Close

Đăng ký

Close

Thông tin Đăng nhập

Giới tính:

Thông tin chuyên môn

Bạn là:
Lĩnh vực:

Khánh Hòa: Nguy cơ lây lan dịch bệnh do vứt bỏ thủy sản chết ra môi trường

Thứ 6, ngày 06/10/2017 501

Bảo vệ môi trường trong quá trình nuôi trồng thủy sản, chống dịch bệnh lây lan luôn được ngành thủy sản quan tâm, khuyến cáo. Tuy nhiên, tại tỉnh Khánh Hòa thời gia gần đây xuất hiện ở nhiều địa phương nuôi trồng thủy sản người dân thải ra môi trường thủy sản chết, không xử lý đúng quy định khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao.

Khánh Hòa nguy cơ lây lan dịch bệnh do vứt bỏ thủy sản chết ra môi trường

Thời gian gần đây tại xã Ninh Thọ (thị xã Ninh Hòa) xảy ra tình trạng ốc hương nuôi chết hàng loạt; khi đó không khó để bắt gặp những bao tải chứa ốc vứt bên vệ đường, cạnh mương nước phục vụ nuôi trồng thủy sản. Hỏi chuyện các hộ nuôi ốc gần đó mới biết, khi xảy ra hiện tượng ốc chết, người nuôi chỉ lo tìm cách cứu chữa cho ốc mà không quan tâm đến việc xử lý ốc chết, họ cứ tìm chỗ nào trống là vứt ốc, không đưa đi xử lý đúng quy định.

Hay tại vùng nuôi cá bớp ở Hòn Lăng (xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa) xuất hiện tình trạng cá bớp chết liên tục. Hỏi người dân về cách xử lý cá chết, ông P.T.T. – người nuôi cá tại đây cho biết: “Trong vòng 1 tháng qua, cá bớp của gia đình tôi chết hơn 1.500 con. Khi phát hiện cá chết, tôi vớt lên và vứt luôn xuống biển ngay cạnh bè chứ không biết xử lý cách gì”. Theo ông T., cả vùng nuôi này bè nào cũng vậy. Bởi cá chết cả tấn, có mang vào bờ cũng không biết chôn ở đâu. Còn ngoài biển rộng lớn, việc vứt vài ba tấn cá chắc cũng không ảnh hưởng gì. Bởi vậy, có hộ khi cá chết trắng lồng thì xả tất cả ra biển, kéo lồng lên rồi về bờ.

Được biết những năm qua, ngành Thủy sản tỉnh Khánh Hòa đã triển khai nhiều lớp tập huấn, thông tin về Thông tư 04 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản cho người dân. Các yêu cầu về khu cách ly và hố xử lý động vật thủy sản; quy trình xử lý, vận chuyển động vật thủy sản chết đến hố xử lý; tiêu hủy bằng hóa chất cũng đã được hướng dẫn đến người dân ở các vùng nuôi. Qua đó, nhằm giúp người nuôi trồng thủy sản chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, có các biện pháp kỹ thuật tiêu hủy động vật thủy sản khi mắc bệnh, chết nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn vùng nuôi. Tuy nhiên, thực tế việc áp dụng của người dân còn nhiều hạn chế.

Theo ông Phạm Duy Trường – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, một trong những khó khăn lớn trong nuôi trồng thủy sản hiện nay là ý thức cộng đồng của người nuôi. Một khi có dịch bệnh xảy ra, người dân không thu gom xử lý, xả ra môi trường sẽ rất dễ lây lan ra toàn vùng nuôi, nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao. Để phòng, chống dịch bệnh, nâng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản, người dân cần có ý thức cộng đồng, từ khâu cải tạo ao đìa, thả giống, xử lý dịch bệnh… Hiện nay, ngành Thủy sản tỉnh đang vận động người dân thành lập các tổ cộng đồng vùng nuôi, cùng thả giống, cùng tổ chức sản xuất đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm…

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tình hình dịch bệnh trên động vật thủy sản trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 diễn biến khá phức tạp; các đối tượng nuôi như: cá bớp, tôm hùm, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ốc hương… chết ở nhiều vùng nuôi trên địa bàn tỉnh. Một số vùng nuôi có nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất cao do nguồn nước bị ô nhiễm. Chi cục đã tích cực khuyến cáo đến người nuôi các biện pháp bảo vệ môi trường vùng nuôi và phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản nuôi. Chỉ tính riêng đối tượng tôm nước lợ, trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, chi cục đã dập 41 ổ dịch trên tôm sú và tôm thẻ chân trắng.

Nguồn: bao Khanhhoa được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam

Các chuyên gia về lĩnh vực này:

Trần Anh Ân Tấn Phát Đức Dương Long Tuấn Dũng