Dinh dưỡng từ Hàu biển

Dưỡng chất có trong Hàu

Trên toàn thế giới có khoảng 100 giống hàu khác nhau, mỗi địa phương khai thác, mỗi ngư trường sinh sống tạo nên dinh dưỡng hàu cũng khác nhau.

Theo y học cổ truyền, thịt hàu có vị ngọt hơi mặn, tính mát, không độc, tác dụng tráng dương, bổ tinh, tư âm dưỡng huyết, ăn vào trị được chứng mất ngủ do nhiệt, người nóng khô khát, hoa mắt, chóng mặt, phụ nữ rối loạn tiền mãn kinh, phụ nữ sau sinh thiếu sữa, thiếu máu ăn hàu rất tốt, nam giới có chứng di mộng tinh, hoạt tinh, yếu sinh lý, liệt dương, hiếm muộn.

Sức hấp dẫn từ thịt Hàu

Hàu được xem như là một món ăn cao cấp với một lượng dinh dưỡng khá cao, chẳng hạn như:

  • Kẽm

Hàu biển là loại động vật có chữa hàm lượng kẽm nhiều nhất, trong mỗi 100g hàu tươi có chứa đến 47.8mg kẽm, trong khi đó lượng kẽm có trong 100 g thịt chỉ là 5,2mg và 0,8mg trong 100g cá tươi

  • Calo, protein, vitamin, chất béo, carbohydrates

Trong 100g hàu có chứa: 1,5g chất béo, 10,9g protein,  carbohydrates  và nguồn vitamin dồi dào như: A, B1, B2, B3, C, D (tăng khả năng chống viêm của cơ thể, giúp chống lại mệt mỏi, và tăng cường quá trình trao đổi chất). Lượng cholesterol trong hàu rất thấp, thích hợp cho những người đang ăn kiêng vì chỉ có khoảng 70 calo trong 100g hàu.

  • Khoáng chất

Hàu rất giàu vitamin và các khoáng chất khác. Trong 100g hàu có chứa: 5,5mg sắt, 11,5mg đồng, 375mg kali, 100mg phốt-pho và 10mg Magiê: chi phối hoạt động của hơn 300 enzyme, giải phóng năng lượng có thể sử dụng chất dinh dưỡng, chuyển hóa kali, canxi và vitamin D.

Các món ăn bổ dưỡng từ Hàu

1. Canh hàu rau hẹ

Thịt hàu 150g, rau hẹ 60 – 120g, thêm gia vị, nấu canh ăn. Dùng cho các trường hợp lao phổi suy nhược, ho khan ít đờm, mồ hôi trộm (đạo hãn), bệnh đái tháo đường.

Canh Hàu

2. Hàu luộc

Hàu luộc chín, ăn với ớt tiêu gia vị thường ngày có tác dụng bổ âm thanh nhiệt lợi tiểu tán kết. Dùng cho các trường hợp vàng da phù nề, sưng hạch, bướu cổ, khí hư, huyết trắng, bệnh đái tháo đường.

Hàu luộc

3. Cháo hàu

Thịt hàu 50g, thịt trai 50g, gạo tẻ 100g. Nấu nhừ, ăn 2 lần trong ngày. Chữa tăng huyết áp, nhức đầu chóng mặt, gan suy.

Cháo hàu

Qua đó có thể thấy, hàu là một trong những loại có giá trị dinh dưỡng cao, mang lại nhiều lợi ích, bổ dưỡng cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, cần có sự chọn lọc để đảm bảo an toàn thực phẩm cho cả gia đình, khuyến khích các hộ nuôi gia đình phát triển các mô hình nuôi hàu tự nhiên.

Tổng hợp bởi Farm tech Viet Nam

Kỹ thuật nuôi vẹm xanh quy mô công nghiệp.

Với chi phí đầu tư thấp, hình thức nuôi đơn giản, không yêu cầu kỹ thuật cao, ít bệnh, lợi nhuận cao…Vẹm xanh là một đối tượng có thể cung cấp đầy đủ yêu cầu như vậy.

Đặc điểm sinh học.

Vẹm vỏ xanh (Perna viridis Linnaeus. 1758) là loài động vật nhuyễn thể hai mảnh vỏ.

khi còn nhỏ vẹm có mau xanh, lúc trưởng thành vỏ có màu nâu đen. Mặt trong của vỏ màu trắng óng ánh.

Sinh trưởng, sinh sản. 

Là loài sinh trướng chậm, sau 18-24 tháng đạt kích cỡ thương phẩm. Khi đạt được độ dài vỏ từ 80mm trở lên vẹm bắt đấu sinh sản. Ấu trùng vẹm trôi nổi trong nước và qua nhiều lần biến thái thành vẹm giống và sống bám váo các vật cứng trong nước. Ở các vùng nước chảy có các rạn đá ngầm, vào mùa sinh sản thường thấy có vẹm con bám vào đá.

Một số kỹ thuật nuôi thương phẩm.

Hình thức dây treo. 

Vì là loài sống cố định nên lựa chọn vị trí nuôi mang yếu tố quyết định cho vụ nuôi. Lựa chọn khu vực nuôi.

Độ mặn của nước dao động từ 18 – 32‰ (kể cả trong mùa mưa), dòng chảy từ 0,2 – 0,5m/s, độ trong từ 2m trở lên. Độ sâu từ 0,5m xuống -1m so với số 0 hải đồ (thấp hơn so với mép sóng từ 4 – 5m).

Giàn treo: Dùng cọc đóng thẳng hàng theo chiều vuông góc với dòng chảy của nước. Khoảng cách mỗi cọc từ 1,5 – 2m (làm vào lúc thủy triều ở mức 0 – 0,3m). Dùng dây thép buộc chặt các cây xà ngang qua các đầu cọc, xà treo cách mặt bãi khoảng 1 – 2m.

Túi thả giống: Vải màn hoặc săm cước được cắt nhỏ và may thành các ống lưới có đường kính 4 – 5cm, dài từ 30 – 40cm. Nếu dùng nilon thì dán thành các ống túi có kích thước như trên, sau đó dùng kéo cắt thủng túi có đường kính 2 – 3mm.

Giống cỡ 1cm (tương đương hạt Dưa hấu) được cho vào túi. Mỗi túi chứa khoảng 1.000 con. Buộc chật miệng tủi vảo dây bám, treo túi lên xà treo hoặc bè. Nếu treo trên bè thi thả túi xuống độ sâu 2.5m – 3.5m.

Quản lý chăm sóc. Sau khoảng 5 – 10 ngày, kiểm tra thấy vẹm đã mọc tơ chân và bám vào dây nilon thì dùng kéo hoặc dao cắt bỏ túi. Thường xuyên kiểm tra giàn treo và dây treo, nếu có sự cố phải được sửa chữa ngay.Khi vẹm lớn lên, nếu thấy mật độ quá dày thì dùng dao nhỏ hoặc kéo cắt tơ chân một số cá thể để tỉa chùm vẹm thưa hơn. Số cá thể cắt ra lại cho vào túi như khi thả giống để tạo ra những dây treo giống mới.

Hình thức nuôi cọc. 

Yêu cầu của hình thức nuôi cọc thì tương tự như hình thức nuôi dây treo.

Máng bám giống: Máng xi măng hoặc bể nhựa dài khoảng 2 – 3m; rộng 0,5m; cao 0,5m. Có thể tạo máng bằng cách dùng gỗ tạp đóng khung máng có kích thước tương tự và trải nylon hoặc bạt nhựa để chứa nước.

Cọc bằng gỗ khô, loại gỗ không có nhựa độc, chiều dài cọc 2 – 2,5m, đường kính từ 11 – 15cm.

Dây bám giống: Chão bẹ dừa hoặc chão cói có đường kính 1,5 – 2cm, dài 2,5 – 3cm.

Đưa nước biển sạch và có độ mặn tương đương với nơi nuôi vào bể composite hoặc máng. Sục khí và thả giống vào bể, đưa dây bám vào đáy bể theo chiều dài của máng và sợi dây nằm giữa các lớp vẹm giống ở dưới đáy.

Sau 3 – 5 ngày vẹm mọc tơ chân bám vào dây thì đem chuyển ra bãi nuôi.

Quản lý chăm sóc. Thường xuyên kiểm tra và điều chỉnh độ vững chắc của cọc, nếu mật độ vẹm quá dày thì cần tỉa thưa. Các cá thể tỉa ra lại cho vào máng (bể) bám đề tạo dây giống mới.

Nguồn: Tổng hợp lại bởi Farmtech VietNam.

 

 

Kỹ thuật sản xuất hàu giống.

Hàu là động vật thân mềm hai mảnh vỏ, với hàng trăm loài khác nhau hiện đang được nuôi rộng rãi trên thế giới. Ở Việt Nam, hàu được nuôi ở các cửa sông, có kích thước lớn, phân bố rộng, và cũng được nuôi khá phổ biến.

Nuôi vỗ đàn bố mẹ

Hàu bố mẹ

– Chọn những cá thể lớn, kích thước từ 15-20cm, khối lượng thân từ 800-1.500g, vỏ không bị dập vỡ để nuôi tạo đàn bố mẹ. Nuôi treo trong đầm, nơi có độ mặn tương đối ổn định từ 15-20‰ và giàu thức ăn.

– Trước khi cho đẻ, hàu bố mẹ được nuôi vỗ từ 5-10 ngày trong bể xi-măng, ít thay nước (20% thể tích bể/ngày), thức ăn là các loại vi tảo.

Cho đẻ và ương ấu trùng

Kích thích hàu đẻ bằng cách thay đổi nhiệt độ nước của môi trường nuôi từ 3- 40C để gây sốc kích thích hàu đẻ trứng, phóng tinh. Tỷ lệ đực cái là 4:6. Trứng thụ tinh ngay sau khi đẻ và được lọc qua lưới với kích thước mắt lưới 40mm và chuyển sang bể ương ấp.

– Mật độ ương ban đầu là 20-25 tế bào/ml. Sau 24 giờ lọc thu ấu trùng đỉnh vỏ thẳng và chuyển ương trong bể mới có dung tích 2-3m3 với mật độ 10-15 con/ml.

Chăm sóc và quản lý ấu trùng

– Hằng ngày thay 1/2 thể tích nước trong bể ương. Thay toàn bộ nước, vệ sinh bể và chuyển ấu trùng sang bể ương mới 2 ngày/lần.

– Cho ăn bằng vi tảo mật độ 1.000 – 5.000 tế bào/ml vào buổi sáng và chiều.- Sục khí 24/24 giờ; độ mặn là 8-20‰; nhiệt độ nước 24-300C; pH 7,8-8; nồng độ O2 từ 4-6mg/lít. Thấy ấu trùng phân tán đều trong bể là được.

Thu ấu trùng

Trong điều kiện bình thường, thời gian ương kéo dài từ 20-25 ngày. Khi ấu trùng đạt kích thước 250-350μm chúng xuất hiện chân bò và chuyển sang trạng thái sống bám cố định vào giá thể. Đây là giai đoạn để thu con giống.

– Thu ấu trùng bám vào giá thể bằng các loại vật bám khác nhau như vỏ hàu, vỏ sò, ngói vỡ, tấm nhựa… để phục vụ nuôi treo.

– Thu ấu trùng ở dạng đơn: con giống bám vào vật bám với kích thước nhỏ (25μm) như: bột xi-măng, bột vỏ hầu phục vụ cho kiểu nuôi khay. Xu thế hiện nay là sử dụng con giống dạng đơn để nuôi khay.

Hàu giống

Nuôi thành con giống

Ấu trùng sau khi bám 2 ngày, đưa ra ngoài môi trường tự nhiên nuôi thành con giống. Nuôi treo hoặc nuôi khay trong thời gian 2 tháng, kích thước thu được từ 2-3cm chiều cao vỏ.

Nguồn : Nông thôn ngày nay, được kiểm duyệt bởi FMAN

Các phương pháp nuôi hàu phổ biến

Nuôi hàu ở Việt Nam trước đây chủ yếu sử dụng phương pháp nuôi đá, cọc tre, ngói mái là chính. Ngày nay, phương pháp nuôi đã được cải tiến, từ công nghệ nuôi bãi, trở thành công nghệ nuôi giàn treo, nuôi bè, nuôi cọc xi măng là chính. Sau đây là một số phương pháp nuôi hàu phổ biến tại Việt Nam.

Phương pháp nuôi này phụ thuộc con giống tự nhiên, chi phí xây dựng cơ bản thấp, chi phí sản xuất hạn chế, nhưng hiệu quả tương đối cao. Có rất nhiều loại đá khác nhau để làm vật bám tùy thuộc vào từng địa phương như đá vôi làm vật bám rất tốt, đá cuội, đá san hô… Kích cỡ đá trung bình 2-4 kg/hòn và dao động từ 1-10 kg/hòn. Đá được chuyên chở bằng thuyền hoặc ghe rải đều trên bãi có hàu giống xuất hiện. Năng suất đạt 0,5-1,5 kg hàu nguyên con/hòn đá.

Nuôi hàu bằng cọc

Nguyên vật liệu làm cọc chủ yếu đúc bằng xi măng, cọc gỗ, cọc tràm, cọc tre… được cắm thành từng hàng vùng cửa sông hay trên vùng triều. Cọc có chiều dài 2m (chiều dài hữu dụng khoảng 1 – 1,5m). Loại hình này nuôi chủ yếu ở vùng đầm phá thuộc khu vực miền Trung như đầm Lăng Cô – Thừa Thiên Huế, hay khu vực huyện Cần Giờ – TP Hồ Chí Minh. Năng suất nuôi khoảng 2-6 kg hàu nguyên con/cọc.

Nuôi hàu bằng lốp cao su

Nguyên liệu làm vật bám cho hàu là các giá thể bằng lốp ô tô, xe máy, xe đạp đã qua sử dụng, cho xuống các vùng ao đầm tự nhiên, khu vực đầm phá nơi có dòng nước thủy triều kém để thu giống tự nhiên và sử dụng nó làm giá thể cho hàu nuôi lớn đến lúc đạt kích cỡ hàu thương phẩm. Phương pháp nuôi này chủ yếu ở khu vực Cần Giờ – TP Hồ Chí Minh, các đầm phá thuộc ven biển miền Trung.

Nuôi hàu bằng giàn

Nguyên vật liệu làm giàn là các cọc hình trụ đúc xi măng với chiều dài trung bình khoảng 1,2 – 1,8m, chiều rộng bề mặt khoảng 0,1m. Trọng tâm của mỗi trụ có một thanh sắt và trên đầu mỗi trụ có lỗ để xâu dây treo vào giàn và các giàn treo được cấu tạo bởi các thanh gỗ cứng đóng thành giàn hình chữ nhật hay hình vuông với chiều dài mỗi giàn trung bình 6,5-7,5 m, giàn bé thường có kích cỡ 4-5 m và giàn lớn có chiều dài 9-10 m, chiều cao mỗi giàn khoảng 5-6 m được chôn sâu từ 1 -2 m (vì khu vực nuôi thường có nền đáy bùn). Mỗi giàn được đặt cách mặt nước 0,5 cm lúc triều xuống. Do đó hàu nuôi luôn chìm sâu trong nước. Lồng nhỏ treo từ 32 – 40 trụ xi măng, lồng lớn có thể treo khoảng 200 trụ. Sản lượng nuôi khoảng 2 – 6 tấn hàu nguyên con/giàn. Phương pháp nuôi này phổ biến ở đầm Lăng Cô – Thừa Thiên Huế.

Nuôi hàu trong các lồng treo trên giàn

Cấu tạo giàn nuôi tương tự như giàn nuôi trên các cọc đúc xi măng. Hàu giống thu từ tự nhiên cho vào các lồng lưới có đường kính miệng lồng và đường kính đáy từ 0,4 – 0,5 m, chiều dài mỗi lồng khoảng 0,4m, kích cỡ mắt lưới 2a = 2 cm. Mỗi một lồng nuôi thả mật độ hàu giống trung bình khoảng 5 kg hàu, kích cỡ giống khoảng 3- 4 cm.

Sau thời gian nuôi khoảng 5 tháng đạt năng suất trung bình 15 kg hàu thương phẩm/lồng. Như vậy là bằng phương pháp nuôi này chỉ sau 5 tháng nuôi hàu đạt sinh trưởng tăng gấp 3 lần. Phương pháp nuôi này chủ yếu tập trung từ Thừa Thiên Huế trở vào đến TP Hồ Chí Minh, đặc biệt các vùng nuôi thuộc đầm Lăng Cô.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Cận cảnh quá trình nuôi hàu sữa ít người biết

Hàu sữa là một trong những món ăn được nhiều người tiêu dùng yêu thích và lựa chọn cho bữa ăn hàng ngày, trong đó có thể kể tới món hàu sữa sống. Tuy nhiên, quá trình nuôi loại thực phẩm này thì không phải người nào cũng có thể hiểu rõ.

Tại bãi nuôi hàu ở Vân Đồn, Quảng Ninh, các vỏ hàu giống được công nhân đưa vào dây treo. Số lượng và tỷ lệ khoảng cách giữa các vỏ hàu được kiểm soát kỹ lưỡng nhằm đảm bảo chất lượng hàu thương phẩm.

Không chỉ vậy, nguồn thức ăn của hàu phụ thuộc hoàn toàn vào chất lượng môi trường biển khu vực nuôi, nguồn nước đảm bảo, lượng sinh vật phù du lớn thì hàu sẽ sinh trưởng tốt, giàu dinh dưỡng và đảm bảo an toàn. Do đó, dù khu vực nuôi đã cách xa khu dân cư, tránh nguồn gây ô nhiễm nhưng cơ quan chức năng vẫn tiến hành kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng nước, khoảng 6 tháng/lần. Hàu thương phẩm sẽ được thu hoạch sau 6 – 8 tháng nuôi.

Nguồn: baodientuVTV được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Công dụng kỳ diệu từ Vẹm Xanh

Vẹm Xanh là loài gì?

Vẹm xanh, hay còn gọi là vẹm vỏ xanh (green mussels) là loài trai có hai mảnh vỏ, thường được tìm thấy ở vùng biển châu Á – Thái Bình Dương và đã được nuôi nhiều tại Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Tuy nhiên, vẹm xanh lại phát triển mạnh mẽ nhất ở vùng biển ngoài khơi Australia và New Zealand.

Loài này được nuôi và thu hoạch làm thực phẩm nhưng nó cũng là loài tiết chất độc ở các bến cảng và gây hư hại cho các cấu trúc chìm như đường ống.

Vẹm Xanh

Vẹm vỏ xanh tiết ra chất tơ giúp nó bám vào đáy đá, sỏi, san hô, gỗ. Vẹm vỏ xanh ăn thực vật phù du và chất lơ lửng trong nước. Vẹm vỏ xanh được nuôi ở Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam.

Chúng sống tự do dọc bờ biển trong môi trường nước có độ mặn dao động từ 20-30%, chất đáy là đá, sỏi, san hô… Khi còn nhỏ, vẹm vỏ xanh có vỏ màu xanh, lúc trưởng thành thì vỏ chuyển màu nâu đen. Với đặc tính sống bám vào một vật cố định, vẹm xanh thường rất dễ đánh bắt, quan sát. Thức ăn của vẹm chủ yếu là sinh vật phù du và các chất lơ lửng trong nước.

Công dụng từ Vẹm Xanh

Vẹn Xanh là một trong những loài trai có giá trị kinh tế và bổ dưỡng, trong đó nổi trội nhất là về công dụng chữa trị các bệnh về khớp ch con người, cụ thể như: giúp ngăn ngừa, chống lại các bệnh như viêm khớp, thấp khớp, loãng xương, thoái hóa khớp.

Đau khớp

Trong vẹm rất giàu hàm lượng vitamin, protein, khoáng chất, các enzyme và glycosaminoglycans, giúp đẩy lùi hiệu quả các triệu chứng khó chịu mà bệnh viêm khớp gây ra. Ngoài việc giảm đau, vẹm xanh còn có tác dụng “hàn gắn” các khớp và sụn bị tổn thương bằng cách cung cấp các dinh dưỡng quan trọng (chondroitin, glucosamine) cho quá trình phục hồi được diễn ra nhanh hơn.

Đối với người bình thường, vẹm xanh sẽ giúp cải thiện độ linh hoạt và dẻo dai cho các khớp xương, từ đó làm tăng khả năng vận động và phòng ngừa các bệnh viêm nhiễm.
Không những tốt cho xương-khớp-sụn, gân, dây chằng và các cơ bắp cũng được vẹm xanh củng cố hiệu quả, giúp hạn chế các cơn đau nhức nếu cơ thể vận động quá sức.
Canh chua Vẹm Xanh
Như vậy có thể thấy, Vẹm Xanh là loài có giá trị kinh tế và dinh dưỡng khá cao, có thể sử dụng như là một món ăn đầy chất lượng hàng ngày: canh chua, nướng mỡ hành.
Tuy giá thành khá đắt, trung bình từ 90 -100 nghìn/kg, nên khi mua Vẹm Xanh nên chọn lọc từ những nơi có uy tín để có được chất lượng tốt nhất.
Tổng hợp từ Farm tech Viet Nam

Đôi nét về loài hàu.

Hàu là loài động vật nhuyễn thể thuộc nhóm thân mềm 2 mảnh vỏ trong họ hàng nghêu, sò nhỏ sống ở bờ biển, ở các ghềnh đá ven bờ biển hay các cửa sông, sống bám vào một giá thể như bám vào đá thành tảng, các rạn đá, móng cầu ăn sinh vật phù du và các sinh vật trong bùn, cát, nước biển…. Hàu cũng được coi là một loại hải sản sống dưới nướcThịt hàu ngon và ngọt, rất giàu chất dinh dưỡng, có chứa proterin, glucid, chất béo, kẽm, magie, canxi,… Hàu có vai trò quan trọng trong hệ sinh thái vì chúng lọc tạp chất từ nước và là nguồn thực phẩm cho cộng đồng dân cư ven biển.

Đặc điểm sinh học.

Hàu có kích thước tương đối lớn so với các loài nghêu và sò nhỏ, đặc biệt là mảnh vỏ của hàu lớn hơn nhiều so với cơ thể của chúng. Hàu phân bố rộng trên toàn thế giới, nhưng đa số tập trung ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới.

Hầu phân bố theo độ sâu từ trung triều (intertidal) đến độ sâu 10 m (so với 0 hải đồ). Chúng phân bố ở các thủy vực có nồng độ muối từ 5-35 ‰.

Phương thức sống.

Ở giai đoạn ấu trùng chúng sống phù du. Ấu trùng Hàu có khả năng bơi lội nhờ vào hoạt động của vành tiêm mao hay đĩa bơi. Ở giai đoạn trưởng thành Hàu sống bám trên các giá thể (sống cố định) trong suốt đời sống của chúng.

Thức ăn và phương thức bắt mồi. 

Thức ăn của ấu trùng bao gồm vi khuẩn, sinh vật nhỏ, tảo Silic (Criptomonas, Platymonas, Monax) hoặc trùng roi có kích thước 10m hoặc nhỏ hơn. Ấu trùng cũng có thể sử dụng vật chất hòa tan trong nước và những hạt vật chất hữu cơ (detritus). Giai đoạn trưởng thành thức ăn chủ yếu là thực vật phù du và mùn bã hữu cơ. Các loài tảo thường gặp là các loài tảo Silic như: Melosira, Coscinodiscus, Cyclotella, Skeletonema, Navicula, nitzschia, Thalassiothrix, Thalassionema…


Phương thức bắt mồi của Hàu là thụ động theo hình thức lọc. Cũng như các loài Bivalvia khác, Hàu bắt mồi trong quá trình hô hấp nhờ vào cấu tạo đặc biệt của mang. Khi hô hấp nước có mang theo thức ăn đi qua bề mặt mang, các hạt thức ăn sẽ dính vào các tiêm mao trên bề mặt mang nhờ vào dịch nhờn được tiết ra từ tiêm mao. Hạt thức ăn kích cỡ thích hợp (nhỏ) sẽ bị dính vào các dịch nhờn và bị tiêm mao cuốn thành viên sau đó chuyển dần về phía miệng, còn các hạt thức ăn quá lớn tiêm mao không giữ được sẽ bị dòng nước cuốn đi khỏi bề mặt mang sau đó tập trung ở mép màng áo và bị màng áo đẩy ra ngoài. Mặc dù Hàu bắt mồi thụ động nhưng với cách bắt mồi này chúng có thể chọn lọc theo kích thước của hạt thức ăn.

Chúng không có khả năng chọn thức ăn theo chất lượng nhưng chọn lọc thức ăn rất kỹ theo kích cỡ.

Sinh trưởng.

Nhiệt độ là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng của Hàu. Ở vùng nhiệt đới nhiệt độ ấm áp nên tốc độ sinh trưởng của Hàu rất nhanh và quá trình sinh trưởng diễn ra quanh năm. Sự sinh trưởng của Hàu còn phụ thuộc vào mật độ, ở Venezuela Hàu trong các đầm nước lợ thì chậm lớn vì độ quá cao nhưng trong điều kiện nuôi thì chúng đạt 6cm trong vòng không đầy 6 tháng. Tốc độ sinh trưởng của Hàu cũng khác nhau tùy theo loài và vùng phân bố do điều kiện môi trường nước của từng vùng khác nhau và do đặc tính riêng của từng loài (yếu tố di truyền).

Đặc điểm sinh sản của Hàu. 

Giới tính: có hiện tượng biến tính (thay đổi giới tính) ở Hàu. Trên cùng cơ thể có lúc mang tính đực, có lúc mang tính cái và cũng có khi lưỡng tính. Tỉ lệ lưỡng tính trong quần thể thường thấp.
Phương thức sinh sản: tùy theo loài mà hình thức sinh sản khác nhau. Nhóm Crassostrea và Saccostrea thì đẻ trứng và tinh trùng ra môi trường nước, quá trình thụ tinh và phát triển ấu trùng diễn ra trong nước. Đối với nhóm Ostrea thì quá trình thụ tinh và phát triển ấu trùng diễn ra bên trong xoang màng áo của cá thể mẹ đến giai đoạn diện bàn hoặc muộn hơn mới ra khỏi cơ thể mẹ.
Mùa vụ sinh sản: ở vùng nhiệt đới sau một năm đã thành thục và tham gia sinh sản. Mùa vụ sinh sản xảy ra quanh năm nhưng tập trung từ tháng 4-6. Mùa vụ sinh sản ở vùng nhiệt đới thường ít tập trung và kéo dài hơn so với vùng ôn đới. Tác nhân chính kích thích đến quá trình thành thục và sinh sản của Hàu là nhiệt độ, nồng độ muối và thức ăn có trong môi trường.

Địch hại và khả năng tự bảo vệ. 

Địch hại của Hầu bao gồm cá yếu tố vô sinh (nồng độ muối, nhiễm bẫn, độc tố, lũ lụt…) và yếu tố hữu sinh bao gồm các sinh vật cạnh tranh vật bám (Balanus, Anomia…), sinh vật ăn thịt (Rapana, Thais, sao biển, cá…), sinh vật đục khoét (Teredo, Bankia…), sinh vật ký sinh (Myticola, Polydora…) và các loài tảo gây nên hiện tượng hồng triều (Ceratium, Peridium…).
Hầu có khả năng tự bảo vệ nhờ vào vỏ, khi gặp kẻ thù chúng khép vỏ lại. Ngoài ra chúng còn có khả năng chống lại các dị vật (cát, sỏi), khi dị vật rơi vào cơ thể màng áo sẽ tiết ra chất xà cừ bao lấy dị vật.

 

Nguồn: Tổng hợp lại bởi Farmtech VietNam.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Thành công trong sản xuất giống Hàu tam bội tại Việt Nam

Giống Hàu tam bội có ưu thế nổi bật về tỷ lệ sống cao, tốc độ tăng trưởng nhanh, thịt thơm ngon và duy trì được độ béo quanh năm. Hàu tam bội thương phẩm được tạo ra từ công nghệ tứ bội sẽ đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước và trên thế giới, giải quyết được đầu ra cho nghề nuôi Hàu hiện nay.

Hàu Thái Bình Dương (Crassostrea gigas)

Dự án “Nhập công nghệ Hàu tứ bội để sản xuất giống Hàu tam bội thể” đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt cho Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III thực hiện – với mục tiêu: Tiếp nhận công nghệ sản xuất Hàu tam bội từ công nghệ Hàu tứ bội của Mỹ để tạo ra giống Hàu chất lượng cao, phục vụ phát triển nghề nuôi Hàu xuất khẩu.

 Vài nét về đối tượng nuôi này

Hàu là đặc sản biển rất có giá trị. Thịt hàu chứa hàm lượng đạm cao, nhiều loại vitamin A1, B1, B2, D, E và các nguyên tố vi lượng thiết yếu. Ngoài giá trị làm thực phẩm, Hàu còn có giá trị trong y học. Tinh chất chiết xuất từ thịt Hàu đã được sản xuất thành viên nang Oyster Plus có tác dụng tăng cường sức khỏe cho con người. Nhìn chung, Hàu được nhiều người tiêu dùng trong nước và trên thế giới ưa chuộng. Ngoài vấn đề cung cấp dinh dưỡng, nuôi Hàu còn giải quyết ô nhiễm môi trường. Đó là lý do khiến nghề nuôi Hàu đã tồn tại, phát triển tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, nghề nuôi Hàu đang phải đối mặt với hiện tượng Hàu nuôi chết hàng loạt, Hàu chậm lớn và chỉ đạt chất lượng cao tại thời điểm sinh sản. Để giải quyết triệt để những hạn chế trên, hoạt động nghiên cứu – ứng dụng công nghệ nhiễm sắc thể đã được tiến hành và có được những ảnh hưởng tích cực trong sản xuất.

Việc nghiên cứu tạo giống Hàu đa bội được bắt đầu từ thập kỉ 80, xuất phát từ việc tác động các tác nhân lý-hóa để tạo ra sự biến đổi đặc biệt trong đặc tính di truyền, đem lại kết quả bất ngờ về sức sống và khả năng sinh trưởng. Cụ thể là: Năm 1980, các nhà khoa học Mỹ đã nghiên cứu thành công phương pháp gây tam bội ở Hàu bằng các tác nhân vật lý, hóa học, kết quả thu được 80% thể tam bội. Năm 1996, một nhóm nghiên cứu khác (cũng tại Mỹ) đã khám phá ra công nghệ tạo giống Hàu đa bội và tứ bội thể, được cấp bản quyền. Giống Hàu tam bội từ lâu đã được thế giới công nhận là có nhiều ưu việt hơn các giống Hàu khác. Ngoài chất lượng dinh dưỡng tốt (thịt thơm ngon, duy trì được độ béo quanh năm), tăng trưởng nhanh, tỷ lệ sống cao, Hàu tam bội còn có khả năng chống chịu các biến động môi trường hơn Hàu lưỡng bội. Với những ưu thế đó, Hàu tam bội được phát triển mạnh tại Mỹ và hiện đang được mở rộng sản xuất ở Pháp, Ôxtrâylia, Hàn Quốc, Malaixia, Singapo…

Dự án sản xuất giống Hàu tam bội tại Việt Nam

Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới, có nhiệt độ ấm áp quanh năm, diện tích bãi triều rộng, nhiều cửa sông đổ ra biển mang theo nhiều vật chất hữu cơ (là nguồn thức ăn phong phú cho Hàu). Ngoài ra, do phong trào nuôi tôm thâm canh rộng khắp đã để lại hệ quả là hiện tượng phì dưỡng, môi trường ô nhiễm… dẫn tới phong trào nuôi Hàu bắt đầu xuất hiện và phát triển tự phát, kỹ thuật thấp khiến sản phẩm Hàu của Việt Nam không thể tiếp cận thị trường thế giới. Trước tình trạng đó, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III đã tiến hành chuyển giao công nghệ sản xuất giống Hàu tam bội loài Hàu Thái Bình Dương Crassostrea gigas và chuyển nhượng quyền sử dụng công nghệ Hàu tứ bội để tạo đàn Hàu bố mẹ tứ bội cho loài Hàu bản địa là Crassostrea rivularis. Hàu tam bội giống được nuôi cách ly trong điều kiện tốt nhất, hình thức nuôi bằng lồng nhiều tầng và khay treo trên giàn bè. Với các đặc điểm vượt trội, Hàu tam bội thương phẩm được tạo từ công nghệ tứ bội sẽ đáp ứng được yêu cầu thị trường xuất khẩu, quyết định sự phát triển của nghề nuôi Hàu tại Việt Nam.

Năm năm qua (từ tháng 8/2008-8/2013), trong quá trình nhập công nghệ Hàu tứ bội của Mỹ để sản xuất giống Hàu tam bội tại Việt Nam, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III đã tiến hành nhiều thí nghiệm nghiên cứu nhằm điều chỉnh và hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống Hàu tam bội. Việc này có ý nghĩa khoa học to lớn và là cơ sở lý thuyết để nghiên cứu tạo tam bội cho các đối tượng nuôi thủy sản khác. Đây cũng được coi là bước đột phá về công nghệ, mở ra triển vọng phát triển nuôi Hàu tam bội bền vững. Dự án thành công còn tạo bước tiến lớn cho nghề nuôi Hàu xuất khẩu, mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội cho ngành Nuôi trồng thủy sản Việt Nam: Cung cấp con giống chất lượng cao cho các cơ sở nuôi Hàu xuất khẩu, tạo công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho cộng đồng cư dân ven biển…

Trong các năm 2009-2012, Viện đã tạo giống Hàu tam bội với 03 loài Hàu: Năm 2009, sản xuất được 30.724 con giống tam bội loài Crassostrea gigas, 531 con giống tam bội loài  Crassostrea iredalei. Năm 2010, sản xuất được 10.200 con giống tam bội loài Crassostrea gigas. Năm 2011, chỉ sản xuất được 30 con giống tam bội loài Crassostrea iredalei, 990.000 con giống tam bội loài Crassostrea gigas và 1.021.517 con giống tam bội loài Crassostrea rivularis. Năm 2012, sản xuất được 1.066.000 con giống tam bội loài Crassostrea gigas, 900.000 con giống tam bội loài Crassostrea rivularis. Như vậy: Đối với loài Crassostrea gigas, đã sản xuất được tất cả là 2.096.924 con giống tam bội. Loài Crassostrea rivularis sản xuất tổng cộng 1.921.517 con giống tam bội. Hai loài Hàu này được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản III chọn để sản xuất giống Hàu tam bội.

Hàu tam bội được nuôi thương phẩm để đánh giá chất lượng và khả năng thích nghi. Tiếp đến, so sánh tốc độ tăng trưởng của Hàu tam bội, tứ bội với Hàu địa phương lưỡng bội để đánh giá hiệu quả; theo dõi độ béo và chất lượng dinh dưỡng của Hàu tam bội, so sánh với Hàu địa phương lưỡng bội để đánh giá ưu thế Hàu tam bội. Thông qua tài liệu và tập huấn lý thuyết, thực hành sử dụng máy Flow Cytometer để phân tích bộ nhiễm sắc thể của từng loài, tam bội của từng loài; nhận dạng, đếm các bộ nhiễm sắc thể trên ấu trùng, con giống, Hàu chưa trưởng thành và Hàu trưởng thành. Trong quá trình nghiên cứu, Hàu tam bội  giống được nuôi riêng để theo dõi tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống, đánh giá chất lượng và khả năng thích nghi; Độ béo của Hàu tam bội được xác định theo công thức Korea và Barber (1998).

Kết quả nuôi thử nghiệm: Tất cả Hàu tam bội đều sinh trưởng, phát triển tốt. Tốc độ tăng trưởng của Hàu tam bội cao hơn Hàu lưỡng bội. Hàu tam bội Crassostrea gigas có tốc độ tăng trưởng về chiều cao là 0,029-0,031 cm/ngày, tốc độ tăng trưởng về khối lượng là 0,25-0,28 g/ngày (trong khi Hàu lưỡng bội Crassostrea gigas có tốc độ tăng trưởng về chiều cao là 0,028-0,030 cm/ngày, về khối lượng là 0,21-0,24 g/ngày ). Tỷ lệ sống của Hàu tam bội cao hơn, nhất là ở những nơi có nhiều mùn bã hữu cơ. Tỷ lệ sống trung bình của Hàu tam bội Crassostrea gigas dao động trong khoảng 34-47% (trong khi tỷ lệ sống trung bình của Hàu lưỡng bội Crassostrea gigas dao động trong khoảng 32-45%). Đặc biệt, Hàu tam bộiCrassostrea rivularis có tốc độ tăng trưởng rất nhanh – về chiều cao là 0,036 cm/ngày, về khối lượng là 0,38 g/ngày và tỷ lệ sống 46% (sau 8 tháng nuôi). Số liệu thu thập được cho thấy, tỷ lệ sống của Hàu lưỡng bội và Hàu tam bội không có sự sai khác nhiều, đã khẳng định khả năng phát triển tốt nghề nuôi Hàu tam bội tại Việt Nam. Hàu tam bội Crassostrea rivulariscó tốc độ tăng trưởng  cao nhất, cho thấy đối tượng này nhanh lớn, sẽ đem lại hiệu quả nuôi cao.

Về độ béo, sau khi phân tích chất lượng dinh dưỡng, so sánh độ béo của Hàu tam bội Crassostrea gigas với Hàu lưỡng bội Crassostrea gigas, kết quả cho thấy: độ béo của Hàu tam bội luôn cao hơn Hàu lưỡng bội và chỉ tiêu về dinh dưỡng này ở Hàu tam bội ổn định quanh năm. Trong khi ở Hàu lưỡng bội, độ béo cao chỉ duy trì trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 8 (cũng chính là mùa sinh sản của Hàu), còn từ tháng 9 thì độ béo ở Hàu lưỡng bội đã bắt đầu giảm cho đến tháng 3 năm sau. Có thể thấy, thời gian Hàu lưỡng bội béo rất ngắn, chỉ kéo dài khoảng 4-5 tháng trong một năm. Khi mổ Hàu tam bội và Hàu lưỡng bội (có cùng kích thước) thì thấy: Hàu tam bội có khối thân mềm lớn, chiếm gần đầy bên trong vỏ, khối thịt rắn chắc, hàm lượng nước ít; Trái lại, Hàu lưỡng bội có hàm lượng nước nhiều, khối thân mềm nhỏ (trong những tháng ngoài mùa vụ sinh sản, khối thân nhỏ, thậm chí teo tóp).

Thành công của Dự án đã giúp các nhà khoa học làm chủ được quy trình công nghệ sản xuất giống Hàu tam bội và kỹ thuật nuôi thương phẩm các loài Hàu. Cán bộ Dự án hiện đã sử dụng thành thạo thiết bị xác định nhiễm sắc thể Flow Cytometer, nhận dạng, đếm các bộ nhiễm sắc thể trên ấu trùng, con giống, Hàu chưa trưởng thành và Hàu trưởng thành. Giống Hàu tam bội ở cả hai loài Crassostrea gigas và Crassostrea rivularis đều phát triển tốt và có tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ sống cao. Dự án đã cung cấp giống Hàu tam bội cho rất nhiều tỉnh/thành trên cả nước, giúp hình thành và mở rộng nghề nuôi Hàu tại Bến Tre, Vũng Tàu, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định và Quảng Ngãi. Nghề nuôi Hàu phát triển không những giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, mà còn giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho cộng đồng ngư dân ven biển, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản…

Ngoài mục tiêu nâng cao năng lực nghiên cứu về tam bội trên Hàu, tạo nguồn nguyên liệu chất lượng cao phục vụ cho xuất khẩu, Dự án cũng hy vọng sẽ vận dụng những kết quả đã đạt được ở Hàu, áp dụng cho các đối tượng nhuyễn thể khác (như: Ngao). Nhìn chung, Dự án đã đạt được mục tiêu đề ra: Tiếp nhận công nghệ sản xuất Hàu tam bội từ công nghệ tứ bội của Mỹ, tạo đàn Hàu tứ bội – phục vụ sản xuất Hàu tam bội thương phẩm tại Việt Nam. Từ tháng 5/2010 đến tháng 7/2013, đã tạo thành công giống Hàu tứ bội của 02 loài Crassostrea gigas và Crassostrea rivularis. Tổng số con giống tứ bội loài Hàu Crassostrea gigas là 2.200 con, tổng số con giống tứ bội loài Hàu Crassostrea rivularis là 1.900 con.

Dự án đã tạo ra con giống Hàu tam bội chất lượng cao và có nhiều ưu điểm như: lớn nhanh, hình dáng đẹp, tốn ít thức ăn (vì Hàu có khả năng lọc các mùn bã hữu cơ và thực vật phù du trong nước, làm sạch môi trường), đầu tư thấp, lợi nhuận cao, và Hàu dễ dàng thích nghi, sinh trưởng tại nhiều địa phương… nên có thể mở rộng phạm vi nuôi dưỡng (nhất là tại vùng rừng ngập mặn, cửa sông – những nơi bị tàn phá khốc liệt bởi nghề nuôi tôm hay các loài hải sản khác). Dự án đã góp phần phát triển nghề nuôi Hàu, bảo vệ nguồn lợi Hàu tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cân bằng sinh thái vùng triều. Đặc biệt, những sản phẩm Hàu tam bội chất lượng cao được thị trường thế giới chấp nhận, chính là điều kiện tiên quyết kích thích nghề nuôi Hàu tam bội phát triển tại Việt Nam.

Nguồn: Nhanong.com được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Phòng trị bệnh cá chim vây vàng

Cá chim vây vàng (Trachinotus blochii) thích hợp cho nuôi lồng biển và ao đầm nước mặn, lợ. Trong quá trình nuôi đã xuất hiện nhiều loại bệnh, làm chết cá từ rải rác đến hàng loạt. Do vậy, người nuôi cần cập nhật các thông tin về bệnh để phòng trị kịp thời.

Do vi khuẩn

Bệnh do vi khuẩn Vibrio sp và  Vibrio anguillarum

Cá nhiễm bệnh thường bỏ ăn, chết rải rác, bụng trương to, thức ăn không tiêu. Cá hoạt động kém, bơi chậm chạp, màu sắc cá chuyển từ sáng nâu sang xám đen. Bệnh xuất hiện nhiều ở cá giống và giai đoạn nuôi cá thương phẩm mật độ cao, khi nước bị nhiễm bẩn.

Biện pháp phòng trị: Nước nuôi luôn phải sạch, không ô nhiễm. Thức ăn cho cá nên bổ sung thêm Vitamin C để tăng sức đề kháng. Khi phát hiện cá bị bệnh cần thay nước liên tục trong 3 ngày, mỗi ngày thay 50% lượng nước và trộn thuốc kháng sinh Tetracycline vào thức ăn, liều lượng  3 – 5 g/kg thức ăn/ngày. Cho ăn 5 ngày liên tục, mỗi ngày cho ăn một lần vào buổi sáng.

Bệnh đốm trắng nội tạng (vi khuẩn Nocardia sp)

Bệnh đốm trắng nội tạng trên cá chim vây vàng vừa được phát hiện bởi Khoa Nuôi trồng Thủy sản, Trường Đại học Nha Trang. Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Nocardia sp. Cá nhiễm bệnh thường bỏ ăn, cơ thể xuất hiện nhiều nốt phồng rộp nhỏ dưới da, sau đó, vỡ tạo nên các điểm thương tổn nhỏ màu nâu. Mang cá xuất hiện nhiều dịch nhầy cùng các vùng thương tổn và các hạt nhỏ màu trắng đục. Phía trên xương sống xuất hiện một số khối u làm xương sống bị vẹo gây dị dạng cho cá. Quan sát trong ổ bụng cá thấy các hạt trắng nhỏ xuất hiện ở thận, lá lách và gan. Bệnh thường gặp trên cá ở giai đoạn đầu thả nuôi (cỡ 6 – 10 cm), xuất hiện ở thời điểm bắt đầu mùa mưa (tháng 7 – 8) tỷ lệ cá chết lên đến 50%.

Bệnh đốm trắng nội tạng trên cá chim vây vàng (phồng rộp da (a); màng tiết dịch nhầy (b); khối u cột sống (c); cong thân (d))

Biện pháp phòng trị: Thả cá mật độ vừa phải (nuôi ao 1 – 2 con/m2, lồng 3 – 5 con/m3). Đối với cá nuôi ao, cần cải tạo ao kỹ và xử lý nước trước khi thả cá. Duy trì độ mặn > 10‰ trong quá trình nuôi. Thay nước và bón vôi định kỳ hàng tháng, liều lượng 2 kg/100 m3 nước. Cung cấp đủ lượng thức ăn tránh dư thừa.

Cá nuôi lồng bè cần định kỳ 3 tháng/lần di chuyển lồng bè đến chỗ mới, vệ sinh lồng hàng ngày và bổ sung thêm vitamin, men vi sinh vào thức ăn để tăng sức đề kháng và giúp cá tiêu hóa tốt. Khi phát hiện cá bị bệnh nên giảm 50% lượng thức ăn, thay nước 30 – 50% nước ao hàng ngày và san bớt cá (cá nuôi lồng). Dùng kháng sinh Clindamycin (thuốc thú y) với liều lượng 4 – 5 g/kg cá, cho ăn liên tục 5 – 7 ngày.

Do ký sinh trùng

Trùng Cryptocaryon

Trùng Cryptocaryon rất nguy hiểm vì khi chúng ký sinh có thể gây chết hàng loạt cá nuôi. Trùng hình quả lê, kích thước 0,5 mm, thường ký sinh  bề mặt thân và mắt cá.

Khi cá nhiễm bệnh, trên da và mang xuất hiện các chấm trắng nhầy, cá ngứa ngáy, hay cọ mình vào các vật cứng khi bơi. Bệnh thường xuất hiện khi nhiệt độ nước hạ thấp.

Phòng, trị bệnh: Nuôi cá đúng thời vụ, đảm bảo độ sâu nước ao từ 1,2 m trở lên, cá nuôi lồng sâu 3 – 4 m để ổn định nhiệt độ nước. Dùng phèn xanh (CuSO4) để tắm cho cá với nồng độ 0,5 ppm trong nước ngọt 5 – 10 phút, sục khí mạnh hoặc sử dụng formol 100 ppm kết hợp với nước ngọt để tắm cho cá trong thời gian 5 – 10 phút.

Trùng bánh xe Trichodina

Trùng bánh xe dạng hình tròn, kích thước 100 mm (đường kính thân), thường ký sinh trên mang, vây và bề mặt thân cá. Cá nhiễm bệnh, cơ thể yếu, mang có màu nhợt nhạt, hay nhao mình lên mặt nước, cọ mình vào vật cứng, xuất hiện nhiều niêm dịch trên mang và bề mặt thân. Khi ký sinh vào cá, trùng sẽ vận động quanh mang, phá hủy mô của cá, sinh ra nhiều dịch nhầy bám trên mang gây ngạt thở cá. Điều trị: tắm cá với dung dịch formol 200 ppm với thời gian 30 – 60 phút, sục khí mạnh.

Trùng miệng lệch Brooklynella

Trùng có hình quả thận, kích thước 60 mm, trên thân có những hàng lông tơ mọc song song. Trùng thường ký sinh trên mang, bề mặt thân cá. Khi bị nhiễm bệnh cá ngứa ngáy khó chịu, bơi không định hướng. Trên da và mang bị tổn thương nhiều và bị nhiễm trùng, khi bệnh nặng cá bị chết nhiều.

Điều trị: Tắm cá với dung dịch formol nồng độ 200 ppm thời gian 30 – 60 phút, sục khí mạnh hoặc tắm formol 30 ppm trong 1 – 2 ngày, sục khí mạnh.

Trùng quả dưa Ichthyopthirius multifiliis

Trùng có hình dạng giống quả dưa, đường kính cơ thể 0,5 – 1 mm, ký sinh ở da, mang, đầu và vây cá, chúng hút chất dinh dưỡng cá, đồng thời kích thích cơ thể cá tạo ra đốm mủ trắng quanh vị trí bám. Trùng bám nhiều ở mang nên làm suy giảm chức năng hô hấp gây ngạt thở cá. Cá bị bệnh nặng sẽ bơi lội chậm chạp, lờ đờ. Khi yếu chúng chỉ ngoi đầu lên mặt nước để thở, đuôi bất động, chìm dần xuống đáy và chết. Điều trị: Quản lý tốt chất lượng nước nuôi, khi cá bị bệnh có thể bắt cá lên tắm formol với nồng độ 50 ppm trong thời gian 10 phút, hoặc phun xuống ao với liều lượng 7 –  8 ppm trong liên tục trong 3 ngày (cách ngày phun ngày).

Bệnh rận cá

Rận cá thường có màu sắc giống màu da cá, khi bám vào cá chúng cào rách lớp da và mang gây viêm loét và dùng tuyến độc qua ống miệng để tiết chất độc gây hại cá. Khi bị rận ký sinh, cá gầy yếu và lở loét trên thân, cá bị nhiễm nặng sẽ chết hàng loạt. Điều trị: dùng nước ngọt tắm cho cá 2 – 3 ngày, mỗi ngày 15 phút

Nguồn: tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá chim trắng vây vàng

Cá chim trắng vây vàng là đối tượng thủy sản nuôi mới có giá trị kinh tế cao. Hiện nay cá chim trắng vây vàng được nuôi khá phổ biến ở một số địa phương và nhiều mô hình nuôi thử nghiệm đối tượng này ở một số địa phương khác cũng cho thấy có hiệu quả kinh tế cao. Do đó, việc sản xuất nhân tạo giống cá chim trắng vây vàng là yêu cầu cấp thiết để phát triển nghề nuôi đối tượng thủy sản nhiều tiềm năng này.

Cá chim trắng vây vàng – Stromateoides argenteus

1. Đặc điểm sinh trưởng và sinh sản

Cá chim vây vàng có kích thước tương đối lớn, chiều dài có thể đạt 45-60cm. Cá sinh trưởng nhanh, trong điều kiện nuôi bình thường một năm có thể đạt quy cách cá thương phẩm cỡ 0,5-0,7 kg. Từ năm thứ hai trở đi mỗi năm trọng lượng tuyệt đối tăng là 1 kg. Mùa sinh sản của cá chim vây vàng từ tháng 4-5 và duy trì cho đến tháng 8. Sức sinh sản của cá thể 40-60 vạn trứng. Trong thiên nhiên cá hương 1,2-2 cm bắt đầu bơi vào vùng biển cạn, cá lớn 13-15cm bắt đầu di cư từ vùng biển cạn ra vùng biển sâu. Hiện nay, ngoài tự nhiên cá thành thục ở 7-8 tuổi nếu muốn cho cá thành thục sớm cần phải tiêm kích dục tố, nuôi vỗ cá bố mẹ một cách khoa học. Trong thực tiễn sản xuất chứng minh cá chim vây vàng 4 tuổi tuyến sinh dục đạt độ thành thục, qua đó kích thích cá có thể phóng trứng thụ tinh và ấp nở thành cá bột bình thường.

Kiểm tra mức độ thành thục của cá thường được tiến hành trước 1 tuần trước khi cá đẻ nhằm quyết định thời điểm cá đẻ thích hợp. Chỉ có cá bố mẹ có tuyến sinh dục thành thục ở mức độ nhất định mới có thể đưa vào cho sinh sản nhân tạo. Tiêu chuẩn chọn cá cái cho sinh sản, kiểm tra trứng bằng que thăm trứng, trứng có đường kính từ 0,4-0,5 mm, các hạt noãn hoàn phân bố đều, không còn khoảng cách giữa noãn hoàn và nang trứng. Đối với cá đực, vuốt nhẹ phần bụng thấy có sẹ chảy ra và tan nhanh trong môi trường nước. Trong quá trình nuôi vỗ thường xuyên kiểm tra mức độ thành thục của cá để có biện pháp cho đẻ kịp thời.

2. Nuôi vỗ cá bố mẹ

Cá bố mẹ được lựa chọn từ đàn cá trưởng thành nuôi tại ao nuôi thương phẩm. Chọn cá khoẻ mạnh, không bị tổn thương, xây xát; cá cái, cá đực tuổi từ 2 tuổi trở lên; trọng lượng từ 2-3kg/con. Tỷ lệ cá đực/cá cái là 1/1 để đưa vào nuôi vỗ.

Ao đất nuôi vỗ cá bố mẹ có diện tích khoảng 1.000 m2, độ sâu mức nước 1,5 m, chất đáy là cát thịt, độ dày lớp bùn đáy 10-15 cm. 2 tuần nuôi cuối trước khi cho cá sinh sản, cá bố mẹ được nuôi trong bể xi măng có thể tích 80-100m3, độ sâu 1,5-1,8m. Môi trường nuôi vỗ: Môi trường nuôi vỗ cá bố mẹ có nhiệt độ trung bình 24-280C, pH 7,5-8,5; Oxy trên 4 mg/l, độ mặn 26-30‰. Mật độ nuôi vỗ cá bố mẹ trong ao từ 10-15 kg/100m2. Bể xi măng: 1-2 kg/m3.

3. Chăm sóc, quản lý

Nuôi vỗ chính vụ cá chim vây vàng từ tháng 2 đến tháng 4. Thức ăn nuôi vỗ cá bố mẹ gồm có cá tạp tươi hoặc thức ăn công nghiệp dùng cho cá biển có hàm lượng protein (chất đạm) 35-40%, lipit (chất béo) 10-12%. Khẩu phần ăn từ 3-4% khối lượng cá nuôi; cho cá ăn ngày một lần, vào lúc 8 giờ.

4. Kiểm tra mức độ thành thục sinh dục của cá

Đối với cá cái, dùng ống nhựa mềm có d = 1mm, đưa ống nhựa qua lỗ sinh dục vào tới buồng trứng, lấy một số tế bào trứng ra quan sát và đánh giá: nếu quan sát thấy chưa rõ hạt trứng thì buồng trứng mới ở giai đoạn II; các hạt trứng không đều cỡ, không tròn, còn dính lại nhau thì buồng trứng ở giai đoạn III; các hạt trứng có màu xanh vàng, tròn, rời thì buồng trứng ở giai đoạn IV, cá đã thành thục, tiến hành cho đẻ. Đối với cá đực, kiểm tra sẹ, thấy cá có sẹ trắng sữa, tan nhanh trong nước, cá đã thành thục chọn cho đẻ.

Kiểm tra mức độ thành thục sinh dục của cá bố mẹ

5. Cho cá đẻ

Bể cho cá đẻ là bể xi măng hay composit, có thể tích chứa nước 70-100 m3, độ sâu 1,3-1,5m, có đường cấp nước, thoát nước thuận tiện, bể có mái che và hệ thống sục khí. Điều kiện môi trường sinh thái thích hợp nhất cho cá đẻ trứng: nhiệt độ nước từ 28-300C, độ mặn từ 30-32‰, oxy hoà tan ≥ 4mg/lít, pH từ 7,8-8,5.

Chọn cá cái: sử dụng ống nhựa mềm có đường kính 1mm đưa qua lỗ sinh dục, vào tới buồng trứng, hút trứng ra để kiểm tra. Nếu thấy trứng có màu trắng ngà, các hạt trứng tròn, đều, rời nhau là cá thành thục tốt, chọn cá cho đẻ. Nếu các hạt trứng dính lại, không đều, không rời nhau là trứng còn non. Nếu các hạt trứng rời nhau, nhão, mầu trắng đục là trứng thoái hóa. Chọn cá đực: cũng dùng ống nhựa mềm có đường kính 1mm đưa vào lỗ liệu sinh dục hút sẹ để kiểm tra, nếu thấy sẹ đặc, màu trắng sữa, tan nhanh trong nước là sẹ tốt chọn cá cho đẻ.

Sử dụng chất LRH-A2 kết hợp với HCG liều lượng 8-10mg + 300-500 UI HCG/1kg cá cái; Cá đực liều lượng bằng 1/2 so với cá cái. Liều lượng chất kích thích sinh sản cho cá có thể nhiều hoặc ít hơn phụ thuộc vào mức độ thành thục của tuyến sinh dục tại thời điểm cho cá đẻ. Tiêm chất kích thích sinh sản từ 1-2 lần trong một đợt cho cá đẻ tuỳ thuộc mức độ thành thục của cá tốt hay chưa thật tốt. Nếu tiêm 2 lần, lần 1 chỉ tiêm LRH-A2 với liều lượng 1/4-1/3 tổng lượng thuốc cần dùng, nơi tiêm là phần mềm gốc vây ngực của cá (vây P).

Sau khi cá đẻ khoảng 2-3 giờ tiến hành thu toàn bộ trứng có trong bể. Khi thu trứng trong bể đẻ, dùng vợt có kích thước mắt lưới là 60 mắt/cm2, vợt loại nhỏ: 80cm x 35cm x 120cm, vợt loại lớn 5m x 1,2m x 4m để thu trứng. Trứng cá thu được chuyển vào thùng nhựa có thể tích là 100 lít để tách trứng thụ tinh; môi trường tách trứng thụ tinh có độ mặn 30-32‰. Trứng cá chim vây vàng thụ tinh thường nổi trên mặt nước, trứng không thụ tinh hoặc hỏng thường chìm xuống đáy. Dùng tay khuấy tròn dòng nước trong thùng rồi để yên khoảng 5-7 phút cho trứng thụ tinh nổi trên bề mặt, các trứng không thụ tinh, trứng hỏng và các chất bẩn lắng chìm xuống đáy thùng. Dùng vợt có kích thước mắt lưới 60 mắt/cm2 để vớt trứng thụ tinh chuyển vào bể ấp, tiến hành 2-3 lần đến khi thu hết trứng thụ tinh.

6. Ấp trứng và ương nuôi ấu trùng

Dụng cụ ấp trứng là bể composite có thể tích1m³, có sục khí. Môi trường ấp trứng là nước biển sạch, các yếu tố môi trường đảm bảo trong quá trình ấp trứng: độ mặn 30-32‰, nhiệt độ 26-300C, pH: 7,8-8,5, ôxy hoà tan ≥ 5mg/lít. Trứng thụ tinh được chuyển vào bể ấp trứng, mật độ ấp trứng từ 400-500 trứng/lít.

Bể ấp đặt ở nơi thoáng mát tránh ánh sáng mặt trời chiều trực tiếp vào môi trường ấp trứng. Duy trì sục khí liên tục. Hút bỏ trứng chìm ở đáy bể đảm bảo môi trường sạch. Thời gian ương nuôi ấu trùng từ 60-72 giờ, cũng là thời điểm cá phát triển thành cá bột.

7. Ương nuôi cá bột lên cá hương 2-3cm

Bể ương: bể xi măng hình chữ nhật hoặc bể composite hình tròn, có chiều cao 1-1,2m, dung tích bể 10-20m3. Bể có hệ thống sục khí, hệ thống cấp thoát nước thuận tiện. Trước khi đưa ấu trùng vào bể ương nuôi phải vệ sinh, sát trùng bể sạch. Điều kiện môi trường: độ mặn 28-30‰; nhiệt độ 26-300C; pH 7,8-8,5; Oxy hoà tan ≥ 4mg/lít.

Ấu trùng cá chim vây vàng thả vào nuôi phải có chất lượng tốt, cá khoẻ mạnh, tỷ lệ dị hình dưới 0,05%. Mật độ ương từ 2.000-3.000 con/m3. Mức nước ban đầu ở bể ương 0,5 m. Ngày nuôi thứ 2 đến ngày thứ 6, hàng ngày cấp thêm 10 cm nước vào bể ương. Mức nước trong bể ở ngày nuôi thứ 6 đạt 1m. Ngày thứ 7, thay 40% lượng nước trong bể, sau đó cấp thêm 10cm nước, nâng mức nước trong bể lên 0,7m. Ngày thứ 9 cấp thêm nước, nâng mức nước trong bể lên 0,8m.

Ương ấu trùng cá chim trắng vây vàng

Ngày thứ 11 cấp thêm nước, nâng mức nước trong bể lên 0,9m. Ngày thứ 13 cấp thêm nước, nâng mức nước trong bể lên 1m. Ngày thứ 14 trở đi, hàng ngày tiến hành si phông đáy và thay 50% nước trong bể. Từ ngày nuôi thứ nhất đến ngày thứ 5, cấp tảo Nanochloropsis ocunata hoặc Chlorellasp vào bể ương đạt mật độ 50-100 vạn/ml; vớt váng ở tầng mặt bể ương 2 lần một ngày.

Thức ăn ban đầu của cá là luân trùng. Trước khi đưa luân trùng vào bể ương,luân trùng phải được giàu hoá bởi tảo Nanochloropsis ocunata hay Chlorella sp nhằm nâng cao chất lượng thức ăn, tăng tỷ lệ sống cá nuôi. Mỗi ngày cho cá ăn 2 lần, duy trì mật độ luân trùng trong bể ương từ 6 – 8 con/ml. Đến ngày nuôi thứ 14, ngoài luân trùng, cho cá ăn thêm Nauplius Artemia; và Copepodda đảm bảo có từ 10-15 con/ml nước trong bể ương. Ngày thứ 20 trở đi ngoài cho cá ăn Artemia và Copepodda giảm còn 5-7 con/ml thì cho cá ăn thức ăn hỗn hợp là thịt cá băm nhỏ hợp với cỡ miệng khẩu phần ăn từ 0,8- 1,2 kg cá/1 vạn cá con.

Cá chim trắng vây vàng giống

Đến thời kỳ này cũng có thể tập cho cá ăn thức ăn hỗn hợp chế biến ở dạng viên nhỏ, kích cỡ thức ăn hỗn hợp bắt đầu từ số 0 (cỡ 250mm) tăng dâng lên số 1 (cỡ 400 mm), khi cho ăn phải quan sát theo dõi cá ăn, để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp. Sau 5 ngày nuôi tiến hành xi-phông đáy 1 lần/ ngày vào lúc 8 giờ để loại bỏ chất thải và xác chết ra ngoài bể ương. Chú ý, quá trình xi-phông đáy không hút lẫn cá con và duy trì các yếu tố môi trường nuôi cá.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam