Kỹ thuật trồng dừa dứa và dừa xiêm xanh

Hiện nay, dừa dứa và dừa xiêm xanh là hai giống dừa đang được các nhà vườn rất quan tâm, đây là hai giống có thời gian cho trái sớm (khoảng 3,5 năm sau khi trồng), lại có năng suất cao, chất lượng trái ngon nên đang được nhiều nhà vườn đầu tư trồng để thay thế giống dừa địa phương đã cằn cỗi.

Dừa dứa

Việt Nam là nước có sản lượng dừa khá lớn nhưng năng suất không cao do thiếu đầu tư và chăm sóc. Cây dừa hiện nay được xem là cây ăn trái có nhiều tiềm năng và triển vọng, đặc biệt là nhóm dừa lùn, cho trái sớm, năng suất cao và chất lượng ngon cần có chiến lược đầu tư chăm sóc nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao và lợi ích lâu dài.

Dừa xiêm xanh

Dừa là một cây trồng dễ chăm sóc và cần vốn đầu tư thấp, tuy nhiên trước đây người nông dân khi tiến hành cải tạo vườn để trồng dừa thì chỉ sử dụng những giống dừa cao (dừa ta), là giống dừa đã có lâu đời, dễ thích nghi với mọi loại đất nhưng thiếu đầu tư nên cho năng suất thấp. Để trồng dừa có hiệu quả cao, khi trồng cần chú ý một số điểm sau:

Chọn cây giống

Trồng dừa trước tiên phải chọn được cây giống khoẻ mạnh, xanh tốt, chu vi cổ thân to, không bị sâu bệnh và dị dạng, nhiều lá và tách lá chét sớm, lá có màu xanh sậm, cao trên 20 cm và cây có đeo thẻ kiểm nghiệm chất lượng của đơn vị sản xuất. Đặc biệt đối với dừa dứa phải xác định mùi dứa đặc trưng bằng cách bẻ một phần đầu rễ non hoặc lá non vò dập nếu ngửi thấy mùi như mùi lá dứa thì chính xác là dừa dứa. Bà con nên mua cây giống ở những Trung tâm Giống, các cơ sở sản xuất giống hoặc các đại lý bán giống uy tín.

Thời vụ và khoảng cách trồng

Chủ yếu tuỳ thuộc vào chế độ mưa mỗi vùng, thích hợp nhất là ngay sau vài cơn mưa đầu mùa, lúc này thời tiết thuận lợi giúp cho cây con mau bén rễ, sớm phục hồi và phát triển nhanh. Thời điểm trồng thường vào đầu mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 7 dương lịch (dl). Tuy nhiên, ở những nơi chủ động được nguồn nước tưới thì dừa có thể trồng quanh năm. Khoảng cách và mật độ trồng tùy theo thiết kế vườn trồng sao cho khi cho trái ổn định (trên 5 năm tuổi) thì cây không giáp tán với nhau. Khoảng cách trồng cây cách cây 7m x 7m, trồng thâm canh thì 6m x 6m. Nếu trồng xen các loại cây khác thì khoảng cách có thể thưa hơn khoảng 1m và cây trồng xen cách gốc dừa ít nhất là 2m.

Phương pháp trồng

Trước tiên phải chuẩn bị hố với kích thước ngang 0,6m x rộng 0,6m x sâu 0,6m; trộn 10 – 15 kg phân hữu cơ hoai mục với đất đã được đào lên (sử dụng lớp đất mặt không nên sử dụng đất sét bên dưới), trộn xong lấp hỗn hợp này trở lại hố và đắp thêm đất tạo mô thấp khoảng 10 đến 20 cm so với mặt liếp là vừa.

Sau đó đào hốc hình tròn có đường kính 40cm, sâu 40cm ngay giữa mô, bón lót thêm 0,5 kg phân lân rãi đều xuống hố (đối với vùng đất xấu có thể bón 1kg), đặt cây giống vào hốc (cây giống phải được tháo bỏ phần vỏ bầu bằng nylon, đặt gáo dừa hướng vào trong liếp và thân cây ra hướng mương) sau đó lấp đất lại, ém đất xung quanh vừa phải, cắm cọc giữ cho cây khỏi ngã hoặc gió lay làm đứt rễ.

Sau khi trồng nên che phủ xung quanh gốc cây bằng các vật liệu hữu cơ sẵn có như rơm khô, cỏ khô không hạt, rễ cây lục bình…để giữ ẩm và hạn chế xói mòn đất khi tưới.

Chăm sóc bón phân

Việc chăm sóc dừa cũng rất phức tạp và phải đúng cách. Liều lượng phân bón cho dừa tùy thuộc vào loại đất trồng, có trồng xen hay thâm canh, màu lá trên cây dừa (xanh biếc hay đã ngã vàng).

Đối với cây từ 1 – 3 năm tuổi: Mỗi năm bón 2 lần vào đầu và gần cuối mùa mưa, lần đầu vào tháng 5-6 dl và lần sau gần cuối mùa mưa, khoảng tháng 10 dl. Phân được trộn đều, cuốc bốn lỗ quanh gốc theo hình chiếu tán, cách gốc 0,5 đến 1,2 m tùy độ tuổi của cây, bón đều lượng phân rồi lấp đất lại.

Đối với dừa từ 3,5 – 5 năm: Sau khi trồng, cây bắt đầu cho trái ổn định ta có thể chia lượng phân ra bón 3 đến 4 lần/năm, lần đầu bón 30% lượng phân vào đầu mùa mưa, lần 2 và 3 bón mỗi lần 20% lượng phân, lần cuối bón 30% trước khi dứt mưa khoảng 1 tháng. Phân được trộn đều, xới đất xung quanh gốc và cuốc một đường rãnh đường kính cách gốc khoảng 1,5 đến 2m, sâu 10 cm, rộng 40cm sau đó bón đều lượng phân vào rãnh rồi lấp đất phủ kín bề mặt, lần bón phân tiếp theo xới đất liền kề và nới rộng ra hơn lần trước.

Ngoài ra, cũng có thể rải phân xung quanh gốc dừa sau đó bồi bùn vào đầu mùa mưa. Trên vùng đất phèn bón thêm vôi từ 1 – 3 kg cho một gốc tùy thuộc vào mức độ nhiễm phèn của đất (bón vôi trước, sau vài cơn mưa đầu mùa thì tiến hành bón phân vô cơ). Đối với những vùng đất cao nên tưới nước cho dừa vào mùa khô (tưới 1-2 lần/tuần).

Quản lý một số đối tượng chính

Cây mới trồng 1 đến 2 tuổi hàng tháng phải phun một lần thuốc trừ bọ cánh cứng hại dừa, có thể dùng Vitako hay Regent phun trực tiếp lên ngọn dừa, nếu không chúng cắn phá gây thiệt hại, mất sức dừa. Để hạn chế chuột, kiến vương, đuông phá hại nên thường xuyên dọn nhen dừa, rửa sạch sẽ những lá già, những buồng không đậu trái hoặc đã thu hoạch xong cần chặt bỏ. Dùng 300g mạt cưa trộn với 300g Basudin 10H rải lên các kẻ nách lá từ trên đọt xuống định kỳ 3 tháng/1 lần hoặc dùng vải mùng bọc túi thuốc đã được trộn mùn cưa treo trên ngọn cây hoặc nách lá.

Sau khi trồng từ 3,5 đến 4 năm dừa sẽ ra trái, bình quân mỗi năm cây dừa có khả năng cho từ 100 đến 120 trái/cây. Đối với dừa uống nước thu hoạch khi nước dừa còn đầy trong trái, tuổi trái khoảng 6-7 tháng, nước dừa lúc này ngọt và ngon, riêng dừa dứa có mùi thơm lá dứa rất đặc trưng. Còn đối với dừa để giống thì ta nên thu trái đủ độ chín từ 11 đến 12 tháng tuổi, vỏ trái đã chuyển sang màu nâu, khi lắc nghe róc rách.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Hướng dẫn khắc phục thiệt hại cây trồng sau bão

 Đối với lúa

 Với diện tích lúa bị ngập 1 – 2 ngày, khả năng phục hồi khá:
– Thực hiện các biện pháp chăm sóc kịp thời như bón thúc đợt 2 bằng phân kali cho diện tích lúa đứng cái, làm đòng, phun thêm các chất hỗ trợ sinh trưởng, phân qua lá cho lúa;
– Tăng cường công tác dự tính, dự báo tình hình phát sinh gây hại của các đối tượng dịch hại như bệnh bạc lá, rầy nâu, sâu cuốn lá, sâu đục thân,… để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.

Với diện tích lúa bị ngập 2 – 3 ngày, thoát nước kịp, có khả năng hồi phục:
– Điều chỉnh mực nước tiêu thoát đảm bảo cây lúa không bị đổ rạp; nếu ruộng có rong rêu, bùn đất bám trên cây cần té nước rửa lá để tạo điều kiện thuận lợi cho cây lúa quang hợp.
– Khi nước trên ruộng rút xuống và lá lúa nhô cao mặt nước trên 10cm, lá lúa chuyển màu xanh cần phun các chế phẩm sinh học như KH, ET, siêu lân, Pennac P… giúp cây phục hồi nhanh, liều lượng như trong bao bì hướng dẫn.
– Sau khi cây lúa đã phục hồi: Đối với những ruộng đã bón thúc lần 1 cần bón thêm phân bổ sung để tăng cường khả năng phát triển của cây lúa; đối với những ruộng chưa bón thúc lần 1 cần khẩn trương bón hết lượng phân thúc.
Ưu tiên sử dụng phân NPK chuyên dùng có hàm lượng đạm và kali cân đối. Không sử dụng đạm đơn và không bón phân lai rai nhằm hạn chế sâu bệnh hại và đổ ngã cuối vụ.

Đối với những diện tích lúa vùng trũng ngập nước kéo dài trên 3 ngày không có khả năng phục hồi:
– Cấy lại ngay sau khi nước rút bằng các giống mạ dự phòng còn lại hoặc san tỉa lúa từ những chân ruộng lúa gieo thẳng hoặc ruộng cấy không bị ảnh hưởng ngập úng.
– Khẩn trương dùng các giống ngắn ngày như P6 đột biến, nếp IRi 352, PC6, HN6, Khang dân 18, Khang dân đột biến, Việt lai 20, TH3-3… ngâm ủ gieo mạ nền cứng hoặc gieo thẳng ngay nếu rút nước kịp thời; kết thúc gieo cấy trước 10/8.

Đối với các loại cây rau màu

– Khẩn trương thu hoạch sản phẩm ở những ruộng gần đến thời gian thu hoạch hoặc tận thu ở ruộng bị hại nặng.
– Tháo nước nhanh, kịp thời, khơi thông dòng chảy, không để nước ngập lâu trong ruộng gây thối cây, thối rễ.
– Với ruộng ngập thời gian ngắn và cây rau còn nhỏ có khả năng phục hồi cần phun các loại thuốc phòng trừ nấm hại như: Anvil, Ridomil, Oxyclorua đồng… để phòng trừ nấm lở cổ rễ; kết hợp chế phẩm KH, Pennac P, siêu lân.., chăm sóc bổ sung, bón thêm phân khi thời tiết thuận lợi giúp cây nhanh phục hồi.
– Đối với những diện tích bị ảnh hưởng nặng, không có khả năng cho thu hoạch cần vệ sinh đồng ruộng, chủ động chuẩn bị đất để gieo trồng lại những loại rau ngắn ngày, rau ưa nước để cung cấp rau nhanh cho thị trường lúc giáp vụ, tăng thu nhập cho nông dân.

Đối với các loại cây ăn quả

Với cây chuối


Với những vườn chỉ bị rách lá, nghiêng cây và không bị gẫy thân:
– Khai rãnh ở mặt luống để nước thoát nhanh, giúp rễ mau thông thoáng hơn;
– Cắt tỉa các lá bị gãy, vệ sinh đồng ruộng; khi đất đã se mặt bón phân với liều lượng thích hợp để kích thích cây hồi phục mọc rễ mới.
– Cung cấp các dưỡng chất qua lá (phân bón lá Yogen; phân bón lá Đầu Trâu)… để tăng cường khả năng hồi phục của cây.
Với những vườn bị gẫy thân chính:
– Dọn và xử lý tàn dư cây gẫy đổ; chọn 1-2 chồi khỏe nhất trong khóm để chăm sóc thành cây thay thế cây chính đã bị gẫy đổ;
– Cung cấp các dưỡng chất qua lá (phân bón lá Yogen; phân bón lá Đầu Trâu)… để tăng cường khả năng hồi phục của cây;
– Khi đất se mặt có thể bón phân với liều lượng thích hợp để tạo điều kiện cây con sinh trưởng khỏe.

Với cây nhãn, cây có múi


– Thoát nước nhanh trong vườn, đặc biệt với những vườn đất thấp chuyển đổi từ đất lúa, giúp rễ mau thông thoáng;
– Cắt bỏ những cành gẫy, cành bị tổn thương nặng do gió bão.
– Xới mặt đất (ở vùng tán cây) bằng cuốc răng (sâu 5 – 10cm) để phá váng khi đất đã se mặt, giúp đất được thông thoáng.
– Cung cấp các dưỡng chất qua lá (phân bón lá Yogen; phân bón lá Đầu trâu) … để tăng cường khả năng hồi phục của cây.
Riêng đối với cây nhãn sắp cho thu hoạch không nên bón phân, việc chăm sóc sẽ thực hiện ngay sau khi thu hoạch quả để giúp cây nhanh phục hồi; với những cây thu hoạch muộn có thể bón phân với liều lượng: 0,1 – 0,2kg ure + 0,1 – 0,2kg Kaliclorua/cây (tuỳ loại và tuổi cây) để kích thích cây hồi phục mọc rễ mới, việc này thực hiện khi đất xe mặt.
Với cây có múi khi đất se mặt, bón phân với liều lượng: 0,1- 0,2kg ure + 0,1 – 0,2kg Kaliclorua/cây (tuỳ loại và tuổi cây) để kích thích cây hồi phục mọc rễ mới; Phun phòng bệnh loét bằng thuốc Boocđo 1 – 2%, bệnh chảy gôm bằng thuốc Ridomil MZ 72, liều lượng phun theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

6 điều nên làm để khắc phục úng ngập cây ăn quả sau bão

1. Tận thu các loại nông sản có thể, sử dụng làm thức cho người hoặc vật nuôi.


2. Đào sâu rãnh luống 30 – 40cm để hạ thấp mực nước ngầm trong vườn, triệt tiêu nhanh độ ẩm bão hòa đất, tránh cây trồng bị úng sinh lý, giảm chất lượng số quả còn lại trên cây.
3. Thu dọn tàn dư thực vật, rắc vôi bột mặt luống để phòng ngừa nấm bệnh thấm sâu xuống tầng canh tác gây hại bộ rễ cây.
4. Vớt dọn rong, rêu, bèo bồng, vật cản dòng chảy trên các sông trục, để sớm tiêu thoát triệt để úng ngập đồng ruộng và vườn cây ăn trái.


5. Vườn cây ăn quả lâu năm có giá trị kinh tế cao (nhãn, vải, cam, bưởi…):
– Với các cây bị ảnh hưởng nhẹ: Tỉa bỏ các cành, lá, quả bị xơ tước do cọ xát gió bão.
– Với các cây bị gió mạnh vặn gẫy một số cành: Cắt bằng các đầu cành bị gió gãy, xử lý nước vôi trong lên vết cắt và thân gốc cây. Khi mầm cây phát triển thành thục, có thể tiến hành ghép cải tạo bằng nguồn giống tiến bộ hơn.
– Với các cây bị đổ ngã, còn một phần rễ bám chắc sâu trong đất: Cần khơi đất làm lỏng các đầu rễ, đồng thời cắt bớt cành lá và tiến hành dựng lại. Dùng cọc tre chống níu giữ cho cây thẳng, kết hợp che giảm nắng nóng bằng màng lưới nilon đen chuyên dùng trong trồng trọt.
Khi các vườn cây bắt đầu hồi phục (ngọn và lá cây tươi trở lại), đất vườn se ráo. Dùng dùi thép xâm các lỗ sâu 15 – 20cm, rộng 1,5 – 2cm trên mặt luống vùng rễ cây cách gốc 30 – 40cm. Sử dụng thuốc BVTV Ridomil + chế phẩm kích rễ TOBA NET, pha nước bơm xuống các lỗ xâm, kết hợp phun bón lá siêu kali. Gúp cây nhanh hồi phục, chống nứt quả, rụng quả, tăng chất lượng.
6. Trên các cây ăn quả ngắn hạn (chuối, táo, đu đủ):
– Cây đu đủ: Các vườn cây thân lá nghiêng ngả, cần thu hái bớt những quả có khả năng làm rau xanh; cắt bỏ lá già, lá gẫy; chống cố định giữ nguyên tư thế cây đổ; xử lý vôi bột trực tiếp vào gốc. Khi cây hồi phục, bón thúc phân chuống mục + tro bếp hoai vào vùng rễ quanh gốc (tuyệt đối không được xới xáo); phủ đất mượn kín phân; cây sẽ tiếp tục sai hoa, nhiều quả.
– Cây chuối:
+ Với các vườn chuối bị đổ gẫy hoàn toàn, nên cắt vát thân gốc nghiêng góc 45 độ (mặt cắt góc nhìn hướng mặt trời), cách mặt đất 40 – 45cm, khi cây bật mầm, chăm sóc tích cực, cây sẽ cho thu quả sau 8 – 9 tháng.
+ Với vườn chuối bị đổ nhẹ: Cắt bỏ các lá già, lá khô, lá rách xước và phần bẹ cây đã thoái hóa. Khơi đất nới lỏng vùng rễ cây còn bám chặt trong đất. Dựng thẳng cây. Cắm cọc buộc níu giữ cố định cây, kết hợp xử lý thuốc Kotomium + AT vào gốc phòng thối rễ và tuyến trùng. Khi cây hồi phục, tưới qua gốc chế phẩm TOBA NET + phân bón lá Orgamic. Cây sẽ sớm trở lại phát triển bình thường.
– Cây táo:
+ Những cây bị đổ ngã vẫn còn một phẫn rễ bám chặt trong đất: Tiến hành chống dựng cây trở lại tư thế ban đầu (như cách làm với cây nhãn, vải), nhưng phải kết hợp chống đỡ các cành quả bằng giàn tre ngang hoặc cọc cắm chữ A.
+ Những cây cành quả chưa bị gãy rời, một phần thân cành còn dính liền thân cây, cần chống đỡ cành sao cho 2 đầu vết gẫy khớp nhau ở vị trí ban đầu. Dùng dây nilon mềm, dai, to bản, bó chặt vết gẫy tới hết đoạn xẻ nứt dọc cành; buộc cố định dây và làm giàn đỡ cố định cho cành quả. Các cành táo này vẫn ra hoa, đậu quả bình thường.
* Tuyệt đối không bón phân khi cây trồng chưa hồi phục, cây không hấp thu được, lãng phí phân và phản tác dụng (bón đạm khi cây chưa hồi phục, cây dễ bị nứt quả, rụng quả, phân hữu cơ cần nhiều ô xy để phân giải, sẽ gây yếm khí đất, rễ cây chậm phục hồi).
* Sử dụng thuốc BVTV, phân bón lá và các chế phẩm kích rễ theo khuyến cáo ghi trên bao gói.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

 

Lạ mà hay: Trồng rau buông rễ lơ lửng, doanh thu 10 tỷ/năm

Trên sườn dốc tọa lạc mặt đường phố Xô Viết Nghệ Tĩnh, TP Ðà Lạt (Lâm Đồng) có Trang trại Langbiang Farm hàng ngày tươi xanh những luống rau khí canh, khách địa phương và khách du lịch tự quảng bá với nhau tìm đến tham quan, khám phá nhiều điều thú vị bất ngờ.

Rau xanh lá, rễ lơ lửng trong không khí Dừng lại bên đường phố Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đà Lạt, khách tôi bước lên mấy chục bậc cấp ngập đầy sắc xanh của rau, hoa nhà kính canh tác địa canh, thủy canh rồi dành lâu hơn thời gian khám phá rau khí canh trên diện tích 500 m2 nhà kính của Trang trại Langbiang Farm. Anh Trần Thế Vũ, hướng dẫn viên của trang trại đưa khách tôi đến từng luống rau khí canh với nhiều chủng loại mới lạ và nhiều tuổi gieo trồng khác nhau…

Rau khí canh ở Trang trại Langbiang Farm Đà Lạt với bộ rễ lơ lửng trong không khí.  

Với chiều rộng khoảng 1,5m, chiều dài khoảng 8m, từng luống rau khí canh được lắp đặt cách ly mặt đất khoảng 1m. Rau được trồng trong rọ nhựa có chứa viên nén xơ dừa đường kính khoảng 4cm, chiều cao khoảng 5cm, đặt trong từng ô tròn bố trí trên bề mặt máng canh tác khí canh. Bên dưới máng là một khoang máng trống chứa không khí hấp thu dinh dưỡng phun sương để nuôi bộ rễ.

Hướng dẫn viên Vũ mở chiếc máng lên trên, “phát lộ” ra những chùm rễ cây trắng vàng tua tủa, rồi nói: “Cây giống rau đưa vào trồng khí canh chừng tuần sau là rễ phát triển thành từng chùm bên dưới máng; bên trên máng thì cây đã phát triển đủ những bộ lá, đường kính đo cả gang tay. Tùy theo thời điểm sinh trưởng của cây, trang trại cài đặt chế độ phun sương dinh dưỡng trong không khí nuôi bộ rễ lưu dẫn lên hấp thu vào thân, lá rau phát triển tươi tốt, có thể cách nhau từ 1 – 5 phút phun sương một lần, phun theo chu kỳ trong 24 giờ hàng ngày. Như vậy giúp cây vừa đủ thức ăn, nước uống và ngập đầy không khí để phát triển theo từng giây, từng phút…”.

Lúc này đang vào thời điểm tháng 9.2017, vườn rau khí canh nhà kính 500m2 của Trang trại Langbiang Farm có hơn 10 loại rau đang sinh trưởng trên 25 luống, hàng tuần đều có sản phẩm thu hoạch cuốn chiếu. Thu hoạch đến đâu xuống giống tái canh đến đó.

Tất cả đều thực hành theo quy trình khép kín tại chỗ từ phối trộn nén viên giá thể, ươm gieo cây giống, xuống giống và đóng gói sản phẩm chuyển đi tiêu thụ…Trung bình một lứa rau khí canh xuống giống, chăm sóc và thu hoạch trong vòng 25 ngày. Hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học. Trên bề mặt luống rau thủy canh treo từng hàng bẫy dính để dẫn dụ, tiêu diệt côn trùng. Bộ rễ bên dưới cách ly nhau trong không khí nên gần như ít xảy ra vi khuẩn lây nhiễm bệnh theo nguồn nước từ cây này sang cây khác như rau thủy canh.

Ông Trần Huy Đường, chủ nhân Trang trại Langbiang Farm tính toán: “Nếu trừ thời gian làm vệ sinh máng, rọ nhựa, kiểm tra bảo dưỡng đường ống phun sương, hệ thống bơm nước từ giếng ngầm…sau khi thu hoạch, trong năm vừa qua, Trang trại Langbiang Farm đã trồng thành công 12 lứa rau khí canh, cung cấp cho thị trường siêu thị các tỉnh phía Nam, giá ổn định bán ra trung bình 25.000 đồng/kg. Mỗi năm nhân với tổng sản lượng 400 tấn/ha, thành tổng doanh thu 10 tỷ đồng. Tỷ lệ lợi nhuận 25-30%, thành tiền 2,5-3 tỷ đồng/ha/năm”.

Khí canh “bù đắp” cho thủy canh

Có được Trang trại Langbiang Farm trồng rau khí canh diện tích 500m2 nhà kính, chủ nhân Trần Huy Đường đã thực hành gần 1 năm thực nghiệm, bổ sung và hoàn chỉnh quy trình. Còn trước đó, ông Đường dành nhiều thời gian tham quan, nghiên cứu, tập huấn kỹ thuật trồng khí canh từ châu Âu, Nhật Bản… về Đà Lạt áp dụng trên một vài luống rau nhỏ, sau đó mới từng bước chọn ra những giải pháp kỹ thuật phù hợp nhân rộng đến nay.

“Trồng rau khí canh và thủy canh với cùng cơ chế cung cấp dinh dưỡng trực tiếp đến bộ rễ cây. Nhưng khác nhau là rau thủy canh có bộ rễ ngập trong nước; rau khí canh với bộ rễ phát triển trong môi trường khí oxy tổng hợp. Nhờ vậy phương pháp khí canh bù đắp hạn chế của phương pháp thủy canh là ngăn chặn gần như tuyệt đối các mầm bệnh xâm nhập bộ rễ, lây lan trong dung dịch hồi lưu. Mỗi năm sản xuất rau khí canh tăng hơn 2 lứa với đa dạng chủng loại cao cấp hơn so với sản xuất rau thủy canh. Giá trị đầu tư thiết bị, dây chuyển sản xuất rau khí canh cũng thấp hơn rau thủy canh từ 5 – 10%…”, chủ nhân Trần Huy Đường đúc kết ban đầu.

Ngoài ra, nếu so ngược về rau địa canh thì rau khí canh ở Trang trại Langbiang Farm ước tính tăng sản lượng gầp 2 lần và rút ngắn thời gian canh tác đến 1,5 lần. Đây một giải pháp sản xuất khả quan mới áp dụng cho vùng rau Đà Lạt và các huyện phụ cận trong trước mắt cũng như lầu dài.

Nguồn: Báo Lâm Đồng được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Trồng bưởi da xanh cho ra trái quanh năm

Hiện nay, bưởi da xanh là loại đặc sản rất được ưa chuộng bởi chất lượng độc đáo: vị thanh, không hạt, nước vừa phải, múi màu hồng, dễ lột,…

Bưởi da xanh

Không những vậy, bưởi da xanh còn có cách trồng rất đơn giản. Dưới đây là một số kỹ thuật trồng bưởi da xanh xin mời bà con cùng tham khảo

Chuẩn bị

Giống: Chỉ nên chọn một loại giống duy nhất là bưởi da xanh, không trồng xen với các loại cây có múi khác để tránh thụ phấn chéo. Nên trồng cây bưởi chiết, vì rễ ăn ngang tránh gặp tầng sinh phèn; mau ra trái, bảo đảm chất lượng giống hệt cây mẹ. Cây bưởi chiết có tuổi thọ khá cao.

Đất: Cải tạo địa hình tương đối bằng phẳng, hơi cao ở giữa để thoát nước nhanh. Cần phân tích chất đất để có chế độ bón phân phù hợp, cân đối. Nơi nào đất trũng, thấp, thường bị ngập úng vào mùa mưa thì đắp mô cao lên 20 – 30 cm so với mực nước mưa và triều cường.

Nơi nào đất cao thì đào hố. Hố trồng đào tròn hoặc vuông 1,2m x 1,2m, sâu 30 cm. Đào sâu quá gặp tầng sinh phèn, cây bưởi khó sống. Mỗi hố trồng rải 5 – 6 kg vôi bột, 2 bao phân chuồng đã hoai trộn thêm tro trấu, xơ dừa, rơm rạ mục và phủ lên một lớp đất mỏng trước khi trồng.

Trồng và chăm sóc

Mật độ: Mỗi ha trồng khoảng 500 – 600 cây. Cây cách cây 4m; hàng cách hàng 4m. Đặt cây bưởi giống vào giữa hố, lấp đất phủ kín gốc, hơi lõm ở giữa để sau này bón thêm phân hữu cơ và tiết kiệm nước tưới, phủ quanh gốc các loại phân xanh, rơm rạ cho mát gốc.

Thời điểm trồng: tốt nhất là cuối mùa khô, đầu mùa mưa. Qua mùa mưa cây bưởi phát triển khá tốt nhờ nguồn nước trời. Lặt bỏ tất cả trái non trong năm đầu, năm thứ hai có thể chừa mỗi cây 1 trái, năm thứ ba giữ trái vừa phải; số trái giữ lại, tăng dần vào những năm sau.

Chăm sóc cây sau khi trồng

Thường xuyên giữ ẩm cho cây. Tưới phân bón lá Lay-O, Combi-5,komix…và bón định kỳ thường xuyên 1-2 lần/tháng. Cắt tỉa tạo tán 50cm để cành cấp I, 30cm để cành cấp II và 20cm để cành cấp III. Tạo cho cây có bộ khung cành , tán rộng tốt cho quang hợp.

Bón cho cây chưa có quả, trước mỗi đợt lộc bón một lần thường năm có 3 đợt lộc vào mùa xuân, hạ, thu. Khi cây có quả: bón 4 đợt/ năm. Thời kỳ sau thu hoạch quả, bón phân hữu cơ + lân 100%, đạm 20% vôi 100%. Thời kỳ chuẩn bị ra hoa bón đạm, ka li,ZinC. Thời kỳ hạn chế dụng quả giúp quả lớn nhanh bón đạm, kali, boron. Thời kỳ trước thu hoạch 1 tháng bón kali, sungar.

Phòng chống sâu bệnh

Sâu vẽ bùa: Phá hoại mạnh ở thời kỳ cây còn nhỏ, chúng gây hại trên lá non, cành non, tạo vết thương cho cây, bệnh loét xâm nhập và phát triển, thời gian gây hại chủ yếu từ tháng 3 đến tháng 11 trong năm.

Phòng trừ: dùng thuốc Polytin 0.2%, slrespa 0.2%. Sâu đục thân cành: dùng thuốc  O fatox 0.1%, Symi sidin 0.2% phun và bơm vào lỗ sâu đục. Phòng trừ: Vệ sinh vườn, quét vôi gốc, bắt diệt xén tóc.

Bệnh thán thư: Thường xuyên thăm vườn, phát hiện bệnh sớm sử dụng một trong các loại thuốc sau (phun khi bệnh mới chớm): Mancozeb 80WP, Daconil 75WP, Antracol 70WP,… Bệnh loét lá và bệnh sẹo: gây hại trên cành, lá, quả: dùng Boocdo. Bệnh chảy gôm: dùng Boocdo, Benlat , Alliette.

Kích thích ra hoa, đậu trái

Bưởi da xanh ra hoa, trái quanh năm. Do đó để có nhiều sản phẩm đưa ra thị trường vào thời điểm giá cả có lợi cho người sản xuất, nên kích thích ra hoa, đậu trái từ 7 đến 8 tháng trước ngày thu hoạch, nhưng nếu lưu trái nhiều quá sẽ làm suy cây.

Thu hoạch

Nên thu hoạch khi bưởi vừa chín tới, da căng láng, cắt luôn cả cuốn trái. Không hái trái khi chưa chín tới hoặc hái quá trễ, chất lượng không tốt. Bưởi da xanh dễ trồng, hiệu quả kinh tế khá cao, thị trường ưa chuộng là loại cây trồng phù hợp với định hướng nông nghiệp ở nhiều nơi.

Vẻ hấp dẫn của bưởi da xanh

Theo vietq.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Tìm hiểu về rau tiến vua

Rau tiến vua còn gọi là rau cần biển hay rau cần khô, thường mọc ở vùng ven biển. Rau tiến vua là đặc sản của tỉnh An Huy (Trung Quốc), đa phần rau trên thị trường hiện nay đều nhập khẩu từ đây. Rau tiến vua có thân lá đôi. Tức là lá và thân là một và luôn chỉ có hai nhánh, có hình như một loại rễ củ. Thân lá mềm nhưng dai, có kích cỡ thường bằng ngón tay út hoặc có thể to hơn.

Rau có vị giòn, ngọt, thanh mát. Điểm độc đáo của loại cây này là khi đem phơi khô cho teo tóp lại, bảo quản kỹ, có thể để cả năm, khi cần dùng đem ngâm nước từ vài giờ đến nửa ngày, rau khô sẽ nở ra lớn gần bằng kích thứơc ban đầu của rau tươi, nhưng dĩ nhiên màu sắc rau không thể đẹp như rau tươi. Rau tiến vua phổ biến thị trường luôn ở dạng đã được phơi khô. Theo những người chuyên buôn rau củ qua biên giới Trung – Việt loại rau này trước khi phổ biến ở bếp núc gia đình hay nhà hàng của dân thành phố thì nhiều dân tộc ở các vùng cao từ lâu đã dùng rau tiến vua như một loại thực phẩm dự trữ quanh năm, làm lương khô đi đường và còn là loại thực phẩm rất ưa chuộng trong những môi trường sống ít có rau xanh như đảo xa, hoang mạc hay trên những chuyến tàu hải hành lâu ngày.

Rau tiến vua xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2000, ngày nay có thể tìm mua ở nhiều nơi nhưng giá khá đặt và mau hết hàng. Rau có thể chế biến nhiều món ngon và bổ dưỡng. Trong rau chứa nhiều chất xơ, nước, các khoáng chất và vitamin trong khi hàm lượng calo lại thấp.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Bí quyết trồng hoa lily lợi nhuận cao

Hoa lily hay được được gọi là hoa ly, ly ly hay lily, bách hợp, hoa huệ tây, thuộc họ hoa loa kèn.

Vẻ đẹp của hoa lily

Lily là một loài hoa có thể đem lại mức lãi cao tới 1 tỷ đồng/ha chỉ trong mấy tháng trồng, nhưng để đạt được mục tiêu đó, ngoài phụ thuộc vào chuyện trồi sụt của giá cả thị trường còn phải tuân thủ nghiêm ngặt những đòi hỏi cực kỳ khó tính của giống…

Để tạo điều kiện cho cây hoa lily sinh trưởng, phát triển tốt, bà con nên làm nhà lưới đơn giản với khung bằng cọc tre và che lưới đen để hạn chế mưa, nắng.

Làm đất

Đất được cày bừa tơi, phẳng, sạch cỏ, rác, lên luống với kích thước: Mặt rộng 1,1 – 1,2m, cao 25 – 30 cm, rãnh 45 – 50cm. Bón lót cho 1.000m² phân chuồng hoai mục 500kg, NKP Lâm Thao 5:10:3 100kg, trộn đều phân với đất, sau đó dùng nilon phủ kín mặt luống hạn chế cỏ dại và giữ đất khô để trồng kịp thời vụ.

Xử lý nấm bệnh củ giống trước khi trồng

Dùng Ridomil gold 68WP pha tỷ lệ (1/500) 100g/50 lít nước, ngâm củ trong thời gian 5 – 7 phút, sau đó vớt củ, để ráo rồi xếp củ lần lượt vào khay nhựa đã có 1 lớp giá thể dày 3 – 5cm ở dưới đáy và phủ lên củ 1 lớp giá thể dày 6 – 7cm, mỗi khay xếp 1 lượt củ, sau đó tưới đẫm nước, để ráo và cho vào kho lạnh ở nhiệt độ 12 – 14 độ C trong thời gian từ 10 – 12 ngày. Khi mầm củ được 8 – 9cm thì đem trồng.

Xử lý nấm bệnh của củ trước khi trồng

Kỹ thuật trồng

Chọn những củ có độ dài mầm cao bằng nhau trồng vào một luống để tiện chăm sóc.

Cách trồng

Tiến hành rạch 6 hàng sâu 12 – 15cm, đặt củ giống vào rạch, đỉnh củ hướng lên trên và lấp đất tính từ đỉnh củ sâu 7 – 8cm, rồi tưới ẩm. Trồng đảm bảo mật độ, diện tích và yêu cầu kỹ thuật. Mật độ trồng: Khoảng cách 20 x 25cm (mật độ 20 củ/m²).

Kiểm tra cây sau trồng, tưới nước, che lưới

Bới đất ở phần gốc của một số cây ở các đợt trồng để kiểm tra sự phát triển của rễ, đã thấy rễ trắng ra đều xung quanh gốc, lá đã mở, cây sinh trưởng bình thường. Bổ sung đất vào gốc những cây lily hở rễ.

Che lưới cho vườn lily

Kỹ thuật tưới nước

Trước khi trồng tưới đẫm nước lên toàn bộ mặt luống bằng thùng ô doa. Trồng xong tưới nhẹ (đủ ẩm) để cây mọc nhanh. Khi thân cây mọc lên mặt đất thì tiếp tục tưới giữ ẩm và đảm bảo đủ độ ẩm cho cây sinh trưởng phát triển tốt. Tưới cây ở phần gốc, tránh làm lá và nụ bị ướt.

Tưới nước cho hoa lily

Che lưới sau trồng: Trước khi trồng làm nhà lưới đơn giản, dùng 2 lớp lưới đen che cách mặt đất 2 – 2,5m. Khi cây bắt đầu xuất hiện nụ tiến hành mở lưới đen ra, những ngày nắng nóng thì che lưới đen từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều.

Bón phân

Tổng lượng phân bón cho 1.000m²: NPK 13-13-13+TE: 75kg; đạm ure: 4 kg; Caxinitrat: 10kg.

Bón thúc: Chia lượng phân làm 4 lần bón, mỗi lần cách nhau 7 -10 ngày. Cách bón trải đều lượng phân bón lên mặt luống hoặc hòa nước tưới. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng hoa còn phun một số phân bón lá như: Antonix, Vinaf 30-20-10+TE, Vi lượng FETRILON-COMBI… Phun sau trồng 15 – 20 ngày, phun định kỳ 7 – 10 ngày/lần. Phun theo hướng dẫn ghi trên bao bì.

Chăm sóc

Làm cỏ xới xáo, sau khi mầm mọc cao từ 10 – 15cm thì làm cỏ đợt 1. Các lần sau kết hợp với các lần bón thúc, làm cỏ và vun cây. Sau trồng 7 – 8 ngày cây bắt đầu mở lá và ra rễ trắng. Sau trồng 17 – 20 ngày bắt đầu phân hóa nụ hoa. Sau trồng 27 – 32 ngày nụ ra khỏi lá và bắt đầu phát triển. Số nụ/cây đạt từ 2 – 7 nụ. Phòng trừ sâu bệnh bằng cách thường xuyên kiểm tra, thăm đồng phát hiện và phòng trừ sâu bệnh kịp thời.

Thuốc BVTV cho cây lily: Dùng luân phiên các thuốc chống nấm như Eliette 800WG, Ridomil glod 68WP với liều lượng 30g/12 lít nước khoảng 7 – 10 ngày/lần.

Thời kỳ phân hóa mầm hoa, nếu gặp điều kiện thời tiết trời âm u sẽ dễ bị bệnh cháy lá. Khi đó, phải tách nhẹ lá ở đỉnh ngọn, không để lá bị cháy dính vào nụ, tạo điều kiện cho nụ hoa phát triển.

Hoa lily chăm sóc đúng cách cho ra nụ đẹp

Nguồn nongnghiep.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Tuyệt chiêu cho nhãn ra hoa trái vụ

Trong khi các vườn nhãn trong tỉnh sắp đến kỳ thu hoạch quả thì nhiều cây nhãn của lão nông Hoàng Quang Tuấn ở xã Đại Hưng, huyện Khoái Châu, Hưng Yên mới bắt đầu ra hoa giữa mùa hè.

Cuối vụ xuân năm nay, trong khi các trà nhãn trong khu vực đều đã tắt hoa, lộ quả, thì nhiều cây nhãn trong vườn nhà lão nông Hoàng Quang Tuấn mới bắt đầu ra hoa. Có thể coi là trà hoa cực muộn, quý hiếm… Tôi còn chưa hết sự trầm trồ, ông Tuấn đã tiếp lời: “Chưa hết đâu “sếp” ạ!”.

Cây nhãn đã ra quả lại tiếp tục ra hoa giữ mùa hè

Và phải đợi thêm 2 tháng nữa (quá nửa mùa hè), khi các vườn nhãn ở địa phương đang sắp cho thu hoạch quả, ông Tuấn mới lại “nháy máy” cho tôi: “Mời bác đến thăm nhãn ra hoa giữa mùa hè – hoa trái vụ”.

Đi thăm khắp vườn nhãn của gia đình ông Tuấn chúng tôi thấy, bên cạnh gần 500 gốc nhãn đang mang quả đều tăm tắp, lại có cả chục cây nhãn mới bắt đầu ra hoa. Nhãn ra hoa không chỉ ở các cây không ra quả chính vụ, mà nhiều cây nhãn còn vừa mang hoa vừa mang quả.

Để cây nhãn ra hoa cực muộn và ra hoa trái vụ, ông Tuấn vẫn chỉ sử dụng kinh nghiệm khắc phục nhãn ra hoa cách vụ của các nhà nông khi xưa như, chăm bón cho cây phát triển cân đối; phòng trừ sâu bệnh kịp thời; khoanh tiện vỏ thân cây, thân cành…

Nét mới trong cách làm cho nhãn ra cực muộn và ra hoa trái vụ của ông Tuấn là, chọn thời điểm khoanh cây, khoanh cành thích hợp như khoanh tiện vỏ thân cây/cành muộn hơn so với thời điểm khoanh cây cho nhãn ra hoa chính vụ khoảng 1 tháng (để nhãn ra hoa chính vụ cần khoanh tiện vỏ thân cây/cành khoảng tiết Đông chí – giữa tháng 12 DL).

Theo ông Tuấn, nếu không có biến động bất thường về thời tiết, thì trà nhãn trái vụ sẽ cho quả vào mùa đông (khoảng 20 tháng 11 DL). Bởi vì năm 2010 ông đã từng thành công cho nhãn ra hoa giữa mùa hè, thu hoạch quả trong mùa đông, trong khi trọng lượng quả và chất lượng quả không đổi so với trà nhãn ra chính vụ.

Sở dĩ từ năm 2010 tới nay ông Tuấn mới cho nhãn ra hoa trái vụ trở lại, vì quãng thời gian đó anh phải tập trung cho các kế hoạch sản xuất khác.

Hiện trà nhãn ra hoa cực muộn của gia đình ông Tuấn đã khá sai quả, dự kiến sẽ cho thu hoạch muộn hơn so với các trà nhãn muộn ở đây 10 – 15 ngày.

Nếu như những năm trước đây ở một số địa phương có nhãn cho thu hoạch đến giữa tháng 10 đã được coi là của hiếm. Thì nay ông Tuấn có nhãn cho hoạch tới 20 tháng 11, có thể coi là hàng “độc”. Thành công này, sẽ mở ra triển vọng mới cho các nhà vườn chuyên canh nhãn.

Không chỉ là một lão nông lão luyện trong nghề làm vườn, ông Tuấn còn là một cao thủ trong nghề thâm canh cá. Hiện ông đang nuôi thả thường xuyên 3ha cá các loại, trong đó có 1ha cá nuôi thâm canh. Trên diện tích đó, năm 2016 trung bình mỗi mét vuông mặt nước ao nuôi ông thu được hơn 6kg cá thương phẩm, được coi là siêu năng suất, tương đương năng suất nuôi thâm canh cá của các quốc gia tiên tiến trên thế giới.

Biết tiếng ông Tuấn, đã có rất nhiều chủ trại nuôi cá khắp các tỉnh thành trên miền Bắc đến thăm quan và học hỏi kinh nghiệm. Trong đó, khá nhiều trại cá nhờ tư vấn kỹ thuật kịp thời từ ông Tuấn, đã thoát khỏi bờ vực phá sản, chủ trại nuôi cá Vũ Thị Thắm ở xã Hoà Phong, huyện Mỹ Hào, Hưng Yên là một ví dụ.

Đầu năm 2017 vừa qua, nhà vườn Nguyễn Quang Tuấn đã vinh dự được ông Đỗ Tiến Sĩ, Uỷ viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Hưng Yên đến thăm và khích lệ.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Làm giàu từ bưởi da xanh ruột hồng VietGAP

Ghé thăm vườn bưởi của gia đình anh Đặng Tuấn Thành ở ấp Hưng Hiệp, xã Hưng Lộc, một trong những vườn bưởi kiểu mẫu có quy mô nhất xã. Anh Thành nói: “Ngày mai tôi sẽ hái nốt lứa bưởi rải vụ này (khoảng 1 tấn) rồi sẽ tập trung vào đợt bón thúc lứa bưởi tết cho kịp thời vụ. Năm nay do thời tiết không được thuận lợi, mưa nhiều khiến sâu bệnh phát triển mạnh, nên cũng phần nào ảnh hưởng đến chất lượng và sản lượng trái; nhưng bù lại giá bưởi vẫn giữ được ổn định ở mức cao…”.

Sức hấp dẫn của bưởi da xanh ruột hồng VietGAP

Tổng diện tích vườn của gia đình anh Thành khoảng 1,5ha, với trên 600 gốc bưởi trồng theo quy trình VietGAP; trong đó khoảng 180 cây bưởi (8 năm tuổi) đang cho thu hoạch. Do anh đã nắm vững kỹ thuật trồng và chăm sóc cho cây ra bông và đậu trái rải vụ nên vườn cho trái quanh năm. Tuy nhiên, để có được những trái bưởi chất lượng đảm bảo an toàn, anh hạn chế tối đa việc sử dụng phân, thuốc hóa học và bảo đảm thời gian cách ly. Từ đầu năm đến nay anh đã thu hoạch được khoảng 27 tấn trái.

Nhìn những gốc bưởi thẳng hàng đeo trĩu trịt trái, hứa hẹn một mùa bội thu, anh Thành bảo, thường vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán giá bưởi cao chót vót, có khi tới gần trăm ngàn đồng/kg. Vườn nhà nào có nhiều trái bung ra bán sẽ thu lời bộn. Tuy nhiên, không phải ai cũng xử lý vườn được chuẩn và còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nếu không chăm sóc tốt sâu bệnh phát triển. Chính vì thế nhà vườn, dù đầy kinh nghiệm, anh cũng không dám rời bỏ vườn tới nửa ngày…

Chăm sóc tốt sẽ có được những quả bưởi rất đẹp

Cầm trên tay những trái bưởi vừa hái, anh Thành cười vui: “Để có được trái tròn mọng đẹp như vậy, nhà vườn chúng tôi đã tốn biết bao công sức, từ lúc cây ra bông đến khi đậu trái, hàng ngày hàng giờ chăm sóc nâng niu tới mấy tháng trời mới có được nó đấy”.

Thông thường, ngay cả sau tết giá bưởi vẫn rất cao vì bắt đầu vào mùa lễ hội. Vào lúc cao điểm nhất của năm nay (từ tháng 3 đến tháng 5 âm lịch), anh Thành bán được giá 52.000 đồng/kg, hiện tại giá cũng đạt tới 34.000 đồng/kg. “Chỉ cần giá bưởi khoảng 20.000 đồng/kg thì nhà vườn đã có lời rồi”, anh Thành vui vẻ nói.

Tương tự, nhiều nhà vườn trồng bưởi da xanh ruột hồng trên địa bàn xã Bảo Quang cũng đang bắt đầu xử lý vườn cây hướng đến mùa tết. Điển hình một trong số nhiều hộ trồng bưởi thành công ở đây là gia đình anh Huỳnh Văn Hoàng (tổ 8, ấp Ruộng Tre, xã Bảo Quang). Với kinh nghiệm xử lý hiệu quả, vườn bưởi của anh cũng cho thu hoạch quanh năm.

Gặp chúng tôi anh Hoàng tâm sự: “Mỗi trái bưởi đến thời kỳ thu hoạch phải nặng từ 2kg trở lên, bán với giá từ 35.000 đồng/kg. Tôi đang tập trung chăm sóc vườn cho mùa tết hy vọng sẽ cho thu hơn năm ngoái. Thời gian từ lúc cho trái đến thu hoạch khoảng 6 tháng nên để kịp mùa tết thì ngay lúc này mọi người phải bắt tay vào “trực chiến”.

Bà Trần Thị Lệ Như, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Quang cho biết, toàn xã có khoảng 50 hộ trồng bưởi da xanh ruột hồng với diện tích 80ha, so với năm ngoái thì năm nay đã tăng 35ha. Nhiều hộ cũng đang tiếp tục chuyển đổi dần những cây trồng kém hiệu quả sang trồng bưởi. Tuy nhiên, do giá bưởi da xanh ruột hồng hiện vẫn rất ổn định trên thị trường nên nhà vườn đang rất hào hứng đầu tư canh tác theo VietGAP. Do giá bán luôn ổn định, những năm gần đây cây bưởi da xanh đã mang lại hiệu quả kinh tế hấp dẫn người trồng.

Nhìn những quả bưởi ruột hồng sau thu hoạch vô cùng mọng nước

Theo nongnghiep.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Dự đoán sâu bệnh tổng hợp trong tuần (06.11.2017)

Ở các tỉnh thành phía Nam, dự kiến tuần tới sẽ có đợt rầy cám nở rộ, gây hại chủ yếu ở mức nhẹ – trung bình trên lúa giai đoạn đẻ nhánh, có thể hại nặng cục bộ trên lúa giai đoạn làm đòng trỗ.

1. Trên lúa

1.1. Các tỉnh phía Bắc: 

Rầy, chuột, nhện gié, bệnh khô vằn, bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, bệnh đen lép hạt… hại nhẹ trên lúa mùa muộn tại Nghệ An, Hà Tĩnh.

1.2. Các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên: 

– Bệnh đạo ôn lá, cổ bông, khô vằn, rầy… hại lúa mùa, lúa gieo giai đoạn đòng trỗ – chín. Sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân… hại lúa mùa, lúa gieo giai đoạn đòng trỗ. Sâu keo, bọ trĩ… hại chủ yếu lúa lỡ vụ giai đoạn mạ – đẻ nhánh.

– Chuột gây hại cục bộ trên lúa mùa, lúa gieo, lúa lỡ vụ.

– Ốc bươu vàng di chuyển và lây lan theo nguồn nước.

1.3. Các tỉnh phía Nam: 

– Dự kiến tuần tới sẽ có đợt rầy cám nở rộ, gây hại chủ yếu ở mức nhẹ – trung bình trên lúa giai đoạn đẻ nhánh, có thể hại nặng cục bộ trên lúa giai đoạn làm đòng trỗ.

– Bệnh đạo ôn lá, bạc lá, đạo ôn cổ bông phát triển thuận lợi trên lúa giai đoạn đẻ nhánh đến làm đòng và trên lúa giai đoạn trỗ do ảnh hưởng của mưa bão phân bố diện rộng, sáng sớm có sương mù nhẹ.

2. Trên cây trồng khác

– Trên ngô và cây rau màu: Các đối tượng gây hại tiếp tục hại nhẹ – trung bình.

– Cây hồ tiêu: Tuyến trùng rễ giảm; bệnh chết nhanh, chết chậm… gây hại tăng nhẹ.

– Cây cà phê: rệp vảy xanh, rệp sáp, bệnh đốm mắt cua… gây hại nhẹ.

– Cây có múi: Bệnh Greening, sâu đục quả, sâu vẽ bùa… tiếp tục phát sinh gây hại.

– Cây thanh long: Bệnh đốm nâu tăng nhẹ.

– Cây điều: Bọ xít muỗi tiếp tục phát sinh gây hại tăng và bệnh thán thư hại giảm.

– Cây mía: Bệnh chồi cỏ, bệnh trắng lá… gây hại cục bộ mía ở vùng ổ dịch.

– Cây sắn: Nhện đỏ, bệnh chổi rồng, bệnh khảm lá sắn… tiếp tục gây hại.

Nguồn: Cục Bảo vệ thực vật được tổng hợp bởi Farmtech VietNam.