Vươn lên từ nuôi tằm trứng
Người nông dân không chỉ nuôi tằm bán kén, mà còn nuôi tằm trứng cung cấp giống. Bà Đỗ Thị Hoa, thôn Đức Thành, xã Hoài Đức, Lâm Hà là người chuyên nuôi tằm trứng để bán lấy con.
Bà Đỗ Thị Hoa vốn là người gắn bó với nghề tằm tang từ lâu. Trước đây, người nuôi tằm phải tự mua trứng về cho nở tằm con, rồi nuôi trưởng thành, thời gian lâu và tỷ lệ hao hụt khá lớn. Nghề tằm phát triển, việc ấp nở, nuôi tằm con được chia ra thành từng khâu riêng biệt so với nuôi tằm lớn.
Bà Hoa chính là nông hộ được các đại lý thu mua kén và cung cấp giống “đặt hàng” chuyên nuôi tằm trứng cung cấp giống cho hàng trăm nông hộ trong vùng lân cận. Bà Hoa bảo: “Nuôi tằm trứng cũng như nuôi trẻ, cần kỹ lưỡng, sạch sẽ và cẩn thận, đảm bảo tằm khỏe mạnh, ăn ngủ tốt, đến tay người nuôi với tỷ lệ sống cao, cho kén có sản lượng ổn định”.
Bà Hoa nuôi tằm trứng theo hình thức gối đầu, mỗi tuần nuôi một lứa, mỗi lứa 30-40 hộp trứng. Vậy là mỗi tháng bà nuôi trung bình 140-150 hộp trứng, số lượng tằm con đủ cung cấp cho hàng trăm hộ trong vùng.
Bà Hoa kiểm tra nong tằm con.
Nuôi tằm ăn cơm đứng, nuôi tằm trứng càng vất vả, thời gian rất khắt khe. Bà Hoa chọn nuôi tằm trên nong lớn có trải miếng nilon để giữ ấm tằm và giữ dâu tươi lâu. Mỗi ngày, tằm được cho ăn 4 lần, kích thước lá dâu phụ thuộc vào tuổi tằm, tằm càng nhỏ tuổi lá dâu càng thái nhỏ hơn. Hàng ngày, người nuôi dọn phân, san tằm để đảm bảo sạch, khỏe và phát triển đều. Xử lý tằm ngủ cũng là khâu quan trọng vì đảm bảo tằm ăn, ngủ đều ở các tuổi, sẽ dễ nuôi, chín tập trung, ít bệnh tật.
Khi chuẩn bị ngủ, tằm bóng vàng, đầu ngẩng, ít vận động, ăn ít dần, ngủ rồi lột xác chuyển sang tuổi sau, phải chú ý hạn chế ánh sáng, gió lùa, tiếng ồn để tằm ngủ. Mỗi lứa tằm nuôi từ trứng tới ngủ tuổi ba là 12 ngày. Sau khi tằm ngủ tuổi ba thì giao cho đại lý kén, họ giao lại cho người nuôi tằm.
Người nuôi tằm nhập tằm con về là tằm vào tuổi ăn tư, dễ nuôi, ít chết, 17 ngày sau sẽ kéo kén. Bà Hoa bảo, mình nuôi ra tằm con cho bà con nuôi tằm lấy kén, làm sao để con tằm khỏe, bà con “thắng” là trách nhiệm, đồng thời cũng là mong mỏi của mình.
Hơn 20 năm, bà Đỗ Thị Hoa gắn bó với nghề nuôi tằm trứng. Cùng thời gian, kinh nghiệm ngày càng nhiều, bà Hoa cũng áp dụng thêm nhiều công cụ để công việc bớt vất vả. Vườn dâu nhà bà gồm 7 sào trồng giống S7-CB và VA 201, giống dâu siêu cao sản phục vụ đủ cho nhu cầu của gia đình. Để giảm bớt công lao động, bà Hoa sử dụng máy thái dâu cho tằm ăn. Loại máy này có điểm hay là có thể điều chỉnh lưỡi để dâu được thái to, nhỏ theo ý của người nuôi tằm. Một hộp trứng giống có giá 250.000 đồng, sau 12 ngày tằm ngủ tuổi ba, giao lại cho đại lý với giá 320.000 đồng/hộp.
Mỗi tháng, thu nhập từ nuôi tằm trứng của gia đình bà Hoa cũng đạt mức trên 10 triệu đồng, cao điểm thu trên 20 triệu. Anh Nguyễn Bá Hà, khuyến nông viên của xã Hoài Đức nhận xét, hộ bà Đỗ Thị Hoa là nông hộ có kinh nghiệm nuôi tằm trứng, tằm con đạt sản lượng cao, được đại lý và bà con nghề tằm tín nhiệm. Gia đình bà Hoa cũng tận dụng rất tốt sức lao động trong mùa nông nhàn, phát triển kinh tế gia đình, đồng thời cung cấp tằm giống có chất lượng cho bà con vùng tằm Hoài Đức.
Nguồn: Zing.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.