Kỹ thuật nhân giống Hoa Đỗ Quyên
Đỗ Quyên là một trong những loại hoa đang được ưa chuộng trên thị trường do có màu sắc đa dạng và giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên hiện nay việc sản xuất hoa Đỗ Quyên còn ở qui mô nhỏ do chưa có các kỹ thuật nhân giống phù hợp.
Trong những năm qua, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, Cây cảnh đã nghiên cứu, xây dựng quy trình kỹ thuật nhân giống hoa Đỗ Quyên, với một số lưu ý sau:
1. Kỹ thuật nhân giống bằng phương pháp giâm cành:
– Thời vụ giâm cành: Vụ Xuân (tháng 3) và vụ Thu (tháng 9).
– Chọn cắt cành giâm và kỹ thuật giâm cành: Cành mẹ 3 tháng tuổi, cành dài 7-10cm, có 3-4 lá, nhúng vào dung dịch IBA nồng độ 1500-2000ppm, rồi giâm vào giá thể gồm 2/3 đất bùn ao+1/3 xỉ than. Cắm cành đứng thẳng, sâu từ 1,5-2,0cm, khoảng cách giâm từ 4-5cm là phù hợp cho sự ra rễ của cành giâm.
– Kỹ thuật chăm sóc cành giâm: Nhặt bỏ những cành lá úa. Tưới phun nhẹ nhàng. Sau 2-3 tuần, phun Atonik 1,8% DD với liều lượng 10ml/bình 8 lít và phân bón lá AT vi sinh 0,1%, định kỳ 10 ngày/lần, để cành mau ra rễ, bật lộc sớm, tỷ lệ xuất vườn cao.
2. Kỹ thuật nhân giống bằng phương pháp chiết cành:
– Thời vụ chiết cành: Tháng 3 và tháng 4, cành chiết nhanh ra rễ và cho tỷ lệ sống cao.
– Giá thể và chọn cắt cành chiết: 2/3 đất bùn ao+1/3 rơm mục. Bầu chiết có đường kính 5-6cm, trọng lượng 100-200g, chiều cao bầu 8-10cm. Cành chiết lấy từ cây mẹ 24 tháng tuổi, chiều cao cành 30-35cm, có 2 nhánh, đường kính 0,5-0,7cm.
– Kỹ thuật chiết cành và chăm sóc cành chiết: Cách gốc cành 6-8cm, dùng dao sắc cắt một khoanh vỏ rộng khoảng 1cm, cạo sạch vỏ, dùng bông nhúng vào dung dịch IBA nồng độ 3000ppm, bôi vào vết cắt khoanh vỏ rồi bó bầu. Khi chỗ chiết ra rễ có màu vàng là cắt đem trồng. Trước khi hạ bầu chiết cần cắt bớt cành lá rườm rà, bị sâu bệnh, sau đó đưa cành chiết vào vườn ươm hoặc vào chậu để thuận tiện cho việc chăm sóc.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, Cây cảnh – Viện Nghiên cứu Rau quả -Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.