Close

Đăng ký

Close

Thông tin Đăng nhập

Giới tính:

Thông tin chuyên môn

Bạn là:
Lĩnh vực:

'Lập trình' cho na ra quả theo ý muốn

Thứ 5, ngày 25/01/2018 656

Nông dân huyện Lục Nam (Bắc Giang) có “tuyệt chiêu” bắt cây na ra hoa, đậu quả ở bất kỳ vị trí nào trên thân, cành và bất cứ thời điểm nào.

Vườn na nhà ông Hiến sai trĩu, quả mọc theo trục thân cây rất độc đáo

Ra quả từ thân

Chưa bao giờ, nông dân xã Huyền Sơn thấy phấn khích với cây na như lúc này. Bởi theo ông Bùi Văn Quang, Giám đốc HTX Na dai Lục Nam: Một là, giá na rất cao. Hai là, trồng na không bao giờ sợ mất mùa.

Cái thông tin phía sau chữ “hai là…” ấy khiến tôi choáng. Nghĩ thầm, chắc vị này “chém gió” cho vui. Nhưng, đó là sự thực.

Hồi ông Quang còn bé, đã thấy cây na đứng chân ở vùng đồi núi Huyền Sơn. Mỗi nhà chỉ trồng 2 – 3 cây, ăn chơi ăn bời trong gia đình là chính. Từ năm 1995, nhờ có thương lái miền xuôi làm “cầu nối”, thức quả đặc sản này đã đến được bàn ăn của người dân Thủ đô. Một làn na khoảng 50 quả bán được 260.000 đồng (tương đương 2/3 chỉ vàng thời bấy giờ). Thấy lợi nhuận khủng, các đại gia vác tiền về đây mua đất, trồng na.

Tuy nhiên, do không được chăm sóc đúng cách, na cho năng suất thấp và bấp bênh. Có năm, chỉ sau trận bão quét qua, quả rụng đầy gốc. Nguyên do bởi trong điều kiện tự nhiên, na thường ra hoa, đậu quả ở đầu cành nên dễ bị gió quật. Cũng có năm, na chín rộ chỉ trong 3 – 4 ngày, chủ vườn không cắt kịp, trái lìa cành rơi bình bịch xuống đất, vỡ nát.

Nắm thóp những điểm yếu trên, người trồng na mày mò cách hoá giải. Trung tuần tháng 11/2013, một nông dân xóm Khuyên, xã Huyền Sơn thử nghiệm cắt cành để cho cây thấp bớt, tránh gió bão. Nhưng khổ nỗi, sang xuân, cây chỉ chồi lộc ở thân chứ không ra hoa. Nguy cơ mất mùa hiện rõ. Chủ vườn tiếp tục đánh liều, cắt cụt ngọn cành non mới mọc ra từ thân cây. Bất ngờ, sau 20 – 25 ngày, từ những kẽ lá của cành cây cụt đua nhau nhú hoa, đậu quả.

Quả na hút dinh dưỡng trực tiếp từ thân cây nên căng mọng, ngọt lịm và nhiều nước. Dù ra hoa chậm hơn 1 tháng, nhưng năng suất vườn na diện tích 3 sào của ông vẫn đạt 2,1 tấn (tương đương 20 tấn/ha). Một thành tích mơ ước người trồng na.

Ép hoa nở bất cứ lúc nào

“Kỹ nghệ” trồng na độc nhất vô nhị này được phổ biến ra toàn vùng. Nhờ đó, người ta có thể điều khiển cây na chín sớm, chín muộn hay chín đúng vụ tùy thích bằng cách… cắt cành. Từ trung tuần tháng 6 âm lịch, thương lái đã đánh xe tải lên Lục Nam mua na, trong khi ở các vựa na khác như Chi Lăng (Lạng Sơn), Chí Linh (Hải Dương), quả na vẫn xanh lét. Giá bán na đầu mùa bao giờ cũng đắt (45.000 – 50.000 đồng/kg), thậm chí có thời điểm lên tới 60.000 đồng/kg.

Ngay trong vùng na dai Lục Nam, cùng một thời điểm, khi quả na vườn nhà này đã to bằng quả trứng gà, chủ vườn bên cạnh mới bắt đầu thụ phấn cho hoa để đón vụ na chín muộn, bán giá cao. Nhờ đó, na Lục Nam có thể rải vụ hơn 4 tháng (từ trung tuần tháng 6 đến hết tháng 10 âm lịch).

Na không chín rộ trong thời gian ngắn, nghĩa là không có chuyện ứ hàng. Và tất nhiên, cánh thương lái không thể ép giá. Thậm chí, thương lái ở Vĩnh Phúc, Nam Định, Thái Bình, Hà Tĩnh, Thừa Thiên – Huế kéo đến tận vườn để đặt cọc. Hiện tại, giá na loại 1 khoảng 28.000 – 30.000 đồng/kg, khá cao.

Điểm khác biệt nhất của na dai Lục Nam nằm ở màu sắc vỏ sáng bóng và độ bền của quả. Dù đặt trên bàn thờ cả tuần, quả na cũng không bị thâm vỏ như các loại na trồng ở vùng đất khác. Bởi, na Lục Nam được trồng ở những vùng đất rất khác biệt: Địa hình cao, ráo nước nhưng chất đất giàu dinh dưỡng, màu đen như kiểu mùn giun.

Ông Quang bên một cây na ra quả từ thân

Nông dân Lục Nam tuyệt đối không bón phân hóa học cho vườn na, thay vào đó là phân bón hữu cơ gồm phân trâu (hoặc phân gà) trộn lẫn tro rơm ủ hoai mục trong 8 tháng. Trong tro rơm có nhiều kali nên quả ngọt, rất bền và cây khỏe mạnh, đủ dưỡng chất nên gần như không có sâu bệnh.

Cá biệt, thu 800 triệu đồng/ha

Trước đây, nông dân để vườn na thụ phấn tự nhiên nhờ côn trùng. Buổi sáng, chiều tối con ong đi ăn phấn của hoa già. Khi trời nắng, chúng chui vào bông hoa non mới hé để trú ngụ vô tình thụ phấn cho hoa, nhưng phấn dính trên chân lông con ong không đều dẫn đến quả tròn quả vẹo, tỷ lệ đậu quả không cao.

Thấy thế, bà con tự thụ phấn bằng cách gom phấn hoa già sau đó thụ phấn cho hoa non, quả non lớn lên rất đẹp mã. Nếu phát hiện quả nào còi cọc, méo mó, chủ vườn có thể cắt bỏ đi và cho ra hoa lứa khác để lấy quả đẹp hơn.

Hộ ông Trần Văn Báo (xóm Khuyên) chỉ có 5 sào trồng na. Lão nông này rải vụ na ra làm hai đợt. Riêng đợt 1 đã thu được 100 triệu nhưng chưa cắt hết quả. Còn vụ na đợt 2 dự kiến thu được 50 triệu nữa. Như vậy, nếu diện tích trồng na của nhà ông Báo là 1ha, thì số tiền thu được sẽ là trên 830 triệu đồng. Trừ chi phí đầu tư phân bón khoảng 50 triệu đồng, lợi nhuận mà nông dân thu được rất lớn.

Những hộ gia đình có vườn na cho năng suất thuộc loại trung bình như ông Phương Minh Hiến (xóm Khuyên) cũng đạt năng suất từ 18 – 20 ha/vụ. Mặc dù vừa thu hoạch xong lứa na thứ nhất (bắt đầu từ 25/6 – 24/8), thu 260 triệu đồng. Tuy nhiên, ông vẫn còn lứa na thứ hai, dự kiến trung tuần tháng 10 sẽ bắt đầu cho thu, giá trị 200 triệu nữa.
Để có na chín thường xuyên, bí quyết của ông Phương Minh Hiến là: Từ tháng giêng trở đi, mỗi ngày ông phương chỉ cắt cành khoảng 10 gốc na. Nếu là cây khỏe, đúng 20 ngày sau chúng sẽ ra hoa, còn cây yếu hơn là 25 ngày. Như vậy, hoa được thụ phấn theo từng đợt, rải đều trong nhiều tháng và quả chín từ từ

Được biết, hiện toàn huyện Lục Nam có hơn 1.700ha na, doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Để xây dựng và phát triển thương hiệu na dai Lục Nam, trước mắt, UBND huyện đã hỗ trợ cho HTX Na dai Lục Nam chi phí về túi ni lông (có in địa chỉ và hình ảnh của vùng na Lục Nam) để phát không cho thương lái (tương ứng với số lượng na bán ra), từ đó dễ dàng truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, huyện cũng đang nghiên cứu cơ chế hỗ trợ một phần phân bón và các loại thuốc BVTV cho nông dân theo đúng quy trình sản xuất VietGAP.

Nguồn: Hội nông dân được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Các chuyên gia về lĩnh vực này:

Trần Anh Ân Tấn Phát Đức Dương