Close

Đăng ký

Close

Thông tin Đăng nhập

Giới tính:

Thông tin chuyên môn

Bạn là:
Lĩnh vực:

Thành công trong sản xuất giống Hàu tam bội tại Việt Nam

Thứ 6, ngày 06/10/2017 1678

Giống Hàu tam bội có ưu thế nổi bật về tỷ lệ sống cao, tốc độ tăng trưởng nhanh, thịt thơm ngon và duy trì được độ béo quanh năm. Hàu tam bội thương phẩm được tạo ra từ công nghệ tứ bội sẽ đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước và trên thế giới, giải quyết được đầu ra cho nghề nuôi Hàu hiện nay.

Hàu Thái Bình Dương (Crassostrea gigas)

Dự án “Nhập công nghệ Hàu tứ bội để sản xuất giống Hàu tam bội thể” đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt cho Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III thực hiện – với mục tiêu: Tiếp nhận công nghệ sản xuất Hàu tam bội từ công nghệ Hàu tứ bội của Mỹ để tạo ra giống Hàu chất lượng cao, phục vụ phát triển nghề nuôi Hàu xuất khẩu.

 Vài nét về đối tượng nuôi này

Hàu là đặc sản biển rất có giá trị. Thịt hàu chứa hàm lượng đạm cao, nhiều loại vitamin A1, B1, B2, D, E và các nguyên tố vi lượng thiết yếu. Ngoài giá trị làm thực phẩm, Hàu còn có giá trị trong y học. Tinh chất chiết xuất từ thịt Hàu đã được sản xuất thành viên nang Oyster Plus có tác dụng tăng cường sức khỏe cho con người. Nhìn chung, Hàu được nhiều người tiêu dùng trong nước và trên thế giới ưa chuộng. Ngoài vấn đề cung cấp dinh dưỡng, nuôi Hàu còn giải quyết ô nhiễm môi trường. Đó là lý do khiến nghề nuôi Hàu đã tồn tại, phát triển tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, nghề nuôi Hàu đang phải đối mặt với hiện tượng Hàu nuôi chết hàng loạt, Hàu chậm lớn và chỉ đạt chất lượng cao tại thời điểm sinh sản. Để giải quyết triệt để những hạn chế trên, hoạt động nghiên cứu – ứng dụng công nghệ nhiễm sắc thể đã được tiến hành và có được những ảnh hưởng tích cực trong sản xuất.

Việc nghiên cứu tạo giống Hàu đa bội được bắt đầu từ thập kỉ 80, xuất phát từ việc tác động các tác nhân lý-hóa để tạo ra sự biến đổi đặc biệt trong đặc tính di truyền, đem lại kết quả bất ngờ về sức sống và khả năng sinh trưởng. Cụ thể là: Năm 1980, các nhà khoa học Mỹ đã nghiên cứu thành công phương pháp gây tam bội ở Hàu bằng các tác nhân vật lý, hóa học, kết quả thu được 80% thể tam bội. Năm 1996, một nhóm nghiên cứu khác (cũng tại Mỹ) đã khám phá ra công nghệ tạo giống Hàu đa bội và tứ bội thể, được cấp bản quyền. Giống Hàu tam bội từ lâu đã được thế giới công nhận là có nhiều ưu việt hơn các giống Hàu khác. Ngoài chất lượng dinh dưỡng tốt (thịt thơm ngon, duy trì được độ béo quanh năm), tăng trưởng nhanh, tỷ lệ sống cao, Hàu tam bội còn có khả năng chống chịu các biến động môi trường hơn Hàu lưỡng bội. Với những ưu thế đó, Hàu tam bội được phát triển mạnh tại Mỹ và hiện đang được mở rộng sản xuất ở Pháp, Ôxtrâylia, Hàn Quốc, Malaixia, Singapo…

Dự án sản xuất giống Hàu tam bội tại Việt Nam

Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới, có nhiệt độ ấm áp quanh năm, diện tích bãi triều rộng, nhiều cửa sông đổ ra biển mang theo nhiều vật chất hữu cơ (là nguồn thức ăn phong phú cho Hàu). Ngoài ra, do phong trào nuôi tôm thâm canh rộng khắp đã để lại hệ quả là hiện tượng phì dưỡng, môi trường ô nhiễm… dẫn tới phong trào nuôi Hàu bắt đầu xuất hiện và phát triển tự phát, kỹ thuật thấp khiến sản phẩm Hàu của Việt Nam không thể tiếp cận thị trường thế giới. Trước tình trạng đó, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III đã tiến hành chuyển giao công nghệ sản xuất giống Hàu tam bội loài Hàu Thái Bình Dương Crassostrea gigas và chuyển nhượng quyền sử dụng công nghệ Hàu tứ bội để tạo đàn Hàu bố mẹ tứ bội cho loài Hàu bản địa là Crassostrea rivularis. Hàu tam bội giống được nuôi cách ly trong điều kiện tốt nhất, hình thức nuôi bằng lồng nhiều tầng và khay treo trên giàn bè. Với các đặc điểm vượt trội, Hàu tam bội thương phẩm được tạo từ công nghệ tứ bội sẽ đáp ứng được yêu cầu thị trường xuất khẩu, quyết định sự phát triển của nghề nuôi Hàu tại Việt Nam.

Năm năm qua (từ tháng 8/2008-8/2013), trong quá trình nhập công nghệ Hàu tứ bội của Mỹ để sản xuất giống Hàu tam bội tại Việt Nam, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III đã tiến hành nhiều thí nghiệm nghiên cứu nhằm điều chỉnh và hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống Hàu tam bội. Việc này có ý nghĩa khoa học to lớn và là cơ sở lý thuyết để nghiên cứu tạo tam bội cho các đối tượng nuôi thủy sản khác. Đây cũng được coi là bước đột phá về công nghệ, mở ra triển vọng phát triển nuôi Hàu tam bội bền vững. Dự án thành công còn tạo bước tiến lớn cho nghề nuôi Hàu xuất khẩu, mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội cho ngành Nuôi trồng thủy sản Việt Nam: Cung cấp con giống chất lượng cao cho các cơ sở nuôi Hàu xuất khẩu, tạo công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho cộng đồng cư dân ven biển…

Trong các năm 2009-2012, Viện đã tạo giống Hàu tam bội với 03 loài Hàu: Năm 2009, sản xuất được 30.724 con giống tam bội loài Crassostrea gigas, 531 con giống tam bội loài  Crassostrea iredalei. Năm 2010, sản xuất được 10.200 con giống tam bội loài Crassostrea gigas. Năm 2011, chỉ sản xuất được 30 con giống tam bội loài Crassostrea iredalei, 990.000 con giống tam bội loài Crassostrea gigas và 1.021.517 con giống tam bội loài Crassostrea rivularis. Năm 2012, sản xuất được 1.066.000 con giống tam bội loài Crassostrea gigas, 900.000 con giống tam bội loài Crassostrea rivularis. Như vậy: Đối với loài Crassostrea gigas, đã sản xuất được tất cả là 2.096.924 con giống tam bội. Loài Crassostrea rivularis sản xuất tổng cộng 1.921.517 con giống tam bội. Hai loài Hàu này được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản III chọn để sản xuất giống Hàu tam bội.

Hàu tam bội được nuôi thương phẩm để đánh giá chất lượng và khả năng thích nghi. Tiếp đến, so sánh tốc độ tăng trưởng của Hàu tam bội, tứ bội với Hàu địa phương lưỡng bội để đánh giá hiệu quả; theo dõi độ béo và chất lượng dinh dưỡng của Hàu tam bội, so sánh với Hàu địa phương lưỡng bội để đánh giá ưu thế Hàu tam bội. Thông qua tài liệu và tập huấn lý thuyết, thực hành sử dụng máy Flow Cytometer để phân tích bộ nhiễm sắc thể của từng loài, tam bội của từng loài; nhận dạng, đếm các bộ nhiễm sắc thể trên ấu trùng, con giống, Hàu chưa trưởng thành và Hàu trưởng thành. Trong quá trình nghiên cứu, Hàu tam bội  giống được nuôi riêng để theo dõi tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống, đánh giá chất lượng và khả năng thích nghi; Độ béo của Hàu tam bội được xác định theo công thức Korea và Barber (1998).

Kết quả nuôi thử nghiệm: Tất cả Hàu tam bội đều sinh trưởng, phát triển tốt. Tốc độ tăng trưởng của Hàu tam bội cao hơn Hàu lưỡng bội. Hàu tam bội Crassostrea gigas có tốc độ tăng trưởng về chiều cao là 0,029-0,031 cm/ngày, tốc độ tăng trưởng về khối lượng là 0,25-0,28 g/ngày (trong khi Hàu lưỡng bội Crassostrea gigas có tốc độ tăng trưởng về chiều cao là 0,028-0,030 cm/ngày, về khối lượng là 0,21-0,24 g/ngày ). Tỷ lệ sống của Hàu tam bội cao hơn, nhất là ở những nơi có nhiều mùn bã hữu cơ. Tỷ lệ sống trung bình của Hàu tam bội Crassostrea gigas dao động trong khoảng 34-47% (trong khi tỷ lệ sống trung bình của Hàu lưỡng bội Crassostrea gigas dao động trong khoảng 32-45%). Đặc biệt, Hàu tam bộiCrassostrea rivularis có tốc độ tăng trưởng rất nhanh – về chiều cao là 0,036 cm/ngày, về khối lượng là 0,38 g/ngày và tỷ lệ sống 46% (sau 8 tháng nuôi). Số liệu thu thập được cho thấy, tỷ lệ sống của Hàu lưỡng bội và Hàu tam bội không có sự sai khác nhiều, đã khẳng định khả năng phát triển tốt nghề nuôi Hàu tam bội tại Việt Nam. Hàu tam bội Crassostrea rivulariscó tốc độ tăng trưởng  cao nhất, cho thấy đối tượng này nhanh lớn, sẽ đem lại hiệu quả nuôi cao.

Về độ béo, sau khi phân tích chất lượng dinh dưỡng, so sánh độ béo của Hàu tam bội Crassostrea gigas với Hàu lưỡng bội Crassostrea gigas, kết quả cho thấy: độ béo của Hàu tam bội luôn cao hơn Hàu lưỡng bội và chỉ tiêu về dinh dưỡng này ở Hàu tam bội ổn định quanh năm. Trong khi ở Hàu lưỡng bội, độ béo cao chỉ duy trì trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 8 (cũng chính là mùa sinh sản của Hàu), còn từ tháng 9 thì độ béo ở Hàu lưỡng bội đã bắt đầu giảm cho đến tháng 3 năm sau. Có thể thấy, thời gian Hàu lưỡng bội béo rất ngắn, chỉ kéo dài khoảng 4-5 tháng trong một năm. Khi mổ Hàu tam bội và Hàu lưỡng bội (có cùng kích thước) thì thấy: Hàu tam bội có khối thân mềm lớn, chiếm gần đầy bên trong vỏ, khối thịt rắn chắc, hàm lượng nước ít; Trái lại, Hàu lưỡng bội có hàm lượng nước nhiều, khối thân mềm nhỏ (trong những tháng ngoài mùa vụ sinh sản, khối thân nhỏ, thậm chí teo tóp).

Thành công của Dự án đã giúp các nhà khoa học làm chủ được quy trình công nghệ sản xuất giống Hàu tam bội và kỹ thuật nuôi thương phẩm các loài Hàu. Cán bộ Dự án hiện đã sử dụng thành thạo thiết bị xác định nhiễm sắc thể Flow Cytometer, nhận dạng, đếm các bộ nhiễm sắc thể trên ấu trùng, con giống, Hàu chưa trưởng thành và Hàu trưởng thành. Giống Hàu tam bội ở cả hai loài Crassostrea gigas và Crassostrea rivularis đều phát triển tốt và có tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ sống cao. Dự án đã cung cấp giống Hàu tam bội cho rất nhiều tỉnh/thành trên cả nước, giúp hình thành và mở rộng nghề nuôi Hàu tại Bến Tre, Vũng Tàu, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định và Quảng Ngãi. Nghề nuôi Hàu phát triển không những giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, mà còn giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho cộng đồng ngư dân ven biển, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản…

Ngoài mục tiêu nâng cao năng lực nghiên cứu về tam bội trên Hàu, tạo nguồn nguyên liệu chất lượng cao phục vụ cho xuất khẩu, Dự án cũng hy vọng sẽ vận dụng những kết quả đã đạt được ở Hàu, áp dụng cho các đối tượng nhuyễn thể khác (như: Ngao). Nhìn chung, Dự án đã đạt được mục tiêu đề ra: Tiếp nhận công nghệ sản xuất Hàu tam bội từ công nghệ tứ bội của Mỹ, tạo đàn Hàu tứ bội – phục vụ sản xuất Hàu tam bội thương phẩm tại Việt Nam. Từ tháng 5/2010 đến tháng 7/2013, đã tạo thành công giống Hàu tứ bội của 02 loài Crassostrea gigas và Crassostrea rivularis. Tổng số con giống tứ bội loài Hàu Crassostrea gigas là 2.200 con, tổng số con giống tứ bội loài Hàu Crassostrea rivularis là 1.900 con.

Dự án đã tạo ra con giống Hàu tam bội chất lượng cao và có nhiều ưu điểm như: lớn nhanh, hình dáng đẹp, tốn ít thức ăn (vì Hàu có khả năng lọc các mùn bã hữu cơ và thực vật phù du trong nước, làm sạch môi trường), đầu tư thấp, lợi nhuận cao, và Hàu dễ dàng thích nghi, sinh trưởng tại nhiều địa phương… nên có thể mở rộng phạm vi nuôi dưỡng (nhất là tại vùng rừng ngập mặn, cửa sông – những nơi bị tàn phá khốc liệt bởi nghề nuôi tôm hay các loài hải sản khác). Dự án đã góp phần phát triển nghề nuôi Hàu, bảo vệ nguồn lợi Hàu tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cân bằng sinh thái vùng triều. Đặc biệt, những sản phẩm Hàu tam bội chất lượng cao được thị trường thế giới chấp nhận, chính là điều kiện tiên quyết kích thích nghề nuôi Hàu tam bội phát triển tại Việt Nam.

Nguồn: Nhanong.com được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Các chuyên gia về lĩnh vực này:

Trần Anh Ân Tấn Phát Đức Dương Tuấn Dũng