những người cùng làng để làm, nhưng nghề nuôi trai lấy ngọc khá kén người. Vì vậy, ngoài gia đình anh, hiện nay, toàn tỉnh mới chỉ có thêm 2 hộ đang manh nha nuôi thí điểm với số lượng ít.
Nguồn: Danviet được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam