Close

Đăng ký

Close

Thông tin Đăng nhập

Giới tính:

Thông tin chuyên môn

Bạn là:
Lĩnh vực:

Cách phòng trị bệnh khô vằn hại lúa

Thứ 3, ngày 24/10/2017 683

Là loại bệnh hại toàn thân, bệnh gây hại bẹ lá, phiến lá và cổ bông. Các bẹ lá sát mặt nước hoặc bẹ lá già ở dưới gốc thường là nơi phát sinh bệnh đầu tiên.

1. Triệu chứng:

Vết bệnh khô vằn trên toàn bộ cây lúa

Vết bệnh khô vằn trên bẹ lá đòng

– Trên bẹ lá xuất hiện các vết đốm hình bầu dục màu lục tối hoặc xám nhạt, sau lan rộng ra thành dạng vết vằn da hổ dạng đám mây. Khi bị nặng, cả bẹ lá và lá phía trên bị chết lụi.
– Vết bệnh lá tương tự như ở bẹ lá, thường vết bệnh lan rộng rất nhanh chiếm hết bề rộng ở phiến lá tạo ra từng mảng vân mây hoặc vằn da hổ. Các lá già ở dưới hoặc lá sát mặt nước là nơi phát sinh trước sau đó lan lên các lá phía trên.
– Vết bệnh ở cổ bông thường là vết kéo dài bao quanh cổ bông, hai đầu vết bệnh có màu xám loang ra, phần giữa vết bệnh màu lục sẫm co tóp lại.
– Trên vết bệnh ở các vị trí gây hại đều xuất hiện hạch nấm màu nâu, hình tròn dẹt hoặc hình bầu dục nằm rải rác hoặc thành từng đám nhỏ trên vết bệnh. Hạch nấm rất dễ dàng rơi ra khỏi vết bệnh và nổi trên mặt nước ruộng.

2. Tác nhân:

– Bệnh đốm vằn do nấm Rhizoctonia solani sống trong đất gây ra. Ngoài lúa, nấm còn gây hại trên rau cải, ngô, bầu bí, dưa, cà rốt, ớt… mầm bệnh lây lan qua nước tưới, đất mang mầm bệnh và tàn dư thực vật của cây trồng bị bệnh vụ trước.

Sợi nấm và hạch nấm Rhizoctonia solani Kuhn

3. Đặc điểm phát sinh, phát triển bệnh:

– Điều kiện thời tiết : Bệnh phát sinh mạnh trong điều kiện nhiệt độ cao, ẩm độ cao. Bệnh thường phát sinh trước tiên ở các bẹ lá và lá già sát mặt nước hoặc ở dưới gốc. Tốc độ lây lan lên các lá phía trên phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết mưa nhiều, lượng nước trên ruộng quá cao, đặc biệt ở vùng cấy dày. Giai đoạn đòng trỗ đến chín sáp là thời kỳ nhiễm bệnh nặng nhất.
– Ảnh hưởng của phân bón : Bón thừa đạm, bón đạm muộn, bón không cân đối N-P-K cùng với cấy mật độ cao tạo điều kiện cho bệnh phát triển mạnh.
– Nấm tồn tại dưới dạng hạch, sợi nấm trong đất, tàn dư cây trồng, rơm rạ, cỏ, lúa chét. Hạch nấm có thể sống một thời gian dài sau khi thu hoạch lúa, thậm chí trong điều kiện ngập nước vẫn có tới 30% số hạch giữ được sức sống, nảy mầm thành sợi.

4. Biện pháp phòng trừ :

– Làm vệ sinh đồng ruộng, thu gom sạch tàn dư cây bệnh từ vụ trước. Cày bừa, xới đất kỹ để chôn vùi hạch nấm, hạn chế sức sống của chúng ;
– Không dùng hạt giống ở những ruộng bị nhiễm bệnh. Cấy lúa dày vừa phải, bón cân đối NPK, phân chuồng trước khi bón phải được ủ hoai mục ;
– Kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và phun trừ những diện tích lúa bị nhiễm bệnh khô vằn (có tỷ lệ từ 20% số dảnh bị bệnh), đặc biệt những ruộng lúa đang làm đòng, những ruộng lúa xanh tốt. Các loại thuốc hóa học có thể sử dụng để phun trừ bệnh như: Camilo 150SC, Chevil 5SC, Tilt 250ND, Anvil 5SC, Rovral 50WP, Callihex 5SC, Hecwin 5SC, A.v.tvil 5SC, Til calisuper 300EC …

Nguồn: Nongnghiep được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam

Các chuyên gia về lĩnh vực này:

Trần Anh Ân Tấn Phát Đức Dương