Khánh Hòa: Đại lý thức ăn cũng "lao đao" sau bão
Sau cơn bão số 12, các hộ nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nặng, kéo theo các đại lý thức ăn thủy sản cũng lâm vào cảnh khó khăn do không thu hồi được số tiền bán thức ăn nuôi thủy sản.
Nhiều hộ nợ tiền thức ăn nuôi thủy sản
Mua nợ gối đầu
Ông Nguyễn Đình Huân – chủ đại lý thức ăn thủy sản Đình Huân ở tổ dân phố Hội Phước (phường Ninh Hà, thị xã Ninh Hòa) đang lo lắng khi những ngày qua, nhân viên kinh doanh của Công ty Tongwei Việt Nam liên tục nhắc nợ khoản tiền thuốc thú y, thức ăn thủy sản mà đại lý còn thiếu. “Những năm qua, người nuôi tôm ở phường Ninh Hà đều khá uy tín. Trong vụ, họ đều lấy chịu thức ăn từ đại lý chúng tôi, đến cuối vụ xuất bán tôm xong là thanh toán toàn bộ số tiền nợ. Tuy nhiên, vụ tôm cuối năm 2017, toàn bộ tôm bị cuốn phăng theo bão, người nuôi không còn gì để trả nợ tiền mua thức ăn. Trong khi đó, công ty không cho nợ nên gia đình tôi đang phải lo tiền trả cho công ty”. Lật cuốn sổ ghi nợ cho chúng tôi xem, trong số người nuôi mua nợ thức ăn cho tôm từ đại lý của gia đình ông, người ít thì 20 – 30 triệu đồng, người nhiều 50 – 60 triệu đồng, tính ra số nợ lên đến cả tỷ đồng. Ngoài đại lý Đình Huân, 3 đại lý bán thức ăn, thuốc thú y thủy sản tại phường Ninh Hà và các địa phương khác ở thị xã Ninh Hòa đều rơi vào cảnh tương tự, có đại lý số nợ lên đến 2 – 3 tỷ đồng.
Ông Trần Văn Âu – người nuôi tôm ở khu vực Hà Liên cho biết: “Vụ nuôi cuối năm, gia đình tôi thả nuôi 20 vạn con tôm thẻ chân trắng. Sau 50 ngày nuôi, tôm đã đạt kích cỡ 150 con/kg, chưa kịp xuất bán thì bão ập vào, gia đình tôi mất trắng toàn bộ. Hiện nay, tôi đang nợ 60 bao thức ăn từ đại lý với số tiền 18 triệu đồng”. Qua câu chuyện với chủ đại lý thức ăn, ông Âu đề nghị khoanh lại số nợ này, đồng thời mong muốn đại lý tiếp tục bán chịu cho ông chờ vụ nuôi tới sẽ trả.
Các nậu vựa chuyên bán thức ăn tươi phục vụ nuôi thủy sản lồng bè cũng rơi vào cảnh tương tự. Qua tìm hiểu thực tế tại các vùng nuôi lồng bè lớn ở thị trấn Vạn Giã và xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh), được biết, các chủ nậu vựa không để nông dân nợ lâu tiền thức ăn mà chỉ gối đầu trong 1 tháng. Tuy nhiên, các hộ nuôi lồng bè thường nuôi với số lượng lớn, chi phí thức ăn nhiều nên số nợ trong 1 tháng của hộ nuôi ít cũng đến 60 – 70 triệu đồng, hộ nhiều 400 – 500 triệu đồng. Một chủ vựa kinh doanh thức ăn ở đường Trần Hưng Đạo (thị trấn Vạn Giã) cho biết: “Sau cơn bão số 12, số tiền các hộ nuôi tôm lồng bè nợ gia đình tôi hơn 10 tỷ đồng. Chúng tôi muốn thu hồi nợ, người nuôi cũng không có để trả nên đành phải khoanh lại số nợ này, đợi người nuôi phục hồi sản xuất, năm sau thu hồi”.
Mong sự chia sẻ
Được biết, để có vốn kinh doanh, hầu hết các nậu vựa đều vay ngân hàng, trong khi thức ăn đã bung ra, nợ chưa thu hồi được nên rất khó khăn. Các chủ nậu vựa kiến nghị ngân hàng xem xét khoanh nợ, miễn, giảm lãi cho các đại lý kinh doanh thức ăn bị ảnh hưởng do bão.
Theo ông Nguyễn Thược – hộ nuôi tôm hùm lồng ở thị trấn Vạn Giã, sau bão, toàn bộ số tôm của gia đình ông mất sạch, ông đang nợ 60 triệu đồng tiền thức ăn từ nậu vựa. Trước mắt, gia đình ông đang xoay xở để làm lại lồng bè, mua giống để thả nuôi tôm lại, từ đó mới có thể có tiền trả nợ. Gia đình ông Trương Thái Hùng – hộ nuôi tôm hùm ở Vạn Thạnh cũng đang nợ 3 tháng tiền mua thức ăn, với số tiền hơn 300 triệu đồng. Ông cho biết, qua trao đổi, các chủ nậu vựa chuyên cung cấp thức ăn thủy sản cho bè nuôi của gia đình đồng ý khoanh lại số nợ nhưng người nuôi phải chịu lãi suất ngân hàng. Riêng đối với số thức ăn mua mới, phải có tiền mua thì họ mới bán.
Qua trao đổi với đại diện Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa, các địa phương đều xác nhận thực trạng những hộ nuôi trồng thủy sản ao đìa, lồng bè đang nợ tiền mua thức ăn từ các đại lý, nậu vựa. Ước tính thiệt hại về nuôi trồng thủy sản tại vịnh Vân Phong lên đến 16.530 ô lồng, đầm Nha Phu 2.310 ô lồng; thị xã Ninh Hòa 1.025ha ao đìa, huyện Vạn Ninh 640ha ao đìa thì số nợ tiền thức ăn là rất lớn.
Hiện nay, người dân mong muốn bên cạnh việc xem xét khoanh nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi suất, các ngân hàng cần xem xét cho người dân vay mới để tái đầu tư; các chính sách hỗ trợ nuôi trồng thủy sản thiệt hại do bão sớm được ban hành, triển khai. Từ đó mới có thể khắc phục được hậu quả, trả các khoản vay, khoản nợ do bão gây ra.
Nguồn: Báo Khánh Hòa được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.