Close

Đăng ký

Close

Thông tin Đăng nhập

Giới tính:

Thông tin chuyên môn

Bạn là:
Lĩnh vực:

Cá Bơn: Công nghệ sản xuất và thị trường tiêu thụ (Phần 1)

Thứ 5, ngày 22/02/2018 721

Sự phát triển công nghệ nuôi sẽ làm tăng sản lượng và giảm chi phí sản xuất cá bơn trong những năm tới. Giá bán và thị trường tiêu thụ loài thủy sản này, do dó, cũng sẽ thay đổi.

Cá bơn (Scophthalmus maximus) là một loài thủy sản giá trị cao được ưa chuộng ở nhiều phân khúc thị trường, nhất là chuỗi nhà hàng cao cấp. Nguồn lợi tự nhiên của loài này tập trung ở vùng Đông Bắc Đại Tây Dương – từ các bờ biển Châu Âu tới Bắc cực, xuyên suốt khu vực Địa Trung Hải và miền Tây biển Bantích.

Cá bơn sống ở nhiều tầng nước khác nhau, từ tầng nước nông cho tới 100 mét nước sâu, ở đáy biển nhiều cát và bùn. Từ nguồn khai thác và nuôi thương phẩm, cá bơn được cung ứng ra thị trường dưới hai dạng sản phẩm tươi và đông lạnh.

Nghề nuôi cá bơn có lịch sử từ những năm 1970 ở Scốtlen, nhưng chỉ đến đầu những năm 80, sản lượng và số lượng trại nuôi mới bắt đầu mở rộng ở Galicia, Tây Ban Nha. Tiến bộ công nghệ sinh học trong những năm đầu thập niên 90 đã giúp ngành cá bơn ở nhiều nước Châu Âu tăng trưởng ổn định dù tốc độ hơi chậm. Galicia vẫn là khu vực sản xuất cá bơn chính, bên cạnh Pháp, Bồ Đào Nha, Đan Mạch, Đức, Aixơlen, Ailen, Italia, Na Uy và xứ Wales.

Tuy nhiên, vị trí nhà sản xuất cá bơn hàng đầu thế giới có thể sẽ chuyển từ Tây Ban Nha sang Bồ Đào Nha, khi vùng nuôi Pescanova ở phía Bắc Bồ Đào Nha ước tính sản xuất 7.000 tấn cá trong năm 2011. Sản lượng cá bơn ở Châu Âu cũng sẽ tăng từ khoảng 11.000 tấn trong năm 2010 lên 16.500 tấn trong năm 2012. Do đó, thị phần cá bơn nuôi sẽ cao hơn ngành khai thác (6.700 tấn trong năm 2008).

Sản lượng khai thác cá bơn tự nhiên

Hình 1 cho thấy sản lượng khai thác cá bơn của thế giới và Liên minh Châu Âu (EU) trong giai đoạn 1970-2008 với đặc điểm chung là đều tuân theo một chu kì lặp lại. Vào năm 1970, sản lượng cá bơn toàn cầu ước đạt 10.800 tấn và của EU đạt 6.600 tấn. Sản lượng thế giới đạt mức cao nhất là 15.000 tấn vào năm 1979, sau đó giảm xuống mức thấp nhất là 5.500 tấn vào năm 1985. Sau một thập kỉ tăng liên tục, từ giữa những năm 1990, sản lượng khai thác bắt đầu có xu hướng giảm. Năm 2008, sản lượng khai thác cá bơn toàn cầu đạt 6.665 tấn, trong đó 5.740 tấn là từ EU (chiếm 86% sản lượng khai thác toàn cầu).

Ngoài EU, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia có sản lượng khai thác cá bơn đáng kể trên thế giới với 528 tấn trong năm 2008. Tuy nhiên, con số này thấp hơn rất nhiều so với mức khai thác vào những năm 1980 và 1990. Một số quốc gia khai thác cá bơn khác bao gồm: Ukraina, Na Uy, Marôc và Liên bang Nga.

Đội tàu khai thác cá bơn chủ lực của Châu Âu tập trung ở các nước Hà Lan, Anh, Đan Mạch, Pháp, Bỉ, Đức, Ailen, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hi Lạp (Hình 2). Từ năm 1970 đến nay, sản lượng khai thác của các quốc gia này luôn chiếm từ 88-97% sản lượng khai thác của khối EU25, trong đó tỉ trọng giảm dần theo thời gian. Nhìn chung, sản lượng khai thác cá bơn của các nước này đều giảm kể từ giữa những năm 1990.

Hà Lan có sản lượng khai thác cá bơn lớn nhất trong khối EU với con số kỷ lục 4.098 tấn vào năm 1979. Tuy nhiên, sản lượng đã giảm xuống còn 3.780 tấn vào năm 1991 và chỉ còn 1.751 tấn vào năm 2008.

Sản lượng khai thác cá bơn dự đoán sẽ tiếp tục giảm; do đó, ngành nuôi cá bơn sẽ đóng vai trò quyết định đối với việc tăng sản lượng loài thủy sản này.

Sản lượng nuôi cá bơn của EU

Nói đến ngành nuôi cá bơn của thế giới thì EU dường như giữ vai trò là nhà sản xuất độc quyền (Hình 3). Sản lượng cá bơn của EU Trong giai đoạn 1985-2007, tổng sản lượng nuôi cá bơn của EU tăng từ mức 53 tấn (1985) lên 8.205 tấn (2007) với tốc độ tăng trưởng hàng năm cao nhất vào khoảng cuối những năm 80-đầu những năm 90. Trong vài năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng dao động ở mức 10-15%/năm. Ngành nuôi cá bơn của EU đạt tốc độ tăng trưởng cao tới mức sản lượng nuôi của nó trong năm 2007 chiếm 50% tổng sản lượng khai thác và nuôi cá bơn của thế giới.

Ngoài EU, Aixơlen là một quốc gia nuôi cá bơn nhỏ (đạt mức sản lượng cao nhất 115 tấn trong năm 2005, giảm xuống còn 100 tấn trong năm 2006-07). Nam Phi cũng có tên trong danh sách các nước sản xuất cá bơn trong vài năm trở lại đây .

Theo Hình 4, khu vực nuôi cá bơn của Châu Âu tập trung ở 5 quốc gia, trong đó Tây Ban Nha giữ vai trò là nhà sản xuất chính (cung cấp 84% sản lượng của EU trong năm 2007). Sản lượng nuôi cá bơn của nước này nhìn chung không ngừng tăng, từ 38 tấn (1985) lên 6.838 tấn (2007), tuy giảm nhẹ vào năm 1997 và 1998.

Sản lượng cá bơn của Pháp cũng tăng từ 15 tấn năm 1985 lên 980 tấn năm 1997 (tuy nhiên, sản lượng gần như chạm đáy trong năm 1996) trước khi chững lại trong giai đoạn sau (1998-2006). Năm 2007, sản lượng nuôi của Pháp đạt 850 tấn, chiếm 12% tổng sản lượng nuôi toàn EU.

Trong khi đó, ngành nuôi cá bơn mới chỉ xuất hiện ở Bồ Đào Nha chưa đầy hai thập kỉ. Với xuất phát điểm 35 tấn vào năm 1994, sản lượng nuôi cá bơn của nước này liên tục tăng lên mức cao nhất là 386 tấn vào năm 2002, trước khi giảm xuống còn 167 tấn vào năm 2007 . Dự đoán, mức sản lượng này sẽ tăng mạnh trong những năm tới nhờ chiến lược tăng cường đầu tư trong thời gian gần đây.

Tại Anh, mặc dù ngành nuôi cá bơn đã hình thành vào năm 1970 ở Scốtlen, nhưng hoạt động nuôi cá bơn thương phẩm chỉ mới phát triển vào khoảng năm 2000 (107 tấn) và đạt sản lượng cao nhất là 233 tấn vào năm 2004, sau đó lại giảm xuống mức 62 tấn vào năm 2007 . Sản lượng nuôi của Hà Lan trong năm 2007 cũng đạt con số tương đương của Anh trong năm này.

Tổng sản lượng nuôi cá bơn của 5 quốc gia này chiếm trên 98,5% sản lượng toàn EU. Gần 1,5% còn lại do các hệ thống sản xuất quy mô nhỏ ở Đan Mạch , Đức và Ailen cung cấp.

Giá trị ngành nuôi cá bơn của EU

Sự tăng trưởng của ngành sản xuất cá bơn EU đã khiến giá trị cá bơn nuôi trong khu vực này tăng từ mức 38.000 EUR (1984) lên 64,3 triệu EUR (2007) (Hình 5).

Tây Ban Nha

Ngành sản xuất cá bơn của Tây Ban Nha tập trung chủ yếu ở khu vực Galicia (sản lượng của Galicia chiếm khoảng 95% sản lượng cả nước). Bảng 1 cung cấp số liệu sản xuất cá bơn của Tây Ban Nha (1999-2010) trong mối tương quan với tổng sản lượng thế giới (2007-2010). Sản lượng nuôi của Tây Ban Nha tăng đáng kể, từ 2.243 tấn (1999) lên 9.400 tấn (2010). Với mức sản lượng này, Tây Ban Nha đóng góp 85,5% tổng sản lượng cá bơn thế giới trong năm 2010.

Acuinova đã xây dựng một trại nuôi cá bơn công suất 7.000 tấn ở Mira, Bồ Đào Nha, với nguồn vốn hỗ trợ từ EU. Theo ước tính, trại này sản xuất 1.500 tấn cá trong năm 2010 và đạt công suất hoạt động tối đa trong năm 2012, khiến tăng sản lượng nuôi cá bơn toàn cầu, và do đó, giảm thị phần nuôi cá bơn của Tây Ban Nha trong năm 2012.

Cán cân thương mại của EU

Các nước trong khối EU25 đã ngừng NK cá bơn kể từ năm 1991 trong khi vẫn tiếp tục XK loài thủy sản này, nhưng với khối lượng không đáng kể. Sản lượng XK giảm từ 879 tấn vào năm 1979 xuống còn 464 tấn vào năm 2006. Theo đó, sự thay đổi trong cán cân thương mại của ngành cá bơn EU25 trong những năm gần đây phụ thuộc hoàn toàn vào XK. Với mức sản xuất giới hạn, trên 95% sản lượng cá bơn (gồm cả nuôi và khai thác) của Châu Âu hiện nay dành cho tiêu dùng nội địa.

*Lưu ý:

1 Báo cáo này không đề cập đến Trung Quốc, mặc dù đây là quốc gia sản xuất trên 50.000 tấn cá bơn.

2 Tây Ban Nha là quốc gia sản xuất cá bơn lớn nhất toàn cầu với công ty Stolt Sea Farm SA là nhà sản xuất cá bơn nuôi dẫn đầu thế giới. Hai trại nuôi của công ty này cung cấp khoảng 1 triệu con giống cá bơn mỗi năm cho các cơ sở nuôi vỗ trong khu vực.

3 Mặc dù nuôi cá bơn, Pháp vẫn phải NK loài thủy sản này với nguồn cung chủ yếu từ Tây Ban Nha. Đây cũng là quốc gia sản xuất cá bơn giống lớn nhất thế giới với thị trường XK chính là Trung Quốc. Sản phẩm cá bơn XK của Pháp bao gồm cả cá sống.

4 Bồ Đào Nha nuôi cá bơn qua hệ thống trên cạn với hầu hết các cơ sở sản xuất được quản lý bởi công ty Stolt Sea Farm SA.

5 Sản lượng do một nhà sản xuất cung cấp.

6 Seafarm BV là công ty nuôi cá bơn duy nhất từ giai đoạn cá bột đến cá trưởng thành (bán ra trên thị trường) thông qua hệ thống nuôi trên cạn. Seafarm BV cung cấp cá bơn sống cho các thị trường Trung Quốc và Nhật Bản.

7 Công nghệ sản xuất cá bơn ở Đan Mạch phát triển mạnh, đặc biệt là sản xuất cá bột – sản phẩm có khối lượng XK lớn.

8 Chỉ có một trại giống và một cơ sở nuôi cá bơn ở Đức.

9 Ailen có một cơ sở nuôi cá bơn thương phẩm ở hạt Galway. Tuy nhiên, trại nuôi này đã bị thanh lý vào đầu năm 2005.

Nguồn: Vietfish được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Các chuyên gia về lĩnh vực này:

Trần Anh Ân Tấn Phát Hải Lý Đức Dương Long Tuấn Dũng