Trồng cây cà rốt

Cây cà rốt được trồng từ đầu những năm 70 của thế kỷ trước theo đơn hàng của ngành công thương và là một trong những mặt hàng xuất khẩu của nước ta, cà rốt được trồng phổ biến khi người dân có nhu cầu và xây dựng mô hình lớn vào những năm gần đây.cây cà rốt

Từ kết quả nghiên cứu nhiều năm kết hợp với ghi chép, tập hợp những kinh nghiệm thực tế trong trồng trọt cây lấy củ, chúng tôi xin nêu ra những nội dung cơ bản về kỹ thuật gieo trồng cây cà rốt nhằm giúp nông dân hiểu biết và nắm được những kiến thức cơ bản để áp dụng trong thực tế sản xuất.

1. Thời vụ gieo trồng:

Cà rốt được gieo trồng từ tháng 8 đến đầu tháng 2 năm sau; thu hoạch từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau; và có thể phân ra thành 3 trà như sau:
– Trà sớm gieo hạt từ: đầu tháng 8-15/10, cho thu hoạch từ tháng 11;
– Trà chính vụ gieo hạt từ: 16/10-15/12, thu hoạch xung quanh tết âm lịch;
– Trà muộn gieo hạt từ: 16/12 đến 30/01 năm sau, thu hoạch đến tháng 5.

2. Giống:

Có rất nhiều giống, tuy nhiên hiện nay nông dân tại 2 xã Cẩm Văn và Đức Chính (huyện Cẩm Giàng) và các vùng phụ cận trồng chủ yếu 2 giống cà rốt lai là: Super VL-444 F1 và Ti-103 của hãng TAKII SEED (Nhật Bản). Giống này có thời gian sinh trưởng từ 100-130 ngày. Năng suất trung bình đạt 1,5 tấn/sào, cao hơn có thể đạt 3 tấn/sào.
 

3. Kỹ thuật làm đất:

– Nên chọn đất bãi bồi ven sông là đất thịt nhẹ, đất cát pha hoặc đất phù sa để trồng cà rốt là tốt nhất. Đất phải được dọn sạch cỏ dại, sau đó cày bừa kỹ, phay nhỏ, san phẳng rồi lên luống. Chiều rộng của luống từ: 85-90cm (trà sớm) và 80-85cm (trà chính vụ và trà muộn); độ cao từ: 20-25cm; rãnh rộng từ: 25-30cm.
– Sau khi san phẳng mặt luống, kẻ 3 hàng trên mặt luống theo chiều dọc và sâu khoảng 5cm, hàng cách hàng từ 13-15 cm. (Nếu gieo bằng máy thì máy tự kẻ hàng).
 

4. Phân bón

* Lượng phân bón:
– Sử dụng phân chuồng, phân gà, phân bắc đã ủ mục; liều lượng từ: 4-6 tấn/ha hoặc 1,5 – 2,2 tạ/sào; có thể thay thế phân chuồng bằng phân hữu cơ vi sinh;
– Phân lân (supe Lâm Thao): 25-30 kg/sào;
– Phân đạm urê (40%): 6-8 kg/sào;
– Phân ka ly (60%): 5-6 kg/sào.
Có thể dùng phân NPK để bón thay thế cho phân đơn song phải tính toán sao cho từng giai đoạn với tỷ lệ NPK cho phù hợp.
* Cách bón:
Cây cà rốt là cây lấy củ nên cần bón phân sớm, bón tập trung và bón cân đối; hạn chế bón đạm, nhất là bón đạm muộn; không nên phun các chất kích thích sinh trưởng. Cụ thể cách bón và liều lượng bón như sau:
– Trộn toàn bộ phân chuồng ủ mục hoặc phân vi sinh với phân lân supe Lâm Thao rồi đem bón lót bằng cách rắc đều trên mặt luống, nếu lượng phân ít có thể chỉ rắc theo 3 đường kẻ trên mặt luống;
– Bón thúc lần 1 khi cây có lá thật (xoay lá); sử dụng phân đạm từ 1-1,5 kg/sào; hòa đạm loãng vào nước rồi tưới đều cho cây (tưới bằng doa);
– Bón thúc lần 2 sau khi tỉa cây sơ bộ (khi cây có 3-4 lá thật); bón đạm ure với lượng 2kg/sào;
– Bón thúc lần 3 sau khi tỉa định cây lần cuối (rễ đã phát triển to bằng que đan); bón đạm urê: 3 kg/sào; ka ly: 2- 3 kg/sào (tưới đạm, kaly riêng);
– Bón thúc lần 4 sau khi củ đã hình thành; bón ka ly từ: 3-4 kg/sào. Căn cứ vào thời tiết, chất đất, sinh trưởng cây trồng để quyết định lượng đạm bón cho phù hợp hoặc chỉ bón (tưới) dặm những chỗ cây có biểu hiện thiếu đạm. Nếu thừa đạm sẽ tốt lá mà không xuống củ; khắc phục bằng cách hạn chế tưới, cắt bớt lá già, lá gốc, lá sâu bệnh.
 

5. Gieo hạt:

– Lượng hạt: Trà vụ sớm gieo từ: 100-120g/sào; chính vụ: 100g/sào; vụ muộn: 70-90g/sào;
– Ngâm hạt trong nước từ: 8-10 tiếng, sau đem ủ từ: 1-3 ngày (tối rửa qua nước chua rồi ủ lại). Ủ hạt nên áp dụng ở vụ muộn do nhiệt độ thấp nên hạt rất khó nở; để hạt nhanh nở có thể vùi hạt trong tro ấm hoặc để cạnh bếp. Có thể ủ từ: 5-7 ngày khi hạt nhú rễ ra là được;
– Trước khi đem gieo, tãi hạt cho gần khô sau đó trộn hạt với đất bột trắng (phấn) hoặc vôi tả (vôi bột) để dễ nhận biết khi gieo hạt;
– Hạt có thể gieo bằng máy hoặc gieo bằng tay (gieo theo kiểu bỏ hốc, hốc cách hốc là 3cm; mỗi hốc từ: 1-2 hạt); nếu gieo bằng máy thì không nên ủ hạt có rễ dài, vì như vậy hạt sẽ xuống không đều. Khi gieo bằng máy, nên có người đi theo để dặm thêm vào những chỗ hạt xuống không đều.
 

6. Chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh:

* Phủ rơm, rạ:
Phủ một lớp rơm, rạ mỏng trên mặt luống nhằm hạn chế đất bị đóng váng, (bề mặt bị lỳ do mưa, tưới); ảnh hưởng đến tỷ lệ nảy mầm đồng thời phủ rơm còn có tác dụng giữ ẩm, hạn chế cỏ dại và giữ cho cây không bị đổ khi còn nhỏ.
* Tưới nước:
– Sau khi phủ rơm, rạ xong nên tưới nhẹ bằng vòi sen, phun mưa hoặc thùng doa; đảm bảo cho độ ẩm của đất từ 84-90% để cho cây mọc đều và phát triển tốt. Nếu ruộng có tỷ lệ cát cao, kết hợp với thời tiết hanh khô thì phải tưới hàng ngày. Khi thời tiết có mưa nhỏ, mưa phùn thì không phải tưới.
– Giai đoạn cây con từ 3 lá đến tỉa định cây lần cuối: áp dụng phương pháp tưới rãnh (hạn chế tưới ẩm quá bề mặt -> củ ngắn);
– Giai đoạn phát triển củ cho đến trước khi thu hoạch: duy trì độ ẩm đất khoảng từ: 60-75%. Không được tưới rãnh, không được tưới quá ẩm, khi có mưa ruộng phải thoát nước và cũng không được để ruộng quá khô (vì để quá khô khi gặp mưa lớn, nước nhiều, ẩm độ cao sẽ gây nứt củ).
* Thuốc trừ cỏ:
Sau khi gieo hạt, phủ rơm – rạ, tưới nước từ 1- 3 ngày cho bề mặt đất ổn định mới phun thuốc trừ cỏ. Sử dụng thuốc với liều lượng: 25 ml thuốc Dual Gold 960EC hoặc 40-50 ml thuốc Ronstar 25EC; pha thuốc với 12-16 lít nước phun đều cho 1 sào. Để tăng hiệu quả trừ cỏ có thể hỗn hợp 2 loại thuốc trên nhưng liều lượng các loại thuốc phải giảm đi (vì thuốc Dual Gold có hiệu quả cao với đuôi phụng, cỏ 1 lá mầm; thuốc Ronstar lại có hiệu quả cao với cỏ rau, cỏ 2 lá mầm). Thuốc trừ cỏ Ronstar chỉ được phun trừ khi hạt cà rốt chưa mọc; còn khi hạt cà rốt đã mọc thì không được sử dụng.
* Nhổ, tỉa cố định cây:
– Khi cây mọc cao 4-5cm cần nhổ tỉa bỏ các cây mọc dày, không để 2 cây cùng 1 hốc, cây cách cây từ 7-8cm;
– Khi cây cao 7-10 cm, rễ đã to bằng que đan.., ta tỉa định cây lần cuối;
– Khi tỉa nhổ cây kết hợp dọn, nhổ bỏ cỏ dại.
* Phòng trừ sâu, bệnh
Cây cà rốt có rất nhiều đối tượng sâu, bệnh (dịch hại) gây hại:
– Ở giai đoạn đầu, giai đoạn cây con, cần chú ý: sâu hại rễ, bệnh lở cổ rễ và chuột hại. Ở giai đoạn phát triển thân lá: thường xuất hiện giòi hại lá, sâu khoang, sâu đo xanh, bệnh phấn trắng, bệnh nấm hạch, bệnh sương mai… Ở giai đoạn phát triển củ cho đến trước khi thu hoạch: cũng vẫn xuất hiện các đối tượng dịch hại như thời kỳ phát triển thân lá và bệnh thối đen, thối khô, thối nhũn. Ở giai đoạn này cần chú ý các bệnh về thối củ…
– Để phòng trừ các đối tượng dịch hại trên, nông dân nên sử dụng những loại thuốc đặc hiệu, ít độc, thân thiện với môi trường:
+ Đối với giòi hại lá nên sử dụng các loại thuốc có hoạt chất là Abamectin và Cyromazine;
+ Đối với sâu ăn lá có thể lựa chọn được rất nhiều loại thuốc có hoạt chất có tính đặc hiệu, ít độc như các dòng thuốc: Sinh học, thảo mộc, vi sinh, ức chế điều hòa sinh trưởng, dầu khoáng….;
+ Đối với nấm bệnh, cần chú trọng các biện pháp canh tác như: thời vụ, phân bón (đạm) và độ ẩm. Thuốc nên chọn thuốc có độ độc thấp, mang tính đặc hiệu như Valydamycin; Carbenzadim; Difenoconazole…
 

7. Thu hoạch:

Cây cà rốt có thời gian sinh trưởng từ 100-130 ngày. Căn cứ vào thời vụ và nhu cầu tiêu thụ trên thị trường, bà con tiến hành thu hoạch khi cà rốt đạt kích cỡ củ trung bình dài 18-22cm, đường kính 3-4 cm. Sau khi nhổ củ, cắt bỏ dọc, chọn lọc củ không mấu, tật, nứt, thối, thu gom đóng bao và tiêu thụ. Nếu thời tiết hanh khô có thể tưới ẩm trước khi nhổ từ 10-12 tiếng; để đất ẩm rễ nhổ (thu hoạch).
Cây cà rốt là cây trồng không thể thay thế được tại xã Đức Chính và Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng. Do đất đai tại địa phương có hạn cho nên nhiều gia đình tại đây phải đi thuê đất trồng cà rốt ở các vùng đất bãi ven sông Thái Bình, Kinh Thầy… Để tăng hiệu quả kinh tế, giảm chi phí nên việc gieo trồng cà rốt đã không ngừng được cải tiến và áp dụng cơ giới hóa ở tất cả các khâu như: làm đất, lên luống, gieo hạt… Tại địa phương đã hình thành vùng sản xuất cà rốt hàng hoá và cũng là nơi tiêu thụ cà rốt lớn nhất ở miền Bắc. Cà rốt đã được đăng ký thương hiệu “Cà rốt an toàn Đức Chính và Cẩm Văn, Cẩm Giàng”. Tại đây hiện đang có 3 doanh nghiệp lớn (có nhà xưởng, kho lạnh, băng chuyền rửa, tãi khô, bao gói..) và rất nhiều cơ sở vệ tinh thu mua, tiêu thụ cà rốt cho nông dân để cung ứng cho các địa phương lân cận; xuất khẩu sang Trung Quốc và vận chuyển vào phía Nam. Nhờ cây cà rốt, đời sống của nhân dân xã Đức Chính và Cẩm Văn ngày càng phát triển, nhiều gia đình đã trở thành triệu phú và là cây làm giàu tại địa phương.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Trồng gừng trong bao

Sau nhiều năm bôn ba với nghề thợ hồ, năm 2006, ông Trần Văn Công (56 tuổi) ở ấp Bình Phong, xã Thái Bình, huyện Châu Thành, Tây Ninh quyết định về nhà trồng gừng. “Tôi lớn tuổi rồi, ra ngoài làm mướn không bằng tụi trẻ” – ông Công tâm sự.

trồng gừng trong bao

Ông chọn miếng đất bên hông nhà khoảng 100m2, làm đất kỹ lưỡng và lên liếp trồng gừng. Do chưa có kinh nghiệm, cộng với đất ở đây thường ẩm ướt, nên gừng hay bị thối củ, năng suất không cao. Những lần ông đốt rác, rồi cho vào trong bao bỏ trong góc vườn. Thấy đất tốt, ông trồng thử vài gốc gừng, thu hoạch, gừng cho năng suất cao hơn trồng trên liếp. Ông nảy ra sáng kiến trồng gừng trong bao.

Từ phân rác, ông chế công thức pha trộn đất để trồng gừng. Năm 2007, ông san bằng mặt liếp, đến các công trường xin bao xi măng về may thành các túi nhỏ, cho đất trồng 1.000 gốc gừng. Sau 6 tháng, ông thu được trên 2.000kg gừng củ, với giá gừng 40.000 đồng/kg, trừ chi phí ông lãi gần 80 triệu đồng. Ông cho biết, 2 năm ông trồng 3 vụ gừng, trừ chi phí, mỗi năm ông bỏ túi trên 100 triệu đồng.

Ông Trần Văn Công chăm sóc gừng.

Theo ông Công, ưu điểm của trồng gừng trong bao là đất không ẩm ướt, nên củ gừng không bị thối, không bị rễ các cây khác chèn vào, vì vậy năng suất mỗi gốc từ 2-3kg củ, trong khi trồng trên liếp, mỗi gốc cho khoảng 1,5kg củ. Mặt khác, trồng gừng trong bao dễ chăm sóc, di dời và dễ thu hoạch.

Thành công với cây gừng, năm 2010, ông thử nghiệm trồng 17 gốc khoai môn củ trong bao. Kết quả, khoai môn trồng trong bao củ to hơn, năng suất mỗi bao từ 2,7- 3kg củ, còn trồng trên liếp mỗi gốc chỉ cho 1,5-2kg củ. Năm 2011, ông quyết định trồng thêm 100 gốc khoai môn trong bao.

Ông Công dự định, cuối năm, ông mở rộng thêm diện tích trồng gừng, khoai môn và mua lưới để che vườn gừng. Ông chia sẻ, theo khuyến cáo của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, nếu cây gừng được che mưa, che nắng, năng suất sẽ cao hơn.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Kĩ thuật trồng và chăm sóc na thái

Đất đai: Cây Na Thái dễ sống không kén chọn đất, kể cả đất nghèo dinh dưỡng, đất sỏi, đất cát, chua hoặc trung tính. Tuy nhiên, để Cây Na Thái cho quả to ngon, năng suất cao, thi Bà con nên trồng ở loại đất tốt, giàu dinh dưỡng và thoát nước tốt.

Đất thích hợp nhất để trồng Na Thái là đất rừng mới khai phá, đất phù sa, có độ pH= 5,5-6,5. Nếu trồng đất xấu, không bón phân thì cây nhanh già cỗi, ít quả, hạt nhiều, quả nhỏ.

Ánh sáng và độ ẩm: Na Thái là cây trồng ưa ánh sáng hoàn toàn,  Na Thái ưa độ ẩm trung bình.

Nhiệt độ: Na Thái chịu được biên độ nhiệt lớn, chịu rét khá tốt. Mùa đông cây rụng lá, nghỉ đông ngừng sinh trưởng, đến mùa xuân lại mọc lá mới. Cây rất phù hợp trồng ở Miền Bắc nước ta.

Thời vụ trồng: Bà con nên trồng Na Thái vào mùa xuân kéo dài đến tháng 8-9.

Mật độ trồng: Tính theo kích thước của tán cây có thể trồng mật độ 4x4m hoặc 4x5m/ 1 cây. Khoảng cách trồng 5m ở đất tốt, 4m ở đất xấu

  Na Thái giống

Đào hố trồng: Hố trồng Na Thái cần có chiều sâu khoảng 50 cm, kích thước rộng, bón lót bằng 15-20kg phân chuồng + 0,2 kg kali + 0,5 kg lân trước khi trồng khoảng 7-10 ngày.

Cách trồng: Trồng Na Thái cũng không khác gì so với trồng Na Thường. Đối với Bầu Na gieo từ hạt khi đã đủ tuổi Bà con tiến hành rạch nilon sau đó đặt cây vào giữa hố đã đào sẵn, san đất xuống hố và nệm đất cao hơn gốc cây một chút. Đối với cây giống ghép cành Bà con cũng trồng như thế. Bà con chú ý sau khi trồng cần tưới đẫm nước cho cây, chú ý bảo vệ cây.

Thời vụ trồng: đầu mùa xuân và có thể kéo dài đến tháng 8, 9. Nhất thiết phải tưới đẫm nước khi vừa trồng, dù là cây ương trong bầu, hay cây đánh đi trồng cho đến khi cây xanh trở lại, phải tưới nếu nắng hạn. Sau này khi cây đã ra trái, tưới bổ sung khi gặp trời hạn cũng có lợi.

Bón phân: Nên bón 20 – 30 kg phân chuồng khi trồng cho mỗi cây. Sau đó khi cây lớn bón phân cho 1 cây như sau: Phân chuồng hai năm đầu bón 20 kg/năm, sau đó từ năm thứ ba trở đi 30 kg/năm. Phân chuồng nên bón làm một lần hoặc hai lần trước mùa mưa và sau khi thu trái. Phân khoáng (bón thêm với phân chuồng) năm đầu bón phân NPK 16 -16 – 8 : 0,5 kg cho mỗi cây. Từ năm thứ hai trở đi cứ thêm 1 năm tuổi bón thêm 0,5 kg. Ví dụ năm thứ hai bón 1 kg/cây, năm thứ ba 1,5 kg và đến năm 9, 10 thì thôi không tăng nữa. Để trái thêm ngọt, có thể bón thêm phân Kali từ năm thứ ba trở đi, 0,5 kg cho mỗi cây, và sau đó tăng lên chút ít mỗi năm.

Sâu bệnh: Na Thái ít sâu bệnh. Tuy vậy cần chú ý phòng trị rệp sáp, rất phổ biến ở các vườn ít chăm sóc. Khi Na chưa có trái rệp bám ở dưới mặt lá, dễ nhận ra ở màu trắng sáp và các tua trắng quanh mình, sinh sôi ở đó. Khi có trái thì bám vào trái hút nhựa, từ khi trái còn non đến tận khi chín, thường ở kẽ giáp ranh giữa hai múi vì chỗ này vỏ mỏng, không những làm mất mỹ quan, khó bán được, mà còn làm giảm chất lượng do vị nhạt.

– Trị bằng thuốc: Supracid, Bi 58ND, Applaud, Mipcin,… Xịt vào cuối vụ, khi không còn trái. Khi có trái, xịt cả vào trái, vào lá. Khi trái sắp chín, không xịt nữa, tránh gây độc cho người tiêu thụ.

Thu hoạch: dấu hiệu Na chín là màu trắng xuất hiện ở các kẽ ranh giới giữa 2 mắt, và các kẽ này đầy lên, đỉnh múi thấp xuống (Na mở mắt). Ở một số giống xuất hiện những kẽ nứt và ở các giống “Na bở” kẽ nứt toác. Nên lót lá tươi, lá chuối khô để trái khỏi sát vào nhau, vỏ nát thâm lại, mã xấu đi, khó bán. Hái xong nên vận chuyển ngay đến nơi tiêu thụ vì khi chín rồi, dù là Na Thái, vẫn dễ nát.

Bảo quản:

Trái cây chín nhanh thường do quá trình hô hấp mạnh (hút khí O2 và thải khí CO2). Ngoài ra, trong quá trình chín, trái cây còn thải khí etylen và chính khí này quay trở lại kích thích trái cây mau chín hơn. Cách hữu hiệu để bảo quản trái cây không chín nhanh là dùng nhiệt độ thấp. Tuy nhiên, đối với một số loại trái cây nhiệt đới, khi nhiệt độ quá thấp sẽ bị tổn thương lạnh (trái nhũn, bị chấm đen,…). Vì vậy, nhiệt độ bảo quản không nên thấp hơn so với giá trị quy định. Với xoài cần bảo quản ở nhiệt độ không thấp hơn 130C, chôm chôm: 120C, Na: 130C, Dưa hấu: 100C,… Nếu không có điều kiện bảo quản lạnh, có thể ngâm trái cây với dung dịch muối canxi (CaCl2, nồng độ 1-3% trong thời gian 1-3 phút) để ức chế quá trình hô hấp của trái cây.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Tác hại khi thực phẩm có nhiều kim loại nặng

Các kim loại nặng như asen, chì, kẽm, thiếc… nếu tồn dư trong thực phẩm với hàm lượng quá cao sẽ gây hại cho người tiêu dùng. Biểu hiện trước hết là ngộ độc mãn tính hoặc cấp tính.

Tác hại khi thực phẩm có nhiều kim loại nặng

Tác dụng độc hại cấp tính, thí dụ Asen với liều lượng cao có thể gây ngộ độc chết người ngay.

Tác dụng độc hại mãn tính hoặc tích lũy thí dụ chỉ với liều lượng nhỏ hàng ngày, liên tục, sau một thời gian sẽ gây nhiễm độc chì, rất khó chữa.

Đối với thức ăn:

Làm hư hỏng thức ăn, thí dụ chỉ cần có vết đồng cũng đủ kích thích quá trình ôxy hóa và tự ôxy hóa dầu mỡ…

Làm giảm giá trị dinh dưỡng của thực phẩm, thí dụ chỉ cần vết kim loại nặng cũng đủ để kích thích sự phân hủy Vtamin C, vitamin B1…

Dưới đây là một số kim loại nặng thường thấy trong thực phẩm và chỉ chú ý đến tính chất độc hại của chúng.

ASEN (As)

Asen không được coi như một vị khoáng cần thiết. Hợp chất vô cơ của asen với liều lượng cao, rất độc. Ngộ độc do asen chủ yếu là ngộ độc cấp tính: với liều lượng 0,06g AS203 đã bị ngộ độc, với 0,15g/người có thể bị chết. Ngộ độc cấp tính là do ăn nhầm phải thức ăn bị nhiễm asen…

Ở người, ngộ độc thường diễn do tích lũy asen trong cơ thể, kết quả của bệnh nghề nghiệp, hoặc do thức ăn, thức uống bị nhiễm asen trong quá trình chế biến công nghiệp. Do đó, mỗi loại thức ăn đều được quy định có một lượng tối đa asen cho phép, thí dụ:

– Hoa quả được có tối đa 1,4ppm As.

– Thiếc dùng để làm hộp đựng thực phẩm chỉ được có tối đa 0,001ppm As. nhôm dưới 0,0016ppm As.

Liều lượng tối đa asen (As) có thể chấp nhận được hàng ngày cho người là 0,05mg/kg thể trọng.

Triệu chứng ngộ độc cấp tính giêng như bị dịch tả, xuất hiện rất nhanh, có khi ngay sau khi ăn phải asen. Nạn nhân nôn mửa, đau bụng, ỉa chảy, khát nước dữ dội, mạch đập yếu, mặt nhợt nhạt rồi thâm tím, bí đái, chết sau 24 giờ.

Ngộ độc mãn tính do tích lũy những liều lượng nhỏ asen trong thời gian dài, có triệu chứng: mặt xám, tóc rụng, viêm dạ dày và ruột, đau mắt, đau tai, cảm giác về sự di động bị rối loạn, có asen trong nước tiểu yếu dần, gày còm, kiệt sức, chết sau nhiều tháng hay nhiều năm.

Chì (Pb)

Chì là một thành phần không cần thiết của khẩu phần ăn. Trung bình liều lượng chì do thức ăn, thức uống cung cấp cho khẩu phần hàng ngày từ 0,0033 đến 0,005 mg/ kg thể trọng. Nghĩa là trung bình một ngày, một người lớn ăn vào cơ thể từ 0,25 đến 0,35mg chì. Với liều lượng đó hàm lượng chì tích lũy sẽ tăng dần theo tuổi, nhưng cho đến nay chưa có gì chứng tỏ rằng sự tích lũy liều lượng đó có thể gây ngộ độc đối với người bình thường khỏe mạnh.

Liều lượng tối đa chì (Pb) có thể chấp nhận hàng ngày cho người, do thức ăn cung cấp, được tạm thời quy định là 0,005mg/kg thể trọng.

Ngộ độc cấp tính do chì thường ít gặp. Ngộ độc trường diễn là do ăn phải thức ăn có chứa một lượng chì, tuy ít nhưng liên tục hàng ngày. Chỉ cần hàng ngày cơ thể hấp thu từ 1 mg chì trở lên, sau một vài năm, sẽ có những triệu chứng đặc hiệu: hơi thở thối, sưng lợi với viền đen ở lợi, da vàng, đau bụng dữ dội, táo bón, đau khớp xương, bại liệt chi trên (tay bị biến dạng), mạch yếu, nước tiểu ít, trong nước tiểu có poephyrin, phụ nữ dễ bị sảy thai.

Thủy ngân (Hg)

Thuỷ ngân không có chức năng gì cần thiết trong chuyển hoá cơ thể con người và thường có rất ít trong thực phẩm rau, quả. Nếu thực phẩm có lẫn thuỷ ngân rất có tác hại cho sức khoẻ con người. Vì vậy cần phải giữ để thực phẩm rau quả không có lẫn thuỷ ngân dù ở hàm lượng rất thấp.

Đồng (Cu)

Đồng là một thành phần cần thiết cho cơ thể do thức ăn đưa vào hàng ngày từ 0,033 đến 0,05 mg/kg thể trọng. Với liều lượng này, người ta không thấy có tích luỹ Cu trong cơ thể người bình thường.

Đến một nồng độ nào đó, ngay cả khi thể vết đồng có thể làm ảnh hưởng đến mùi vị và giá trị dinh dưỡng của thức ăn, thí dụ kích thích sự tự ôxy hoá của dầu mỡ chóng bị ôi khé, đẩy nhanh sự phá huỷ các vitamin…

Liều lượng đồng chấp nhận hàng ngày cho người là 0,5 mg/kg thể trọng. Liều lượng này không đáng lo ngại với điều kiện nồng độ molypđen và kẽm trong thức ăn, không được quá giới hạn thông thường, vì các chất này ảnh hưởng đến chuyển hoá của đồng trong cơ thể người. Đồng không gây ngộ độc cho tích luỹ, nhưng nếu ăn phải một lượng lớn muối đồng, thì bị ngộ độc cấp tính. Triệu trứng biểu hiện ngay như nôn nhiều và như vậy, làm thoát ra ngoài phần lớn đồng ăn phải. Cũng vì vậy mà ít thấy trường hợp chết người do bị ngộ độc đồng. Chất nôn có mầu xanh đặc hiệu của đồng, sau khi nôn, nước bọt vẫn tiếp tục ra nhiều, và trong một thời gian dài vẫn còn dư vị đồng trong miệng.

Kẽm (Zn)

Kẽm là thành phần tự nhiên của thức ăn và cần thiết cho đời sống con người. Một khẩu phần mẫu cung cấp hàng ngày từ 0,17 đến 0,25 mg Zn/kg thể trọng.

Nói chung, tất cả các loại động vật đều chịu đựng được kẽm, kim loại mà ít gây độc nếu hàm lượng thấp và khẩu phần ăn chứa nhiều đồng, sắt và chịu tác động tương hỗ giữa các yếu tố khác.

Do có giới hạn bảo đảm chắc chắn giữa nồng độ kẽm có trong khẩu phần ăn bình thường hàng ngày, với liều lượng kẽm có thể gây ngộ độc do tích luỹ, cho nên với hàm lượng kẽm được quy định giới hạn trong thức ăn (từ 5 đến 10 ppm) không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Ngộ độc do kẽm cũng là ngộ độc do cấp tính, do ăn nhầm phải một lượng lớn kẽm (5-10g ZNSO4 hoặc 3-5ZnCl2) có thể gây chết người với triệu chứng như có vị kim loại khó chịu và dai dẳng trong miệng, nôn, ỉa chảy, mồ hôi lạnh, mạch đập khẽ, chết sau 10 đến 48 giây.

Thiếc (Sn)

Thiếc là một thành phần bình thường của khẩu phần ăn, không có chức năng sinh lý gì, nhưng tính chất độc hại rất thấp. Liều lượng thiếc trong thực phẩm thường được quy định cho phép từ 100 đến 200mg/kg sản phẩm. Thông thường chưa đến 100 mg thức ăn có vị kim loại khó chịu, và như vậy đã không đạt tiêu chuẩn về trạng thái cảm quan.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Tác hại khôn lường khi ăn quá nhiều quả bơ

Trái bơ chứa hơn 14 loại vitamin và khoáng chất đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người như giảm cholesterol gây hại, ngăn ngừa bệnh tim mạch, phòng chống ung thư, cải thiện thị giác… Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều bơ sẽ dẫn đến nhiều tác hại khôn lường: làm tổn thương gan, dị ứng, ảnh hưởng đến tác dụng của một số loại thuốc, tăng cân,….

Ăn quá nhiều trái bơ có thể bị tổn thương gan

Trong quả bơ chứa nhiều collagen. Collagen là một chất có tác dụng tái tạo da, giúp đẩy lùi sự lão hóa rất tốt. Tuy nhiên, nếu ăn nhiều quả bơ, collagen có thể không được tiêu hóa hết, tích tụ trong gan và gây tổn hại cho gan. Vì vậy, bạn chỉ nên ăn quả bơ với lượng vừa phải.

Tác hại khôn lường khi ăn quá nhiều quả bơ

Nhiều calo, tăng cân

Nếu thêm bơ vào chế độ ăn của mình thì hãy chắc chắn cắt giảm lượng calo ở các món ăn khác vì hàm lượng calo trong quả bơ khá cao nên nếu ăn nhiều có thể khiến bạn nạp nhiều calo cho cơ thể, gây tăng cân.

Tác hại khôn lường khi ăn quá nhiều quả bơ

Dị ứng

Một số người có thể gặp phản ứng dị ứng khi ăn một loại quả nào đó, ví dụ như bơ, chuối, đào, dưa hấu, khoai tây, cà chua, kiwi…

Những người bị dị ứng với cao su thường có nguy cơ dị ứng với quả bơ khá cao. Nếu thấy các dấu hiệu như: chóng mặt, mẩn ngứa, bồn nôn… khi ăn quả bơ thì bạn cần chú ý để tránh loại quả này trong chế độ ăn của mình.

Ảnh hưởng đến tác dụng của một số loại thuốc

Trái bơ có tác dụng kháng viêm nhưng nó đồng thời cũng ảnh hưởng đến hiệu quả khi uống một số loại thuốc. Nếu bạn đang uống thuốc làm loãng máu, hãy hỏi ý kiến bác sĩ khi muốn ăn bơ vì trái bơ có thể làm cho loại thuốc này mất tác dụng.

Ăn bao nhiêu là đủ?

Thứ gì ăn nhiều cũng đều khiến cơ thể dư thừa chất đó và không có lợi cho sức khỏe. Quả bơ cũng vậy. Theo một nghiên cứu về tác dụng của trái bơ do các chuyên gia Mexico thực hiện, để phát huy tốt đa tác dụng của trái bơ, trong một ngày bạn chỉ nên dùng khoảng 2 thìa cà phê tương đương với 1/6 quả bơ thế là đủ bởi lẽ với mỗi thìa cà phê trái bơ, cơ thể bạn đã được cung cấp 5g chất béo và 55 đơn vị calo.

Cách chọn bơ ngon

Để chọn được quả bơ ngon, chín tự nhiên, hãy chọn quả bơ có phần vỏ căng bóng nhưng vẫn có chút sần sùi. Bơ ngon khi bóp nhẹ sẽ thấy hơi mềm cầm chắc tay, không ọp, đừng lấy những quả bơ đã mền nhũn. Thử bấm nhẹ vào cuống bơ, thấy hơi mềm thì chọn, bên cạnh đó quả nào có cuống to thì quả bơ đó là bơ non.

Có một loại bơ khi chín phần hạt sẽ tách khỏi thịt, lắc nhẹ kêu lúc lắc, đó là bơ nâu. Vì vậy người ta thường hay sử dụng cách này để chọn bơ ngon. Tuy nhiên, nếu khi lắc hạt lăn nghe quá rõ thì trái bơ đó thịt sẽ mỏng. Bơ dáng tròn thì hạt thường to nhưng ít xơ còn bơ dáng thuôn dài thì hạt nhỏ, thịt dày nhưng sẽ có xơ. Nếu bạn muốn thưởng thức những trái bơ thật béo, thật ngậy hãy chọn nhưng trái bơ vỏ màu xanh, khi chín có màu xanh sáng, bóng, lấm tấm điểm vàng.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Rau sạch theo công nghệ israel là cực kỳ an toàn? không hẳn

Người Israel ăn rau quả được tưới bằng nước thải tái chế đang gia tăng sự phơi nhiễm với chất có trong thuốc động kinh.

Chúng ta đều biết rằng Israel có một nền nông nghiệp phát triển ở trình độ cao. Rất nhiều công nghệ và quy trình hiện đại được đất nước này áp dụng trong trồng trọt để khắc phục sự bất lợi về điều kiện canh tác, điển hình là thiếu nước ngọt.

Tuy nhiên, một trong số những công nghệ này đang bộc lộ sự mất an toàn. Cụ thể, tình trạng khan hiếm nước ngọt đang khiến Israel tăng cường sử dụng nước thải tái chế để tưới cho cây trồng. Đồng thời, điều này cũng gia tăng sự phơi nhiễm hóa chất trong thực phẩm của họ.

Mới đây, một nhóm nghiên cứu đa ngành đến từ Đại học Hebrew và Trung tâm Y tế Hadassah của Israel đã phát hiện: người ăn rau quả trồng trong đất tưới bằng nước thải tái chế bị phơi nhiễm với một chất hóa học có tên carbamazepine. Hợp chất này có nguồn gốc từ một loại thuốc chống động kinh, và xuất hiện nhiều trong nước thải.

Kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí Environmental Science & Technology.

“Israel là quốc gia tiên phong trên thế giới sử dụng nước thải thu hồi và tái chế trong lĩnh vực nông nghiệp”, giáo sư Benny Chefetz của Khoa Nông nghiệp và thực phẩm môi trường, Đại học Habrew cho biết. Vì vậy, sẽ là cần thiết để thực hiện các nghiên cứu đánh giá sức khỏe của người tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sử dụng nước thải tái chế có bị ảnh hưởng. Công trình của giáo sư Chefetz là nghiên cứu đầu tiên hướng đến mục đích cụ thể này.

“Trong một thử nghiệm ngẫu nhiên, chúng tôi đã chứng minh rằng những người khỏe mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tưới bằng nước thải tái chế có sự xuất hiện của carbamazepine và các chất chuyển hóa trong nước tiểu. Trong khi đó, người ăn rau quả tưới bằng nước sạch hầu như không phát hiện mức độ carbamazepine”, giáo sư Ora Paltiel, hiệu trưởng Trường Y tế động đồng thuộc Đại học Hebrew nói.

Nghiên cứu theo dõi 34 người cả nam và nữ, được chia làm 2 nhóm. Nhóm đầu tiên được định hướng tiêu thụ rau quả tưới bằng nước thải tái chế trong 1 tuần, sau đó chuyển sang sản phẩm tưới bằng nước sạch. Nhóm thứ 2 thực hiện theo thứ tự ngược lại.

Các tình nguyện viên tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp gồm: cà chua, dưa chuột, ớt và rau diếp. Ngoài ra, họ ăn theo một chế độ bình thường và uống nước đóng chai được đồng bộ hóa suốt thời gian nghiên cứu.

Ý tưởng của nghiên cứu được trình bày trong báo cáo.Ý tưởng của nghiên cứu được trình bày trong báo cáo.

Các nhà khoa học thực hiện đo nồng độ carbamazepine trong sản phẩm tươi đầu vào và trong nước tiểu của tình nguyện viên sau khi tiêu thụ chúng. Thời điểm ban đầu trước khi ăn rau quả tưới bằng nước thải tái chế, carbamazepine không được phát hiện, hoặc nếu có đều ở nồng độ rất thấp. Sau 7 ngày, những người ở nhóm thứ nhất đã phát hiện mức định lượng rõ ràng của carbamazepine, nhóm thứ 2 không có sự thay đổi.

“Sản phẩm nông nghiệp sử dụng nước thải tái chế cũng trưng bày một mức độ carbamazepine cao hơn đáng kể so với sử dụng nước sạch”, giáo sư Paltiel nói. “Rõ ràng những người tiêu thụ sản phẩm trên đất được tưới bằng nước thải tái chế đang gia tăng sự phơi nhiễm với chất có trong thuốc động kinh này. Mặc dù mức độ phát hiện của nó thấp hơn nhiều so với bệnh nhân sử dụng thuốc thực sự”.

Thêm vào kết luận, giáo sư Chefetz cho biết: “Đây là bằng chứng cho ý tưởng người tiêu dùng đang phơi nhiễm với các hợp chất trong dược phẩm thông qua tiêu hóa sản phẩm nông nghiệp thương mại”. Dữ liệu cung cấp trong nghiên cứu có thể giúp các nhà hoạch định chính sách đánh giá mức độ rủi ro cho vấn đề này. Trong tương lai, nhiều nghiên cứu tương tự cũng sẽ phải được thực hiện.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Công nghệ quang hợp giúp tăng năng suất lúa

Theo các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Gạo Quốc tế (IRRI) có trụ sở tại Philippines ngày 14/1, quá trình quang hợp ở mỗi loại cây đều khác nhau.

Công nghệ quang hợp giúp tăng năng suất lúa

Việc hấp thu CO2 trong quá trình quang hợp ở một số cây ngũ cốc trong đó có gạo (C3) thường diễn ra tương đối không hiệu quả. Trong khi một số ngũ cốc khác như ngô và lúa miến lại có hình thức quang hợp hiệu quả hơn (C4).

Nhà khoa học đứng đầu dự án này, John Sheehy, cho hay bằng việc chuyển đổi quá trình quang hợp lúa từ dạng thức kém hiệu quả C3 sang dạng thức quang hợp hiệu quả hơn C4 sẽ giúp nâng năng lượng lúa gạo thêm 50%. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với các nước nhiệt đới đang phát triển, nơi gạo là lương thực chủ chốt của hàng tỷ người nghèo.

Tuy nhiên, nhà khoa học này nhấn mạnh đây là dự án dài hạn và phức tạp, do vậy sẽ phải mất một thập kỷ hoặc hơn thế nữa để hoàn tất.

Dự án nhiều tham vọng nói trên đã nhận được khoản tài trợ trị giá 11 triệu USD trong vòng năm từ quỹ Gates Foundation. IRRI đang đi đầu trong nỗ lực nâng cao sản lượng lúa gạo toàn cầu bằng cách sử dụng các công cụ phân tử hiện đại để phát triển loại gạo hiệu quả và năng suất cao hơn.

Gạo hiện là ngũ cốc chủ yếu của khoảng một nửa dân số thế giới, đặc biệt là ở những nước đang phát triển. Theo IRRI, trong hơn 50 năm tới, dân số thế giới dự báo sẽ tăng khoảng 50%, trong khi tình trạng khan hiếm nước sẽ gia tăng. Vì vậy, việc tăng năng suất lúa gạo là “quan trọng để đạt được an ninh lương thực trong dài hạn”.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Phương pháp quang hợp giúp ngành nông nghiệp phát triển

Phương pháp quang hợp mới được phát hiện giúp lúa mì phát triển nhanh và thích nghi tốt hơn với các kiểu khí hậu như nóng và khô.

Một nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi Queensland Alliance cho Đổi Mới Nông nghiệp và Thực phẩm, giáo sư Robert Henry đã xuất bản một bài báo in trên Scientific Reports, cho thấy rằng: “Phương pháp quang hợp mới được phát hiện có trong hạt lúa mỳ và lá là một phát minh rất hữu dụng.”

Giáo sư Henry cho biết: “Việc phát hiện này giúp ngành sinh học cây trồng tiến trước 1 nửa thế kỷ. Lúa mỳ có ở khắp mọi nơi trên thế giới và có số lượng nhiều hơn các loại cây trồng khác. Chính vì vậy, phát minh này chắc chắn sẽ có những đóng góp vô cùng to lớn với nền nông nghiệp. Nó có thể giúp lúa mì phát triển tốt, nhanh và cho năng suất nhiều hơn tại các vùng khí hậu mà trước kia nó không phát triển được”.

Giáo sư Robert Henry: "Phương pháp quang hợp mới được phát hiện có trong hạt lúa mỳ và lá là một phát minh rất hữu dụng".Giáo sư Robert Henry: “Phương pháp quang hợp mới được phát hiện có trong hạt lúa mỳ và lá là một phát minh rất hữu dụng”.

Ông cũng cho hay: “Phát minh này dựa trên một sự phát hiện sinh học vào những năm 1960 tại Công ty Colonial Sugar Refining cũ ở Brisbane”. Ngài Many cho rằng: “Phát minh này có thể giành được giải Nobel”.

Tại thời điểm đó các nhà khoa học của Brisbane cũng chứng minh được rằng : Mía và những cây thích nghi với vùng khí hậu nhiệt đới khác đều phát triển theo một con đường quang hợp khác nhau.

Ngài Henry cho biết: “Con đường quang hợp cổ được gọi là C3, và những thực vật với con đường quang hợp hóa học thay thế được gọi là C4. Loài thực vật C4 lấy carbon nhanh hơn và tỷ lệ phát triển cũng cao hơn hẳn, đặc biệt trong vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới”.

Những phát hiện trước của chúng tôi không tìm thấy con đường quang hợp C4 ở hạt cây lúa mì. Nhưng ngày nay, giống như các loài thực vật, lúa mì quang hợp qua lá, và thậm chí chúng tôi còn phát hiện nó còn có thể quang hợp ở hạt.

Đây là phát hiện chưa được tìm thấy trước đó, nhưng hạt lúa mì có màu xanh lá khi bạn bóc nó ra và đây là phần cuối của cây khi chết.

Giáo sư Henry cũng cho biết thêm: “Quang hợp – quá trình thực vật lấy ánh sáng mặt trời chuyển thành năng lượng để phát triển và sản xuất ra oxy – là quá trình sinh học quan trọng nhất trên trái đất. Những loại lúa mì gồm cả lúa gạo đều quang hợp theo đường lá C3 cũ thì ít có khả năng thích nghi với kiểu khí hậu nóng và khô”.

Hầu như, dân số tập trung nhiều nhất trên thế giới là ở những miền có khí hậu nhiệt đới và khám phá này được coi là một phát hiện quan trọng giúp ngành thực phẩm phát triển đáp ứng nhu cầu lương thực trong tương lai.

Con đường quang hợp của lúa mì đã tiến hóa 100 triệu năm trước, khi hàm lượng carbon dioxide trong khí quyển tăng đến 10 lần cao hơn so với hiện nay. Một giả thuyết cho rằng: “Carbon dioxide bắt đầu suy giảm, do đó hạt của cây lúa mì sẽ tiến hóa theo con đường C4 để bắt ánh sáng mặt trời chuyển đổi thành năng lượng”.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Nghiên cứu thành công thuốc diệt nấm sinh học trị bệnh thán thư

Các nhà khoa học của trường Đại học tự trị quốc gia Mexico (UNAM) đã nghiên cứu thành công và đăng ký bằng sáng chế một loại thuốc diệt nấm sinh học có khả năng phòng ngừa bệnh thán thư gây hại cho cây trồng.

Theo phóng viên tại Mexico, chuyên gia Leobardo Serano Carreón thuộc nhóm nghiên cứu trên, cho biết thuốc diệt nấm Fungifree AB® được bào chế từ một loại vi khuẩn tách ra từ tán lá cây xoài, hoàn toàn không có độc tính và có thể dùng thay thế các loại hóa chất tổng hợp thường được sử dụng trong nông nghiệp.

Fungifree AB® có thế sử dụng cho 20 loại cây ăn quả.Fungifree AB® có thế sử dụng cho 20 loại cây ăn quả.

Fungifree AB® có khả năng phòng chống các loại sâu bệnh cũng như giúp cây trồng tự bảo vệ và phát triển.

Loại thuốc này đã được tiến hành thử nghiệm nhiều lần với nhiều cách khác nhau trên nhiều loại cây ăn quả và kết quả rất hữu hiệu.

Fungifree AB® có thế sử dụng cho 20 loại cây ăn quả như xoài, bơ, đu đủ, cam, chanh, bưởi và quýt…

Loại thuốc này cũng đang được nghiên cứu sử dụng để phòng bệnh nấm ở cây cà phê.

Ngoài dự án này, các nhà khoa học của UNAM cũng đang tiến hành nghiên cứu kỹ thuật phân tích hình ảnh nhằm đánh giá tác hại của bệnh thán thư trên cây xoài, giúp xác định dễ dàng hơn diện tích cây trái bị ảnh hưởng bởi bệnh này.

Bệnh thán thư là bệnh nguy hiểm nhất trên cây xoài gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng của cây và năng suất trái.

Bệnh do nấm Colletotrichum gloeosporioides gây ra, nấm bệnh phá hại trên cả lá, cành, chồi non và quả non.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Nhật tạo giống lúa lá cứng, cao sản

Các nhà khoa học Nhật Bản vừa tạo ra một giống lúa lá cứng, giúp tăng mạnh sản lượng, giảm lượng phân bón sử dụng trên các cánh đồng.

Cụ thể là Tomoaki Sakamoto thuộc ĐH Tokyo cùng đồng nghiệp đã loại bỏ một số gien riêng rẽ ở 34 giống lúa khác nhau. Mục đích là tránh tạo ra giống chuyển gien (lấy tính trạng di truyền mong muốn từ các giống khác).

Một trong những giống đó thiếu gien OsDWARF4 – gien kiểm soát quá trình sản xuất một loại hoá chất tăng trưởng. Kết quả là giống lúa trên có lá bình thường song lại rất cứng. Loại bỏ gien OsDWARF4 cũng không ảnh hưởng tới sự ra hoa của cây và chất lượng hạt lúa.

Từ lâu, các nhà khoa học đã cố gắng tạo ra một giống lúa có lá cứng như thế. Họ tin rằng giống lúa đó sẽ làm tăng sản lượng. Lúa lá cứng cho phép ánh sáng mặt trời chiếu xuống những chiếc lá ở phần thấp nhất của cây, đẩy mạnh tiến trình quang hợp và do đó tăng sản lượng. Lá cứng còn giúp nông dân trồng cây lúa sát nhau hơn mà không ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng.

Những nỗ lực trước đây nhằm tạo ra một giống lúa như vậy, bằng cách loại bỏ một số gien, đã làm kìm hãm sự sinh trưởng của lúa hoặc tạo ra những giống có chất lượng hạt kém.

Giống lúa mới còn giúp giải quyết tình trạng sử dụng quá mức phân bón. Sản lượng của nó cao hơn 30% so với lúa thông thường, song không cần có sự trợ giúp của lượng phân bón được sử dụng hàng ngày.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam