Gắn với trái “trái xù xì” nổi tiếng đất Đồng Nai là những câu chuyện dài về nỗ lực xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bằng uy tín, chất lượng.
Những vườn trái bắt đầu đỏ rực đỏ với không khí vui tươi của nhà vườn mùa thu hoạch…
Vào “bảng vàng” đặc sản quốc gia
Với hơn 11.000ha, Đồng Nai là địa phương có diện tích chôm chôm lớn nhất cả nước. Hầu hết các vườn chôm chôm đều đang ở giai đoạn cây cho thu hoạch, luôn trúng mùa cho năng suất và sản lượng cao. Vào mùa thu hoạch trái, các tuyến đường ở TP Long Khánh, huyện Thống Nhất, Xuân Lộc… đâu đâu cũng thấy hình ảnh “trái xù xì”, râu mọc tua tủa đậu sai trĩu cành, rực đỏ.
Tháng 6/2016, niềm vui lớn đến với nông dân nơi đây khi Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chôm chôm Long Khánh. Hai sản phẩm chôm chôm nhãn và chôm chôm tróc (Java) được trồng tại các xã Bình Lộc, Xuân Tân, Bảo Vinh, Bảo Quang (Long Khánh); Xuân Ðịnh, Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc); Xuân Thiện, Quang Trung, Gia Kiệm và Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất); xã Sông Nhạn, Xuân Quế, Bảo Bình và Xuân Bảo (huyện Cẩm Mỹ).
Đây là những địa phương có điều kiện tự nhiên đặc thù về địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng khá thuận lợi giúp nâng cao chất lượng của chôm chôm Long Khánh với tổng diện tích gần 7.000ha. Việc cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chôm chôm Long Khánh đã đưa sản phẩm này vào “bảng vàng” đặc sản quốc gia, không chỉ góp phần khẳng định thương hiệu mà còn mở ra nhiều cơ hội về thị trường.
Trưởng ban Dân vận Thành ủy Long Khánh, Phạm Văn Hoàng phấn khởi: “Việc trái chôm chôm Long Khánh được cấp chỉ dẫn địa lý tạo điều kiện để người tiêu dùng biết rõ hơn thông tin về nguồn gốc, chất lượng và góp phần đổi mới cách nhìn của người tiêu dùng về sản phẩm”.
Tuy nhiên theo ông Hoàng, đây mới chỉ là bước khởi đầu xây dựng thương hiệu mạnh cho trái chôm chôm Long Khánh, vấn đề quan trọng làm sao để nâng tầm trái chôm chôm Long Khánh giữ được chất lượng trái ngon, an toàn, để mang lại giá trị bền vững cho thương hiệu chôm chôm này.
Ông Phùng Thanh Tâm, Giám đốc HTX Nông nghiệp xã Bình Lộc chia sẻ: “Bản thân tôi cũng như nhiều bà con trồng chôm chôm rất vui khi sản phẩm chôm chôm tróc và chôm chôm nhãn đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý với thương hiệu chôm chôm Long Khánh. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có những vùng chuyên canh, trồng đại trà theo cánh đồng lớn. Do vậy chúng tôi sẽ cố gắng động viên khuyến khích xã viên quan tâm đầu tư thêm cho hai loại chôm chôm này”.
Theo ông Tâm, thời gian qua UBND thị xã Long Khánh đã hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình điểm sản xuất chôm chôm VietGAP tại xã Bình Lộc nhưng thực tế mô hình này vẫn chưa phát triển mạnh. Do vậy, Nhà nước cần có chính sách bảo hộ cho trái chôm chôm Long Khánh, vì nếu không sẽ dẫn đến tình trạng nông dân sẽ chặt bỏ chôm chôm tróc và nhãn vì giá cả thị trường thấp, bấp bênh và không cho hiệu quả kinh tế bằng giống chôm chôm Thái.
Câu chuyện dài về ý thức sản xuất
Gắn với mỗi sản phẩm nông sản Đồng Nai đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý là những câu chuyện dài về nỗ lực xây dựng thương hiệu cho sản phẩm bằng uy tín, chất lượng.
Năm 1991, ông Nguyễn Vĩnh Thủy là người đầu tiên trồng chôm chôm nhãn tại xã Xuân Định (huyện Xuân Lộc). Ông Thủy kể: “Những năm 1980, tôi từng đi buôn chôm chôm, thời điểm đó vùng Long Khánh rất ít người trồng được chôm chôm nhãn nên giá bán luôn cao hơn gấp 4 – 5 lần chôm chôm thường. Do vậy, tôi quyết định đầu tư mở rộng diện tích lên gần chục ha chôm chôm nhãn và để vườn phát triển tự nhiên không ép cây ra trái vụ vì cây, trái đúng mùa sẽ cho mẫu mã đẹp và chất lượng ngon nhất”.
Theo HTX Nông nghiệp, dịch vụ – thương mại Bình Lộc, trên địa bàn xã Bình Lộc, HTX có 46 hộ dân tham gia đăng ký dự án cánh đồng lớn chôm chôm theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 69 ha. Nhiều hộ đã phối hợp liên kết với các chủ vườn trong Tổ hợp tác dịch vụ vườn Bình Lộc phục vụ khách du lịch tham quan, mang lại lợi nhuận cao. |
Theo ông Phùng Gia Từ, ấp 4, xã Bình Lộc, TP Long Khánh, từ khi có chỉ dẫn địa lý, nhà vườn đã tích cực đầu tư vào sản xuất theo quy trình và mở rộng các dịch vụ sinh thái phục vụ khách du lịch; đồng thời kỳ vọng đây sẽ là cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu để loại trái cây đặc sản này sẽ có giá tốt, đầu ra ổn định hơn.
Ông Phùng Thanh Tâm, Giám đốc HTX Nông nghiệp – Dịch vụ – Thương mại Bình Lộc xác nhận, từ cuối vụ thu hoạch chôm chôm 2016 đến nay, người dân đã không còn chặt bỏ chôm chôm bản địa.
HTX đã phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng cánh đồng lớn chôm chôm nhãn, chôm chôm tróc. Đồng thời, vận động xã viên tích cực tham gia sản xuất theo quy trình và liên kết với các đối tác nhằm mở rộng thị trường.
Thực tế, vẫn còn nhiều thách thức để loại trái cây đặc sản này khẳng định được vị thế của mình. Chôm chôm Long Khánh có kích cỡ trái lớn, mẫu mã đẹp, mùi vị thơm ngon đậm đà nên từng được bình chọn vào tốp 50 loại trái cây nổi tiếng nhất của Việt Nam.
Tuy là đặc sản nổi tiếng từ lâu nhưng số phận của trái chôm chôm địa phương vẫn khá long đong với đầu ra còn bấp bênh. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến trái chôm chôm Đồng Nai chưa thể đi xa.
Ông Trần Mộng Thành, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Long Khánh cho biết, hiện vùng chuyên canh chôm chôm đã hình thành và đang dần chuẩn hóa về chất lượng giống, ứng dụng KH-KT vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. TP Long Khánh đã hỗ trợ nông dân xây dựng một số mô hình điểm sản xuất chôm chôm VietGAP tại xã Bình Lộc và quy trình sản xuất sạch này đang được nông dân ứng dụng rộng rãi.
Thời gian gần đây, Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai cũng đã tổ chức các cuộc họp bàn lấy ý kiến đóng góp từ các địa phương; đồng thời cho triển khai lấy mẫu đất, nước tại các vùng trồng chôm chôm trên địa bàn để phân tích và sớm có kết quả và đưa ra giải pháp hỗ trợ các địa phương khôi phục và phát triển cây chôm chôm bản địa mới được cấp chỉ dẫn địa lý.
Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam