Sát thủ giấu mặt gây chết ở tôm - H2S
Trong quá trình nuôi tôm, lượng chất thải hữu cơ tạo ra được tích tụ trong đáy ao bị vi khuẩn phân hủy kị khí thành H2S. Đây là loại khí độc nguy hiểm nhất trong ao, có thể gây chết tôm ở bất cứ thời điểm nào. Do đó cần khống chế loại khí này trong toàn vụ nuôi.
Trong vụ nuôi, chất thải được lắng đọng xuống nền đáy, quá trình phân hủy xảy ra 2 trường hợp. Trường hợp phân giải kỵ khí (không có ôxy) nên vi khuẩn khử lưu huỳnh tạo ra H2S, nằm ở phía dưới lớp bùn đáy và thường có màu đen. Trường hợp phân giải hiếu khí (có ôxy) các phản ứng ôxy hóa xảy ra ở bề mặt lớp bùn đáy nên lớp bùn này có màu sáng. Lớp bùn sáng này tuy mỏng nhưng có tác dụng như lớp màng ngăn, hạn chế khí độc thoát ra ngoài môi trường nước.
Khí độc H2S có mùi trứng thối, càng nhiều bùn đen thì càng nhiều khis độc H2S. Nó được gọi là “sát thủ” vì độ độc H2S cao gấp nhiều lần so với NH3 và NO2, chỉ cần 0,01 ppm là có thể giết chết tôm. Còn “giấu mặt” vì cho đến nay, vẫn chưa có dụng cụ kiểm tra hàm lượng khí độc H2S trong ao nuôi.
Khí H2S nguy hiểm với tôm như thế nào?
Khí độc H2S sẽ kết hợp với Hemoglobin ngăn cản việc vận chuyển ôxy trong máu, ngăn không cho tôm lấy ôxy, gây stress và giảm sức đề kháng. Nó cũng có thể gây phá hủy mô, tổn thương các cơ quan mềm như mang, ruột, thành dạ dày và gan tụy. Nếu tiếp xúc H2S trong thời gian ngắn, tôm yếu dần, bơi chậm chạp, dễ tổn thương và nhiễm bệnh. Trường hợp tiếp xúc với lượng lớn H2S, tôm sẽ chết nhanh hàng loạt.
Các triệu chứng tôm bị ảnh hưởng bởi độc tính H2S
Tôm sú bị mềm vỏ khi tiếp xúc lâu với H2S, dẫn đến stress và giảm ăn
Miệng và mang tôm thẻ bị đen do tiếp xúc với H2S khi tìm kiếm thức ăn ở khu vực đáy ao
Những điều kiện thuận lợi sinh ra H2S
- Ao nước trong trước khi thả giống, ánh sáng chiếu xuống làm cho rêu đáy phát triển. Sau một thời gian, tảo phát triển và ngăn ánh sáng chiếu xuống đáy ao làm cho rêu đáy chết, gây ô nhiễm đáy ao
- Ao đáy cát và đất xốp, chất thải rút sâu vào lòng đáy, tạo môi trường yếm khí sinh ra H2S
Đối với ao lót bạt, bên dưới lớp bạt là môi trường thiếu ôxy, H2S được sinh ra khi chất hữu cơ thấm xuống bên dưới lớp bạt theo vết rò rỉ - Ao có mực nước sâu, thiếu oxy sẽ tạo điều kiện cho H2S sản sinh
- Ao bị tảo tàn và nhiều thức ăn thừa, cũng như ao phèn có pH thấp và nhiều chất thải rất thuận lợi tạo ra H2S
- Ao chứa các chất hữu cơ lơ lửng, khi các chất này lắng lại ở đáy ao sẽ tạo điều kiện thuận lợi sinh ra H2S
Một số trường hợp và cách khắc phục
- Mưa lớn
Trong cơn mưa lớn, các thông số nước sẽ thay đổi, thúc đẩy việc tạo ra H2S. Mưa làm giảm nhiệt độ, ôxy hòa tan và pH. Mưa còn làm giảm khoáng chất và độ kiềm trong nước. Âm thanh và sóng tạo ra bởi gió cũng khiến tôm stress và phải di chuyển xuống đáy và khu vực chất thải. Các yếu tố này làm tôm chết.
Người nuôi nên xử lý như sau: Ngưng cho ăn khi có mưa
– Kiểm tra pH nước và tạt vôi để duy trì điều kiện tối ưu
– Bật quạt nước chạy xuyên suốt
– Bổ sung khoáng vào nước và trộn khoáng với thức ăn sau những cơn mưa
– Sử dụng vi khuẩn tiêu thụ H2S để kiểm soát H2S
- Tảo tàn
Khi tảo tàn, pH ngay lập tức hạ thấp, lượng chất hữu cơ tăng lên đột ngột tiêu thụ một lượng lớn ôxy hòa tan. Khí độc sản sinh và vi khuẩn tăng lên nhanh chóng. Người nuôi phải xử lý theo các bước sau đây:
– Cắt giảm 50 – 60% thức ăn
– Tạt vôi để duy trì độ pH
– Chạy quạt để gom chất hữu cơ về khu vực giữa đáy ao
– Si-phông bùn đáy giữa ao, thay nước mới
– Sử dụng các chế phẩm phân hủy chất hữu cơ để làm sạch nước ao
– Sử dụng vi khuẩn tiêu thụ H2S để kiểm soát H2S
- Thời tiết lạnh
Khi thời tiết trở lạnh, tôm khỏe có khả năng chống chịu tốt hơn và tránh xa khu vực chất thải. Trong khi đó, tôm yếu chịu lạnh kém sẽ tiến đến khu vực chất thải (nhiệt độ ấm hơn) và bắt đầu nhiễm độc bởi khí H2S. Khi thời tiết ấm trở lại, vi khuẩn phân hủy chất thải với tốc độ nhanh hơn và tiêu thụ một lượng lớn ôxy. Hàm lượng ôxy thấp sẽ làm cho tôm sống ở khu vực này bị nhiễm độc bởi khí H2S. Cách khắc phục:
– Khi thời tiết trở lạnh (25 – 26oC), lượng thức ăn nên được giảm 20 – 30%.
– Tăng cường quạt nước để cung cấp đầy đủ ôxy trong cả ngày.
– Trộn vitamin, khoáng vào thức ăn để hỗ trợ tôm khỏe hơn.
– Rải vôi quanh vùng rìa đống chất thải.
Đáy ao bị xáo trộn
Bình thường bề mặt của đống chất thải được tiếp xúc đủ ôxy nên tạo ra lớp bùn sạch. Lớp này rất mỏng, có màu tương đối sáng, bao phủ bùn đen thiếu ôxy bên dưới và hạn chế khí độc H2S ở bùn đen thoát lên. Nhưng khi lớp bề mặt này bị trốc ra, một lượng lớn khí độc H2S đột ngột thoát vào nước. Những con tôm ở gần đó sẽ chết do bị nhiễm bởi khí độc này. Để hạn chế trường hợp này cầ chú ý:
– Không nên khuấy động đống chất thải ở đáy ao
– Cố gắng kiểm soát pH nước (bón vôi)
– Cắt giảm thức ăn (60 – 70%)
– Tăng cường quạt nước tối đa để cung cấp ôxy và ngay lập tức đưa vi sinh PondDtox® 2 kg/ 10.000 m2 xuống ao.
Ngăn ngừa khí độc H2S
- Duy trì ôxy hòa tan ở đáy ao cao hơn 3 ppm có thể giúp ngăn cản việc sinh ra H2S
- Kiểm soát chặt chẽ lượng thức ăn
- Không nên nuôi ở vùng đất xốp, đáy cát và khu vực xì phèn nặng
- Khu vực miền Tây cần lưu ý đáy ao phần lớn nằm trong vùng xì phèn, người nuôi cần xử lý đáy bằng vi sinh định kỳ để kìm hãm sự phát triển của H2S
- Giữ pH trong khoảng 7,8 – 8,3 trong suốt vụ nuôi. Khoảng dao động pH trong ngày phải nhỏ hơn 0,4. Vùng đất xì phèn, pH khu vực giữa ao luôn thấp hơn so với ven bờ
- Người nuôi nên cẩn thận và phải có hành động kịp thời khi mưa lớn, tảo tàn và lột xác
Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam