Close

Đăng ký

Close

Thông tin Đăng nhập

Giới tính:

Thông tin chuyên môn

Bạn là:
Lĩnh vực:

Trồng dâu tây "hái" ra tiền.

Thứ 4, ngày 27/03/2019 645

“Nếu so sánh về đơn vị quy mô diện tích thì hiện nay không có cây trồng nào cho thu nhập cao như dâu tây”, ông Nguyễn Đình Lâm, Giám đốc Hợp tác xã Tân Thảo (Sơn La), chia sẻ.

Du khách trải nghiệm hái và mua dâu tây tại các nhà vườn ở H.Mộc Châu.

Hợp tác xã Tân Thảo nằm ở bản Tân Quế, xã Cò Nòi (H.Mai Sơn, Sơn La) hiện có 7 ha trồng dâu tây. Dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi vừa qua, nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ bán cây dâu tây làm cảnh. Cận tết cũng là thời điểm nhiều nhà vườn bắt đầu có dâu tây chín. Dâu tây loại có vị chua được bán với giá 80.000 – 150.000 đồng/kg; loại ngọt giá cao hơn, từ 250.000 – 300.000 đồng/kg và hái đến đâu đều có khách đặt mua đến đấy.

Cho thu nhập quanh năm

Ông Nguyễn Đình Lâm, Giám đốc Hợp tác xã Tân Thảo, cho biết trong số 7 ha dâu tây thì có khoảng 3 ha người dân trồng bán làm cây cảnh chơi tết. Sau 10 năm dâu tây được trồng tại Sơn La, nhiều xã ở H.Mai Sơn có khí hậu trong lành, mát mẻ đang là mảnh đất giúp dâu tây trở thành cây trồng mới đem lại thu nhập cao cho nông dân.

Cũng theo ông Lâm, dâu tây hiện được trồng theo diện tích mỗi ruộng khoảng 1.000 m² để phù hợp đầu tư hệ thống nhà lưới, tưới nước tự động. Chi phí ban đầu mỗi ruộng khoảng 100 triệu đồng nhưng bù lại, cây dâu tây cho nguồn thu nhập rất đa dạng. “Bắt đầu từ tháng 11, nhà vườn bán cây dâu tây làm cảnh, từ tháng 12 đến tháng 5 thì bán quả chín, còn lại thời gian từ tháng 5 đến tháng 10 có thể bán cây làm giống”, ông Lâm giải thích.

Ông Lâm cho biết, dâu tây trồng tại H.Mai Sơn hiện có năng suất khá cao, mỗi cây có thể cho thu hoạch 0,4 – 0,5 kg quả, tính ra mỗi ruộng có thể đạt năng suất trên 1,6 tấn quả, chỉ bán tươi đã có thu nhập trên 100 triệu đồng. “Nếu cộng cả chi phí bán giống, bán cây cảnh và quả tươi thì mỗi ruộng dâu 1.000 m² hiện đang cho thu nhập từ 200 – 250 triệu đồng. So sánh về quy mô diện tích thì không có cây trồng nào ở địa phương cho thu nhập nhiều, nhanh hồi vốn như dâu tây”, ông Lâm quả quyết.

Quả dâu tây đang mang lại cho người nông dân nguồn thu nhập cao.

Còn tại xã Đông Sang (H.Mộc Châu, Sơn La), trang trại dâu tây Chimi, mô hình khởi nghiệp của chàng trai Vũ Văn Lực (29 tuổi), là địa chỉ không thể bỏ qua của nhiều khách du lịch khi đến Mộc Châu. Vườn dâu tây tại đây rộng 4 ha, nằm giữa những vạt rừng thông mơ mộng. Những ngày trước và sau tết, mỗi ngày nhà vườn đón hàng ngàn khách đến thăm. Du khách được phát giỏ mây rồi vào vườn hái quả theo sự hướng dẫn của nhân viên, mỗi ki lô gam dâu tây ở đây có giá 350.000 đồng nhưng khách đều vui vẻ móc hầu bao khi lần đầu tiên được trải nghiệm tự mình hái những quả dâu tươi đỏ mọng, chụp ảnh với vườn dâu.

Cũng ở trang trại này, ngoài dâu tây tươi, nhóm của anh Lực tổ chức chế biến nhiều sản phẩm bánh dâu tây, nước ép dâu tây, mứt dâu tây, dâu tây sấy dẻo… để du khách có nhiều lựa chọn mua hàng. Theo một nhân viên thu ngân, doanh thu mỗi ngày lễ, tết ở trang trại này không dưới 100 triệu đồng. Dâu tây cũng khiến lượng khách tìm về khu du lịch rừng thông Bản Áng trên địa bàn xã Đông Sang tăng vọt.

Tiềm năng còn rất lớn

Quê ở Ninh Bình, tốt nghiệp đại học tại Hà Nội nhưng anh Vũ Văn Lực chọn Mộc Châu làm điểm khởi nghiệp trồng dâu tây sau chuyến học tập kinh nghiệm ở Đà Lạt (Lâm Đồng). Theo anh Lực, khí hậu Mộc Châu khá tương đồng với Đà Lạt nhưng nếu có kỹ thuật chăm sóc tốt, quả dâu tây ở Mộc Châu thậm chí còn có năng suất, chất lượng tốt hơn. Khởi nghiệp từ năm 2015 nhưng hiện dâu tây từ trang trại của anh đã có lượng khách quen tiêu thụ quả tươi rất lớn. Ngay từ ban đầu, anh Lực định hướng mô hình của mình chủ động chế biến quả dâu tây thành nhiều sản phẩm, tạo nhiều kênh phân phối, bán hàng khác nhau. Nhờ đó, diện tích trồng dâu tây năm 2015 chỉ có 2.000 m² thì nay đã tăng lên 4 ha vẫn đảm bảo thị trường tiêu thụ. Chỉ sau vài năm khởi nghiệp, mô hình đã cho doanh thu tiền tỉ và hiện đang giải quyết việc làm trực tiếp cho 40 lao động địa phương.

Theo ông Nguyễn Đình Lâm, khoảng 80% sản lượng dâu tây của Hợp tác xã Tân Thảo được bán quả tươi, 20% còn lại đưa vào chế biến. Trong đó, phần lớn khách hàng cá nhân, một số ít đưa vào chuỗi cửa hàng bán lẻ. Với diện tích hiện tại, Hợp tác xã Tân Thảo chưa có đủ sản lượng để cung ứng vào siêu thị nên dâu tây còn tiềm năng rất lớn để phát triển, mở rộng diện tích.

Thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La cho thấy cây dâu tây trồng đầu tiên tại cao nguyên Mộc Châu vào khoảng năm 2012 do một số hộ dân mang giống từ Đà Lạt (Lâm Đồng) ra trồng. Cho đến năm 2014, nhiều doanh nghiệp đầu tư mở rộng trồng dâu tây với giống dâu Nhật Bản. Có giá trị kinh tế cao nên trong khoảng 5 năm trở lại đây, diện tích dâu tây ở Sơn La không ngừng tăng lên. Cho đến cuối năm 2018, diện tích dâu tây toàn tỉnh Sơn La đạt 43,3 ha với tổng sản lượng ước đạt 593 tấn. Dâu tây trồng chủ yếu ở các huyện Mộc Châu, Mai Sơn và Vân Hồ. Ngay trong tháng 1 vừa qua, UBND tỉnh Sơn La tổ chức lễ hội dâu tây tại Hà Nội để giới thiệu và quảng bá thương hiệu cho loại quả này.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Thành Công, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La, cho biết hàng tấn quả dâu tây đã được tiêu thụ tại Hà Nội bước đầu cho thấy loại quả này được người tiêu dùng nhiệt tình đón nhận. Giá bán dâu tây trung bình trong khoảng 200.000 – 300.000 đồng/kg, chỉ bằng một nửa dâu tây nhập khẩu từ Hàn Quốc, Mỹ, Úc nhưng chất lượng tương đương sẽ là lợi thế lớn cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

“Dù là cây trồng mới và đang được nhân rộng diện tích nhưng dâu tây với lợi thế diện tích trồng nhỏ, cho thu nhập lớn đang là cây trồng có giá trị kinh tế cao nhất hiện nay. UBND tỉnh Sơn La cũng đặc biệt quan tâm đến cây trồng này bằng cách hỗ trợ về cơ chế chính sách, Sở NN-PTNT tỉnh hỗ trợ tư vấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để tiếp tục mở rộng diện tích cây trồng này khi sản lượng dâu tây hiện nay chưa thể đáp ứng nhu cầu thị trường”, ông Công nói.

Nguồn: tintucnongnghiep.com được kiểm duyệt bởi FarmTech VietNam.

Các chuyên gia về lĩnh vực này:

Trần Anh Ân Tấn Phát Đức Dương