Close

Đăng ký

Close

Thông tin Đăng nhập

Giới tính:

Thông tin chuyên môn

Bạn là:
Lĩnh vực:

Một số bệnh quan trọng trên cây Ớt

Thứ 2, ngày 22/01/2018 11810

Dưới đây là một số bệnh hại trên cây ớt và biện pháp phòng trừ

1. Héo rũ gốc mốc trắng

– Tác nhân gây bệnh: Do nấm Sclerotium rolfsii.

– Triệu chứng bệnh: Triệu chứng điển hình của bệnh được thể hiện rõ nhất từ khi cây ra hoa – hình thành quả – thu hoạch. Nấm xâm nhiễm vào phần thân cây sát mặt đất, vết bệnh lúc đầu nhỏ màu nâu tươi hơi lõm, về sau vết bệnh lan rộng có thể dài tới vài centimet bao quanh thân, gốc, lan rộng xuống tận cổ rễ dưới mặt đất. Mô vết bệnh dần dần bị phân hủy, các lá dưới gốc héo vàng và rụng trước, sau đó lan lên các lá phía trên, cuối cùng dẫn tới các lá héo rũ, cây khô toàn thân. Khi cây mới nhiễm bệnh thì rễ cây vẫn bình thường, sau đó rễ dần dần hóa nâu, thâm nâu và thối mục.

Trong điều kiện nhiệt độ tương đối cao, ẩm độ cao thì trên bề mặt vết bệnh sát mặt đất sẽ xuất hiện lớp nấm màu trắng phát triển mạnh, sợi nấm mọc đâm tia lan dần ra mặt đất chung quanh gốc cây, tạo thành một đốm tản nấm màu trắng xốp, một vài ngày sau trên tản nấm đó sẽ hình thành nhiều hạch nấm. Khi còn non hạch có màu trắng sau chuyển dần sang màu nâu giống hạt cải. Bệnh xuất hiện có thể rải rác hoặc từng vạt trên ruộng tùy theo điều kiện ngoại cảnh đất đai và quá trình chăm sóc.

– Đặc điểm phát sinh gây hại của bệnh

Đây là loại nấm đa thực gây hại trên nhiều loại cây trồng khác nhau, phát sinh phát triển thuận lợi trong điều kiện nhiệt độ cao, ẩm độ cao nhưng thích hợp nhất là nhiệt độ 25-30oc. Hạch nấm có thể tồn tại 5 năm trong đất khô nhưng chỉ tồn tại 2 năm trên đất ẩm. Sợi nấm chỉ sống được vài tuần và chết khi nguồn dinh dưỡng được sử dụng hết. Nấm gây bệnh được bảo tồn trong đất và các tàn dư cây trồng bằng hạch nấm hoặc sợi nấm, có khả năng sinh sống và nảy mầm ở độ sâu khoảng 5-8cm, nếu bị vùi lấp sâu hơn sẽ không có khả năng nảy mầm. Nấm không thể tồn tại trên đất bỏ hoang khoảng 2 năm. Sự có mặt của tàn dư cây trồng chưa bị phân hủy trên ruộng tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và xâm nhiễm của nấm bệnh. Bệnh thường phát sinh nặng hơn khi lượng lá rụng trên ruộng tích tụ quá nhiều chung quanh gốc.

2. Héo rũ thối đen

Do nấm Phytophthora capsici. Bệnh gây hại trên cây ớt trong suốt quá trình sinh trưởng phát triển. Tùy từng giai đoạn và điều kiện ngoại cảnh khác nhau mà mức độ gây hại của bệnh cũng khác nhau. Ở thời kỳ cây con, vết bệnh lúc đầu là là một chấm nhỏ màu nâu hoặc màu đen ở rễ gốc thân. Sau đó vết bệnh lan lên phía trên làm hại thân lá và lan xuống phía dưới gây hại rễ chính, gây thối rễ, cây chết gục. Khi gặp trời mưa độ ẩm cao toàn cây bị thối nhũn ra, bề mặt mô bệnh thường có một lớp nấm màu trắng.Trời hanh khô cây bệnh nâu đen héo và chết. Khi cây lớn, trên gốc thân có vết màu đen kéo dài về phía trên và dưới. Khi chẻ phần thân thấy lõi có màu nâu đến nâu đen, nhưng đặc điểm này không có ở những vị trí cao hơn.

– Đặc điểm phát sinh gây hại của nấm

Nấm phát sinh gây hại trong phổ nhiệt độ rộng 12-300c. Bệnh phát triển gây hại mạnh khi thời tiết nóng ẩm và đất ướt, lượng mưa lớn hay tưới nước quá mức, nhất là khi trên ruộng đã có cây bị bệnh thì đây là điều kiện để bệnh lây lan ra cả ruộng, vì du động bào tử của nấm gây bệnh có thể bơi được trong nước.

3. Bệnh héo xanh vi khuẩn

Bệnh do vi khuẩn Ralstonia solanacearum gây ra. Bệnh héo xanh thường thể hiện triệu chứng ngay sau khi vi khuẩn xâm nhập vào rễ hoặc phần thân sát mặt đất. Ở cây bị bệnh ban ngày lá cây mất màu nhẵn bóng, tái xanh héo cụp xuống, về ban đêm có thể hồi phục lại. Sau 2-3 ngày lá cây bị bệnh không thể hồi phục được nữa, các lá gốc tiếp tục héo rũ và toàn cây bị héo rũ rồi chết, cắt ngang thân thấy bó mạch dẫn hóa nâu hoặc nâu đen, nhúng đoạn thân vào cốc nước sạch sẽ thấy dịch vi khuẩn chảy ra màu trắng sữa (đây là đặc điểm để phân biệt bệnh do vi khuẩn và các đối tượng gây hại khác). Trong điều kiện ẩm độ cao, thân cây bệnh dần thối mềm, gãy gục.

– Điều kiện phát sinh phát men của bệnh:

Bệnh gây hại mạnh trong điều kiện nóng ẩm, nhất là khi gặp nắng mưa xen kẽ.
Nguồn bệnh vi khuẩn có thể sống trong đất 5-6 năm, còn trên cây ký chủ và trong hạt giống là 7 tháng.

Vi khuẩn chủ yếu tồn tại trong đất, tàn dư cây bệnh để trở thành nguồn bệnh cho vụ sau, năm sau.

Bón đạm quá nhiều, tưới nước quá ẩm, nhất là khi trên ruộng có cây bị bệnh sẽ thuận lợi cho bệnh lây lan và gây hại.

† Biện pháp quản lý bệnh các loại bệnh trên

+ Dọn sạch tàn dư cây bệnh trên đồng ruộng.

+ Luân canh với cây không cùng ký chủ, tốt nhất là lúa nước.

+ Chọn hạt giống khỏe sạch bệnh để trồng, giống trên ruộng không bị bệnh.

+ Tránh gây tổn thương rễ trong quá rinh trồng trọt, chăm sóc.

+ Khi trồng cần lên luống cao sâu rộng để dễ thoát nước khi gặp mưa lớn.

+ Bón phân cân đối hợp lý tránh bón đạm quá nhiều.

+ Thường xuyên kiểm tra phát hiện cây bị héo rũ để nhổ bỏ kịp thời, phải hạn chế tưới nước, tránh bệnh lây lan trên ruộng.

+ Sử dụng giống chống chịu bệnh, giống ít bị bệnh.

+ Đối với bệnh do nấm Sclerotium rolfsii có thể cày sâu 10-13 cm để vùi lấp hạch nấm và dùng một số loại nấm đối kháng như: Trichoderm, Gliocladium…

+ Biện pháp hóa học thường hiệu quả thấp do tác nhân gây bệnh tồn tại chủ yếu trong đất, xâm nhiễm gây hại ở bộ phận rễ, cổ rễ thân sát mặt đất. Tuy nhiên, trong những trường hợp thực sự cần thiết có thể dùng một số loại thuốc phun để tăng cường sức đề kháng cho cây và hạn chế bệnh lây lan như: Rovral, Viroval, Hạt vàng, Carbendazim, Benlat… (dùng đối với bệnh do nấm Sclerotium rolfsii); Aliette, Ridomil, Phosacide… (dùng đối với bệnh do nấm Phytophthora capsici); Streptomycine 50-200ppm, Kasamin, Starner… (dùng đối với bệnh do vi khuẩn).

4. Khi cây ớt bị chết nhanh

Bà con nông dân ở vùng rẫy Long Hồ và Bình Minh có nhiều kinh nghiệm trong phòng trị các bệnh cho cây ớt- cây có giá trị kinh tế cao trong mùa mưa lũ như hiện nay. Trong mùa này, thủy cấp trong nhiều vùng ở đồng bằng dâng cao do đang vào mùa lũ và ẩm độ trong không khí cũng cao (mưa nhiều xen kẽ với nắng), nên không thích hợp với sự phát triển của cây ớt, vì là loại cây thích đất xốp thông thoáng. Bệnh gây thiệt hại lớn thường gặp trong lúc này của cây ớt là bệnh héo rũ khiến cây chết rất nhanh.

Theo bà con, bệnh do nấm gây ra (nấm Pythium sp. Và Fusarium sp.).Mầm bệnh thường lưu tồn trong đất, bã thực vật, nhất là các loại cây có mang bệnh này ở vụ trước. Rẫy ớt bị bệnh này thường là các rẫy thoát nước không tốt và việc luân canh cây trồng không hợp lý, nhất là vụ trước cũng trồng ớt. Trong rẫy ớt bị bệnh, rải rác có những cây có hiện tượng sáng và chiều lá vẫn tươi, nhưng trưa lại héo. Sau đó vài ngày, các cây ớt này nhanh chóng héo hoàn toàn, lá rụng và trái ớt bị giảm kích thước đáng kể. Nhổ cây ớt lên sẽ thấy rễ bị thối và có màu nâu.

Khi phát hiện trong rẫy ớt có hiện thượng này, phải lập tức nhổ bỏ các cây bệnh và tiêu hủy ngay để diệt mầm bệnh, tránh lây lan qua cây khác và cả các loại cây của vụ rẫy sau. Phòng và trị bệnh cho cây ớt lúc này bằng cách phun cho cây các loại phân bón lá giàu Can-xi như Caltrac, BoroCa, Hợp trí CaSi,… và phun các loại thuốc có gốc Fosetyl Alumium, Metalaxyl theo nồng độ khuyến cáo trên bao bì, kết hợp việc khai nước ra cho ruộng thông thoáng. Trong bón phân, chú ý dùng phân cân đối, nên tăng cường phân hữu cơ, phân hữu cơ sinh học như Super Humic… Sẽ hiệu quả hơn nếu kết hợp với sử dụng các sản phẩm có chứa nấm đối kháng Trichoderma, nhằm tiêu diệt mầm bệnh trên rẫy. Tuy nhiên, biện pháp hóa học không mang lại hiệu quả hữu hiệu nhất, mà phải dùng biện pháp tổng hợp nói trên, chú ý tuyệt đối không dùng hạt giống có mầm bệnh (lấy ở rẫy có cây bị bệnh) và xử lý đất trước khi xuống giống bằng các loại thuốc gốc đồng có bán nhiều trên thị trường.

5. Bệnh thối xám hại ớt

Trong vụ đông, khi nhiệt độ xuống thấp, kèm theo những đợt mưa phùn kéo dài, tạo nên độ ẩm cao là điều kiện thích hợp cho các loại nấm bệnh phát sinh và phát triển, làm cho cây trồng dễ mắc một số bệnh. Gần đây, qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy cây ớt ở một số vùng thuộc các địa phương như Hà Tây, Hải Phòng, Hải Dương đã bắt đầu bị nhiễm bệnh do một loại nấm mốc màu xám gây ra. Bệnh phát triển khá nhanh, ở vùng bãi ven sông có xu hướng nặng hơn ở nội đồng. Đó là bệnh thối xám (gray mold hay botrytis cinerea). Nếu không kịp thời phòng trừ, trong thời gian tới khi có những giai đoạn mưa phùn kéo dài, bệnh sẽ có nguy cơ phát triển trên diện rộng.

Triệu chứng: Có thể tìm thấy các triệu chứng bệnh xuất hiện trên hoa, quả (trái) non, thân và lá ớt, kể cả ở phần cuống quả và đoạn cuống còn sót lại sau thu hoạch. Ngay từ đầu, những cánh hoa nhiễm bệnh sẽ chuyển màu xám và thối. Sau đó những quả ớt non trong diện tiếp xúc với những cánh hoa này sẽ có màu nâu đậm và bắt đầu mềm rũ. Quả non mang bệnh có nhiều khả năng bị rụng sớm. Trong khi đó, những quả ớt lớn hơn cũng có thể bị bệnh thông qua phần cuống của vòi nhụỵ. Quả bị nấm bệnh một thời gian sẽ bị mềm nhũn ra, biến màu nâu và thối. Vết bệnh trên thân cây thường phát sinh từ phần cuống quả của già còn sót lại sau thu hoạch hay do những cánh hoa bị bệnh bay trong gió và rơi xuống. Nấm mốc màu xám xuất hiện trên hầu hết các vết bệnh, nhưng các vết trên thân và lá không có nhiều nấm này như ở cánh hoa và quả non.

Nguyên nhân và điều kiện phát bệnh:

Nguồn gây bệnh ban đầu là các sợi nấm bay tới từ các ruộng bị bệnh ở kế bên, nhất là đầu hướng gió thổi tới, hay của các vụ trước còn sót lại trong đất. Khi gặp điều kiện thuận lợi như đã nhắc tới ở trên, chúng hình thành các bào tử đính (conidia) và bắt đầu phát tán, đồng thời tạo ra các vết bệnh mới. Nhiệt độ thích hợp nhất cho bệnh bùng phát là vào khoảng 14-200C. Bệnh không chỉ gây hại cho cây trồng ngoài ruộng mà còn có thể tấn công cả cây trong nhà lưới hoặc nhà kính của các trung tâm rau sạch.

Phòng trừ:

Khi trồng cần làm đất sạch, tơi xốp, khô thoáng và chọn trồng những cây non khỏe mạnh, không mang bệnh. Trồng ớt với mật độ vừa phải, không nên quá dày. Khi cần tưới nước, chỉ tưới vào gốc, tránh tưới trên tán lá ớt để hạn chế độ ẩm cao. Nếu phun bổ sung phân bón lá thì nên phun vào buổi sáng của ngày nắng ấm để nước dễ bay hơi. Khi nhiệt độ không khí xuống thấp và độ ẩm cao cần lưu ý phun thuốc phòng bệnh. Tốt nhất, nên phun thuốc phòng tối thiểu một lần trước khi bệnh xuất hiện, điều này rất đáng lưu ý trong phòng trừ bệnh nói chung. Sau đó có thể phun từng đợt, cách nhau 7 đến 14 ngày, tùy theo điều kiện thời tiết và mật độ vết bệnh phát hiện trên ruộng. Khi cây đã bị bệnh, cần xử lý bằng thuốc trừ bệnh. (Báo NNVN đã có dịp giới thiệu về thuốc phòng và trừ bệnh hại cây trồng trên số 1607 ngày 1/4/2003). Nên sớm loại bỏ các lá, quả và thân cây bị nhiễm bệnh vì chúng chính là nguồn gây bệnh cho các cây khoẻ mạnh khác. Có thể kể ra một vài tên hoạt chất (active ingredient) của các thuốc hóa học thường dùng phòng trừ bệnh này như: Folpet, Metalaxyl, Daconil, Benomyl v.v.

6. Bệnh thán thư ớt (còn gọi là bệnh đốm trái – nổ trái)

Triệu chứng bệnh

Vết bệnh lúc đầu là một đốm nhỏ hơi lõm, trên bề mặt vỏ quả. Vết bệnh, thường có hình bầu dục hoặc hình thoi, mầu nâu đen hoặc màu vàng trắng bẩn, kích thước vết bệnh có thể trên dưới 1cm tuỳ thuộc vào giống ớt. Phần ranh giới giữa mô bệnh và mô khoẻ thường có một đường vạch màu đen chạy dọc theo vết bệnh. Trên bề mặt mô bệnh có những chấm nhỏ màu đen đó là đĩa cành của nấm gây bệnh.

Bệnh thán thư làm thối chồi non, chết cây con vườn ươm, đặt biệt làm thối quả, cây bệnh ít quả, kém năng suất và giá trị kinh tế, xuất khẩu. Đặc biệt bệnh thán thư hại ớt cả trong thời kỳ bảo quản sau thu hoạch làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng hạt giống.

Tác nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây bệnh thán thư do nhiều loài nấm thuộc loại Colletotrichum gây ra, trong đó hại phổ biến là 2 loài Colletotrichum nigrum Ell et Hals và C. capsici (Syd) Butler and Bisby. Cả 2 loài nấm này thường cùng phá hại làm thối quả ớt rất nhanh. Về đặc điểm hình thái và sinh học của 2 loài nấm trên có những khác biệt, song về điều kiện sinh thái, chúng đều sinh trưởng phát triển thích hợp ở nhiệt độ 28 – 30oC và ẩm độ cao. Đặc biệt bào tử nấm thán thư có sức sống cao, có khả năng chịu đựng khô hạn, dễ dàng phát tán nhờ gió và côn trùng. Nấm gây bệnh tồn tại chủ yếu ở dạng sợi nấm và bào tử phân sinh trên tàn dư lá, thân cành, quả và hạt ớt bị nhiễm bệnh. Vì vậy tàn dư cây ớt bị nhiễm bệnh và hạt giống cũng là những con đường truyền lan bệnh chủ yếu trong tự nhiên.

Nếu vết bệnh có màu trắng trắng xám, bên trong có nhiều vòng đồng tâm nhô lên và có màu vàng nhạt, trên đó có những chấm nhỏ li ti màu vàng do nấm Colletotrichum spp. gây ra (Colletotrichum gloeosprioides; C. capsici; C. acutatum; C. coccodes).

Nếu vết bệnh có màu đen không có nhiều vòng đồng tâm, trong vết bệnh có nhiều chấm nhỏ li ti màu đen, và chỉ gây hại trên trái chín mà thôi, do nấm Volutella sp. gây ra.

Biện pháp phòng trị

– Xử lý hạt giống bằng KMnO4 (0,1%) trong 1 giờ hoặc xử lý nước nóng 52oC trong 2 giờ.
– Gieo trồng ớt ở mật độ thích hợp.

– Nấm tồn tại trong tàn dư thực vật, thu hái các trái bệnh đem thu huỷ.

– Luân canh, không trồng cây họ cà ớt trong vòng 2 – 3 năm.

– Chọn giống kháng bệnh, tăng cường bón thêm phân chuồng hoai mục cho ruộng ớt.

– Tránh trồng ớt trong mùa mưa. Nếu ớt gặp mùa mưa, xem cách chăm sóc và phòng trừ bệnh thán thư trên ớt trong mùa mưa.

– Phun thuốc Copper B 75 WP, Score 250 EC, Appencarb, FOLPAN 50SC, … nồng độ 0,2 – 0,5% khi bệnh gây hại.

– Bón cân đối NPK, đặc biệt để bổ sung đầy đủ nguyên tố vi lượng cho cây ớt có thể sử dụng chế phẩm Bayfolan khoáng chất 11 – 8 – 6 của Công ty Bayer với liều lượng 50ml/bình 16l. Chế phẩm Bayfolan dễ hấp thụ qua lá, thân, rễ cây, giúp cây ớt tăng sức đề kháng, tăng khả năng đậu quả, không rụng hoa và quả.

Trên cây ớt thường bị phá hại bởi các loại côn trùng, sâu ăn lá, sâu đục quả ớt, tạo các vết thương cơ giới rất thuận lợi cho nấm gây bệnh thán thư xâm nhập phá hại. Vì vậy có thể dùng thuốc Bulldock 025EC liều lượng 0,5 – 1lít/ha diệt sâu hại.

Để phòng trừ nấm gây bệnh thán thư ớt, cần sử dụng kịp thời một số thuốc trừ bệnh chủ yếu sau: Thuốc Antracol 70WP (liều lượng 2kg/ha) phun trực tiếp lên lá, cây hoặc quả khi bệnh mới xuất hiện. Thuốc Antracol 70WP ngoài tác dụng phòng trừ trực tiếp nấm gây bệnh thán thư còn có tác dụng bổ sung nguyên tố vi lượng kẽm (Zn++) tinh khiết cho cây ớt, làm tăng sức đề kháng, xanh và cứng cây, chống rụng hoa và quả, đồng thời làm quả ớt có màu sáng đẹp. Nhờ có vi lượng kẽm, thuốc Antracol 70WP còn phòng trừ rất tốt bệnh vàng lá.

Có thể phun luân phiên thuốc Antracol 70WP (1.5 – 2 kg/ha) với thuốc Nativo 750WG (liều lượng 0,12kg/ha), nhờ tác động kép giữa 2 hợp chất trừ bệnh của thuốc Nativo 750WG giúp cây ớt phòng trừ được tất cả các bệnh nấm hại cây và quả ớt kéo dài.

Ngoài 2 loại thuốc trên, người sản xuất cũng có thể dùng luân phiên với thuốc Melody DUO 66,75WP với liều lượng theo khuyến cáo (1kg/ha).

7. Bệnh chết cây con:

Nguyên nhân: Bệnh do nhiều loại nấm sinh sống và gây hại trong đất như Rhizoctonia solani, Pythium, Fusarium, Phytophthora spp. + Triệu chứng: Bệnh xảy ra trong giai đoạn cây con, triệu chứng dễ nhận diện do phần thân cây tiếp giáp với mặt đất bị thối khô có màu nâu đen, cây bị bệnh không đứng thẳng mà ngả sang một bên, lá rũ, còi cọc và chết. Bệnh chết cây con thường thấy khi ẩm độ và nhiệt độ cao. Bệnh thường xuất hiện khi gieo quá dày, tưới nước quá nhiều nhất là khi gieo hạt mùa mưa mà không có giàn che.Phòng trừ: – Không lập vườn nơi quá ẩm ướt không thoát nước tốt hay vườn tối, không đủ ánh sáng, nên làm giàn có mái che.

– Đất vườn ươm phải xử lý trước khi gieo như xử lý vôi, đốt rơm rạ, phơi nắng trước khi trồng…

– Nên bón phân hữu cơ đã hoai mục, hạn chế bón nhiều phân hóa học nhất là đạm.

– Luân canh với các cây trồng khác họ cà (cà, ớt, khoai tây…) để diệt nguồn bệnh.

– Xử lý hạt giống trước khi gieo: Trộn 10 gr thuốc Carbenzim 50WP trong 1 kg hạt giống hay ngâm hạt vào dung dịch nước thuốc với nồng độ 0,1% (pha 1 gr thuốc/1 lít nước) trong 1 – 2 giờ

– Phun thuốc hoá học: Khi thấy cây chớm bệnh phải phun thuốc trừ bệnh ngay, có thể sử dụng các loại thuốc sau: Carbendazim 500 FL, Mexyl MZ 72WP, Alpine 80WP. Nếu cây nhiễm bệnh nặng 5 – 7 ngày phun một lần

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Các chuyên gia về lĩnh vực này:

Trần Anh Ân Tấn Phát Đức Dương