Close

Đăng ký

Close

Thông tin Đăng nhập

Giới tính:

Thông tin chuyên môn

Bạn là:
Lĩnh vực:

Vịt mốc, giống thủy cầm quý hiếm

Thứ 5, ngày 12/10/2017 704

Vịt mốc có nguồn gốc xuất xứ từ Bình Định, đây là loài gia cầm đặc hữu được Bộ NN-PTNT đưa vào danh mục gia cầm quý hiếm cần được nuôi bảo tồn.

Những năm trước đây, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền Trung (Viện Chăn nuôi Quốc gia) đã thực hiện nhiệm vụ nuôi bảo tồn giống vịt truyền thống này. Tuy có nhiều ưu điểm, nhưng giống vịt mốc vẫn bị các loại vịt khác “cạnh tranh” khốc liệt…

Hàng chục năm bảo tồn

Về thị trấn Diêu Trì (huyện Tuy Phước), hỏi ông “Anh vịt mốc” không ai là không biết. Bởi, ông là người gắn cả cuộc đời của mình vào nghề nuôi vịt và là một trong những người đầu tiên ở Bình Định đồng hành cùng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền Trung trong công tác nuôi bảo tồn giống vịt truyền thống này. Ông là Lê Kim Anh (60 tuổi) ở thôn Vân Hội 1 (thị trấn Diêu Trì).

Theo cho biết của ông Dương Trí Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền Trung, từ năm 2001, Trung tâm nhận nhiệm vụ nuôi bảo tồn loài vịt mốc, giống gia cầm đặc hữu của Bình Định ngay trên đất Bình Định. Phương thức thực hiện là Trung tâm hợp đồng với những trang trại chăn nuôi gia cầm nhỏ để nuôi bảo tồn giống vịt mốc. Ông Lê Kim Anh là một trong những người tham gia đầy nhiệt huyết.

Ông Anh cho biết, đến nay, ông đã có hơn 40 năm trong nghề nuôi vịt đẻ. Từ năm 1981 ông đã nuôi đàn vịt 200 con giống vịt mốc thuần chủng Bình Định. Đến năm 2001, ông tăng đàn lên 2.000 con và bắt đầu tham gia công tác nuôi bảo tồn giống vịt này.
Ông Anh ký hợp đồng với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền Trung (đóng ở TP Quy Nhơn, Bình Định) nuôi bảo tồn 100 con vịt mốc sinh sản, những con vịt trong đàn của ông đều được mang số. Ngoài ra, ông Anh còn phải liên tục nuôi thêm 150 vịt mái con, đến khi chúng trưởng thành, chọn ra 100 con cho mang số để nuôi bảo tồn thay thế khi 100 nuôi trước đó bán xả xác. 

    giống vịt mốc được nuôi

“Trong thời gian tham gia nuôi bảo tồn giống vịt mốc, tui tuân thủ nghiêm ngặt việc ghi nhật ký mỗi ngày gồm có bao nhiêu con đẻ, thức ăn các loại tiêu tốn bao nhiêu. Đối với vịt con hậu bị từ 1 ngày tuổi đến 7 ngày tuổi tăng trưởng được bao nhiêu lạng, đến 14 ngày tuổi tăng thêm được bao nhiêu lạng, đúng 21 ngày cân lại để xem chúng tăng trọng được bao nhiêu để báo cáo với đơn vị hợp đồng. Định kỳ, tui phải lựa chọn kỹ càng ra 1.000 quả trứng, đóng thùng, gửi theo đường tàu hỏa ra Viện Chăn nuôi để làm thí nghiệm. Mặc dù tiền hỗ trợ không nhiều, nhưng vì “mê” giống vịt này lắm nên tui vẫn vui vẻ làm”, ông Anh nhớ lại.

Theo ông Dương Trí Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền Trung, từ năm 2001 đến năm 2013, dự án Bảo tồn quỹ gen vật nuôi quốc gia, do PGS.TS Hoàng Văn Tiệu làm chủ nhiệm đã chọn hộ chăn nuôi gia cầm của ông Lê Kim Anh làm nơi bảo tồn giống vịt mốc. Ngoài ra, công tác bảo tồn giống vịt này còn được thực hiện tại huyện Phù Cát.

Nhiều ưu điểm vẫn khó phát triển

Theo đánh giá của ông Dương Trí Tuấn, vịt mốc là giống bản địa có nhiều ưu điểm, dễ thích ứng với điều kiện khí hậu tại địa phương. Tuy nhiên, do nó không chấp nhận kiểu nuôi “ăn xổi ở thì”, mà phải được chăn dắt, chăm sóc kỹ lưỡng, nên vịt mốc đang bị giống vịt Triết Giang nhập về từ Trung Quốc, còn gọi là vịt siêu trứng “lấn sân” dữ dội.

Ông Lê Kim Anh, người trực tiếp nuôi bảo tồn giống vịt mốc, phân tích: So với vịt siêu trứng, vịt mốc đẻ ít hơn. Nếu 1 năm 365 ngày vịt mốc đẻ được từ 250 – 270 trứng với điều kiện nước đầy đủ và chăm sóc tốt, thì vịt siêu trứng đẻ được từ 290 – 320 trứng. Vịt siêu trứng đẻ liên tục 10 tháng/năm, 2 tháng còn lại nếu ai không muốn “xả xác” để chúng đẻ tiếp vẫn đạt từ 40 – 60%, còn vịt mốc khi đã “xả xác” là bỏ luôn, vì chúng làm lông rất chậm không đẻ thêm được. Vịt siêu trứng có thể nuôi khô, chỉ cần ít nước cho chúng tắm là nuôi tốt, còn muốn vịt mốc phát triển tốt thì điều kiện nuôi phải “giàu” nước, nước càng nhiều càng tốt; nước phải chảy, trong, sạch sẽ, nếu sống trong nước đục chúng sẽ “trụ” không được.

Bù lại, trong điều kiện mưa lạnh kéo dài, vịt mốc chịu đựng rất tốt nhờ bộ lông dày, đầu tháng 9 âm lịch hàng năm là chúng làm lông và bắt đầu đẻ, thì vịt siêu trứng sẽ “co ro” vì bộ lông của chúng rất thưa không chịu nổi giá rét. Nếu như trọng lượng trung bình của vịt siêu trứng chỉ từ 9 lạng đến 1,2kg/con thì vịt mốc nặng từ 1,2 – 1,5kg/con; do đó, khi bán xác, vịt mốc luôn có giá cao hơn vịt siêu trứng 1 nửa tiền. Nuôi vịt siêu trứng chỉ 1 năm là phải thay đàn, còn nuôi vịt mốc phải đến 3 năm mới thay đàn.

“Khi bán xác, nếu vịt mốc được 100.000đ/con thì vịt siêu trứng chỉ 50.000đ/con, vì vịt siêu trứng ít thịt, thịt lại dở hơn vịt mốc đến người tiêu dùng không ưng mua. Đặc biệt hơn hết là trứng vịt mốc to hơn nhiều so với trứng vịt siêu trứng; do đó, trứng vịt mốc trên thị trường luôn cao hơn trứng vị siêu trứng 300đ/trứng”, ông Anh chia sẻ.

Bây giờ, người nuôi gia cầm thích “mì ăn liền” nên chọn nuôi vịt siêu trứng, bởi giống vịt này chấp nhận kiểu nuôi “ăn xổi ở thì”. Theo tôi, vịt mốc đẻ có ít hơn, nhưng giá trứng luôn cao và được thị trường ưa mua hơn, bù qua chế lại hiệu quả như nhau. Thêm vào đó, thời gian sinh sản của vịt mốc kéo dài đến 3 năm, trong khi vịt siêu trứng đẻ 1 năm là phải thay đàn, và đến khi bán xác giá vịt mốc cũng cao hơn một nửa. Tính toán chi li thì nuôi vịt mốc ổn định hơn”, ông Lê Kim Anh bộc bạch.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Các chuyên gia về lĩnh vực này:

Trần Anh Ân Tấn Phát Văn Cường Thành Tôn Thành Tôn Quang Anh Chánh Thoan Bình Quang Khải Quang Khải