Close

Đăng ký

Close

Thông tin Đăng nhập

Giới tính:

Thông tin chuyên môn

Bạn là:
Lĩnh vực:

Trồng và chăm sóc Táo ta đúng kỹ thuật

Thứ 2, ngày 12/03/2018 675

1. Nguồn gốc

Táo là cây ăn quả lâu đời, thích hợp với điều kiện nhiệt đới nước ta, táo dễ trồng, sinh trưởng phát triển nhanh, sau trồng 1 năm bắt đầu cho thu hoạch. Hiện nay, táo được trồng phổ biến là các giống táo địa phương: táo Thiện Phiến, táo Gia Lộc (chua), Táo xử lý đột biến như: táo 12 (ngọt), táo 32, táo Đào Tiên, đại táo 15 và giống ngoại nhập như: táo Đào Vàng, Lê Lai, Đào muộn, X12…

Táo ta được trồng đúng cách cho quả sai nặng trĩu

2. Những đặc tính chủ yếu của giống táo

Táo là cây dễ trồng, thích hợp cho mọi loại đất. Năng suất cao và ổn định, không có sâu bệnh nguy hiểm. Nếu đốn cây sớm sang năm sẽ cho quả sớm.

3. Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây táo

3.1. Thời vụ và khoảng cách trồng

Thời vụ trồng chủ yếu là mùa xuân tháng 2-4 , nếu cây giống ghép sớm có thể trồng từ tháng 11. Sang xuân nếu gặp thời tiết thuận lợi cây sinh trưởng nhanh. Cuối năm cây sẽ cho nhiều quả. Khoảng cách trồng thông thường là 3 – 4 m một cây.

3.2. Cách đào hố trồng, phân bón lót

Kích thước hố trồng 40x40x40 cm . Bón lót mỗi hố 15-20 kg phân chuồng ủ cho hoai mục + 0,5kg super lân + 0,3kg kali + 0,2 kg vôi bột. Các loại phân được trộn đều với đất, cho xuống hố, vun ụ lồi lên so với mặt đất 20cm ( không trồng cây trực tiếp với phân )

Nếu không có phân chuồng thì có thể sử dụng phân lân vi sinh với lượng 5 – 7kg/hố

3.3. Cách trồng

Vét 1 hố nhỏ ở giữa ụ, đặt bầu cây ngang với mặt ụ, vun đất nén chặt xung quanh bầu. Phủ rơm rạ rắc xung quanh gốc một lớp dày 2-3cm. Tưới ngay sau trồng mỗi cây 2-3 gáo nước.

3.4. Chăm sóc và bón phân

Trong tuần đầu, mỗi ngày tưới cho cây 1 lần vào buổi sáng hoặc chiều muộn, mỗi lần một thùng nước. Sau đó thì cách 2,3 ngày tưới 1 lần cho tới hết tháng. Khi cây phát triển thì sẽ tưới thưa hơn, đảm bảo đất luôn ẩm.

Có thể nói cây táo rất cần nước ở cái giai đoạn sinh trưởng, nhất là lúc đang phát triển. Nếu gặp hạn, không đủ nước, quả sẽ nhỏ, vỏ dày , ăn chát, quả kém phẩm chất.

Hàng năm cần bón phân cho cây sau thu hoạch và đốn cây, nhằm hồi phục sức lực cho cây vụ xuân tới, với lượng phân bón 1 cây như sau: Phân chuồng từ 30-50kg, lân 5- 8 kg,  kali 3 đến 5kg, đạm ure 0,5-1kg.

3.5. Phòng trừ sâu bệnh

* Bệnh hại

– Bệnh thối rễ, nứt thân: Thường gặp ở các vùng đất ẩm ướt, nấm xâm nhập vào làm hư hại rễ cọc, sau đó phá huỷ toàn bộ rễ làm cây chết. Cây bị bệnh có tán lá xơ xác, lá đổi sang mầu xanh nhạt rồi rụng, cành chết dần từ ngọn xuống thân chính. Cách phòng trừ là cần tránh ẩm ướt quá mức ở vùng rễ, phát hiện sớm các vết nứt dọc và thâm đen trong mạch gỗ.

– Bệnh khô cành: Do loại nấm Colletotrichum cloeosporiodes xâm nhập vào cành làm cành khô chết. Trên quả già, nấm xâm nhập qua vết thương làm quả bị nhũn. Ngoài ra, bệnh còn do nắng chiếu rọi trực tiếp trong thời gian dài.

– Bệnh trên quả già : Nấm bệnh xâm nhập khi quả đang phát triển tạo ra các điểm đen nhỏ trên vỏ quả, hình dấu cộng trên vỏ quả, các điểm đen này nứt và tách ra, làm giảm mẫu mã và giá bán. Cách phòng trừ cần tạo vườn thông thoáng, dọn sạch tàn dư, sau khi đậu trái nên phun thuốc phòng ngừa nấm.

* Sâu hại

– Côn trùng hại rễ: Gồm các đối tượng thường thấy như mối, sùng, dế, kiến, đặc biệt là rệp sáp, tập trung ở tầng đất từ 0 – 50cm cách mặt đất, cây bị bệnh có lá vàng nhạt, cây suy yếu dễ chết.

– Bọ xít: Chích hút nhựa đọt non, lá non làm héo và chùm đọt, đặc biệt là trái non tạo ra các chấm đen trên vỏ quả, làm rụng nhiều quả, là cửa ngõ xâm nhập của nhiều loại nấm bệnh, làm giảm rõ rệt năng suất và chất lượng quả.

– Mọt đục thân cành: Xuất hiện từ giữa mùa mưa khá rộ vào đầu đến giữa mùa khô, lổ đục tuy nhỏ và đường đục ngắn nhưng làm giảm quá trình sinh trưởng, phát triển của cây và cành dễ gãy.

Sâu cắm lá, sâu cuốn lá, nhện đỏ, sâu đục quả. Trong tháng 6 tháng 7 có xén tóc đẻ trứng vào thân cây. Để phòng trừ thì bà con dùng thuốc sau:

– Trừ nhóm sâu chích hút dùng các thuốc: Sherpa (0,1%), Trebon (0,1-0,2%), Depterx(0,2%), Dantiol(0,1-0,2%), Monitor(0,1-0,2%), Bi 58, Basudin.

– Trừ nhóm sâu ăn lá thì dùng một trong các thuôc sau: Azodrin 50 DD (0,2%), Score(0,05%), Alieett(0,3%), Mancozeb(0,25%).

– Đối với kiến, mối, bọ cánh cứng hại rễ, hại gốc thì sử dụng thuốc: Basudin, Lidanfor, Sevidol để trị. Dùng một trong các loại thuốc trên, trộn đều 1 thuốc – 10 cát rồi rắc xung quanh gốc và hố.

3.6. Đốn Táo

Căn cứ đặc điểm của từng giống táo và mục đích sản xuất mà có các cách đốn táo khác nhau. Cành quả của táo mọc trên cành cây mẹ ra trong vụ xuân cùng năm, bởi vậy đốn cành sao cho nhiều cành ra trong vụ xuân, cành khỏe, để có sản lượng cao. Có 2 cách đốn cây táo như sau:

– Đốn phớt: Làm thường xuyên hàng năm sau vụ thu hoạch nhằm cho sản lượng quả cao và ổn định.

– Đốn đau: Mục đích tạo tán đối với cây còn nhỏ 1-3 năm tuổi và đối với những cây đã lớn, cắt hết các loại cành chỉ để lại một đoạn gốc của 3 cành lớn ra trong năm trước để tạo tán cho năng suất cao.

4. Thu hoạch

Táo được thu hoạch sau 2-3 tháng từ khi ra hoa, khi quả to, căng mọng vỏ và sáng màu. Thu hoạch táo thủ công và tránh làm dập nát trong quá trình vận chuyển.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Các chuyên gia về lĩnh vực này:

Trần Anh Ân Tấn Phát Đức Dương