Close

Đăng ký

Close

Thông tin Đăng nhập

Giới tính:

Thông tin chuyên môn

Bạn là:
Lĩnh vực:

Hoa Tết công nghệ cao "chiếm lĩnh" các nhà vườn

Thứ 4, ngày 29/11/2017 660

Nắm bắt được thị hiếu khách hàng, năm nay, nhiều nhà vườn tại Phố núi Pleiku (Gia Lai) đã quyết định chuyển sang trồng các giống hoa hiện đại, lai tạo thay cho những loại hoa truyền thống để phục vụ thị trường Tết sắp đến.

Khu vườn nhỏ của anh Bùi Trọng Hưng tại tổ dân phố 8, phường Hoa Lư, TP. Pleiku đã gần như được phủ kín bởi hơn 600 chậu hoa sống đời, mai dạ thảo, hồng, cát tường, ớt kiểng… đang mơn mởn lá xanh. Một góc đất trống còn lại, anh dành để xuống giống thêm một số loại hoa ngắn ngày khác như: vạn thọ mỹ, cẩm chướng. Năm nay, hoa thược dược, mào gà, lay ơn… anh tạm thời không trồng nữa vì quá ít người mua; riêng cúc pha lê, anh Hưng giảm số lượng giống lại chỉ còn 150 chậu lớn nhỏ.

“Có thể nói đây là thời của hoa công nghệ cao, hoa lai tạo, ngoại nhập. Chúng rất đa dạng về chủng loại, phong phú về màu sắc, phù hợp với nhiều không gian khác nhau mà giá thành bán ra cũng chẳng quá cao nên rất được thị trường ưa chuộng. Điều này bắt buộc người trồng hoa chúng tôi muốn sống được với nghề phải thay đổi cách thức trồng và cập nhật thêm các giống hoa mới lạ thay vì cứ giữ khư khư các loại hoa truyền thống trước giờ”-anh Hưng bày tỏ.

Đang phụ con trai chăm sóc mấy chậu sống đời, bà Đỗ Thị Tam (84 tuổi, mẹ anh Hưng) không khỏi ngậm ngùi. Bà kể rằng gia đình bà tận ngoài Bắc xa xôi vào đây theo diện kinh tế mới từ những năm 50 của thế kỷ trước, gắn bó với nghề trồng hoa đã 6, 7 thập niên. 4 trong số 8 người con của bà sau này cũng tiếp nối cái nghề “ươm xuân” của bố mẹ. Dù biết phải thích ứng với thị trường, song nhìn những sắc hoa truyền thống dần khan hiếm và mai một trên chính mảnh đất của mình, bà Tam lại cảm thấy chạnh lòng. Vì vậy, bà vẫn căn dặn các con mình giữ lại ít chậu vạn thọ để trồng vào mỗi mùa hoa Tết.

Cách đó không xa, chủ nhân của những nhà vườn trên đường Tôn Thất Tùng (thuộc tổ dân phố 17, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) cũng đang tất bật xuống giống và chăm sóc những “đứa con tinh thần” để chúng kịp khoe sắc trong ngày Tết cổ truyền sắp đến. Khác với xóm Hoa Lư, nơi đây mặc nhiên không thấy xuất hiện bất kỳ loài hoa truyền thống nào. Tất cả đều là hoa kiểng được trồng trong những chiếc chậu nhỏ xinh, xếp ngay ngắn dưới đất hoặc treo lơ lửng trên giàn lưới.

Hoa công nghệ cao “chiếm lĩnh” không gian tại các nhà vườn.

Vừa giúp chị gái tỉa lá, bỏ bớt hoa trên những chậu ớt kiểng, em Nguyễn Thị Mỹ Phương vui vẻ cho biết: “Vì thời tiết nắng ấm nên ớt ra hoa sớm. Muốn ớt không đậu trái và chín trước Tết thì phải ngắt hết đợt hoa này đi để chúng trổ hoa khác. Năm nay, vườn hoa của gia đình em có khoảng hơn 20 loại, chủ yếu là các loài hoa được nhiều người tìm mua như: sushi, baby, cẩm chướng, cúc đài loan, cúc 7 màu, thọ pháp, mai dạ thảo, dạ yến thảo, dừa cạn, thài lài tía, sống đời, triệu chuông, phong lữ… Thường thì trước Tết, thương lái hay đến tận nhà đặt hoa rồi chở đi bán nơi khác chứ gia đình em không tham gia chợ hoa Xuân”.

Theo chia sẻ của nhiều chủ nhà vườn, đa số giống hoa được họ nhập về từ Đà Lạt, chỉ có một số ít là tự ươm. Hoa thích nghi với thổ nhưỡng, khí hậu nên sinh trưởng và phát triển khá nhanh, cho bông đẹp. Việc chăm sóc cũng không cần quá kỳ công vì rễ cây khỏe, ít sâu bệnh và có thể chịu được nắng mưa thất thường.

Ngoài sức tiêu thụ mạnh, khi trồng hoa công nghệ cao bán Tết, người trồng hoa không lo bị thua lỗ nếu chẳng may ế ẩm. Bởi lẽ, thay vì phải vứt bỏ như một số loại hoa đặc trưng khác, họ có thể mang về chăm sóc lại và tiếp tục bán cho những ai có nhu cầu hoặc bỏ mối trang trí tại các quán cà phê, ăn uống, vui chơi… trên địa bàn thành phố.

Người trồng hoa kỳ vọng vào một mùa hoa Tết khởi sắc.

“Ngày thường, giá bán mỗi chậu hoa dao động từ 25.000 đồng đến 120.000 đồng tùy từng loại hoa và kích cỡ; mức giá này có thể nhỉnh hơn ít nhiều trong dịp Tết. Mong rằng năm nay thị trường hoa khởi sắc để người trồng hoa như nhà em có được cái Tết trọn vẹn” – Phương kỳ vọng.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Các chuyên gia về lĩnh vực này:

Trần Anh Ân Tấn Phát Đức Dương