Close

Đăng ký

Close

Thông tin Đăng nhập

Giới tính:

Thông tin chuyên môn

Bạn là:
Lĩnh vực:

Quy trình phòng bệnh cho dê

Thứ 3, ngày 14/11/2017 2575

1. Về giống

Cũng giống như các loại gia súc khác, để lựa chọn các cá thể dê làm giống phải chọn qua đời trước (ông bà, bố mẹ). Kiểm tra cá thể con giống về các đặc điểm như ngoại hình, khả năng sản xuất, khả năng thích ứng với điều kiện chăn nuôi và chọn lọc qua đời sau của chúng. Đồng thời, phải chọn lựa dê làm giống ở những cơ sở chăn nuôi dê có uy tín, đảm bảo chất lượng.

Chọn dê giống có chất lượng tốt

Một số điều cần lưu ý trong quá trình chọn giống dê:

a. Chọn giống dê cái

– Ngoại hình: Chọn những dê có ngoại hình đẹp, mình nở rộng, ngực sâu, thân hình cân đối khỏe mạnh, da mềm, lông bóng. Bầu vú nở rộng, cân đối, núm vú dài và đưa về phía trước, có nhiều mạch máu nổi trên bầu vú.

– Khả năng sinh sản: Khoảng cách lứa đẻ đều đặn, số con đẻ ra nhiều, tỉ lệ nuôi sống cao.

– Khả năng sinh trưởng: Chọn những con có chỉ tiêu sinh trưởng cao hơn những con khác trong đàn tại thời điểm sơ sinh, lúc 6 tháng tuổi, lúc phối giống, tuổi đẻ lứa đầu tiên.

b. Chọn giống dê đực

Chọn những con đực có ngoại hình đẹp, đầu cổ kết hợp hài hòa, thân mình cân đối khỏe mạnh, 4 chân vững chắc, hai dịch hoàn to đều, dáng nhanh nhẹn, tính hăng tốt.

c. Chọn dê nuôi lấy thịt

Chọn những con có thân hình đều đặn, cân đối, săn chắc, đùi nổi bắp thịt; đầu, cổ vừa phải và thon; ngực nở và sâu; lưng phẳng và rộng; chân khỏe; da mềm mại, lông mượt, khoeo rộng.

Mua dê từ các cơ sở không có lưu hành các loại dịch bệnh nguy hiểm trong cùng thời điểm. Dê mua về phải nuôi cách ly và theo dõi chặt chẽ trong thời gian 2 – 3 tuần, nếu dê khỏe mạnh, ăn uống bình thường mới cho nhập đàn.

2. Về thức ăn

Do có khả năng ăn tạp nên nguồn thức ăn cung cấp cho dê rất phong phú, có thể là các loại cây bụi, cỏ trồng, cỏ mọc tự nhiên, các loại lá cây (so đũa, mít, chuối, keo dậu, dâm bụt…), phế phẩm nông nghiệp (rơm, thân cây ngô, ngọn mía, dây đậu…), các loại củ quả (khoai lang, bí đỏ, chuối…), thức ăn tinh, thức ăn khoáng… Trong đó, thức ăn thô xanh thường chiếm khoảng 55 – 70% khẩu phần ăn của dê.

Để phát triển tốt chăn nuôi dê trong điều kiện hiện nay ở nước ta, chúng ta cần phải tận dụng triệt để các nguồn thức ăn tự nhiên, đặc biệt là bãi chăn thả ở các vùng đồi núi không có khả năng canh tác. Kết hợp việc trồng các loại cây thức ăn với các loại cây nông nghiệp, cây lâm nghiệp phù hợp. Tăng cường và tận dụng các phế phụ phẩm ngành trồng trọt, ngành công nghiệp chế biến (rượu, bia, mía đường…) để đảm bảo cung cấp đầy đủ số lượng và chất lượng thức ăn cho đàn dê trong các mùa vụ khác nhau, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Về mùa khô có thể chế biến và cung cấp các loại thức ăn dự trữ cho dê như: cỏ khô, thức ăn ủ chua, mía cây, rỉ mật đường và các loại thức ăn bổ sung khác như thức ăn tinh, củ quả, khoáng đa vi lượng…

Hiện nay, ở một số địa phương, ngoài việc tận dụng nguồn thức ăn sẵn có người chăn nuôi còn tiến hành trồng các cây thức ăn thích hợp cho dê, đồng thời tận dụng các nguồn phế phụ phẩm khác như bã sắn, bã bia, thân cây ngô, ngọn lá sắn khi thu hoạch, lá mít, cỏ các loại và cây đậu phơi khô cho dê cái chửa và dê sữa ăn cho hiệu quả tốt.

Thức ăn cho dê cũng phải đảm bảo sạch, không có hoá chất độc, không có các loại hormon kích thích sinh trưởng, không có độc tố nấm mốc theo quy định của Cục Chăn nuôi và Cục Thú y.

Đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước sạch, không bị ô nhiễm các chất độc hại (thuốc bảo vệ thực vật, độc tố nấm, muối nitrat và nitrit), đồng thời không bị nhiễm các vi sinh vật có hại (vi khuẩn Salmonella), hoặc có số lượng dưới mức cho phép (vi khuẩn E. coli). Khi có lũ lụt thì cần xử lí nước bằng Cloramin T, B (300g/m3 nước) để diệt vi sinh vật gây bệnh.

3. Về chuồng trại

Hầu hết các cơ sở chăn nuôi dê ở nước ta đều xây chuồng sàn để nuôi dê. Xây dựng chuồng nuôi dê cần chú ý những vấn đề như sau:

– Chuồng nuôi dê có thể làm đơn giản và rẻ tiền bằng các loại vật liệu sẵn có ở địa phương, nhưng phải đáp ứng được đặc tính của dê là thích sống nơi cao ráo, thoáng mát, không ẩm thấp.

Chuồng dê nên xây dựng cao ráo, thoáng mát

– Hướng chuồng: Nên chọn hướng Đông hay Đông Nam để lấy được ánh nắng mặt trời buổi sáng sớm và tránh được mưa rào, gió bấc. Chuồng trại không nên làm quá gần nhà ở để đảm bảo vệ sinh môi trường sống cho con người, nhưng cũng không nên làm quá xa nhà ở vì sẽ khó quản lý và chăm sóc dê.

– Xây dựng chuồng nuôi dê theo định mức sau: Dê con theo mẹ 0,2 m²/con; dê cai sữa 0,3 m²/con; dê cái tơ và dê nuôi thịt vỗ béo 0,6 m²/con; dê cái sinh sản 0,8 m²/con và dê đực giống 1,5 – 2 m²/con.

– Chuồng dê nên làm theo kiểu chuồng sàn bằng gỗ hoặc tre chắc chắn, sàn chuồng cách mặt đất khoảng 30 – 40 cm. Mặt đất dưới sàn chuồng có độ dốc khoảng 30 – 45º, phẳng và láng nhẵn để dễ thoát nước tiểu và phân, dễ dọn chuồng. Cần đảm bảo mùa đông ấm, mùa hè mát, tránh gió lùa. Có hố lưu phân và chất thải chăn nuôi, đồng thời phải được dọn sạch hàng ngày.

– Sân chơi là phần nền đất, tiếp giáp với chuồng, có hàng rào bảo vệ. Sân chơi cần có diện tích rộng ít nhất gấp 3 lần diện tích chuồng nuôi. Ở sân chơi phải có bóng mát, không có vũng nước đọng, có máng ăn và máng đựng nước sạch cho dê uống hàng ngày.

– Chuồng nuôi dê phải được rào để bảo vệ, có hố sát trùng ở cổng ra, vào và ở đầu chuồng dê. Cần xây dựng bản nội quy phòng trừ dịch bệnh cho dê hàng quý, hàng năm. Cấm người không có trách nhiệm ra vào chuồng dê. Chú trọng đảm bảo vệ sinh thức ăn và nước uống cho dê hàng ngày.

– Xây dựng chuồng trại nuôi dê xa khu dân cư, đảm bảo chuồng dê luôn khô và sạch, thoáng mát về mùa hè, kín ấm về mùa đông. Có thể chống rét cho dê khi nhiệt độ hạ thấp (trên dưới 10ºC), định kì sử dụng thuốc sát trùng 2 tuần 1 lần lúc không có dịch, 1 tuần 1 – 2 lần khi có dịch.

Sử dụng một trong các loại thuốc sát trùng thông thường như: Han Iodin 10% (khi phun pha với nước thành dung dịch 1%, phun ở chuồng không có dê; pha nồng độ 0,5% phun ở chuồng đang có dê); Halamid 3%, Hantox 200 (pha thành dung dịch 5%), nước vôi 10%, vôi bột (rắc).

4. Phòng bệnh bằng vắc- xin

Việc phòng bệnh bằng vắc-xin có vai trò rất quan trọng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm nói chung và chăn nuôi dê nói riêng. Người chăn nuôi cần thực hiện tiêm phòng nghiêm ngặt một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho đàn dê. Các bệnh cần phòng là:

Phòng bệnh đậu

– Vắc- xin đậu dê: Vắc- xin vô hoạt dạng lỏng, màu hồng nhạt, có chất bổ trợ là keo phèn.

– Đường dùng thuốc: Vắc- xin dùng để tiêm phòng cho dê từ 1 tháng tuổi trở lên theo đường tiêm dưới da hoặc tiêm bắp.

– Liều lượng sử dụng: 1 ml/con, tiêm dưới da hoặc tiêm bắp, tiêm 2 lần/năm.

– Những chú ý khi sử dụng: Chỉ tiêm cho dê từ 1 tháng tuổi trở lên; Sát trùng bơm, kim tiêm thật kĩ trước khi tiêm; Lắc đều lọ vắc- xin trước khi sử dụng; Không tiêm vắc- xin trong vòng 21 ngày trước khi giết mổ dê.

Phòng bệnh viêm ruột hoại tử

– Tiêm giải độc tố phòng bệnh viêm ruột hoại tử cho dê.

– Liều tiêm: 2 ml/con, tiêm dưới da cổ, mỗi năm tiêm 2 lần vào tháng 3 và tháng 9.

– Sau 2 tuần có miễn dịch.

 Phòng bệnh tụ huyết trùng

– Vắc- xin tụ huyết trùng dê là vắc- xin vô hoạt, dạng lỏng, màu vàng nhạt.

– Liều tiêm: 2 ml/con cho dê từ 1 tháng tuổi trở lên, tiêm dưới da hoặc tiêm bắp thịt.

– Tiêm vắc- xin định kì 2 lần/năm để phòng bệnh cho đàn dê.

– Chú ý: Lắc kĩ lọ vắc- xin trước khi sử dụng và chỉ sử dụng trong ngày.

Phòng bệnh lở mồm long móng

– Vắc- xin phòng bệnh lở mồm long móng là vắc- xin vô hoạt dạng nhũ dầu.

– Liều tiêm: 1 ml/con, tiêm sâu vào bắp thịt.

– Thời gian tiêm:

+ Chủng mũi đầu tiên: lúc 4 tháng tuổi.

+ Chủng tăng cường: 9 tháng sau mũi đầu tiên.

+ Tái chủng: cứ 12 tháng chủng lại.

+ Sau 2 tuần có miễn dịch, tiêm nhắc lại tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh của địa phương.

5. Phòng bệnh bằng thuốc

Phòng và trị bệnh kí sinh trùng đường máu cho dê

– Thuốc Trypamidium, liều 1 mg/kg TT. Pha với nước cất hoặc nước sinh lý (dung dịch NaCl 0,9%) thành dung dịch 2 – 3%, tiêm tĩnh mạch.

Thuốc có tác dụng trị bệnh tiên mao trùng, đồng thời có tác dụng phòng bệnh tiên mao trùng cho dê trong vòng 1 – 1,5 tháng. Chú ý tiêm cho dê vào mùa hè (khi côn trùng môi giới truyền bệnh là ruồi trâu và mòng hoạt động mạnh).

– Thuốc Hemosporidin, liều 0,5 mg/kg TT, pha thành dung dịch 1%, tiêm tĩnh mạch để điều trị bệnh lê dạng trùng cho dê.

Phòng trị bệnh giun tròn cho dê

Có thể dùng một trong các thuốc sau:

– Thuốc Levamisol: liều 1 ml/10kg TT (6 – 7 mg/kg TT), tiêm bắp thịt.

– Thuốc Mebendazol: liều 15 – 20 mg/kg TT, hoà sữa hoặc nước, cho uống.

– Thuốc Ivermectin: liều 0,2 – 0,3 mg/kg TT, tiêm dưới da.

Phòng trị bệnh sán lá gan, sán lá dạ cỏ cho dê

Có thể dùng một trong các thuốc sau:

– Thuốc Fasciolid – 25: liều 0,04 ml/kg TT (tương đương với 1 mg hoạt chất /kg TT), tiêm dưới da.

– Thuốc Dertil: liều 8 – 9 mg/kg TT, cho uống.

– Thuốc Albendazol: liều 50 mg/kg TT, cho uống.

Phòng trị bệnh sán dây cho dê

– Thuốc Niclosamid: liều 20 mg/kg TT, cho uống.

Phòng trị bệnh ngoại kí sinh trùng (ve, rận)

Phun định kì 2 tuần/lần cho dê bằng một trong các thuốc: Abuitox, Amitaz, Hantox 200…

Ngoài các vấn đề trên, chúng ta cần chú ý thực hiện đầy đủ và nghiêm túc công tác kiểm dịch khi vận chuyển, xuất và nhập dê dưới sự giám sát của cơ quan thú y có thẩm quyền để khống chế sự lây lan dịch bệnh từ bên ngoài vào cơ sở chăn nuôi dê và ngược lại.

Theo nhanong.com.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Các chuyên gia về lĩnh vực này:

Trần Anh Ân Tấn Phát Văn Cường Thành Tôn Thành Tôn Quang Anh Chánh Thoan Bình Quang Khải Quang Khải