Người đưa cây Măng Cụt về đất Gia Nghĩa
Vốn là người miệt vườn miền Tây Nam bộ, ông Trần Quang Đông, hiện là chủ trang trại Gia Ân ở bon Sê Rê Ú, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) đã có nhiều kinh nghiệm trong trồng, chăm sóc cây ăn quả.
Măng cụt
Khi lên địa bàn Đắk Nông khảo sát, tìm quỹ đất để làm ăn, ông nhận thấy khu vực Đắk Nia đất đai màu mỡ, khí hậu tương đối thuận lợi nên quyết định đầu tư trang trại trồng thử nghiệm một số loại cây ăn quả. Sau nhiều năm, ông Đông đã nhận thấy thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây rất phù hợp để phát triển cây măng cụt, một loại cây có giá trị kinh tế tương đối cao trên thị trường. Vậy là ông tự tìm giống và dành phần lớn quỹ đất có được để trồng măng cụt.
Đây là loại cây khá mới ở vùng Gia Nghĩa nên khi thấy ông đầu tư trồng với quy mô lớn, nhiều người còn nói ông đang “chơi một canh bạc” khá mạo hiểm. Tuy nhiên, tin vào nhận định cũng như kinh nghiệm, kỹ thuật của chính mình học hỏi được, ông đã dồn sức thâm canh loại cây này để chờ ngày cho quả ngọt. Đúng như dự tính, cây măng cụt của ông không chỉ phát triển mà khi cho quả chất lượng cũng rất tốt. Theo ông Đông, một số bạn bè đang là chủ các vựa cây ăn quả lớn ở các tỉnh miền Tây khi lên thăm trang trại cũng đều thừa nhận chất lượng quả măng cụt nơi đây rất đặc biệt. Hầu như quả nào cũng có trọng lượng khá chuẩn, da trơn bóng lại rất ngọt và thơm.
Đến nay, chỉ với hơn 8 ha măng cụt 6 năm tuổi, mỗi năm gia đình ông Đông cũng đã thu 60 tấn quả thương phẩm, cho doanh thu hơn 2 tỷ đồng. Theo ông Đông, trồng măng cụt tuy thời gian đầu tư ban đầu là khá dài so với một số loại cây ăn quả khác nhưng đổi lại, thời kỳ ra quả dài và tương đối ổn định, không mất nhiều công cho việc chăm sóc vì gần như chúng phát triển tự nhiên, không bị tỉa cành, chủ yếu thu hái và bón phân định kỳ, theo dõi và xử lý một số loại địch hại. Mặt khác, cây măng cụt chủ yếu nhân giống từ hạt và tỷ lệ thoái hóa rất thấp nên nông dân có thể chủ động về nguồn cây giống cho việc mở rộng diện tích.
Khi nói về thị trường đầu ra, ông Đông cho biết: “Thời gian qua, sản phẩm măng cụt của Trang trại Gia Ân chủ yếu xuất sang thị trường Đà Lạt (Lâm Đồng). So với nhu cầu hiện nay, 8 ha măng cụt của trang trại là chưa thấm tháp vào đâu. Điều đáng nói, vấn đề ở đây không phải là số lượng mà chất lượng quả măng cụt ở Gia Nghĩa rất đặc biệt, được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, do quy mô loại cây này mới chỉ phát triển nhỏ lẻ, chưa tạo được những vùng chuyên canh nên sản phẩm cung ứng cho thị trường thiếu tính ổn định. Vì thế, ngoài việc xây dựng thương hiệu cho quả măng cụt Gia Nghĩa, cũng như kêu gọi một số hộ dân cùng sở thích trồng loại cây này, tôi cũng mong muốn chính quyền địa phương sớm có quy hoạch, nhân rộng mô hình để măng cụt Gia Nghĩa sớm khẳng định được vị thế trên thị trường trong và ngoài tỉnh”.
Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.