Close

Đăng ký

Close

Thông tin Đăng nhập

Giới tính:

Thông tin chuyên môn

Bạn là:
Lĩnh vực:

Tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp: tiềm năng còn rất lớn

Thứ 5, ngày 12/10/2017 1585

Trong khi nguồn than bùn, nguyên liệu chính để sản xuất phân bón hữu cơ đang ngày càng suy giảm, thì việc tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ, chất thải chăn nuôi… để sản xuất phân hữu cơ, giúp cải thiện đồ phì nhiêu của đất, tăng năng suất cây trồng và giảm phát khí thải nhà kính được coi là một hướng đi quan trọng và hoàn toàn khả thi trong thời gian tới.

phế phụ phẩm rơm rạ

Theo dự báo của Phòng Sử dụng đất và phân bón – Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, hiện nay, nhu cầu sử dụng phân bón hữu cơ của Việt Nam rất cao, khoảng 13 triệu tấn/năm, trong khi công suất sản xuất của các nhà máy rất thấp, chỉ khoảng 500 nghìn tấn/năm.

“Hiện có khoảng 150 công ty chuyên sản xuất phân hữu cơ, nhưng chỉ có một số ít công ty sản xuất với số lượng lớn như Công ty CP Sông Gianh, Công ty CP Quế Lâm, Công ty Thiên Sinh…, còn lại đa số là các công ty nhỏ với công suất chỉ từ 500-2.000 tấn/năm”, ông Cao Việt Hưng, chuyên viên Phòng Sử dụng đất và phân bón cho biết.

Cũng theo ông Hưng, trong tổng số 21 danh mục phân bón đã được Bộ NN&PTNT ban hành thì tổng số phân bón hữu cơ là trên 1.500 loại, trong đó phân hữu cơ thông thường là 80 loại, phân hữu cơ sinh học là 465 loại, phân hữu cơ khoáng là 621 loại và phân hữu cơ vi sinh là 417 loại. Mặc dù nhu cầu sử dụng phân bón hữu cơ ngày càng cao nhưng hiện nay, có một thực tế là nguồn than bùn, nguyên liệu sản xuất chủ yếu lại đang bị suy giảm cả về chất lượng lẫn trữ lượng. Nguồn than bùn của Việt Nam hiện nay chủ yếu có hàm lượng chất hữu cơ chỉ từ 12-15%, trong khi tiêu chuẩn do Bộ NN&PTNT đưa ra cho phân hữu cơ khoáng, phân hữu cơ vi sinh ngày càng cao nên việc sản xuất phân bón hữu cơ gặp nhiều khó khăn. Nếu không bổ sung được nguồn hữu cơ khác thì việc vi phạm chất lượng về chỉ tiêu hữu cơ sẽ trở nên phổ biến.

Ông Hưng cho biết, kết quả kiểm tra chất lượng phân bón của Bộ NN&PTNT những năm gần đây cho thấy, riêng chỉ tiêu hữu cơ các mẫu bị phát hiện không đủ chất lượng chiếm tới 25-35%.

Do đó, việc khai thác nguồn nguyên liệu từ phế phụ phẩm nông nghiệp được coi là một hướng quan trọng, vừa mang lại nguồn phân bón, vừa góp phần giảm khí thải do việc đốt rơm rạ gây nên.

Ước tính, để sản xuất 13 triệu tấn phân hữu cơ có chứa từ 15-22% chất hữu cơ sẽ cần từ 2-3 triệu tấn hữu cơ dạng nguyên chất. Theo số liệu năm 2011, mỗi năm Việt Nam sản xuất khoảng 42 triệu tấn lúa, 4,6 triệu tấn ngô, 10 triệu tấn sắn, 1,1 triệu tấn cà phê… Như vậy, bình quân mỗi năm chúng ta có thể khai thác được khoảng 50 triệu tấn phế phụ phẩm từ những cây trồng chủ lực này. Nếu được xử lý theo đúng các quy định và quy trình thì việc sản xuất 13 triệu tấn phân hữu cơ là hoàn toàn khả thi.

Đối với một dạng phế phẩm khác từ chăn nuôi, thạc sỹ Nguyễn Quỳnh Hoa, chuyên viên Phòng Môi trường chăn nuôi – Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT nhận định: Hiện nay, phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi tương đương 11,15 triệu tấn CO2 mỗi năm, chiếm khoảng 17,2% tổng lượng phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp. Do đó, việc sử dụng phụ phẩm từ khí sinh học (KSH) để sản xuất phân hữu cơ cũng là một hướng đi đúng đắn.

Theo đó, phụ phẩm từ KSH gồm 3 phần là nước xả, bã cặn và váng đều có chứa nhiều chất dinh dưỡng dễ hòa tan và nhiều nguyên tố vi lượng có ích cho cây trồng như đồng, kẽm, sắt, magiê. Nếu quy đổi thì 1 tấn nước xả tương đương với khoảng 0,8-1,7 kg urê, 0,5-1,5 kg super lân và 0,5-0,9 kg phân kali… Đồng thời, nước xả là loại phân bón có tác dụng nhanh, chứa nhiều chất dinh dưỡng hòa tan trong nước nên cây trồng dễ hấp thu khi tưới, trong khi bã cặn gồm các hợp chất hữu cơ và các chất hấp thu nhiều yếu tố dinh dưỡng có hiệu quả cho cây trồng.

Theo bà Hoa, đến nay, các phụ phẩm KSH đã có nhiều ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp như dùng làm phân bón cho cây trồng, nuôi trồng nấm, xử lý hạt giống. Riêng đối với việc cải tạo đất, phụ phẩm KSH giúp cải thiện khả năng canh tác của đất, cải thiện cấu trúc và tính chất lý học của đất, làm đất tơi xốp hơn, tăng khả năng giữ, thấm nước, làm giảm sự xói mòn do gió và nước.

Theo một nghiên cứu mới đây của Viện Thổ nhưỡng nông hóa, khi sử dụng 60m 3 nước xả hòa với nước lã theo tỷ lệ 1/1 để bón bổ sung cho 1 ha bắp cải đã làm cho năng suất bắp cải tăng 24% so với lô đất cùng diện tích chỉ bón bằng phân NPK. Sau một vụ gieo trồng, với mỗi hecta, người dân tiết kiệm được trên 60 kg đạm urê, 65 kg supe lân… Ngoài ra, việc sử dụng nước xả để tưới đã giúp giảm 50% số lần phun thuốc trừ sâu cắn lá cho một vụ.

Bên cạnh đó, việc sử dụng phụ phẩm KSH để nuôi cá, theo bà Hoa cũng là một hướng đi thích hợp để giảm phát khí nhà kính, vì phụ phẩm KSH là một loại phân sạch, qua quá trình lên men sinh học, các mầm bệnh đã bị tiêu diệt. Do đó, việc sử dụng phụ phẩm KSH làm phân bón cho cá đã góp phần làm giảm các loại bệnh cho cá và cũng là cách hữu hiệu để giảm phát khí CO2 ra môi trường.

Theo dự báo của các chuyên gia, khí thải của ngành nông nghiệp tiếp tục tăng lên, đặc biệt là khí thải từ hoạt động chăn nuôi sẽ vượt qua lượng khí thải từ đất nông nghiệp trong giai đoạn 2020-2030 tới và sẽ chiếm khoảng 30% lượng khí nhà kính phát thải trong nông nghiệp nói chung. Do đó, theo bà Hoa, trong thời gian tới, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ quy hoạch các vùng chăn nuôi, giết mổ tập trung gắn với bảo vệ môi trường, các cơ quan chức năng cần triển khai nhanh việc áp dụng quy trình chăn nuôi tốt và chăn nuôi sản xuất các bon thấp thông qua đẩy mạnh chương trình KSH cho ngành chăn nuôi để không chỉ giảm phát khí thải mà còn tận dụng phụ phẩm KSH, đem lại giá trị và lợi ích kinh tế cao hơn trong sản xuất nông nghiệp

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Các chuyên gia về lĩnh vực này:

Trần Anh Ân Tấn Phát Văn Cường Hoàng Dũng Đức Dương Quang Trường Thành Tôn Thiên Trường Hưng Thành Tôn Quang Anh Chánh Thoan Bình value value Quang Khải Quang Khải