Một nông dân nhân thành công giống quýt ngọt bản địa quý hiếm
Trọng lượng từ 4 – 5 quả được 1kg, có màu sắc và vị thơm đặc trưng của quýt Bắc Kạn, nhưng khi ăn thì có vị ngọt đậm. Còn giá cả được gia đình bán ra cao hơn quýt thường Bắc Kạn khoảng 5- 6 lần.
Vườn quýt nhà ông Phạm Hồng Sơn phát triển tốt, chiều cao cây khoảng 3m, đã bắt đầu cho thu hoạch.
Bắc Kạn là một trong những tỉnh có diện tích trồng cam quýt lớn ở miền Bắc. Quýt bản địa có hương vị thơm tự nhiên rất hấp dẫn, nhưng khi ăn thì có vị chua gắt nên không phù hợp với khẩu vị của đại đa số người dân nói chung. Chính vì vậy, giá bán rất thấp, thời điểm hiện tại tiểu thương thu mua loại bé đổ đồng chỉ được 3.000đ/kg, loại to đẹp thì tầm 7.000đ/kg, mà còn khó bán.
Nhận thấy điều này, từ trước những năm 2010, lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của tỉnh như Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ, thậm chí là liên kết với các Viện nghiên cứu của TƯ, các trường đại học nhằm cải tạo giống quýt để quả bớt chua hơn. Nhiều tiền ngân sách bỏ ra để thực hiện việc này, nhưng chưa đem lại hiệu quả. Người trồng quýt Bắc Kạn phải duy trì lấy công làm lãi, vì giá quýt nhiều năm nay người nông dân bán ra chỉ đạt trung bình 5.000đ/kg.
Các cơ quan chuyên môn thì vẫn đang loay hoay chưa tìm ra cách cải tạo going thì thật bất ngờ, một hộ nông dân đã tự nhân giống được vườn quýt bản địa có vị ngọt quý hiếm. Đó là vườn quýt của ông Phạm Hồng Sơn tại thôn Khuổi Zẹt, xã Thanh Mai, huyện Chợ Mới, vị trí này cách UBND xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông, là trung tâm của vùng cam quýt Bắc Kạn hơn 6km.
Phóng viên Báo NNVN đã được ông Sơn mời trải nghiệm vườn quýt của gia đình. Qua thực tế, vườn có hơn 2.000 cây quýt trồng trên diện tích hơn 4ha. Trung bình mỗi cây cao hơn 3m và bắt đầu cho thu hoạch. Trọng lượng từ 4 – 5 quả được 1kg, có màu sắc và vị thơm đặc trưng của quýt Bắc Kạn, nhưng khi ăn thì có vị ngọt đậm. Giá bán đang được tư thương đặt mua trung bình trên 20.000đ/kg, tức cao hơn quýt thường Bắc Kạn khoảng 5 lần.
Quýt bản địa có màu sắc và vị thơm đặc trưng của quýt Bắc Kạn, nhưng khi ăn thì có vị ngọt đậm.
Ông Sơn cho biết để có được vườn quýt như hiện nay là cả một quá trình gian khổ, đói ăn phải vượt qua. Trước đây gia đình đã trồng cả 1 vườn quýt địa phương. Đến khi được thu hoạch thì quá nhiều người trồng, trong khi quýt Bắc Kạn rất kén khách ăn do quá chua, nên giá rớt thê thảm, không bõ công chăm sóc.
Phát hiện trong vườn nhà có cây rất khác biệt về chất lượng, ăn ngọt chứ không chua như bình thường, năm 2011 gia đình quyết định tự triển khai lấy mắt ghép nhân giống đại trà. Quá trình này diễn ra tới năm 2014 thì thay thế được toàn bộ giống quýt chua đã trồng từ trước. Đến năm 2018 có một số cây đã bói quả, ăn thử thấy chất lượng tốt là biết đã thành công. Nhưng đến năm nay 2019, khi cây cho thu hoạch nhiều hơn thì ông mới dám công bố sản phẩm ra thị trường.
Ông Phạm Hồng Sơn đã nhờ cửa hàng Trung tâm phân phối nông sản sạch tỉnh Bắc Kạn, thuộc HTX nông nghiệp sạch Huyền Hân có địa chỉ tại tổ 9, phường Phùng Chí Kiên, TP Bắc Kạn giới thiệu sản phẩm quýt ra thị trường trong nước.
Đơn vị này phân phối tới hơn 20 sản phẩm đặc sản của tỉnh Bắc Kạn đi khắp hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trên cả nước. Nhưng từ trước tới nay chưa kết nối được quả cam quýt địa phương Bắc Kạn ra các thị trường lớn, vì quả hơi chua không phù hợp với số đông khẩu vị của người dân Việt Nam.
Nhưng khi doanh nghiệp gửi hàng mẫu của vườn nhà ông Sơn chào hàng tại các hệ thống siêu thị lớn như Vinmart, Big C,… thì đã được nhận được phản hồi rất tích cực. Quýt của hộ ông Sơn được đánh giá cao về mẫu mã cũng như chất lượng. Đến ngày 7/11, xe hàng đầu tiên sẽ được HTX nông nghiệp sạch Huyền Hân xuất cho hệ thống siêu thị Big C (Hà Nội).
Những sọt quýt đầu tiên được ông Sơn bán lẻ ra thị trường có giá 30.000 đ/kg.
Đây cũng là lần đầu tiên sản phẩm cam quýt của Bắc Kạn xâm nhập được vào một hệ thống siêu thị bán lẻ lớn như vậy. Hiện phía doanh nghiệp đang phối hợp với gia đình làm các thủ tục chứng nhận sản phẩm đủ điều kiện để tiến hành đưa sản phẩm ra thị trường. Đồng thời báo cáo lên các cơ quan của tỉnh Bắc Kạn về sản phẩm quýt “quý hiếm” này.
Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam