Close

Đăng ký

Close

Thông tin Đăng nhập

Giới tính:

Thông tin chuyên môn

Bạn là:
Lĩnh vực:

Thừa Thiên - Huế: Hiệu quả từ mô hình nuôi luân canh Tôm Sú - Rong Câu

Thứ 4, ngày 21/02/2018 683

Mô hình nuôi luân canh tôm sú – rong câu được xác định là hướng đi đúng, mang lại hiệu quả kinh tế trong điều kiện thời tiết ảnh hưởng biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.

Lãi khá

Mới đây, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông lâm ngư tỉnh Thừa Thiên – Huế (TTKNLN) triển khai thực hiện mô hình “Nuôi luân canh tôm sú – rong câu trong ao nước lợ” nhằm góp phần đa dạng hóa phương thức nuôi, giải quyết vấn đề ô nhiễm trong quá trình nuôi chuyên tôm. Mô hình còn hướng đến tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, tăng nguồn nguyên liệu cho tiêu dùng và xuất khẩu. Qua một vài vụ nuôi, mô hình đã được khẳng định mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội như kỳ vọng.

Ông Đào Duy Trai ở xã Hải Dương (TX Hương Trà) phấn khởi: Trong khi nuôi chuyên tôm “chết lên chết xuống”, mô hình nuôi luân canh tôm sú-rong câu thật sự là cứu cánh cho người dân. Lãi tuy không bằng nuôi chuyên tôm, nhưng mô hình này ít rủi ro, ít ô nhiễm môi trường và bền vững. Hộ ông Trai được chính quyền địa phương lựa chọn hỗ trợ mô hình với diện tích 0,5 ha. Đối với tôm sú mật độ thả 15 con/m2 (cỡ giống p15); rong câu 0,5 cây/m2 (cỡ giống 10 – 15 cm). Đối với tôm, tỷ lệ sống bình quân đạt 64%, cỡ tôm thu hoạch 20 g/con, tổng sản lượng gần 1 tấn, lãi ròng 78,5 triệu đồng.

Trưởng phòng Kỹ thuật Thủy sản – TTKNLN – Nguyễn Thị Thu Giang cho biết, ngoài hộ ông Trai, TTKNLN còn hỗ trợ xây dựng thêm 3 mô hình thí điểm tại 3 hộ khác ở các xã Vinh Giang (Phú Lộc), Vinh Xuân (Phú Vang) và Quảng Công (Quảng Điền). Mỗi hộ được hỗ trợ nuôi 5.000 m2 với mật độ thả giống, kích cỡ tôm tương tự. Sau 5 – 6 tháng nuôi, sản lượng bình quân tại các hộ này đạt gần 1 tấn, lãi ròng trên dưới 50 triệu đồng.

Để mô hình bền vững

Cũng theo bà Nguyễn Thị Thu Giang, mô hình nuôi luân canh tôm sú – rong câu bước đầu thành công, mở ra nhiều cơ hội cho người dân trong đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững. Một ưu thế đối với mô hình này là kinh phí đầu tư không lớn so với nuôi chuyên tôm, với quy mô nuôi khoảng 5.000 m2 chỉ khoảng trên 50 triệu đồng… Trong khi nuôi tôm sú lợi nhuận khá, hiệu quả kinh tế rong câu mang lại còn thấp, nhưng có tác dụng làm ổn định các yếu tố môi trường, giảm thiểu đáng kể các chất gây hại nguồn nước trong ao nuôi…

Các vùng đầm phá trên địa bàn tỉnh có điều kiện thuận lợi về mặt nước, môi trường để nuôi thủy sản xen ghép, trong đó mô hình luân canh tôm sú – rong câu được xác định rất phù hợp. Để phát huy hiệu quả, khai thác tốt tiềm năng, sắp đến các cấp, ngành liên quan cần tiếp tục quan tâm, hỗ trợ thực hiện mô hình này với quy mô lớn hơn, nhân rộng nhiều địa phương khác nhằm xác định được tính khả thi của việc trồng rong câu thương phẩm trong ao nuôi tôm và cải thiện chất lượng nguồn nước ao nuôi. Từ đó thúc đẩy, khuyến khích người dân từng bước đổi mới phương thức nuôi trồng thủy sản bền vững, hạn chế rủi ro trong nuôi chuyên tôm sú như hiện nay.

Phó Giám đốc TTKNLN – Châu Ngọc Phi chia sẻ, nếu được đầu tư phát triển mô hình trình diễn, các ban ngành sẽ kết hợp chuyển giao, tập huấn kỹ thuật sản xuất cho người dân. Đây cũng là điều kiện để nhân rộng mô hình, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại các địa phương.

Nguồn: Báo Thừa Thiên – Huế được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Các chuyên gia về lĩnh vực này:

Trần Anh Ân Tấn Phát Đức Dương Tuấn Dũng