Close

Đăng ký

Close

Thông tin Đăng nhập

Giới tính:

Thông tin chuyên môn

Bạn là:
Lĩnh vực:

Tìm đầu ra bền vững cho cam Cao Phong

Thứ 2, ngày 29/01/2018 590

Cam Cao Phong ngày càng được nhiều người tiêu dùng trong cả nước biết đến là một loại đặc sản của tỉnh Hòa Bình.

Cam Cao Phong có màu sắc hấp dẫn và thơm ngon

Sau hơn 2 năm được cấp chỉ dẫn địa lý, cùng với quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, cam Cao Phong ngày càng được nhiều người tiêu dùng trong cả nước biết đến là một loại đặc sản của tỉnh Hòa Bình có chất lượng thơm ngon và an toàn. Diện tích trồng cam Cao Phong không ngừng được mở rộng qua mỗi năm. Sản lượng ngày càng tăng nhanh chóng. Đây cũng là lúc cần đến những giải pháp kết nối, tiêu thụ tìm đầu ra ổn định, để giữ gìn và phát triển bền vững thương hiệu cho loại nông sản nổi tiếng này.

Cần kết nối tiêu thụ bền vững

Khi những đồi cam ở Cao Phong bắt đầu chín vàng, cũng là lúc tư thương khắp nơi tấp nập đến tận vườn để gom hàng đưa về các tỉnh, thành tiêu thụ. Ông Trần Văn Tuyên ở khu 4, thị trấn Cao Phong chia sẻ, gia đình ông trồng cam từ năm 2004 đến năm 2008 bắt đầu cho thu hoạch. Nhận thấy tiềm năng từ loại cây trồng này, ông Tuyên tiếp tục đầu tư hợp tác, liên kết mô hình 50/50 (người đầu tư vốn hợp tác với người có đất), đến nay đã có 17ha cam. Mỗi hec-ta cho sản lượng khoảng 30 tấn. Mùa cam năm nay, giá đầu vụ tương đối ổn định, người trồng cam Cao Phong phấn khởi vì có lãi.

Ông Trần Văn Tuyên cho hay, 1ha thu về cả gốc lãi 700-800 triệu đồng. Cam Cao Phong có thương hiệu và chất lượng, an toàn thực phẩm tốt. Với giá đầu vụ người trồng cam cũng phấn khởi vì có lợi nhuận. Các năm trước chất lượng cam Cao Phong chưa cao, chưa có thương hiệu, tiêu thụ chủ yếu ở chợ đầu mối. Nhưng 3-4 năm trở lại đây có thương hiệu người tiêu dùng trong nước biết đến.

Nông dân Cao Phong chăm sóc cam theo quy trình VietGAP

Cam Cao Phong vốn có nguồn gốc từ cam Xã Đoài (Nghệ An), nhưng khi được trồng tại huyện vùng núi Cao Phong đất đai phì nhiêu, màu mỡ, khí hậu mát mẻ, nên cam ở đây có những nét đặc trưng như mùi hương thơm mát, mọng nước, vị ngọt nhẹ, vỏ quả màu vàng óng đẹp mắt. Năm 2014, Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý “Cao Phong” cho sản phẩm cam của huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, khiến cho loại cam này càng được nhiều người tiêu dùng biết đến là một thương hiệu nổi tiếng.

Điều mà người trồng cam nơi đây trăn trở là tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Cho đến nay, các chủ vườn vẫn tự tìm mối tiêu thụ, trông chờ vào các tư thương đến tận vườn thu mua. Cũng bởi vậy mà có những năm cam được mùa nhưng bị tư thương ép giá. Các chủ vườn chưa kết nối được với các chợ đầu mối, các hệ thống siêu thị, mà chủ yếu là qua tư thương.

Đầu ra của cam Cao Phong chủ yếu thương lái thu mua

Ông Nguyễn Đình Bang, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Cao Phong cho rằng cần có kết nối chặt chẽ, tạo kênh tiêu thụ ổn định cho người trồng cam. “Bây giờ đang hình thành chuỗi sản phẩm. Hội trồng cam và hội nông dân đang có ý tưởng sang năm có chuỗi tiêu thụ cho nông dân. Vừa rồi cũng có nhiều siêu thị muốn ký hợp đồng nhưng còn một số vấn đề nên chưa ký được. Còn từ năm sau, với một số tiêu chí, họ ký trực tiếp từng hộ. Hội trồng cam sẽ đứng ra để làm đầu mối ký với các hộ, vận chuyển đưa ra các siêu thị”.

Không phát triển ồ ạt

Những năm gần đây, diện tích, sản lượng cam ở Cao Phong liên tục tăng. Năm 2010, mới có 557 ha cam, quýt, sản lượng đạt 9.000 tấn. Sau 6 năm, diện tích tăng lên 2.000 ha, sản lượng đạt tới 23.000 tấn. Diện tích trồng cam và sản lượng đang tăng lên nhanh chóng qua mỗi năm, vừa là niềm vui vừa là nỗi lo của người trồng cam. Nhờ giá trị sản phẩm ngày càng được nâng cao sau khi được cấp chỉ dẫn địa lý đã có hàng trăm hộ trồng cam trong huyện có thu nhập từ 1 đến gần 10 tỷ đồng/năm. Thế nhưng nếu không tìm hướng tiêu thụ bền vững, nguy cơ các chủ vườn sẽ rơi vào cảnh được mùa rớt giá, hoặc bị ép giá.

Ông Tạ Đình Đào, một chủ vườn có 10ha cam ở Cao Phong cho rằng: “Đầu ra từ trước giờ toàn thương lái đến tận vườn. Có những lúc thương lái ép không bán được hàng. Một vài năm trở lại đây thì không đến nỗi nhưng về lâu dài thì cần có đầu mối tiêu thụ để ổn định cho nông dân. Như sang năm trở đi cam sẽ nhiều hơn. Hiện đã có 2000 ha cam. Nếu thu trong vòng 1.700 – 1.800 ha thì có tới 60.000 – 70.000 tấn cam, nhiều quá không tiêu thụ hết sẽ ế ẩm”.

Theo ông Quách Văn Ngoan, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong, những năm gần đây, diện tích cam tăng lên nhanh chóng vì người dân thấy hiệu quả nên đã rót vốn đầu tư. Tuy nhiên, huyện đã quy hoạch cụ thể về diện tích trồng cam và kiểm soát chất lượng để giữ gìn thương hiệu cam Cao Phong. Bên cạnh đó cũng đã thành lập ban kiểm soát chỉ dẫn địa lý nhằm tăng cường quản lý. Tới đây, địa phương sẽ nghiên cứu về việc sản xuất bao bì, gắn tem nhãn riêng cho cam Cao Phong để người tiêu dùng dễ nhận biết. Ngoài ra, việc mở rộng xuất khẩu cam Cao Phong cũng đã được tính đến để tạo thêm kênh tiêu thụ cho nông dân.

Ông Quách Văn Ngoan cho biết, “trước mắt là thị trường trong nước. Sau khi thị trường trong nước cung cầu đảm bảo thì hướng đến xuất khẩu. Muốn xuất khẩu thì cũng phải có các nhà máy chế biến. Hiện huyện cũng đã có một số dự án nhà máy sơ chế ban đầu. Trong tương lai đây cũng là hướng mở tốt để bà con có giá thành đảm bảo trên thị trường trong nước và quốc tế”.

Cam Cao Phong đang trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển nông nghiệp của địa phương. Cùng với việc phát triển quy mô sản xuất, chất lượng cam Cao Phong cũng tốt hơn nhờ kỹ thuật canh tác, quy trình sản xuất sạch. Vấn đề còn lại, là cần tạo dựng được kênh tiêu thụ ổn định cho nông dân. Không chỉ kết nối trong nước mà còn tìm cách vươn ra thị trường thế giới. Quan trọng nhất là phải giữ được thương hiệu cam Cao Phong, mà điều đó phải bắt đầu từ cái tâm của người sản xuất, mang ra thị trường sản phẩm sạch và an toàn, để có được niềm tin của người tiêu dùng.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Các chuyên gia về lĩnh vực này:

Trần Anh Ân Tấn Phát Đức Dương