Close

Đăng ký

Close

Thông tin Đăng nhập

Giới tính:

Thông tin chuyên môn

Bạn là:
Lĩnh vực:

Những bệnh thường gặp ở bò (Phần 2)

Thứ 5, ngày 26/10/2017 737

3. Bệnh lở mồm long móng

Bệnh lở mồm long móng do virus hướng thượng bì gây ra. Đây là bệnh cấp tính, lây lan rất nhanh, mạnh trên diện rộng, có đặc điểm là sốt và hình thành các mụn nước ở miệng, chân và vú.

Tất cả các động vật guốc chẵn như trâu, bò, lợn, dê, cừu, hươu, nai, hoẵng, gấu … đều có thể mắc bệnh, nhưng cảm nhiễm mạnh nhất với virus là trâu và bò, với tỷ lệ lên tới 100%. Ở động vật trưởng thành, tỷ lệ chết do bệnh gây ra không cao, chỉ khoảng 1-5%, nhưng ở động vật non, tỷ lệ này có thể lên tới 50-70%, thậm chí 100%.

Virus lở mồm long móng mẫn cảm với sự thay đổi độ pH, ánh nắng mặt trời. Nhưng nó có thể tồn tại lâu trên đồng cỏ có nhiệt độ thấp. Trong thực tế, virus tồn tại ở thịt buôn bán trên thị trường. Nó có thể sống ít nhất 1 tháng trong tinh bò đông viên -79ºC; 10-12 tuần ở quần áo và thức ăn; và hơn 1 năm trong chuồng nuôi gia súc mắc bệnh.

Bò bị bệnh lở mồm long móng

Bò mắc bệnh do hít phải không khí hoặc ăn uống phải thức ăn, nước uống có chứa mầm bệnh. Sau khi vào cơ thể, ngay lập tức virus vào máu và phát triển mạnh ở biểu bì miệng, chân và đầu vú.

Triệu chứng và bệnh tích:

Ở bò, thời gian ủ bệnh khoảng 3-6 ngày. Ban đầu bò có biểu hiện sốt cao (40-41ºC) kèm theo ủ rũ, kém ăn hoặc hoàn toàn không ăn, sản lượng sữa giảm. Sau đó nhiệt độ giảm, bò có các biểu hiện viêm miệng cấp tính, miệng sưng, nước bọt chảy ra nhiều, thành những sợi dài xoắn vào nhau, bám xung quanh môi. Miệng mím chặt lại nên có tiếng kêu lép bép đặc trưng.

Sau khi sốt 2-3 ngày bắt đầu xuất hiện các mụn ở lưỡi, hàm trên, rồi ở môi, lỗ mũi, kẽ chân, bờ móng, đầu vú…Các mụn có hình tròn hoặc dài, đường kính 1-2 cm. Ban đầu thành mụn có mầu sáng, sau đó chuyển dần sang vàng và dầy lên, 1-3 ngày sau mụn vỡ, dịch chảy ra và tạo thành vùng sẹo mầu đỏ. Do thường xuyên tiếp xúc với môi trường bẩn nên các mụn ở chân thường bị nhiễm trùng, con vật què, đi lại khó khăn hoặc nằm phục và có thể bị tuột móng.

Bệnh cũng có thể diễn ra ở dạng ác tính với các biểu hiện điển hình là đột ngột suy sụp, thở khó, yếu, viêm cơ tim cấp, loạn nhịp tim, rối loạn tuần hoàn, tiêu hóa và con vật chết trong vòng 12-20 giờ khi chưa kịp tạo ra các biến đổi ở miệng và móng.

Chẩn đoán:

Xác định chính xác lở mồm long móng rất quan trọng. Điều đó có thể được thực hiện dựa trên các dấu hiệu lâm sàng và bệnh tích kết hợp với các chẩn đoán phòng thí nghiệm. Trong chẩn đoán, cũng cần căn cứ vào động vật cảm nhiễm để phân biệt lở mồm long móng với một số bệnh khác.

Ví dụ, bệnh viêm mụn nước ở miệng, ngoài trâu, bò, dê, cừu còn thấy ở ngựa; bệnh mụn nước ở lợn chỉ có ở lợn…

Yếu tố quyết định đến kết quả chẩn đoán phòng thí nghiệm là bước lấy bệnh phẩm. Bệnh phẩm dùng trong chẩn đoán lở mồm long móng là các mụn nước ở mồm, lưỡi và vú nhưng các mụn này phải chưa vỡ và tốt nhất là lấy vào ngày thứ 2 – 3 sau khi mọc, khi dịch mụn còn trong. Trước khi cắt phải dùng nước đun sôi để nguội rửa sạch mụn và cần ít nhất 2 g bệnh phẩm.

Phòng và trị bệnh:

Vì mầm bệnh là virus nên thực tế không thể điều trị được và cho đến nay không có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh tự khỏi nếu các tổn thương không bị nhiễm các vi khuẩn gây bệnh khác. Do đó cách điều trị tốt nhất là rửa bằng các chất sát trùng nhẹ hoặc sử dụng dấm, khế, chanh và bảo vệ vết thương để ngăn cản bội nhiễm.

Có ba biện pháp phòng chống dịch lở mồm long móng là: giết huỷ toàn bộ, tiêm phòng bằng vacxin và giết huỷ kết hợp với tiêm phòng. Việc áp dụng biện pháp nào tuỳ thuộc vào tình hình của mỗi nước. Ở nước ta, thường sử dụng biện pháp tiêm phòng.

4. Bệnh dịch tả

Dịch tả là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan nhanh, do virus gây ra. Bệnh phát quanh năm, nhưng tập trung vào mùa hè và đầu mùa thu. Virus dịch tả thích nghi trên niêm mạc, đặc biệt là niêm mạc ống tiêu hoá, gây ra hiện tượng hoại tử, viêm, tụ máu và loét niêm mạc ruột.

Bệnh lây lan trực tiếp và gián tiếp từ bò bệnh sang bò khoẻ do tiếp xúc, nhốt chung chuồng, chăn thả cùng bãi chăn, qua dụng cụ chăn nuôi, người chăn nuôi hoặc do ăn uống phải thức ăn, nước uống có chứa mầm bệnh, do bò bệnh thải ra qua phân, nước tiểu, các chất dịch bài xuất.

Triệu chứng và bệnh tích:

Thời gian ủ bệnh trung bình 3 – 9 ngày, nhưng cũng có thể kéo dài tới 12 – 15 ngày. Bò bị bệnh ở 4 thể:

– Thể quá cấp tính: diễn ra khoảng 12-24 giờ, bò lăn ra chết mà chưa có các dấu hiệu lâm sàng đặc trưng. Thông thường chỉ thấy niêm mạc xung huyết, đỏ thẫm.

– Thể cấp tính: bò sốt cao, 40-410C trong vòng 3-4 ngày, ủ rũ, mệt nhọc ăn ít hoặc bỏ ăn. Ban đầu niêm mạc mắt, mũi, miệng đỏ thẫm, có chấm xuất huyết sau đó mọc các mụn nhỏ, bằng hạt kê thành từng đám, mầu xám. Khi sốt cao con vật đi táo, khi nhiệt độ hạ đi ỉa lỏng vọt cầu vồng. Phân mầu nâu đen có lẫn máu và màng giả. Bò gầy tọp và sau đó bị chết do kiệt sức.

Thời gian bò bị bệnh kéo dài 7-8 ngày và gây tỷ lệ chết rất cao, 90-100%

– Thể mãn tính: các triệu chứng thể hiện rõ nhất là suy nhược, kiệt sức, đi xiêu vẹo, lúc đi táo, lúc đi lỏng và kéo dài hàng tháng. Đa số bò bệnh bị chết do kiệt sức, một số con có thể khỏi bệnh và sau khi hồi phục vẫn là ổ chứa virút, gieo rắc virút vào môi trường

Các bệnh tích chủ yếu ở bộ máy tiêu hoá: niêm mạc miệng, dạ múi khế, van hồi manh tràng, ruột tụ máu và có những vết loét nhỏ như hạt kê hoặc hạt đỗ màu vàng xám hoặc đỏ tím. Gan vàng úa và dễ nát. Túi mật sưng to, niêm mạc túi mật tụ máu và xuất huyết.

Lá lách, thận, màng treo ruột sưng, tụ máu và xuất huyết giống như niêm mạc túi mật.

Chẩn đoán:

Chẩn đoán bệnh dịch tả dựa trên các dấu hiệu lâm sàng kết hợp với đặc điểm lây lan nhanh của bệnh và đặc điểm của các địa phương có ổ dịch cũ

Dấu hiệu lâm sàng đặc trưng của bệnh dịch tả là con vật cùng một lúc có sốt cao và viêm loét miệng; khi nhiệt độ hạ xuống thì bị ỉa chảy dữ dội. Bệnh tích điển hình là những nốt loét có bờ, phủ bựa vàng xám ở dạ múi khế và van hồi manh tràng

Trường hợp nghi ngờ có thể lấy máu của vật bệnh và tiêm dưới da cho bê khoẻ mạnh. Sau khoảng một tuần bê sẽ phát bệnh với các dấu hiệu điển hình của bệnh dịch tả.

Phòng trị bệnh:

Hiện nay chưa có thuốc đặc trị bệnh dịch tả. Trường hợp bệnh mới phát, con vật chưa bị ỉa chảy, có thể điều trị bằng cách tiêm huyết thanh dịch tả trâu bò

Sử dụng các loại thuốc điều trị triệu chứng:

– Khi con vật sốt cao, tiêm dưới da Urotropin 10%, liều 10ml/ngày

– Hạn chế ỉa chảy bằng việc cho uống các loại lá chát như lá ổi, lá sim, lá chè tươi

– Trường hợp bò bị ỉa chảy mạnh, mất nước, cần truyền tĩnh mạch dung dịch sinh lý mặn, sinh lý ngọt đẳng trương với liều 1000ml/100kg khối lượng

Đối với bệnh dịch tả, biện pháp phòng bệnh rất quan trọng. Khi chưa có dịch xảy ra, cần tiêm vacxin cho toàn đàn mỗi năm 1-2 lần, đặc biệt là tại các ổ dịch cũ, những vùng xung quanh các ổ dịch, những vùng có nguy cơ cao, kết hợp với việc tổ chức kiểm dịch nghiêm ngặt và tăng cường các biện pháp vệ sinh thú y.

Khi có dịch xảy ra, cần tổ chức kiểm tra để phát hiện con ốm, cách ly để điều trị và tránh lây nhiễm sang những con khác. Tiêm huyết thanh dịch tả cho những con nghi mắc bệnh và tiêm vacxin cho những con bò khoẻ mạnh. Tiến hành công bố dịch và nghiêm cấm hoàn toàn việc giết mổ, vận chuyển gia súc. Những con bò bị chết do dịch tả phải được chôn sâu 2m, đổ vôi sát trùng và lấp đất cẩn thận. Tẩy uế và khử trùng chuồng trại bằng dung dịch nước vôi 10% hoặc crezin 2-3% và phải để trống chuồng 30 ngày.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Các chuyên gia về lĩnh vực này:

Trần Anh Ân Tấn Phát Hải Lý Văn Cường Thành Tôn Thành Tôn Quang Anh Chánh Thoan Bình Quang Khải Quang Khải