Biện pháp bảo vệ vật nuôi mùa mưa bão

Ở tỉnh ta mùa mưa kéo dài từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau. Lượng mưa tập trung vào tháng 9,10,11, tổng lượng mưa trong 3 tháng chiếm gần 70% lượng mưa cả năm. Vũ lượng lớn, lại thường kèm theo bão mạnh, tạo ra các trận lũ quét ở vùng đồi núi và úng lụt thường xuyên ở vùng đồng bằng, từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau có rét và mưa phùn kéo dài.

Bão, lũ là thời điểm đàn gia súc, gia cầm dễ bị dịch bệnh phát sinh và lây lan. Thời tiết khắc nghiệt đã làm thiệt hại lớn đến ngành chăn nuôi ở các địa phương trên toàn tỉnh. Bài viết hướng dẫn cách phòng chống dịch bệnh, bổ sung thức ăn để tăng cường sức đề kháng, vệ sinh chuồng trại cho gia súc, gia cầm mùa bão lũ.

Để chủ động bảo vệ đàn gia súc, gia cầm có hiệu quả người chăn nuôi cần lưu ý  thực hiện những nội dung sau:

Trước mưa bão, lũ lụt

– Thực hiện việc kiểm tra và chằng chống chuồng trại để tăng độ vững chắc nhằm đề phòng bão, lũ. Nếu chuồng nuôi lợp bằng lá, tôn tráng kẽm, fibro xi măng chưa kiên cố thì có thể dằn lên mái các loại thanh nẹp bằng gỗ, sắt, dây kẽm cỡ lớn hoặc các bao chứa cát để hạn chế tốc mái khi có bão.

– Đối với những vùng có nguy cơ ngập lụt, cần chủ động tôn cao nền chuồng, làm chuồng tránh lũ,  làm sàn kê cao và dự trữ thức ăn đầy đủ, làm rèm che chắn, tránh mưa tạt, gió lùa.

– Đối với những vùng bị ngập lụt, bằng mọi cách phải di dời gia súc, gia cầm lên những vùng đất cao, làm chuồng che chắn cẩn thận, dự trữ thức ăn đầy đủ và bảo quản thức ăn khô ráo, không bị ẩm mốc, nhất là không cho gia súc, gia cầm uống nước lũ đã nhiễm bẩn.

Che chắn cẩn thận để bảo vệ vật nuôi

– Tiêm phòng đầy đủ các loại vaccin phòng bệnh cho gia súc như bệnh tả, tụ huyết trùng, lở mồm long móng… ở trâu, bò, lợn,dê;  bệnh tiêu chảy ở lợn con; bệnh Gumboro, tụ huyết trùng, cầu trùng… ở gia cầm. Tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng và  khẩu phần ăn cho vật nuôi để tăng sức đề kháng, dự trữ nước uống cho vật nuôi để vật nuôi có đủ nước sạch để uống.

– Đối với những gia đình có đàn gia súc, gia cầmlớn thì nên xuất bán vì trong thời kỳ này khan hiếm thức ăn và hạn chế khả năng rủi ro do lũ cuốn trôi, chết cũng như dịch bệnh có thể xảy ra.

Trong và sau mưa bão, lũ lụt

Khi lũ lụt, mầm bệnh theo nước lũ sẽ lan đi khắp nơi, mặt khác, trong khi có sự di chuyển đàn gia súc, gia cầm tránh lũ sẽ đem theo các mầm bệnh từ nơi này tới nơi khác. Các khâu chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh tẩy uế chuồng trại không được thực hiện tốt làm suy giảm đáng kể sức chống chịu bệnh tật ở vậtnuôi, khiến cho các bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy, dịch tả, thương hàn… dễ lây lan và bùng phát, do vậy người chăn nuôi cần:

– Vệ sinh chuồng trại, môi trường và dụng cụ chăn nuôi thật tốt, thường xuyên quét dọn, tẩy rửa, vệ sinh dụng cụ, chuồng trại, và môi trường xung quanh khu vực chăn nuôi  để vật nuôi được ở sạch. Định kỳ 1 tuần 1 – 2 lần phun tẩy uế chuồng trại và khu vực xung quanh bằng các chất sát trùng. Khi nước rút đến đâu thì dọn vệ sinh, phun thuốc sát trùng, tiêu độc, diệt mầm bệnh đến đó.

Vệ sinh chuồng trại để triệt mầm bệnh

– Sau lũ lụt, nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm khan hiếm do rau màu bị lũ cuốn, hư hỏng, đồng cỏ bị ô nhiễm. Bùn đất và khí hậu ẩm ướt đã ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của đàn gia súc, gia cầm. Do vậy vật nuôi cần được chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo, không bị bỏ đói hoặc ăn những loại thức ăn thiếu dinh dưỡng, bị mốc, kém chất lượng. Đối với gia súc già yếu và gia súc non cần có chế độ chăm sóc đặc biệt như tăng cường các loại thức ăn bổ sung và các loại thức ăn giàu dinh dưỡng khác để gia súc già mau chóng hồi phục sức khỏe và gia súc non tăng trưởng bình thường. Hạn chế không cho vật nuôi uống nước bẩn, ao, bùn.

– Đối với xác vật nuôi chết: Phương pháp hiệu quả nhất là đốt xác vật chết, phun thuốc diệt côn trùng hoặc thuốc sát trùng hoặc tưới dầu hỏa lên xác vật chết để chống các loài ăn thịt và côn trùng xâm nhập, đợi khi nước rút thì đem chôn lấp.

– Rà soát lại kết quả tiêm phòng định kỳ, tiêm phòng trước mưa, bão. Những nơi tiêm chưa đạt yêu cầu thì tổ chức tiêm phòng bổ sung, nhất là đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Vỗ béo cừu bằng “hèm bia”

Ninh Thuận từ lâu đã nổi tiếng với nghề chăn nuôi cừu. Tuy nhiên, nắng hạn kéo dài ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi cừu do thiếu thức ăn và nước uống.

Để tránh tình trạng cừu chết do thiếu thức ăn, nhiều người chăn nuôi đã chủ động chuyển đổi diện tích trồng lúa và một số cây trồng kém hiệu quả khác sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi, đồng thời, tìm cách bổ sung thức ăn tinh nhằm giúp tăng trọng lượng cừu.

Chăn nuôi cừu vỗ béo từ hèm bia của anh Huỳnh Nguyên Đăng ở xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận được xem là mô hình mang tính đột phá, giúp cừu phát triển tốt, tăng trọng cao ngay trong mùa hạn.

Nuôi cừu bằng hèm bia

Từ lâu, hèm bia được sử dụng trong chăn nuôi bò, heo, giúp giảm chi phí đầu tư và đàn bò, heo phát triển tốt, tăng trọng nhanh. Trên cơ sở đó, anh Huỳnh Nguyên Đăng ở Ninh Thuận đã áp dụng việc sử dụng hèm bia để chăn nuôi cừu vỗ béo. Ban đầu, anh nuôi 150 con cừu vỗ béo theo cách cho ăn cỏ kết hợp hèm bia. Sau 3 tháng nuôi thử nghiệm, đàn cừu của anh phát triển tốt, ít bị bệnh, trọng lượng tăng từ 3 – 4kg so với cách nuôi truyền thống.

Từ thành công ban đầu, anh Đăng tiếp tục mở rộng trang trại và tăng số lượng cừu từ 150 con lên 700 con. Hướng đến, anh sẽ xây dựng một trang trại chăn nuôi cừu vỗ béo từ hèm bia khoảng 3.000 con, nhằm ổn định đầu ra và giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Anh Huỳnh Nguyên Đăng cho biết, nếu điều kiện thuận lợi thì sẽ mở rộng mô hình nuôi cừu lên khoảng 3.000 con để ổn định nguồn cung ra thị trường. Để thức ăn thừa của cừu, anh Đăng làm hai ao cá để lúc nào trong chuồng cừu cũng có máng thức ăn sạch, thức ăn thừa sẽ dùng để nuôi gà, vịt… Bên cạnh đó, lượng phân cừu sẽ được dùng để trồng rau sạch…

Cừu vẫn khỏe mạnh khi được vỗ béo hèm bia

Theo anh Huỳnh Nguyên Đăng, việc nuôi cừu vỗ béo từ hèm bia sẽ giúp người chăn nuôi ít phụ thuộc vào thời tiết; giảm 50 – 70% chi phí thuê nhân công cắt cỏ và mua thức ăn tinh; đồng thời, trọng lượng cừu tăng từ 20 – 30% so với cách nuôi truyền thống; lông bóng đẹp và hệ tiêu hóa phát triển tốt nên ít bị dịch bệnh. Từ thành công của mô hình này, xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước đang dự kiến nhân rộng ra địa bàn xã để bà con nông dân học tập, làm theo.

Ông Lê Văn Duông, cán bộ nông nghiệp xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước- Ninh Thuận cho rằng, nếu nhân rộng mô hình nuôi cừu từ hèm bia thì có thể tiết kiệm diện tích cỏ rất nhiều.

Việc sử dụng hèm bia trong chăn nuôi cừu vỗ béo của anh Huỳnh Nguyên Đăng được xem là một hướng đi mới, tận dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương, có giá thành thấp, giảm phụ thuộc vào thức ăn xanh, nhưng cừu vẫn phát triển tốt, tăng trọng nhanh, qua đó, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.

Nguồn vov.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Thức ăn của cừu

Cừu vốn là loài ăn tạp. Hầu như các loại cỏ lá cừu đều ăn được cả. Ngay cả cỏ khô, lá khô và nhiều loại củ quả, các phế phẩm nông nghiệp nó cũng không chê. Cừu có thể tìm kiếm thức ăn cả ngày, khi no bụng thì tìm một nơi yên tĩnh để nhai cỏ. Mỗi ngày cừu ăn một lượng thức ăn bằng 15% thể trọng của nó.

Cừu vốn là loài ăn tạp

Thức ăn của cừu thuộc các nhóm sau:

Thức ăn thô

Gồm các loại cỏ như cỏ chỉ, cỏ gà, cỏ lá tre, cỏ mần trầu thậm chí cả cỏ tranh (non), không đủ cỏ tươi cừu cũng ăn cả cỏ khô và thấy chung ăn cũng ngon miệng. Ngoài cỏ ra cừu cũng ăn được các loại lá như lá tre, lá bắp, lá mía, lá dâm bụt, lá soan, lá mướp, lá vông và cả lá cây cà phê…

Tận dụng dây khoai lang cho cừu

Nó cũng ăn được cả thân cây như cây bắp (non), cây cao lương, lá và dây khoai lang… Đốì với cây họ đậu như đậu ván, cây đậu rồng, cây đậu ma, đậu lông, đậu nành, đậu cô ve, sắn dây, đậu phộng, su hào… là những món cừu rất khoái khẩu…

Cừu ăn cỏ xanh

Thức ăn củ quả

Cừu cũng thích ăn các loại củ quả, như lúa, bắp, khoai lang, khoai tây, cà rốt, bí đỏ, mít non… Các phụ phế phẩm nông công nghiệp: vỏ chuối, xơ mít, vỏ thơm, bã đậu nành, xác mì, hèm rượu bia….

Thức ăn tinh

Nuôi cừu cũng cần đến thức ăn tinh, nhất là vào những tháng nắng hạn thiếu cỏ cho chúng ăn no. Đặc biệt đối với cừu mang thai, cừu đang nuôi con, và cả cừu đực giống cần thường xuyên cho ăn thức ăn tinh. Trung bình mỗi ngày ta chỉ cung cấp cho mỗi con cừu vài ba trăm gờ ram là đủ.

Thức ăn giàu khoáng và Vitamin

Loại thức ăn này rất cần đối với cừu mang thai, cừu đang nuôi con, và các cừu khác. Trong khẩu phần ăn của cừu nên bổ sung chất khoáng như calxi, phosphore, muối ăn và các loại vitaminc A-D-E cần thiết cho sức khỏe và hoạt động sinh sản của cừu.

Tóm lại, cừu ăn được hầu hết các loại cỏ, lá kể cả rơm. Thế nhưng, có điều này ta cần lưu ý: không nên cho cừu ăn cỏ ướt. Ăn cỏ ướt cừu dễ mắc bệnh đường tiêu hóa. Với những người nuôi cừu lâu năm, nhiều kinh nghiệm, họ không bao giờ thả cừu đi ăn vào lúc sáng sớm, khi cỏ trên đồng còn đẫm hơi sương. Họ phải chờ khi mặt trời đã lên cao, khoảng 8 giờ sáng trở đi, mới lùa cừu ra đồng ăn cỏ. Có người còn cẩn thận, ra đến bãi ăn, họ còn dùng bàn chân của mình quét lên đám cỏ xem chân có còn ướt hay không, nếu cỏ đã khô họ mới lùa cừu đến đó.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Bảo vệ vật nuôi mùa mưa bão

Thời tiết mưa bão ảnh hưởng lớn đến sức khỏe đàn vật nuôi, vì vậy cần phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi trước và trong mùa mưa bão. Khi thời tiết mưa, bão không những gây khan hiếm nguồn thức ăn mà còn dễ phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm. Mặt khác khi mưa to có thể gây ngập úng cục bộ hoặc lụt trên diện rộng tạo cơ hội phát tán mầm bệnh.

Vì vậy, người chăn nuôi cần thường xuyên cập nhật bản tin dự báo thời tiết hàng ngày và tăng cường chăm sóc gia súc, gia cầm trong mùa mưa bão để tăng khả năng chống chịu các tác động bất lợi của thời tiết cùng sự đe dọa của dịch bệnh cho vật nuôi.

1. Biện pháp thực hiện trước mùa mưa bão, lũ lụt

– Đảm bảo chuồng trại vững chắc. Tu sửa và chằng chống lại chuồng trại. Mái chuồng cần gia cố để hạn chế tốc mái khi có bão. Kiểm tra rèm che chắn đề phòng mưa tạt, gió lùa vào chuồng nuôi.

– Đảm bảo mật độ nuôi phù hợp với số lượng và đặc tính, lứa tuổi của đàn vật nuôi.

– Kiểm tra hệ thống thoát nước thải, nơi chứa chất thải để hạn chế ô nhiễm. Khơi thông cống rãnh, hạn chế úng ngập khi mưa to. Đối với những vùng có nguy cơ ngập lụt, cần tôn cao nền chuồng hoặc làm sàn kê cao và có phương án di dời vật nuôi khi ngập lụt.

– Dự trữ nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm đủ về lượng và đảm bảo về chất: Dự trữ thức ăn xanh, phơi khô, ủ chua rơm rạ, cỏ khô, thân cây bắp đối với trâu, bò; Dự trữ thức ăn tinh và thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh đối với lợn, gia cầm. Thức ăn dự trữ cần bảo quản ở những nơi khô ráo để tránh ẩm mốc. Tuyệt đối không cho vật nuôi ăn thức ăn tinh đã bị nấm mốc.

– Cần lưu ý đảm bảo cung cấp đủ nước sạch cho vật nuôi uống. Dự trữ một số hóa chất khử trùng nước để đảm bảo đủ nước sạch cho vật nuôi uống.

– Dự trữ một số vật tư thuốc thú y cần thiết, vitamin, thuốc trợ sức, trợ lực, men tiêu hóa,… dùng cho vật nuôi khi thời tiết bất lợi.

– Tăng cường vệ sinh phòng bệnh cho vật nuôi: Áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, ngăn chặn mầm bệnh bên ngoài vào khu vực chăn nuôi để hạn chế phát sinh dịch bệnh. Vệ sinh sạch chuồng nuôi, dụng cụ chăn nuôi. Định kỳ sát trùng trong và ngoài chuồng nuôi để diệt mầm bệnh.

– Chủ động phòng bệnh bằng cách tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho vật nuôi trước mùa mưa bão. Đối với trâu, bò, cần tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng. Đối với đàn lợn, tiêm phòng bệnh dịch tả lợn, tụ huyết trùng, phó thương hàn, lở mồm long móng, tai xanh… Đối với đàn gia cầm, cần tiêm vắc-xin phòng bệnh Niu-cát-xơn, Gumboro, cúm gia cầm. Vịt, ngan cần tiêm phòng dịch tả vịt, viêm gan do vi rút, vúm gia cầm, tụ huyết trùng…

– Chủ động phương án thắp sáng và giữ ấm cho vật nuôi: Những ngày mưa bão lớn thường bị mất điện nên người chăn nuôi cần chủ động phương án thắp sáng và sưởi ấm dự phòng như máy phát điện, đèn, xăng dầu, bếp than, bếp trấu, củi… để giữ ấm cho vật nuôi

– Đối với những gia đình có đàn gia súc, gia cầm lớn thì nên xuất bán vì trong thời kỳ này khan hiếm thức ăn và hạn chế khả năng rủi ro do bão lụt.

Tu sửa và chằng chống chuồng trại, mái chuồng để hạn chế tốc mái khi có bão

2. Biện pháp thực hiện trong và sau mưa bão, lũ lụt

– Về chuồng nuôi

Thường xuyên kiểm tra chuồng trại chăn nuôi. Tu sửa, tránh để ẩm ướt, hạn chế tối đa sự tồn tại của mầm bệnh. Di dời đàn vật nuôi lên cao để tránh úng ngập. Khi nhiệt độ môi trường xuống thấp cần bổ sung thêm chất độn chuồng hoặc sưởi để giữ ấm cho vật nuôi. Kiểm tra cống rãnh thoát nước, nếu bị tắc phải khơi thông ngay, không để nước mưa chảy ngược vào chuồng nuôi

Thường xuyên quét dọn, vệ sinh chuồng trại, máng ăn, máng uống, các dụng cụ chăn nuôi.

Nước rút đến đâu thì vệ sinh ngay đến đó. Định kỳ 1 – 2 lần/ tuần phun thuốc sát trùng hoặc rắc vôi bột để tẩy uế chuồng trại và khu vực xung quanh chuồng nuôi. Nên chọn những loại thuốc sát trùng có hoạt phổ rộng và có tác dụng diệt trùng nhanh, hoạt lực kéo dài, ổn định.

– Chăm sóc nuôi dưỡng vật nuôi

Luôn để gia súc, gia cầm nơi khô ráo, sạch sẽ bằng mọi biện pháp vì gia súc, gia cầm trong môi trường ẩm ướt, lạnh chân sẽ rất dễ mắc bệnh. Chú ý giữ ấm cho gia súc, gia cầm; Hạn chế chăn thả trong mùa mưa lũ.

Cung cấp đầy đủ thức ăn sạch, dễ tiêu, đảm bảo chất lượng, phù hợp với từng lứa tuổi của vật nuôi. Cung cấp đủ thức ăn xanh cho trâu bò, có thể bổ sung thêm thức ăn tinh cho chúng. Đối với lợn con và gà con ở giai đoạn úm nên sử dụng thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh để đảm bảo đủ dinh dưỡng. Cung cấp đủ nước uống sạch, bổ sung thêm vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa… cho gia súc, gia cầm để nâng cao sức đề kháng.

3. Công tác thú y

– Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho gia súc, gia cầm theo đúng lịch trình phòng bệnh để tăng khả năng miễn dịch cho vật nuôi. Hàng ngày, vệ sinh chuồng nuôi, dụng cụ chăn nuôi sạch sẽ, thu dọn phân, chất thải về đúng nơi quy đinh và có biện pháp xử lý sát trùng.

– Thường xuyên kiểm tra đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt phát hiện sớm những bất thường trên đàn vật nuôi như uể oải, ủ rũ, kém ăn; tình trạng sức khoẻ đàn gia súc, gia cầm. Cách ly kịp thời những vật nuôi có biểu hiện khác thường. Khi nghi ngờ gia súc, gia cầm mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc, tai xanh ở lợn, phải báo ngay cho thú y viên hoặc khuyến nông viên cơ sở để có biện pháp can thiệp kịp thời, tránh lây lan, bùng phát dịch bệnh. Khi có gia súc, gia cầm ốm, chết phải đào hố, chôn sâu và rắc vôi bột, tuyệt đối không giết mổ, vận chuyển, bán chạy, vứt xác chết bừa bãi ra môi trường xung quanh.

– Sau bão lũ, khi nước rút cần quét dọn, vệ sinh chuồng trại, bãi chăn, thu gom rác thải… rồi tiến hành phun khử trùng tiêu độc bằng các chất sát trùng để tiêu diệt mầm bệnh trong nền chuồng và bãi chăn thả. Nhanh chóng đưa gia súc gia cầm vào chuồng khô và ấm. Thay hoặc bổ sung đệm lót khô cho vật nuôi. Tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng, bổ sung vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa cho vật nuôi. Với những gia súc có biểu hiện rối loạn tiêu hóa hoặc bệnh đường hô hấp thì phải cách ly và điều trị kịp thời.

Phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm nhất là trong mùa mưa bão cần được các hộ chăn nuôi tổ chức thực hiện thường xuyên, liên tục và cần được sự quan tâm của cộng đồng dân cư để đảm bảo an toàn dịch bện gia súc, gia cầm và giảm bớt thiệt hại cho người chăn nuôi.

Phun khử trùng tiêu độc chuồng trại bằng các chất sát trùng

Theo trung tâm khuyến nông Quốc gia, tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Một số nguyên nhân bò không động dục

Thông thường, bò sau khi đã được phối giống, nếu đậu thai thì không động dục (lên giống) nữa, nếu không đậu thai thì bò sẽ lên giống trở lại sau 21 ngày. Tuy nhiên, trong thực tế cũng có trường hợp, sau khi đẻ, bò có biểu hiện động dục và đã được phối giống, nhưng không đậu thai mà vẫn không lên giống trở lại hoặc sau khi đẻ, bò không lên giống trở lại.

Bò không lên giống trở lại, có rất nhiều nguyên nhân: Có thể những bò này không động dục hoặc động dục thầm lặng (phải đặc biệt chú ý hoặc dùng một số biện pháp hỗ trợ thì mới có thể phát hiện được). Nguyên nhân của hiện tượng này có thể do:

– Nuôi dưỡng kém

– Thành phần và giá trị dinh dưỡng của thức ăn trong khẩu phần thiếu hoặc mất cân đối, dẫn đến tình trạng bò gầy yếu;

– Bò có các bệnh liên quan đến buồng trứng, tử cung như buồng trứng kém phát triển, u nang buồng trứng, viêm tử cung với thể vàng tồn lưu…

Dẫn đến thiếu hoặc rối loạn điều tiết hormone sinh dục; chăm sóc, nuôi dưỡng kém và quản lý hệ thống chăn nuôi không tốt, bò cái ít được vận động, không tiếp xúc với những bò cái trưởng thành hoặc bò đực; cũng có thể do bò sữa đẻ lứa đầu, có sản lượng sữa lớn hoặc ở những bò cái mà bê con trực tiếp bú vú mẹ và theo mẹ…

Để khắc phục tình trạng bò không lên giống, trước hết phải xem xét bò không động dục thực sự hay động dục thầm lặng. Nếu đã theo dõi hoặc thậm chí đã dùng bò đực thí tình mà vẫn không phát hiện được động dục thì chứng tỏ bò không động dục thật sự. Sau đó xác định nguyên nhân (thông qua hệ thống sổ sách theo dõi, hỏi người chăn nuôi, sờ khám qua trực tràng…) mà áp dụng biện pháp khắc phục thích hợp: Nếu bò mới đẻ lứa đầu mà năng suất sữa cao thì phải chờ đợi thêm.

Nếu có bê con trực tiếp bú vú mẹ và theo mẹ thì phải tách ra. Nếu do chăm sóc, nuôi dưỡng kém, bò gầy yếu thì phải tăng khẩu phần giàu hàm lượng các chất đạm, đường, sinh tố, khoáng và khoáng vi lượng… kết hợp chăn thả trên bãi để bò có điều kiện vận động, tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Nếu bò bị viêm tử cung với thể vàng tồn lưu thì biện pháp điều trị tốt nhất là tiêm prostaglandin F2 hoặc các chất tương tự (2ml chế phẩm estrumate) để làm tiêu biến thể vàng, giảm hàm lượng progesteron và tăng hàm lượng estrogen trong máu để kích thích bò động dục…

Trường hợp, con bò nhà bạn sau khi phối giống được vài 3 tháng, cứ khoảng 7 – 10 ngày dịch nhờn chảy ra giống như khi động dục, phối không đậu thai. Rất có thể, đó là biểu hiện của bệnh u nang buồng trứng ở bò, các nang trứng phát triển nhưng không vỡ nang để giải phóng tế bào trứng được nên bị chai. Vì thế, kích tố oestrogen luôn được tiết ra và duy trì một hàm lượng cao trong máu, dẫn đến rối loạn chu kỳ sinh dục.

Khám qua trực tràng phát hiện thấy buồng trứng có chai noãn. Bệnh có thể xảy ra ở bò tơ hoặc bò rạ, thường gặp trên những bò có năng suất sữa cao với những triệu chứng như mô tả ở trên. Điều trị theo chỉ dẫn của cán bộ thú y.

Nguồn: Nhanong.com.vn được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Phương pháp dự đoán ngày sinh của bò

Bò mang thai 280 ngày (hơn 9 tháng), vì vậy việc biết ngày sinh của bò là rất quan trọng. Để dự tính ngày sinh của bò, phải tính từ ngày phối giống cộng thêm 280 ngày.

1. Cách tính ngày

Lấy ngày phối giống bò cộng với 5 hay 7 ngày (có thể vào tháng 2 có 28 ngày) và lấy tháng phối giống cộng với 9, sẽ có ngày sinh dự kiến. Ví dụ:

+ Bò phối giống lần cuối vào 10-2-2015, cách tính sẽ là ngày 10 + ngày 7 = ngày 17; tháng 2 + tháng 9 = 11 tháng, vậy là ngày sinh dự kiến vào ngày 17-11-2015.

+ Bò phối giống 7-3-2015, sẽ là: ngày 7 + ngày 5 = ngày 12; tháng 3 + tháng 9 = 12 tháng, vậy ngày sinh dự kiến vào ngày 12-12-2015.

+ Bò cũng có thể sinh sớm hơn hay muộn hơn nên cần theo dõi biểu hiện của bò mẹ trước ngày sinh dự kiến là 7-10 ngày.

2. Biểu hiện khi sắp sinh

7-10 ngày trước khi sinh, bầu vú bò mẹ từ từ căng lên, núm vú căng chứa đầy sữa là bò sắp đẻ. Chú ý theo dõi đề phòng viêm vú trước khi sinh.

1-3 ngày trước khi sinh, âm hộ chảy ra nhiều dịch nhờn đặc màu trắng. Khi dịch nhờn loãng dần là bò sắp đẻ. Hiện tượng sụp mông thấy rõ ở hai bên gốc đuôi, đuôi lệch sang một bên và ít cử động. Bò có biểu hiện bồn chồn, hay đứng lên nằm xuống, đi tiêu, tiểu nhiều lần…

3. Khi gia súc đẻ khó thì có biểu hiện gì? Cách phòng trị?

a. Nguyên nhân

– Bò mẹ ít vận động, thức ăn ít chất xơ nên bị suy yếu.

– Do hẹp khung chậu.

– Do hẹp âm đạo, có u bướu ở âm đạo hoặc tử cung vặn cổ tử cung.

– Do tư thế thai không bình thường.

b. Điều trị

– Tiêm Oxytocin 50 – 100UI để kích thích tử cung co bóp.

– Dùng dây mềm buộc hai chân trước của thai, kéo mạnh theo nhịp rặn của bò mẹ để lôi thai ra.

– Dùng ngón tay cái cho vào mồm thai, ngón trỏ kẹp chặt hàm dưới kéo thai ra.

– Dùng dây buộc từ sau đầu tới hàm dưới kéo thai ra.

– Bơm dầu parafin lỏng 200 – 400ml làm trơn tử cung âm đạo.

– Nếu đã làm hết cách mà thai không ra thì phải mổ bụng lấy thai.

Trường hợp vặn cổ tử cung:

– Dùng mỏ vịt kiểm tra qua trực tràng. Nếu xoắn ít thì dùng tay lật xoay tử cung theo chiều ngược lại.

– Trường hợp do tư thế thai không bình thường:

– Gâv tê tủy sống ở khấu đuôi 1 – 2 bằng 20 – 40ml Novocain 3%.

– Sau đó dùng tay đẩy thai vào trong xoang bụng rộng rãi để sữa lại về tư thế bình thường: đầu và 2 chân trước ra trước, hoặc mông và 2 chân sau ra trước, sau đó kéo thai ra.

Mổ bụng lấy thai

Nếu thai chết trong bụng thì dùng móc sản khoa móc vào mắt hoặc vào hốc mũi để lôi thai ra. Trường hợp thai chết quá to thì phải cắt thai ra từng mảnh để lấy ra.

Sau khi bò đẻ nhất là đẻ khó cần phải rửa sạch âm hộ, âm đạo, tử cung bằng thuốc sát trùng như nước muối, thuốc tím 1%, Rivanol 1%, Lugol 2%. Bơm rửa 3-4 lần/ngày trong 3-5 ngày. Nếu có biểu hiện viêm phải thụt rửa bằng thuốc kháng sinh hoặc tiêm.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Thức ăn dành cho bò sữa

Bò sữa là loại động vật nhai lại, có dạ dày bốn túi, có khả năng tiêu hoá và sử dụng nhiều loại thức ăn. Nhìn chung, thức ăn dùng nuôi bò sữa đều rẻ tiền, dễ kiếm, đa dạng hơn so với thức ăn nuôi lợn và gia cầm.

1. Các loại thức ăn cho bò sữa

Được chia thành 3 nhóm chính là thức ăn thô, thức ăn tinh và thức ăn bổ sung.

Thức ăn thô, bao gồm một số nhóm: thức ăn xanh (cỏ tự nhiên, cỏ trồng, ngọn mía, vỏ đọt dứa,…), thức ăn ủ chua (được tạo ra thông qua ủ chua thức ăn xanh), cỏ khô và rơm lúa, thức ăn củ quả (khoai lang, khoai tây, cà rốt, củ cải, bầu bí,…), phế phụ phẩm công nghiệp chế biến (bã đậu nành, bã bia, bã sắn, rỉ mật đường,…)

Thức ăn tinh, gồm các loại hạt ngũ cốc và bột từ hạt ngũ cốc (như ngô, sắn, mì, gạo, cám gạo…), bột và khô dầu đậu tương, lạc…; các loại hạt cây họ đậu và thức ăn tinh hỗn hợp được sản xuất công nghiệp.

Thức ăn bổ sung (urê và hỗn hợp khoáng – vitamin,…).

2. Với một số loại thức ăn dùng nuôi bò sữa, việc sử dụng phải theo kỹ thuật (không thể tuỳ tiện)

Với thức ăn ủ chua: chỉ cho bò sữa ăn sau khi vắt sữa để tránh cho sữa nhiễm mùi cỏ ủ.

Bã bia: mỗi bò không cho ăn quá 15kg mỗi ngày, cho ăn nhiều bã bia, sẽ làm giảm tỷ lệ tiêu hoá chất xơ, các chất chứa nitơ và làm giảm chất lượng sữa.

Rỉ mật đường: Cho mỗi con chỉ ăn 1- 2kg mỗi ngày vì rỉ mật đường nhuận tràng, bò ăn nhiều bị ỉa chảy.

Vỏ và đọt dứa: không sử dụng thay thế hoàn toàn cỏ, mỗi con chỉ cho ăn 10 – 15kg mỗi ngày, chia làm nhiều bữa, vì trong vỏ dứa có men bromelin, bò ăn nhiều bị rát lưỡi.

Bã đậu nành sống: sử dụng chung với các loại thức ăn có chứa urê thì phải chia nhỏ lượng bã đậu nành ra, vì trong bã đậu nành có men phân giải urê. Sử dụng cùng lúc hai loại thức ăn này và với số lượng lớn, urê sẽ bị phân giải nhanh, dễ gây ngộ độc cho bò sữa.

3. Việc thay thế các loại thức ăn dùng cho bò sữa

Thành phần và giá trị dinh dưỡng của các loại thức ăn cho bò sữa thay đổi rất lớn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giai đoạn thu hoạch, thời gian và quá trình bảo quản, công nghệ chế biến… Trong thực tế, không chỉ sử dụng một số loại thức ăn nhất định mà phải thay đổi, và phải cho thay thế nhau. Về cơ bản, như sau:

1kg thức ăn tinh = 4,5kg bã bia

1kg cám gạo = 0,9kg cám mì

1kg bột sắn = 1kg rỉ mật đường

35kg cỏ tự nhiên = 35kg cây ngô ủ chua hoặc 35kg cây ngô xanh ngay sau khi thu hạt

35kg cỏ tự nhiên: 25 kg cỏ tự nhiên + 2kg rơm lúa

35kg cỏ tự nhiên: 35kg cây ngô tỉa non + 1,5kg rỉ mật đường.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Bệnh nội ký sinh trùng trên bò

Trâu bò dễ bị những bệnh ký sinh trùng và nguy cơ nhiễm càng cao khi trâu, bò ăn cỏ cắt từ ngoài đồng ruộng hoặc những nơi ngập nước. Trâu, bò mọi lứa tuổi đều có thể nhiễm các ký sinh trùng này. Tỷ lệ nhiễm ở Việt Nam khá cao: sán lá gan 13,7 – 50,2%; sán lá dạ cỏ hơn 70%.

Trâu, bò bị nhiễm những ký sinh trùng này sẽ bị thiếu máu, từ đó giảm sản lượng sữa (0,7 kg sữa/con/ngày), giảm tăng trọng (đối với bò tơ và bò thịt), dễ mắc các bệnh khác và giảm năng suất sinh sản (chậm lên giống lại sau khi sinh và chậm đậu thai).

Triệu chứng:

Trâu, bò bị nhiễm thường ít có biểu hiện các triệu chứng lâm sàng rõ ràng. Triệu chứng chung và dễ nhận biết nhất là thiếu máu nên niêm mạc mắt, miệng và âm hộ nhợt nhạt. Ngoài ra, bò thường gầy ốm, suy nhược, giảm ăn và có thể có tiêu chảy hoặc không. Đối với bò bị nhiễm sán lá gan còn có thêm triệu chứng lông xù, rất dễ nhổ và dễ rụng.

Điều trị:

Tùy thuộc loại thú (bò thịt hay sữa), quy mô đàn và cách chăn nuôi, bà con có thể chọn một trong các loại thuốc ở bảng bên để trị nội ký sinh trùng.

Phòng bệnh:

Sử dụng một trong các loại thuốc sau để phòng: BIO-ALBEN (phòng giun tròn, sán dây và liều cao phòng cả sán lá gan), BIOXINIL (phòng sán lá và một số giun tròn) và BIO-FENBENDAZOL (phòng giun tròn và sán dây). Liều lượng, loại thú, thời gian ngưng thuốc đối với thịt và sữa giống như phần điều trị. Đối với bò lớn 6 tháng xổ 1 lần, bò tơ và bê khoảng 4 tháng xổ 1 lần.

BIO-FENBENDAZOL là thuốc bột trộn thức ăn, vì thế phù hợp cho đàn bò thịt hoặc bò sữa quy mô lớn nuôi thả rong trong chuồng. Liều dùng: 1 g thuốc/5 kg thể trọng.

Nguồn: Nhanong.com.vn được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Phòng chống giá rét cho trâu, bò

Mùa đông đang đến, nhiệt độ xuống thấp ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe trâu, bò. Để phòng, tránh tác hại do thời tiết gây ra, Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã đưa ra những hướng dẫn, biện pháp chống rét cho trâu, bò.

Về chuẩn bị chuồng trại, Viện chăn nuôi khuyến cáo, nếu có điều kiện bà con nên tiến hành xây mới hoặc tận dụng chuồng cũ nhưng phải che chắn, nâng cấp. Chuồng nên ở nơi cao ráo, gần nguồn nước, nằm trong quy hoạch vùng. Cửa chuồng hướng về phía nam hoặc tây nam để bảo đảm ánh sáng và độ thông thoáng. Mái chuồng cao 3m, thành chuồng cao từ 0,8 – 1,2m.

Bà con chú ý trong chuồng, nên có ô thoáng phía trên để gió vẫn lưu thông. Khi đốt lửa sưởi, khói sẽ theo lỗ thoáng ra ngoài, không tích khí độc trong chuồng khiến trâu, bò ngửi phải. Nền chuồng cao hơn mặt đất 40 – 50cm, có độ dốc 2 – 3%.

Cùng với đó, bà con cũng cần chủ động dự phòng nguồn thức ăn cho trâu bò, chỉ khi cung cấp thức ăn đầy đủ thì trâu, bò mới có đủ năng lượng chống lại giá rét. Khối lượng thức ăn cần thiết để dự trữ đối với một con trâu, bò trưởng thành (có khối lượng khoảng ba tạ), cần chuẩn bị trung bình: 2,5 tạ thức ăn tinh (ngô, bột cám, bột sắn..) và bốn tạ thức ăn thô (rơm, cỏ voi, cây chuối, cây sắn, thức ăn ủ chua…).

Vào những ngày bình thường, bà con cho trâu, bò trưởng thành ăn khoảng 25 – 30kg thức ăn thô và 1,5kg thức ăn tinh, chia làm hai bữa. Nếu vào ngày rét đậm, rét hại thì bà con có cần điều chỉnh tăng lượng thức tinh lên khoảng 2kg để bổ sung năng lượng giúp trâu, bò chống lại giá rét. Chú ý cho trâu, bò ăn thức ăn thô trước rồi mới cho ăn thức ăn tinh, uống nước vì nếu cho ăn thức ăn tinh hay uống nước trước thì trâu, bò sẽ có cảm giác no, sử dụng lượng thức ăn thô ít đi.

Ngoài ra, để tăng sức đề kháng cho trâu, bò, bà con cần chú ý bổ sung vitamin tổng hợp và muối khoáng. Vitamin: Bà con dùng vitamin tùy theo hướng dẫn từng loại. Pha nước muối: Pha nước ấm 37 – 38 độ C với muối, nồng độ 0,1 – 0,3% tương đương 10 – 30g muối/10 lít nước. Cảm nhận mặn như nước canh là vừa.

Bà con cũng cần chuẩn bị rơm, cỏ, lá chuối, bẹ ngô khô để lót nền chuồng; trấu, củi để đốt sưởi; bạt, bao ni lông, phên, nứa để quây, che chung quanh chuồng và chăn, áo, bao tải gai để làm áo chống rét. Có thể sử dụng các tấm chăn, áo, bao tải gai đã cũ để làm áo chống trét cho trâu bò nhưng chú ý là nên sử dụng chất liệu bông, thấm nước. Không dùng chất liệu ni lông vì chất liệu này không thấm nước, hơi nước sẽ đọng lại và thấm ngược trở lại làm trâu bò bị rét. Bà con cần chú ý, giữ cho bộ lông của trâu bò thật sạch và khô. Nếu bộ lông ướt sẽ giảm cách nhiệt và làm cho trâu, bò bị rét hơn.

Đối với việc độn chuồng, tùy vào điều kiện thực tế mà có thể rải một lớp độn chuồng dày khoảng 5 – 15cm. Các chất độn chuồng này có thể để suốt mùa đông mà không cần phải dọn. Chú ý, hàng ngày bổ sung thêm chất độn chuồng ở phía trên, miễn làm sao cho chất độn chuồng không bị ướt, ẩm.

Khi che chuồng trâu, bò bà con nên che chắn bằng bạt hoặc các tấm phên, các bao tải đan. Tuy nhiên, không nên che kín, chỉ che qua chiều cao của con vật, khoảng từ 1,8 – 2m. Khi nhiệt độ xuống dưới 12 độ thì cần áp dụng phương pháp đốt lửa chống rét. Dùng xô, chậu cũ để đựng củi trấu, ngóm củi bén ở ngoài chuồng cho bớt khói rồi mới đưa vào trong chuồng. Khi đốt lửa chống rét thì bà con cần chú ý nhất tới vị trí đặt. Cần đặt khay lửa ở cuối chuồng để khói không tạt vào mặt trâu bò và đặt tránh xa chất độn chuồng, bạt che để phòng bén lửa gây cháy.

Việc bảo đảm vệ sinh chuồng trại sạch sẽ có vai trò rất quan trọng giúp hạn chế mầm bệnh cho trâu, bò. Bà con cần thường xuyên quét dọn vệ sinh chuồng trại; định kỳ phun thuốc khử trùng từ 2 – 3 tuần một lần để tăng cường việc vệ sinh tiêu độc khử trùng. Có thể sử dụng một số loại thuốc sát trùng như Virkon, HanIotdin, Farm Fluid… Khi sử dụng bà con chú ý tuân theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.

Sơ tán trâu đến vùng thấp để tránh rét

Bà con cần thường xuyên theo dõi bản tin dự báo thời tiết để có kế hoạch phòng, chống rét cho trâu, bò đạt hiệu quả cao. Tốt nhất những ngày gió rét dưới 15 độ C thì nên giữ gia súc ở tại chuồng, không nên cho đi chăn thả. Trường hợp đặc biệt nếu bắt buộc phải đưa gia súc ra ngoài cần bảo đảm những yêu cầu sau: Thời gian tốt nhất để đưa gia súc ra ngoài là khoảng sau 8 giờ sáng, khi thời tiết không có mưa phùn, gió lạnh. Gia súc cần được giữ ấm bằng cách mặc áo ấm trước khi đưa chúng ra ngoài đặc biệt những gia súc yếu và còn non.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Can thiệp đẻ khó trên bò

Trong quá trình đẻ nếu thai khó ra thì gọi là đẻ khó. Khi đẻ khó mà xử lý không đúng thì có thể gây bệnh ở đường sinh dục và làm cho bò mẹ trở nên vô sinh, thậm chí làm chết cả mẹ lẫn con. Vì vậy tích cực đề phòng và kịp thời can thiệp khi đẻ khó là một khâu rất quan trọng.

Để can thiệp kịp thời, cần chẩn đoán chính xác, từ đó mới quyết định phương pháp thích hợp. Trước khi kiểm tra phải nắm toàn bộ quá trình bệnh tật, tình hình lúc mang thai, điều trị của con bò, kiểm tra toàn thân, đường sinh dục bò mẹ và tình hình thai không bình thường để có biện pháp can thiệp kịp thời.

Nguyên nhân

Do cơ năng tuyến sinh dục sản sinh kích thích tố hoạt động quá mạnh, thời gian mang thai kéo dài, thai quá to hay cấu tạo đường sinh dục bò mẹ hẹp, sức rặn yếu, thai yếu, thai không đúng vị trí.

Một số trường hợp và biện pháp can thiệp

+ Rặn đẻ yếu, cổ tử cung đã mở, sức rặn đẻ của bò mẹ yếu nên không thể tống thai ra ngoài được. Có thể hỗ trợ bò mẹ kéo thai ra khi con vật rặn đẻ.

+ Kích thước giữa thai và đường sinh dục không phù hợp. Thai bình thường nhưng đường sinh sản bị hẹp: bao gồm hẹp xương chậu, cổ tử cung hẹp, hẹp âm đạo và âm hộ, có khối u ở đường sinh sản hoặc  thai quá to. Bò mẹ rặn nhiều lần nhưng thai không ra được. Phương pháp chủ yếu là dùng sức để lôi ra. Thụt vào đường sinh sản 1 chất nhờn hoặc nước xà phòng ấm, sau đó dùng dây thừng hỗ trợ kéo thai ra. Nếu phần đầu ra trước ngoài việc buộc dây thừng vào 2 chân trước, người đỡ chính cần phải cho ngón tay cái vào miệng thai, qua đường mép dùng ngón tay trỏ kẹp chặt lấy hàm dưới để cùng lôi đầu ra. Nếu thai ra bằng phần sau, buộc dây thừng vào 2 chân sau kéo ra. Nếu không lôi ra được thì phải quyết định cắt thai hoặc mổ bụng lấy thai.

+ Thai sinh đôi: Nếu có một tư thế thai bình thường và một tư thế thai không bình thường, xoay thai lại vị trí bình thường. Nếu 2 thai cùng lọt vào cửa xương chậu một lúc với độ sâu khác nhau nên bị kẹt và gây ra khó đẻ. Cần xác định phân biệt rõ từng thai (đẻ sinh đôi thông thường thì một thai đầu ra trước, một thai hai chân sau ra trước, nên khi kiểm tra sẽ có 1 đầu và 4 chân), đẩy lùi một thai ra khỏi xương chậu, sau đó lôi từng thai ra.

+ Tư thể của thai không bình thường: Phía đầu ra trước: đầu cổ ngoẹo về một bên, đầu gập xuống dưới, đầu ngửa ra sau, đầu gối ra trước, vai ra trước. Phía sau ra trước: khoeo ra trước, mông ra trước. Cần đưa thai về vị trí bình thường, có thể hỗ trợ hoặc không hỗ trợ kéo thai ra.

+ Vị trí thai không bình thường: Đầu ra trước, thai nằm nghiêng; đuôi ra trước thai nằm ngửa hoặc nghiêng. Cần đưa thai về vị trí bình thường sau đó kéo nhẹ thai ra theo cơn rặn của bò mẹ

+ Hướng thai không bình thường: Bụng ra trước, thai thẳng đứng, lưng ra trước; thai nằm ngang, bụng ra trước. Đưa thai về tư thế bình thường và kéo thai ra.

Những vấn đề cần chú ý

+ Can thiệp sớm và kịp thời khi đẻ khó là rất quan trọng. Nếu can thiệp chậm để thai lọt vào hố chậu, thành tử cung bọc chặt lấy thai, nước thai chảy hết, đường sinh dục đã thủy thủng thì dễ gây trở ngại cho việc đẩy thai vào, xoay thai và kéo thai ra.

+ Người đỡ đẻ chính phải bình tĩnh, khéo léo và kiên nhẫn vì thao tác phải chính xác. Người đỡ đẻ nên có sẵn người giúp việc để thay khi mệt và hỗ trợ trong quá trình đỡ đẻ.

+ Trong khi đẩy lùi thai, xoay nắn và lôi thai ra, nếu nước thai đã thoát hết, đường sinh dục bị khô thì phải thụt vào âm dạo và tử cung vài lít nước xà phòng ấm đã tiệt trùng để bôi trơn đường sinh dục.

+ Bất cứ bộ phận nào của thai ở tư thế không bình thường đều phải xoay nắn lại cho đúng vị trí trước khi lôi thai ra. Xoay thai, lôi thai ra theo cơn rặn của bò mẹ.

+ Ưu tiên việc cứu cả mẹ và thai, nếu các biện pháp xoay thai và kéo thai không hiệu quả, thì tùy vào thai còn sống hay đã chết, cắt thai và mổ bụng lấy thai là biện pháp cuối cùng.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.