Close

Đăng ký

Close

Thông tin Đăng nhập

Giới tính:

Thông tin chuyên môn

Bạn là:
Lĩnh vực:

Cấp bách xây dựng chỉ dẫn địa lý cho nông sản Việt

Thứ 5, ngày 09/11/2017 599

Thực tiễn của các nước trên thế giới đã chỉ ra, sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, được đăng ký bảo hộ sẽ có “giá” hơn rất nhiều sản phẩm không có chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, ở Việt Nam, vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức.

Hầu như địa phương nào cũng có những đặc sản nổi tiếng gắn liền với các địa danh. 

Chiếm tỷ lệ quá ít

Việt Nam là một nước nông nghiệp nhiệt đới dồi dào, phong phú các loại trái cây, cây nông nghiệp, thủy hải sản. Hầu như địa phương nào cũng có những đặc sản nổi tiếng gắn liền với các địa danh như nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều Thanh Hà, chè Thái Nguyên, bưởi Năm Roi, vú sữa Lò Rèn… Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), hiện nay có khoảng hơn 900 sản phẩm gắn với 700 địa danh khác nhau trên toàn quốc.

Ở trong nước, con đường tiêu thụ các sản phẩm này chủ yếu là đi từ người sản xuất ra chợ truyền thống. Dưới góc độ quốc gia, nông sản Việt Nam chủ yếu được XK bằng con đường vận chuyển từ miền Nam ra miền Bắc để XK. Gần đây, một số ít các loại hoa quả được một số thị trường khó tính cho phép NK. Hiện, nhiều mặt hàng của Việt Nam còn đứng top XK lớn nhất thế giới như gạo, cà phê, hạt tiêu…, nhưng có một nghịch lý là nông sản Việt ít được người tiêu dùng thế giới biết đến.

Ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, có tới 90% nông sản Việt Nam XK dưới nhãn hiệu của nước ngoài, mới có khoảng 50 chỉ dẫn địa lý và 140 nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể được đăng ký xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và chỉ một số ít trong đó được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài. Bổ sung thêm thông tin, PGS.TS Lê Thị Thu Hà, Đại học Ngoại thương cho hay, có 9/11 tổng công ty của Bộ NN&PTNT đã đăng ký thương hiệu cho 107 mặt hàng nhưng chỉ mới có 3 thương hiệu được đăng ký ở nước ngoài; mới có 15/58 hội viên của Hiệp hội Trái cây Việt Nam đăng ký bảo hộ thương hiệu trong nước.

Không chỉ dừng ở đó, bà Hà còn bổ sung, không thể tìm thấy những loại hoa quả có gắn nhãn trên thị trường trong nước, còn ở thị trường thế giới, có đến 95% nông sản XK dưới dạng nguyên liệu, dạng thô mà chưa có thương hiệu. Đơn cử như cà phê, 95% XK dưới dạng nguyên liệu, chiếm 40% thị phần XK cà phê thế giới nhưng giá trị chỉ chiếm 2% bởi Việt Nam chỉ có 3 thương hiệu cà phê hòa tan và 20 thương hiệu cà phê rang xay. Trong khi đó, so sánh với các quốc gia có tỷ lệ XK cao như Brazil, có đến 20% thương hiệu cà phê hòa tan và 3.000 thương hiệu cà phê rang xay. Tương tự, mặt hàng gạo, chè cũng vậy.

Thua thiệt

Do chưa được xây dựng thương hiệu gắn với chỉ dẫn địa lý nên hàng hóa Việt Nam bị thua thiệt rất nhiều, ít được người tiêu dùng thế giới biết đến. Ví dụ, cùng là sản phẩm chè Việt Nam chỉ XK được với giá 50 USD/kg trong khi sản phẩm chè của Ấn Độ bán với giá 200 USD/kg. Đây là một khoảng cách vô cùng lớn được tạo ra bởi thương hiệu của sản phẩm.

Một dẫn chứng khác được ông Nguyễn Đăng Duy Nhất, Chủ tịch CMO Council Wordwide tại Việt Nam nêu ra, trong khi Trung Đông bán vài USD/kg thanh long thì thanh long của Việt Nam chỉ bán được vài nghìn đồng/kg, bày bán tràn lan trên khắp các vỉa hè Hà Nội. Hiệp hội Thanh long của Bình Thuận chỉ có vài chục DN tham gia, dẫn tới thương hiệu thanh long Bình Thuận rất ít người biết tới. “Thử hỏi làm sao sản phẩm Việt có đủ sức cạnh tranh với nước ngoài. Tôi cho rằng, trước khi nghĩ tới chuyện xúc tiến ra thế giới, chúng ta cũng cần trả lời câu hỏi xúc tiến trong nước trước đã. Làm sao để người Việt yêu thích các sản phẩm của Việt Nam hơn hàng hoá của thế giới mới là vấn đề. Còn hiện nay, người Việt vẫn chuộng gạo Campuchia, Thái Lan hơn gạo Việt, chuộng mít Thái hơn mít Việt”, ông Nhất nêu vấn đề.

Theo bà Hà, việc khai thác thị trường thông qua chỉ dẫn địa lý trong nước và nước ngoài ở Việt Nam còn hạn chế, gần như mới chỉ dừng lại ở việc công nhận một tên gọi được định danh trên thị trường, chưa xây dựng được quy chế bảo hộ địa lý và truy xuất nguồn gốc sản xuất. Để xảy ra tình trạng trên, theo ông Toản, có nguyên nhân từ nền sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, năng lực hiệu quả hoạt động của các DN còn thấp, sự liên kết giữa chính quyền địa phương, người dân và DN chưa chặt chẽ, kỹ năng thương mại và tiếp thị, phát triển sản phẩm của người sản xuất còn hạn chế, mang tính tự phát.

Chính quyền cơ sở và người nông dân chưa ý thức được tầm quan trọng của việc phát triển thị trường, xây dựng và đăng ký xác lập bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và nhãn hiệu nông sản. Bên cạnh đó, chi phí bảo hộ tốn kém cũng ảnh hưởng đến quyết định đăng ký bảo hộ của DN. Thực tiễn triển khai ở địa phương hiện nay, việc xây dựng 1 bộ hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý rất phức tạp vì liên quan đến vấn đề kỹ thuật, pháp lý và nhiều yếu tố khác mà không phải địa phương nào cũng sẵn sàng triển khai được.

Dựa vào yếu tố khác biệt

Trên thực tế, chỉ dẫn địa lý mang lại lợi ích cho những nhà sản xuất kinh doanh và cho nền kinh tế. Nghiên cứu của Đại học Harvard đã chỉ ra, nhờ vào sản phẩm duy nhất của Colombia đã thay đổi cả nền kinh tế. Cụ thể, những năm 1960, 87% cà phê tiêu thụ ở thị trường Mỹ có nguồn gốc từ Colombia nhưng người tiêu dùng Mỹ hầu như không biết đến nguồn gốc của loại sản phẩm này. Chỉ có 4% người tiêu dùng biết sản phẩm này có nguồn gốc từ Colombia. Nhưng sau hơn 60 năm xây dựng và phát triển thương hiệu này, độ nhận biết sản phẩm trên thị trường Mỹ từ 4% lên 80%, một vài quốc gia châu Âu như Tây Ban Nha con số này là 95%. Nhờ có thương hiệu mà giá trị của sản phẩm cà phê Colombia tăng đáng kể.

Trong khi đó, xu hướng chung của thị trường hiện nay đòi hỏi sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa được các cơ quan chức năng Nhà nước bảo hộ. Theo bà Hà, người tiêu dùng sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền hơn để mua một sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và thương hiệu uy tín. Nghiên cứu tại Liên minh châu Âu cho thấy, 43% người tiêu dùng Liên minh châu Âu (khoảng 159 triệu người) sẵn sàng trả thêm 10% cho sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, 8% (khoảng 29,6 triệu người) thậm chí sẵn sàng trả thêm 20%. 3% (khoảng 11 triệu người) trả tới 30% cho các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý. Do đó, để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho các sản phẩm, việc tăng cường phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm là vấn đề cấp bách.

Ông Nhất cho rằng, đến thời điểm này, Việt Nam cần có chiến lược rõ ràng để phát triển thị trường, sau khi có thương hiệu cần xây dựng và phát triển để tăng giá trị thương hiệu. Trước tiên, Việt Nam cần phải xây dựng được thương hiệu trong nước rồi mới tính đến chuyện đem thương hiệu đó đi XK, khắc phục tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng” đã diễn ra trong thời gian qua. Để làm được điều này, chúng ta phải định vị, xác định được vị trí, đối thủ. Ví dụ, muốn làm thương hiệu du lịch, Việt Nam cần nhìn từ Thái Lan, Malaysia. “Có đến 80% khách du lịch khi đến Thái Lan đều muốn quay trở lại, còn Việt Nam tại sao không. Chúng ta phải tìm ra sự khác biệt để xây dựng thương hiệu”, ông Nhất nói.

Cùng quan điểm này, bà Hà cho biết thêm, việc xây dựng thương hiệu nông sản dựa vào chiến lược cạnh tranh, dựa vào năng lực cạnh tranh dẫn đầu, năng suất, sự khác biệt. Bản chất của quá trình xây dựng thương hiệu chính là tạo ra sự khác biệt, tìm ra năng lực cạnh tranh cốt lõi. “Ở Việt Nam có đặc điểm là, nhiều địa phương có ranh giới giáp nhau có sự tương đồng văn hóa, nhiệm vụ của người xây dựng thương hiệu là phải chỉ ra được thương hiệu cốt lõi, sự khác nhau của sản phẩm, ví dụ chè Tân Cương, chè San Tuyết và chè Hà Giang”, bà Hà chia sẻ.

Nguồn: Baohaiquan.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Các chuyên gia về lĩnh vực này:

Trần Anh Ân Tấn Phát Đức Dương Long Quang Trường Thiên Trường value value