Một người phụ nữ ở Khánh Hòa đã sản xuất thành công giống cá bè vàng (cá khế vằn) giúp giải quyết vấn đề con giống cho người nuôi bởi trong tự nhiên, nguồn giống ngày càng khan hiếm.
Nguồn: Vnexpress được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.
Cá khế
Nguồn: Vnexpress được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.
Kỹ sư thủy sản Lê Thị Như Phượng đã ép đẻ thành công gần 20 loài cá biển có giá trị kinh tế cao
Hẹn chúng tôi tại trại nuôi cá giống nằm trên địa bàn huyện Ninh Hòa – Khánh Hòa, bà Lê Thị Như Phượng (SN 1972), phụ trách một công ty sản xuất cá biển giống hàng đầu Việt Nam nhưng vô cùng bình dị. Bà mặc chiếc áo khoác dày, đội mũ rộng vành, chân mang ủng nhựa, tay cầm vợt lưới… tất tả cùng các công nhân sang lựa cá giống giữa cái nắng rát người.
Mở đầu câu chuyện về cơ duyên đến với nghề “bà mụ” cho cá, bà kể, năm 1998, sau khi tốt nghiệp Khoa Nuôi trồng Trường Đại học Thủy sản Nha Trang (nay là Đại học Nha Trang) bà được nhận vào làm kỹ thuật viên một công ty thủy sản có vốn của Đài Loan.
Lúc bấy giờ, ngoài tôm sú, tôm hùm lồng, ốc hương và một số loài nhuyễn thể khác, người NTTS ở Khánh Hòa bắt đầu nuôi thương phẩm thử nghiệm một số loài cá biển như cá mú, cá hồng…
Nhận thấy con giống được đánh bắt từ tự nhiên ngày một khan hiếm trong khi chưa có một cơ sở nào sản xuất cá giống thương phẩm, kỹ sư Phượng đã mạnh dạn đề xuất ý tưởng sản xuất giống cá biển bằng phương pháp sinh sản nhân tạo với ban giám đốc.
Sự táo bạo của cô gái mới ra trường, non kinh nghiệm và còn là “hàng hiếm” trong ngành nuôi trồng thủy sản (xưa nay rất ít cơ sở nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là sản xuất con giống thường không nhận phụ nữ làm việc) đã thuyết phục ban giám đốc bởi sự quyết đoán và tầm nhìn chiến lược.
Với sự tận tụy và kiến thức nền tốt, kỹ sư Phượng đã lai tạo, nhân giống nhiều loài cá khó như cá mú, cá khế vằn.
Vậy là cô kỹ sư trẻ bắt đầu “săn lùng” cá bố mẹ từ các ngư dân để nuôi vỗ cho cá phát triển.
“Cái khó nhất của nghề làm cá giống là tìm cá bố mẹ và nuôi chúng phát triển thành thục. Trong 100 con cá bố mẹ sau nhiều năm nuôi vỗ may mắn lắm có thể chọn được 40 con nhưng để tìm được 100 con bố mẹ là cả một vấn đề.
Đặc biệt là cá mú, phải hơn 3 – 6 năm nuôi vỗ (tùy kích thước cá bố mẹ) và sử dụng nhiều phương pháp mới có thể “ép” chúng thành con đực hay con cái. Bởi đây là loài không xác định giới tính khi còn nhỏ”, bà Phượng chia sẻ.
Khó nhưng kỹ sư Phương đã chọn cá mú là đối tượng ép đẻ làm cá giống. Sau 4 năm nuôi vỗ, cô nữ kỹ sư và cả công ty mừng vui khi có thể cho cá đẻ lứa đầu tiên. Tuy nhiên, lúc đó cả cá bố mẹ và con giống đều chết sạch.
Một cú sốc cực lớn với kỹ sư Phượng và của cả công ty. Mọi thứ gần như sụp đổ, mọi vốn liếng, tâm huyết và cả thời gian đã dành cho đàn cá đã mất trắng.
Không từ bỏ, nữ kỹ sư vẫn tin sẽ ép cá mú đẻ trong môi trường nuôi nhốt. Đồng thời, bà được sự hậu thuẩn của vị giám đốc lúc bấy giờ là hôn phu nên tiếp tục nghiên cứu công việc dang dở.
“Làm thủy sản là phải lao vào làm, phải sống với thất bại để rút tỉa kinh nghiệm. Thất bại giúp tôi nhận ra những thiếu sót nên sau lứa cá bố mẹ chết ngay lần đầu ép cá đẻ tôi đã thành công”, bà Phượng nói.
Nhiều lần thất bại nhưng bản thân kỹ sư Phượng luôn nghĩ đó là bài học và bà tâm niệm làm thủy sản là phải dấn thân, phải làm để rút tỉa kinh nghiệm. Trong ảnh, các công nhân đang sang lựa cá giống tại trại cá của kỹ sư Phương.
Khi cá con nở, kỹ sư Phượng như quay cuồng không phải vì vui mừng mà xoay sở tìm thức ăn, cân bằng môi trường phù hợp với cá con trong môi trường nuôi nhốt. Lý do là, cá con nhỏ như đầu tâm, miệng nhỏ hơn đầu kim nên tìm mồi nhỏ từng ấy là cả một vấn đề.
Rồi môi trường nước phải được xử lý như thế nào để cá con khỏe mạnh, sinh trưởng tốt và kháng bệnh cao. Tất cả đều mới mẻ với kỹ sư Phượng và buộc bà không ngừng học hỏi, rút kinh nghiệm qua từng ngày.
Hơn 18 năm làm cá giống, bà Phượng đã ép đẻ thành công gần 20 loài, riêng cá mú (loại cực khó trong quá trình lai tạo con giống) bà đã ép đẻ thành công 5 giống khác nhau. Trong có cả việc lai cá mú cọp với cá mú đen để ra con mú trân châu đang thịnh hành trên thị trường.
Hiện thương hiệu Phượng “cá giống” đã trở nên thân thuộc với người NTTS cả nước. Từ 5 loài cá mú đến cá bớp, cá gáy, cá vược… đến cá tai bồ, cá bè, cá khế vằn bà ép đẻ làm giống nuôi thương phẩm đã giúp người NTTS yên tâm làm giàu.
Từ nhiều năm nay, thương hiệu cá giống của kỹ sư Phượng luôn được người NTTS tin dùng.
“Chị Phượng không chỉ bán con giống mà còn đồng hành với người nuôi. Cá có vấn đề về dinh dưỡng, nguồn nước, bệnh tật có thể gọi chị bất cứ lúc nào. Cái nào biết, chị tư vấn ngay.
Trường hợp lần đầu, hay ca khó chị bảo gửi mẫu để chị đưa đi phân tích để tránh, hạn chế rủi ro. Nhờ sự đồng hành của chị Phượng mà người NTTS như tôi rất an tâm”, ông Võ Văn Vinh, một người nuôi cá bớp ở Vạn Ninh nhận định.
Chính sự gần gũi và sẵn sàng hỗ trợ người NTTS đã giúp chị Phượng tạo được lòng tin nơi họ. Và cũng xuất phát từ mối quan hệ đó mà nhiều giống cá chị làm mới là do chính người nuôi trồng yêu cầu.
“Nhiều giống cá có giá trị kinh tế cao như cá gáy, cá bè, cá khế vằn… sau một thời gian bị đánh bắt đã cạn kiệt con giống tự nhiên nên người dân nói mình ép đẻ làm giống vậy là bắt tay mày mò làm.
Nhưng cũng chính sự gần gũi và tin tưởng nên tôi nhờ họ kiếm giúp cá bố mẹ để nuôi vỗ là có ngay. Vì để tìm được vài chục con cá bố mẹ là cả một vấn đề nếu không có sự hỗ trợ của người NTTS”, bà Phượng tâm sự
Với mỗi giống cá mới, bà đều được người NTTS tin tưởng đón nhận và được Sở KHCN, Hội Nông dân tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn và cá giải thưởng về qui trình lai tạo giống mới.
Với đề tài kỹ thuật sản xuất thành công giống nhân tạo cá khế vằn nuôi thương phẩm, kỹ sư Lê Thị Như Phượng vừa được trao giải nhì trong hội thi Sáng tạo Khoa học – Kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa lần thứ VII.
“Không một việc gì là thành công ngay mà không gặp thất bại, nhất là với ngành thủy sản. Phải làm và làm sẽ thấy được mình đúng và sai chỗ nào.
Chính việc lao vào công việc và tự tin bước tiếp đã giúp tôi thành công trong việc ép đẻ thành công nhiều giống cá biển để nuôi thương phẩm”, kỹ sư Lê Thị Như Phượng tâm niệm.
Nguồn: Đời sống & Pháp lý được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.
– Nguồn cá bố mẹ: đánh bắt ngoài tự nhiên hoặc từ đàn nuôi thương phẩm (cá giống từ tự nhiên). Khối lượng: 1 – 2kg/con. Thời gian nuôi vỗ: 11 – 12 tháng, khối lượng đạt 2 – 3 kg/con.
– Điều kiện nuôi: lồng bè trên biển. Mật độ nuôi: 1,5- 3kg/m³ lồng
– Thức ăn: cá (nục, mối, trích…), tôm, mực, vitamin B, C, E. Cho ăn 1 lần/ngày.
– Chăm sóc: định kỳ thay lồng, vệ sinh lưới lồng hoặc kết hợp kiểm tra cá để sang lồng nuôi khác.
Cá khế vằn
– Gây mê cá trước khi kiểm tra bằng thuốc gây mê EME, nồng độ 200-250ppm.
– Cách kiểm tra: Cá đực dùng ống nhựa mềm đưa vào lỗ niệu hút nhẹ nếu có sẹ đặc màu trắng sữa, dễ tan trong nước là cá đã thành thục; Cá cái dùng ống nhựa mềm đưa vào lỗ sinh dục 2 -3 cm, hút nhẹ lấy trứng ra, cho lên miếng thủy tinh, quan sát độ rời, độ đồng đều của trứng, màu sắc trứng để xác định độ thành thục của tuyến sinh dục. Nên chọn con cái có bụng to tròn, màu sắc sáng.
– Kích dục tố sử dụng: HCG và LHR. Liều lượng: Cá cái là HCG 1000-1500UI/kg cá và LHR-A 25-35μg/kg cá, liều lượng cho cá đực bằng ½ cá cái.
– Cách tiêm: Tiêm vào phần cơ mềm ở lưng, góc tiêm 45º so với thân cá, độ sâu mũi kim tiêm (kim tiêm 21) vào phần cơ 1 – 1,5cm.
– Thời gian tiêm: Tiêm 1 lần (7h sáng), thời gian hiệu ứng thuốc khoảng 30-36 giờ.
Cá sau khi tiêm thuốc cho vào lồng nuôi trên biển và có lưới may bằng vải bọc bên ngoài để giữ trứng cá.
-Trứng cá dạng nổi, ở độ mặn trên 28-30‰ thì trứng thụ tinh nổi trên mặt nước. Dùng vợt hoặc lưới kéo để thu trứng cá.
– Mật độ ấp 1.000 – 2.000 trứng/lít. Sục khí nhẹ liên tục trong suốt quá trình ấp nở.
– Nhiệt độ nước 26 – 300C, độ mặn 28 – 30‰.
– Thời gian ấp trứng 18 – 24 giờ.
Trứng sau khi ấp nở thành cá bột, định lượng số lượng rồi chuyển vào bể ương nuôi.
Theo lhhkh.org.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.
Thân cao, hình quả trám, dẹp hai bên, trán dốc phía trên mắt tạo thành hình rất cong. Vây lưng thứ hai có 1 tia cứng và 19 – 20 tia mềm. Gốc vây hậu môn ngắn hơn gốc vây lưng. Vây ngực hình lưỡi liềm. Đường bên phía trước cong đến mút cuối vây ngực. Phần thẳng bắt đầu từ dưới tia vây mềm 6 – 7 của vây lưng thứ hai. Cá thể trưởng thành có nhiều đốm đen trên thân.
Cá khế vằn
Thế giới: Vùng biển nhiệt đới và cận nhiệt đới ấn Độ-Thái Bình Dương. Đông Phi, Hồng Hải. Nhật Bản, Trung Quốc, Inđônêxia, Philippin
Việt Nam: Phân bố Khánh Hòa, vùng biển đảo Phú Quốc, Kiên Giang…
Cá khế vằn sử dụng hàm có thể căng ra để hút con mồi từ cát hoặc rạn san hô và ăn nhiều loại cá, giáp xác và động vật thân mềm.
Môi trường sống là tầng nổi trên cát và đá, thường gặp nhất ở vùng biển ven bờ với độ mặn thấp: san hô, đầm phá, bãi triều, có khi hướng ra biển với độ sâu 80m. Cá có chiều dài 4cm có màu vàng với 9 sọc tối, cá càng lớn tốc độ tăng trưởng nhanh hơn.
Cá thành thục sinh dục có chiều dài từ 54 – 61cm ở 3 – 4 tuổi. Cá thường đẻ trứng xung quanh các rạn san hô. Mỗi cá thể đẻ trứng nhiều lần trong từng chu kì. Chúng tập hợp đẻ trứng vào ban đêm tại những thời điểm khác nhau trong năm trên toàn phạm vi của nó. Tỷ lệ giới tính cá đực và cá cái ở quần đàn 1:1.
Cá khế vằn sinh sản theo tháng có khí hậu ấm
Tổng hộ bởi Farmtech Vietnam.
Đạt giải nhì trong hội thi Sáng tạo Khoa học – Kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa lần thứ VII, đề tài kỹ thuật sản xuất thành công giống nhân tạo cá khế vằn (còn gọi cá bè đưng hoặc cá bè vàng) của kỹ sư Lê Thị Như Phượng đã góp phần làm đa đạng đối tượng thủy sản nuôi cho người dân.
Theo kỹ sư Lê Thị Như Phượng (Doanh nghiệp tư nhân Phương Hải, TP. Nha Trang), Khánh Hòa là tỉnh ít chịu ảnh hưởng của bão lụt nên rất thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là việc sản xuất giống. Hiện nay, người dân các tỉnh ven biển trong cả nước nói chung và ở Khánh Hòa nói riêng nuôi lồng bè chủ yếu các loài như: cá mú, cá bớp, cá chim vây vàng… Các loài cá này đã chủ động được nguồn giống, nhưng gần đây xảy ra nhiều dịch bệnh, làm cho một số hộ nuôi thua lỗ, muốn chuyển sang đối tượng nuôi khác để thay đổi môi trường nuôi và thị trường tiêu thụ.
Nắm bắt được tình hình trên, cùng với sự gợi ý của một vài hộ nuôi thủy sản ở huyện Vạn Ninh, năm 2015, kỹ sư Phượng hình thành nên ý tưởng sản xuất giống nhân tạo cá bè đưng. Đây là loại cá thịt trắng, thơm ngon, có giá trị kinh tế cao, được thị trường nội địa ưa chuộng. Ở Việt Nam, cá bè đưng chỉ phân bố ở huyện Vạn Ninh và đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Loại cá này đã được người dân ở 2 địa phương trên nuôi thương phẩm bằng nguồn giống đánh bắt ngoài tự nhiên. Nhưng nguồn giống này ngày càng khan hiếm, trong khi đó, trên cả nước chưa có cơ sở, viện nghiên cứu nào nghiên cứu sản xuất loại giống cá này để cung ứng nguồn giống ổn định cho người dân.
Kỹ sư Phượng bên cạnh cá bè đưng trưởng thành thành thục
Do sự khan hiếm nguồn cá giống, kỹ sư Phượng phải “nằm vùng” ở huyện Vạn Ninh thời gian dài để tìm mua nguồn cá bố mẹ. Sau khi tìm được 170 cặp bố mẹ, chị tiến hành nuôi, vừa tự nghiên cứu sản xuất các loại thức ăn phù hợp cho cá. Qua 1 năm, khi các cặp cá giống phát triển thành thục được cho sinh sản nhân tạo bằng cách thử nghiệm tiêm kích dục tố với các liều lượng khác nhau. Sau nhiều lần thử nghiệm, các cặp cá bố mẹ đã sinh sản hơn 15 triệu cá bột. “Từ cá bột, chúng tôi ươm nuôi sản xuất được hơn 400.000 con cá giống đạt kích cỡ 4 – 6cm/con và đã xuất bán cho nhiều hộ nuôi ở tỉnh Khánh Hòa, Vũng Tàu, Kiên Giang, Quảng Ngãi, Huế… Qua nuôi thử nghiệm cho thấy, loại cá này dễ nuôi vì ăn tạp, có khả năng sống trong vùng nước lợ, nguồn thức ăn dễ tìm. Đặc biệt, cá sống thành bầy đàn, ăn nổi nên dễ quan sát, dễ quản lý môi trường nuôi hơn so với các loài sống ở tầng đáy hoặc sống ẩn nấp như: cá mú, cá chình. Hiện nay, cơ sở chúng tôi đang tiếp tục hoàn thiện quy trình sản xuất cá giống để đáp ứng các đơn đặt hàng trong và ngoài tỉnh”, kỹ sư Phượng cho hay.
Ông Trịnh Văn Tèo, hộ nuôi thủy sản ở thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh) cho biết, năm ngoái, biết được kỹ sư Phượng sản xuất thành công giống nhân tạo cá bè đưng, xác định đây là loại có giá trị kinh tế cao nên gia đình ông đặt mua hơn 1.000 con giống để thả nuôi thử nghiệm, song song với nuôi tôm hùm. “Hiện nay, đàn cá phát triển khá tốt. Với giá thương phẩm trên thị trường dao động từ 130.000 đến 150.000 đồng/kg, trừ hao hụt, khi xuất bán với cân nặng khoảng 1,2 – 1,5 kg/con, tôi dự kiến sẽ thu lời được gần gấp đôi vốn bỏ ra”, ông Tèo nói.
Được biết, ngoài sản xuất giống nhân tạo cá bè đưng, từ năm 1999 đến nay, kỹ sư Phượng còn tự mày mò nghiên cứu sản xuất thành công giống nhân tạo cá chẽm mõm nhọn, cá mú, cá bớp, cá gáy biển, cá bè vẩu.
Có thể nói, việc sản xuất thành công loại cá này góp phần thúc đẩy nghề nuôi cá biển, đa dạng hóa đối tượng nuôi và tăng hiệu quả kinh tế cho người nuôi thủy sản ở tỉnh Khánh Hòa nói riêng và cả nước nói chung.
Nữ kỹ sư bên bè cá bè đưng
* Cá bè đưng thân cao, hình quả trám, dẹp hai bên, trán dốc phía trên mặt tạo thành hình rất cong. Vây lưng thứ 2 có 1 tia cứng và 19 – 20 tia mềm. Vây ngực hình lưỡi liềm. Cá có màu vàng với nhiều sọc đen trên thân. Thức ăn của cá là các loại cá, giáp xác và động vật thân mềm. Môi trường sống của cá ở tầng nổi trên cát và đá, thường gặp nhất ở vùng biển ven bờ với độ mặn thấp. Cá bè đưng thường đẻ trứng vào ban đêm tại những thời điểm khác nhau trong năm, tập trung vào những tháng có khí hậu ấm.
Nguồn : Internet, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam