Nguyên nhân cá nổi đầu và biện pháp phòng trừ

Thời tiết trong giai đoạn giao mùa, nắng mưa xen kẽ, những ao thâm canh thường có hiện tượng cá nổi đầu. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, cần tìm hiểu và có biện pháp khắc phục kịp thời.

Hiện tượng cá nổi đầu

Cá nổi đầu do thiếu ôxy

Biểu hiện

Nguyên nhân của hiện tượng này là do các vi sinh vật háo khí có hại hoạt động mạnh, làm giảm lượng ôxy hòa tan trong nước hoặc có thể do mật độ tảo quá dày về ban đêm khi tảo hô hấp hoặc khi tảo tàn phân hủy mạnh gây ra hiện tượng thiếu ôxy cục bộ vào thời điểm nửa đêm về sáng.

Ôxy trong ao được hình thành từ sự khuếch tán không khí và trong tầng nước, nhờ quá trình quang hợp của tảo, thiết bị sục khí, máy quạt nước… Ôxy bị mất đi chủ yếu do quá trình hô hâp của cá, tảo, vi khuẩn và phân hủy các vật chất lắng tụ ở đáy ao… Ôxy hòa tan có vai trò thiết yếu cho sinh vật thủy sinh phát triển, là điều kiện không thể thiếu của quá trình phân hủy hiếu khí của vi sinh vật. Khi nước bị ô nhiễm bởi các chất hữu cơ dễ bị phân hủy bởi vi sinh vật thì lượng ô xy hòa tan trong nước sẽ bị tiêu thụ bớt.

Thếu ôxy hòa tan nhẹ: Cá nổi đầu mờ sáng, chỉ nổi ở giữa ao, khi có bóng ngươi hoặc tiếng động mạnh, cá quẫy mạnh rồi chìm ngay khi mặt trời lên thì hết nổi đầu. Cá phân tán ở các nơi trong ao, miệng cá vừa há vừa đớp, trực tiếp hớp lấy ôxy trong không khí trên mặt nước một cách bình tĩnh.

Thiếu ôxy hòa tan nặng: Cá nổi đầu ngay cả ban đêm và nổi ở cả vùng ven bờ ao; khi có tiếng động cá không quẫy cũng không chìm; khi mặt trời lên cá vẫn nổi đầu.

Giải pháp

Để khắc phục tình trạng này, cần kiểm soát lượng ôxy hòa tan trong ao nuôi vào lúc nửa đêm về sáng bằng cách bố trí máy sủi khí tạo ôxy hòa tan, máy thổi khí, quạt nước… Hoặc có thể bơm thêm từ 30 – 50 cm nước vào trong ao và tùy tình hình cá nổi đầu do thiếu ôxy nặng hay nhẹ mà có thể quyết định cho cá dừng ăn 1 – 2 ngày.

Khi cá bị nổi đầu do thiếu ôxy thì tốt nhất là không bón thêm phân hữu cơ, phân chuồng vào trong ao nuôi. Đồng thời, cứ 15 – 20 ngày dùng vi sinh xử lý đáy, vi sinh đáy để kiểm soát vi sinh vật trong ao và lượng hữu cơ tồn đọng ở đáy ao nuôi. Bên cạnh đó, luôn kiểm soát tốt các loại tảo độc trong ao như tảo lam, tảo đỏ, tảo mắt bằng thuốc diệt tảo, vi sinh đáy tránh hiện tượng tảo tàn gây thiếu ôxy hòa tan vào sáng sớm.

Cá nổi đầu do bị trúng độc

Biểu hiện

Cá bơi lội không định hướng, chao đảo rồi hôn mê, khi cá bị nặng thì toàn thân chuyển màu thâm đen, tăng độ nhớt, mất năng lực hoạt động mà chết. Cá bị trúng độc sẽ khiến chết hàng loạt, thậm chí là cả ao nuôi nếu không có biện pháp xử lý kịp thời. Các ao nuôi hay bè nuôi, cá bị chết do nước thải từ các nhà máy thải ra khu vực nuôi, những chất thải này thường chứa kim loại nặng, độc tố cao làm cá chết nhanh.

Với trường hợp cá nuôi bị nhiễm khí độc từ đáy ao như H2S, NH3, NO2, CH4…; do đáy ao có nhiều mùn bã hữu cơ, quá trình hô hấp yếm khí tạo ra các khí độc.

Giải pháp

Trường hợp cá bị chết do nguồn nước thải, ở mức độ nhẹ có thể ùng chế phẩm giải độc nước bằng BIO-POWER kết hợp ôxy khan, ôxy viên bố trí bơm nước thêm vào ao, thay nước mới, máy sủi, máy sục, máy thổi khí để cung cấp ôxy cho ao, lồng bè nuôi giải độc cho cá.

Với trường hợp cá bị nhiễm khí độc từ đáy ao nuôi, thì cần dừng ngay việc bón phân chuồng, phân xanh nước thải chăn nuôi xuống ao, sục khí đáy ao bằng các loại máy sục khí đáy, sục khí chìm, máy thổi khí đáy giúp cung cấp ôxy, ngăn chặn việc hô hấp yếm khí, giải phóng khí độc đáy ao, dùng các chế phẩm vi sinh xử lý đáy, men xử lý đáy để phân hủy triệt để nguồn hữu cơ, hấp thu khí độc. Thay nước mới với lượng 30 – 50 cm.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Khánh Hòa: Hàng tấn cá bớp chết bất thường, người dân khốn đốn

Mấy ngày nay, người nuôi thủy sản trên vịnh Cam Ranh lâm vào tình trạng khốn đốn, bởi cá bất ngờ chết mà chưa xác định được nguyên nhân.

Theo người dân Cam Ranh, cá nuôi chết nhiều cách đây khoảng 2 ngày (từ 22.11). Ban đầu, cá có dấu hiệu thiếu oxy, bơi lờ đờ, bỏ ăn, rồi chết dần. Càng ngày, cá chết càng nghiêm trọng hơn. Khu vực biển nuôi cá xuất hiện màu nước đen đục. Cá nuôi bị chết nhiều nhất là của hộ ông Nguyễn Còi (Tổ dân phố Linh Xuân, phường Cam Linh, Cam Ranh) với gần 20 tấn cá chết.

Cá chết, người dân vớt bán “đổ tháo”

Ông Lê Nhật Linh (ở Cam Ranh) cho biết, gia đình nuôi cá bớp được 7 tháng, với số lượng 2.200 con. Cách đây khoảng 2 ngày, cá bất thường lờ đờ và rồi lăn ra chết. Gia đình phải vớt vát bán đổ, bán tháo cá với giá từ 130.000 – 135.000 đồng/kg, lỗ nặng.

Người nuôi lâm cảnh lao đao vì cá chết hàng loạt

Ông Lê Minh Hải – Trưởng phòng Kinh tế TP.Cam Ranh cho biết, đang yêu cầu các địa phương thống kê, báo cáo cụ thể mức độ thiệt hại do cá chết hàng loạt. Hiện cơ quan chức năng đang tiến hành lấy mẫu để xác định nguyên nhân cá chết.

Nguồn: Danviet.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Cá tươi & cá lạnh đông đều có lợi ích sức khoẻ như nhau

Đó là khẳng định của các nhà khoa học tại công ty Sintef, Na Uy vừa công bố trên tạp chí Fresh.news (FN) số ra ngày 19/11.Theo FN, mặc dù phần lớn cho rằng “tiền tươi thóc thật” là một lựa chọn tối ưu, nhất là thực phẩm, nhưng theo nghiên cứu thì hai nhóm cá này đều có lợi ích sức khoẻ như nhau.

Thậm chí cá tươi chỉ kéo dài 2-3 ngày sau khi đánh bắt, nhưng cá lạnh đông lại “có thể kéo dài từ 4 đến 6 tháng trong tủ đá mà chất lượng không hề suy chuyển”, các chuyên gia dinh dưỡng tham gia nghiên cứu khẳng định.

Cá tươi và cá lạnh đông đều có lợi ích sức khoẻ như nhau

Thực ra, mục tiêu của nghiên cứu là tìm kiếm các phương pháp xử lý, đông lạnh, và làm tan băng cá để đảm bảo chất lượng thực phẩm cho người tiêu dùng, đồng thời tìm ra cách để giảm nguy cơ ký sinh trùng có trong cá sống. Khi nghiên cứu về tác động của các phương pháp lạnh đông và tan băng tới chất lượng và thời hạn sử dụng của cá, các nhà khoa học đã xác định được 3 yếu tố có thể tăng cường chất lượng cá lạnh đông.

– Thứ nhất, cá cần được đông lạnh ngay khi đánh bắt.

– Thứ hai, cá cần được đông lạnh ở nhiệt độ ổn định và thấp, không bị gián đoạn trước khi được làm tan.

– Thứ ba, việc tan băng phải diễn ra ngay trước khi cá được bán.

Các mẻ cá tham gia trong cuộc kiểm tra này được xác định “tốt nhất là trong 10 ngày sau khi tan băng”. Điều này có nghĩa là cá không có vi khuẩn và kết cấu, màu sắc cũng như chất lượng nhất quán khi được xử lý lạnh đông một cách chính xác. Chính điều này, mà “cá tươi cũng giàu dinh dưỡng như cá lạnh động”, chuyên gia dinh dưỡng Tara Condell, người tham gia nghiên cứu cho hay. Riêng tại Mỹ, Cơ quan Quản lý Thực & Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) yêu cầu cá lạnh đông trước khi bán phải được làm tan băng.

Lạnh đông được thực hiện ngay sau khi cá được đánh bắt tại chỗ, mức nhiệt độ lạnh đông vào khoảng -20 độ Fahrenheit (6,7 độ C) để giúp cá đóng băng cứng trong giây lát. Ngoài ra, theo FDA, người mua hàng cũng nên kiểm tra mùi vị cá và hiện tượng bỏng đá, còn hãng sản xuất nên đông lạnh và tan đá một cách hợp lý để đảm bạo độ tươi và chất lượng.

Lời khuyên bảo quản cá tươi

– Lấy cá ra khỏi túi chứa.

– Rửa cá trong nước lạnh và làm khô bằng khăn giấy.

– Đặt cá vào giá, không chạm hoặc chồng lên nhau.

– Nên chứa vào khay lớn, rắc đá lên, đừng để đá trực tiếp lên giá.

– Dùng túi plastic hoặc giấy nhôm đậy kín khay và đặt vào ngay ngắn trong tủ lạnh

– Nếu giữ cá hơn một ngày, hãy thay đá khi tan và đổ nước dư thừa đi.

Lời khuyên về khử đá

– Lấy cá ra khỏi khay chứa.

– Rửa cá trong nước lạnh và làm khô bằng khăn giấy.

– Đặt cá trong túi hoặc hộp chứa, và dán nhãn thời gian để tiện theo dõi.

– Lưu grữ túi cá trong tủ đông ở mức 0 độ hoặc lạnh hơn.

– Khử đá và chuẩn bị cá tươi trong vòng hai tuần để có hương vị và chất lượng cao nhất.

– Khử đá ngay trong tủ lạnh là cách tốt ưu nhất.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Ức chế virus hoại tử thần kinh (VNN) trên cá bằng ribavirin

Trong thí nghiệm này, các nhà khoa học Israel đã báo cáo rằng việc xử lý ấu trùng cá ngựa vằn với ribavirin trước khi nhiễm virus hoại tử thần kinh (NNV) sẽ làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong do virus trong 10 ngày đầu sau nhiễm.

Thuốc ribavirin ức chế virus hoại tử thần kinh (VNN) trên cá.

Giới thiệu

Bệnh VNN là bệnh cấp tính xuất hiện từ trại ương giống. Ấu trùng (từ 10-25 ngày tuổi) hoặc cá giống bỏ ăn, cá chết rải rác, bơi lờ đờ trên tầng mặt do bóng hơi trương phồng. Bệnh gây thiệt hại lớn cho ngành nuôi cá giống.

Ribavirin tương tự guanosine là thuốc chống virus phổ rộng, chủ yếu được sử dụng trong thực hành phòng trị lâm sàng của con người. Chúng có hoạt tính in vitro và trong cơ thể chống lại 20 loại virus của RNA và DNA.

Cơ sở khoa học

Trong thí nghiệm này, các nhà khoa học Israel đã báo cáo rằng việc xử lý ấu trùng cá ngựa vằn với ribavirin trước khi nhiễm virus hoại tử thần kinh (NNV) sẽ làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong do virus trong 10 ngày đầu sau nhiễm.

Ribavirin, Ribavirin điều trị hoại tử thần kinh, hoại tử thần kinh trên cá, bệnh trên cá

Cá bị hoại tử thần kinh.

Kết quả

Bộ gen RNA của NNV thu được từ ấu trùng ấu trùng được cấp ribavirin có chứa ba đột biến đồng nhất và một đột biến không đồng nhất, dẫn đến việc thay thế một codon serine với một codon glycine trong gen RNA polymerase RNA của virus.

Việc bổ sung thêm lượng guanosine vào ribavirin trước khi ấu trùng không làm cản trở hiệu quả hoạt động kháng virus. Xử lý bằng ribavirin trên ấu trùng cá ngựa vằn không ức chế làm giảm mức bazơ IFNγ, nhưng làm tăng mức biểu hiện mRNA IL-1β. Hơn nữa, ấu trùng nhiễm với NNV sau khi điều trị ribavirin làm giảm nồng độ biểu hiện gen IFNγ, IFN-I, Mx và TNF-α, trong khi biểu hiện IL-1β tăng lên.

Kết luận

Những kết quả này cho thấy hiệu quả điều tiết cytokine đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động của ribavirin chống lại NNV. Tỷ lệ tử vong của hơn 40 loài cá xa bờ, chủ yếu là ấu trùng và cá non, từ NNV là một trở ngại chính đối với các trại sản xuất giống và cản trở việc cung cấp cá non cho các trại nuôi.

Do đó, điều trị bằng ribavirin có hiệu quả về mặt chi phí nên được xem như là biện pháp hữu hiệu để giảm nguy cơ của NNV.

Nguồn: Tepbac.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Tổng kết tình hình sản xuất muối và artemia

Ngày 15-11, tại Nhà văn hóa xã Vĩnh Tân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND TX. Vĩnh Châu tổ chức Hội nghị tổng kết tình hình sản xuất muối, artemia năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018.

Sản xuất artemia ở Vinh Châu.

Theo báo cáo, tổng diện tích sân nền sản xuất muối là 50,3ha, sản lượng thu hoạch 2.400 tấn, năng suất bình quân 47,7 tấn/ha và sản lượng muối mà diêm dân sau thu hoạch tiêu thụ được 63%, giá muối dao động từ 600 đồng – 750 đồng/kg; hiện số muối còn dự trữ tại hộ khoảng 880 tấn. Theo bà con diêm dân, sau thu hoạch trừ các khoản chi phí thì sản xuất muối mang lại lợi nhuận 3 triệu đồng/ha.

Đối với artemia, diện tích thả nuôi là 694ha, đạt 100% kế hoạch, có 302 hộ tham gia, sản lượng trứng bào xác thu hoạch gần 13.400kg, năng suất bình quân ước 19kg/ha, sau khi artemia hết cho trứng thì thu sinh khối bán với số lượng 117.950kg, giá trứng bình quân từ 1 – 1,1 triệu đồng/kg, ước giá trị hơn 14,7 tỉ đồng, người dân lợi nhuận đã trừ chi phí là 18 triệu đồng/ha.

Trong quá trình sản xuất, bà con gặp thuận lợi trong chỉ đạo sản xuất của các ban ngành địa phương nên đã ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật do ngành chuyên môn chuyển giao trong kỹ thuật sản xuất muối, nuôi artemia, kể cả đầu tư cơ sở hạ tầng, cải tiến các quy trình sản xuất, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm…

Bên cạnh thuận lợi đã nêu, tình hình sản xuất tại hộ dân được các đại biểu chia sẻ còn gặp một số khó khăn, như: thời tiết diễn biến phức tạp, mưa nhiều làm ảnh hưởng đến làm muối, việc thả nuôi artemia; hiện các kênh thủy lợi nội đồng bị bồi lắng làm ảnh hưởng trong việc lấy nước lên ruộng nuôi, nguồn vốn hỗ trợ còn hạn hẹp, khó tiếp cận vốn ngân hàng, đầu ra sản phẩm phụ thuộc thương lái.

Trong năm 2018, kế hoạch sản xuất muối trên địa bàn TX. Vĩnh Châu dự kiến 100ha, sản lượng 5.000 tấn và artemia sản xuất 650ha, sản lượng trên 30 tấn, năng suất khoảng 50kg/ha.

Để vụ mùa thành công cũng như tiêu thụ tốt sản phẩm sau thu hoạch, đồng chí Trương Văn Đúng nêu giải pháp trọng tâm, gồm: đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông nội bộ ở các hợp tác xã về nạo vét kênh cấp thoát nước bị bồi lắng, sạt lở, gia cố đường vận chuyển muối; tăng cường ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật; mở các lớp chuyển giao kỹ thuật mới trong sản xuất muối, artemia; đề xuất các chính sách đầu tư vốn tín dụng, hỗ trợ lãi suất cho các hộ dân và hợp tác xã, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường; nâng cao chế biến tạo sự ổn định trong khâu tiêu thụ.

Nguồn: Báo Sóc Trăng được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

 

Sản xuất giống thủy sản ở Ninh Hòa (Khánh Hòa): Khó gượng dậy sau bão

Trong cơn bão số 12, các vùng sản xuất giống thủy sản ở Ninh Hòa (Khánh Hòa) với hàng trăm trại ương nuôi bị tàn phá hoàn toàn. Các chủ trại như đang ngồi trên đống lửa khi của cải bị mất hết, con giống chết và đối mặt với cảnh nợ nần.

Thôn Ninh Tịnh (xã Ninh Phước) là vùng sản xuất giống thủy sản chủ lực của thị xã Ninh Hòa. Toàn vùng có khoảng 140 trại sản xuất con giống ốc hương và ngao để cung cấp cho các cơ sở nuôi trong và ngoài tỉnh. Sau bão, bên cạnh hàng trăm hộ nhà bị tốc mái, thì cả một vùng sản xuất giống thủy sản đã bị xóa sổ hoàn toàn. Ông Ngô Đình Đức – chủ một trại sản xuất giống ốc hương cho biết: “Nhà tôi có 5 trại giống bị thiệt hại hoàn toàn. Riêng cơ sở vật chất thiệt hại 1 tỷ đồng, cùng với 15 triệu con ốc giống chưa kịp bán bị cuốn trôi, ước thiệt hại 750 triệu đồng”. Trại sản xuất giống của ông Ngô Văn Huân gần đó cũng bị bão đánh tan tành. Ông Huân là hộ bị thiệt hại nhiều nhất trong vùng với 7 trại sản xuất bị đổ sập, hơn 10 triệu con ốc giống bị chết, ước thiệt hại hơn 2,5 tỷ đồng.

Vùng sản xuất giống thủy sản thôn Ninh Tịnh tan hoang sau bão

Ở vùng ương nuôi cá bớp giống tại thôn Tân Thành và thôn Tân Đảo (xã Ninh Ích), hàng chục cơ sở sản xuất cũng rơi vào cảnh hoang tàn. Ông Nguyễn Văn Tình – chủ một cơ sở cho biết, khi bão vào, ao ương bị sạt lở, máy móc thiết bị bị bão cuốn bay. Mưa lớn khiến cho nước trong đìa ương bị ngọt hóa đột ngột nên toàn bộ cá giống hơn 20.000 con gần xuất bán bị chết, ước thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Ông Phạm Ngọc Khánh – Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Ích cho biết: “Trên địa bàn có 30 hộ ương nuôi cá bớp giống. Các cơ sở này đều bị thiệt hại hoàn toàn sau bão. Một vấn đề đặt ra đối với công tác khôi phục sản xuất của các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn là ngoài lồng bè bị đánh tan, ao đìa bị sạt lở nghiêm trọng, các hộ khôi phục xong cũng không tìm đâu ra giống để tái sản xuất”.

Ông Đặng Cửu – Trưởng phòng Kinh tế, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thị xã Ninh Hòa cho biết: “Cơn bão số 12 đã khiến cho ngành Thủy sản Ninh Hòa bị thiệt hại nặng. Về diện tích nuôi trồng có 856ha, chủ yếu nuôi tôm, cá, ốc hương bị thiệt hại; 166 bè nuôi thủy sản bị đánh tan; 240 chiếc tàu thuyền bị chìm. Riêng đối với sản xuất giống, trên địa bàn thị xã có 110 cơ sở sản xuất ốc hương giống, 35 trại sản xuất tôm giống, 30 cơ sở sản xuất cá bớp giống, 2 cơ sở sản xuất giống cá nước ngọt, tất cả đều tan hoang sau bão. Giống ương nuôi, chuẩn bị xuất bán gặp mưa, bão đã chết sạch. Việc khôi phục sản xuất của các cơ sở nói riêng và khôi phục sản xuất thủy sản trên địa bàn thị xã nói chung phải mất một thời gian dài nữa mới hồi phục”.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều chủ cơ sở sản xuất giống cho biết, tuy thiệt hại nặng nề nhưng họ vẫn phải gắng gượng, dọn dẹp những gì tan hoang sau bão để tổ chức lại sản xuất. Khó khăn hiện nay là nhân công, vật tư để xây dựng lại các trại khan hiếm, điện để chạy máy chưa có nên trước mắt chưa thể tổ chức sản xuất được. Các cơ sở sản xuất giống đang rất cần sự hỗ trợ từ nhiều phía.

Nguồn: Vietlinh.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Tái thiết vùng nuôi thủy sản sau bão

Nhiều vùng biển từng san sát lồng bè, sau bão giờ chỉ còn là vùng biển trống, kéo theo những khoản nợ chất chồng lan rộng ở nhiều gia đình.

Ngành nuôi trồng thủy sản tỉnh Khánh Hòa đang chịu ảnh hưởng vô cùng nặng nề của cơn bão 12

Phải nhanh chóng tái thiết sau bão là yêu cầu bức bách bởi tái thiết nhanh chóng mới ổn định lâu dài đời sống của người dân vùng bão. Tuy nhiên, tái thiết như thế nào khi bão đã lấy đi nguồn lực tài chính của nhiều gia đình.

Ở các vùng nuôi thủy sản, lúc này nhiều gia đình không biết phải bắt đầu từ đâu để phục hồi vùng sản xuất sau khi hơn 24 ngàn lồng bè thủy sản bị bão phá hủy, gây tổn thất nặng nề.

Nhiều vùng biển từng san sát lồng bè, giờ chỉ còn là vùng biển trống, kéo theo những khoản nợ chất chồng lan rộng ở nhiều gia đình. Đoàn công tác của Tổng cục Thủy sản đang khảo sát tại ba tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên và Bình Định. Thực tế chung của những vùng biển sau bão là nguy cơ khó phục hồi các vùng nuôi thủy sản. Nguồn lực tài chính của các gia đình không còn để tái đầu tư, chưa kể những khoản nợ.

Chính sách hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại do bão số 12 đã có. Vấn đề đặt ra là việc thống kê phải kịp thời, đầy đủ, sát thực tế. Đây là công việc không dễ với tình hình hiện nay ở các địa phương còn thiếu hồ sơ kê khai lồng bè. Việc khôi phục các vùng nuôi thủy sản sau bão sẽ được gắn với tổ chức lại sản xuất vùng nuôi theo hướng tuân thủ quy hoạch, đảm bảo tính bền vững.

Nguồn: VTV được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Thay thế dầu cá bằng nguyên liệu thực vật

Nguồn cung bột cá, dầu cá hạn chế khiến ngành thủy sản nuôi bị chững lại nhưng thúc đẩy ngành khoa học thủy sản tìm kiếm nguồn nguyên liệu mới. Bằng công nghệ hiện đại, hãng dinh dưỡng Alltech đã tìm nguyên liệu thức ăn tối ưu 100% nguồn gốc thực vật để thay thế dầu cá.

Alltech – hãng sản xuất hàng đầu thế giới về công nghệ lên men và sản xuất nấm men, tảo, lên men giá thể rắn đã tìm ra được nguồn nguyên liệu thức ăn 100% nguồn gốc thực vật để nuôi thủy sản mà không cần phải bổ sung bất cứ thành phần sản phẩm phụ từ động vật hoặc chất béo động vật trên cạn hay dưới nước. Bằng công nghệ đùn, Alltech đã tạo ra nguyên liệu thức ăn dinh dưỡng cao và premix (canxi bổ sung khoáng và vitamin) như Aquate, ForPlus và tảo DHA.

Tăng lợi nhuận từ nguồn dinh dưỡng tối ưu

Công nghệ đùn chính là bước quan trọng nhất mang lại thành công cho quy trình sản xuất thức ăn 100% nguồn gốc thực vật; đặc biệt có ý nghĩa khi mô hình nuôi thủy sản tái tuần hoàn đang ngày càng trở nên phổ biến hơn. Lợi ích của công nghệ đùn là cải thiện tính ổn định của nguồn nước được cung cấp; quá trình tinh bột hồ hóa cao hơn; cải thiện hấp thu dinh dưỡng; tăng năng lượng; giảm thất thoát chất dinh dưỡng; có khả năng tạo ra thức ăn chìm, nổi hoặc chìm chậm.

Aquate

Công nghệ Aquate được sử dụng thành công trong ngành nuôi trồng thủy sản từ thập kỷ trước và ngày nay nó vẫn duy trì được lớp cân bằng bảo vệ giữa đối tượng nuôi, dinh dưỡng và môi trường. Công nghệ Aquate có khả năng thúc đẩy tăng trưởng của những vi khuẩn có lợi và tạo ra màng chắn bảo vệ dạ dày và ruột của vật nuôi. Aquate củng cố chức năng của hệ tiêu hóa; từ đó, mang lại sự phát triển trong chăn nuôi và cuối cùng là nâng cao lợi nhuận cho người nuôi.

Phương pháp dị dưỡng

Cơ sở sản xuất tảo của Alltech tại Winchester, Kentucky là một trong những cơ sở sản xuất vi tảo dị dưỡng lớn nhất thế giới. Bản chất của phương pháp này là giảm nhiễm bẩn, đồng thời cho phép nhà sản xuất giám sát tốt hơn các quy trình chế biến và tối đa hóa hàm lượng dinh dưỡng. Kết quả cuối cùng là tạo ra nguồn DHA giàu dinh dưỡng, tinh khiết và ổn định. Loại vi tảo giàu DHA này là nguồn thức ăn thiên nhiên dành cho cá hồi non và thay thế được dầu cá trong chế độ ăn hiện nay. Nhờ sản xuất theo công nghệ dị dưỡng, năng suất của tảo đã được tăng lên đáng kể, cùng đó, giúp nhà sản xuất nâng cao khả năng kiểm soát chất lượng sản phẩm và môi trường.

ForPlus

Đây là một sản phẩm chất lượng cao có khả năng thay thế dầu cá do chứa hàm lượng DHA rất cao, an toàn và bền vững. Sản phẩm đã được dùng thử nghiệm trên cá hồi Atlantic từ giai đoạn cá bột đến khi phát triển thành cá giống và giai đoạn tăng trưởng trên 1,2 kg theo chế độ ăn 15% vi tảo. Đáng chú ý là chế độ ăn 15% vi tảo không chứa dầu cá. Vi tảo được chứng minh là tạo cảm giác ngon miệng hơn cho vật nuôi, tiêu hóa tốt hơn và đặc biệt giàu đạm và axít béo không bão hòa. Loại tảo này cũng tác động tích cực lên hàm lượng axít béo ở gan và fillet cá hồi bằng cách kích thích sự phát triển các cơ của vật nuôi.

>> Alex Tsappis, Chuyên gia dinh dưỡng, Alltech cho biết: Các loài thủy sản nuôi chỉ cần một chế độ dưỡng chất cân bằng để tăng trưởng và khỏe mạnh. Do đó, chúng ta cần phải tìm ra được cách thức cung cấp dinh dưỡng cho các loại thủy sản với chi phí hiệu quả và bền vững nhất.

Nguồn: Tạp chí Thủy sản VN được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Hóa chất trị rận biển và tác hại với các sinh vật khác

Để xử lý cá bị rận biển, người nuôi thường sử dụng các loại hóa chất. Tuy nhiên, các loại hóa chất này lại gây ra tác dụng phụ nguy hiểm.

Rận biển là một nhóm các giáp xác chân chèo sống kí sinh và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng sức khỏe của vật chủ, đặc biệt là các loài thủy sản nuôi như cá hồi.

Emamectin benozoate (EMB) là một loại thuốc trừ sâu hữu hiệu, thường được sử dụng để trị nhiễm rận biển trong nuôi cá. Mặc dù là hóa chất có ích khi đảm bảo sức khỏe cho cá và duy trì được sản lượng cá hồi có lãi, nhưng EMB không phải không có những mặc trái của nó. Đã có những tranh cãi trong việc sử dụng EMB do các tác động bất lợi được đã báo cáo đối với các loài khác (không phải là đối tượng trị bệnh), được coi là quan trọng để duy trì một môi trường lành mạnh.

EMB được sử dụng nhiều

Mặc dù từ năm 2012 – 2013 việc sử dụng emamectin đã giảm, nhưng đến năm 2014 thì tăng trở lại ở một số quốc gia như Na Uy do rận biển đang dần kháng lại các biện pháp xử lý thay thế. EMB là chất gây độc thần kinh mạnh đối với côn trùng và các giáp xác chân chèo như rận biển, và cuối cùng có thể dẫn đến chết do bị tê liệt. Thuốc trừ sâu có hiệu nghiệm này cũng gây độc cao cho các loài giáp xác như tôm hùm Mỹ, và do đó làm dấy lên mối quan tâm về những ảnh hưởng bất lợi đến các loài không phải là đối tượng trị bệnh nhưng lại có giá trị về kinh tế.

Vì vậy, các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu nước Na Uy (the Norwegian Institute for Water Research – NIVA) đã tiến hành một loạt các nghiên cứu để xác định đặc tính gây độc của EMB ở loài giáp xác không phải là đối tượng xử lý bệnh. Nghiên cứu đã được công bố gần đây ở Tạp chí Khoa học và Công nghệ Môi trường.

You Song, một nghiên cứu sau tiến sĩ tại NIVA, giải thích: “Giáp xác nước ngọt và loài thử nghiệm độc tính theo chuẩn OECD, Daphnia magna, đã được sử dụng như là một mô hình tham khảo”.

Song cho biết thêm: “Bằng cách kết hợp giữa thử nghiệm độc tính cấp tính đã được tiêu chuẩn hóa với các kỹ thuật phân tử và tế bào cải tiến, người ta đã chứng minh EMB vừa ảnh hưởng đến sự dẫn truyền thần kinh ở D. magna, vừa can thiệp vào sự lột xác bình thường do làm rối loạn các tín hiệu của tuyến nội tiết”.

Những cơ chế tiềm năng này có thể là động lực chính gây ra tỷ lệ tử chết cao của các động vật được quan sát trong nghiên cứu này.

Có nên hạn chế sử dụng EMB?

Nghiên cứu kết luận rằng điều trị rận biển bằng EMB có thể gây nguy hiểm đối với các loài giáp xác không phải là mục tiêu trị bệnh trong các vùng nước gần các trang trại nuôi cá.

Nhà nghiên cứu cao cấp và quản lý dự án, Knut Erik Tollefsen, của NIVA cho biết: “Việc đánh giá để mở rộng quy mô vấn đề và xác định liệu cần có những hạn chế sử dụng đặc biệt hay không cần phải được xem xét để đảm bảo sử dụng bền vững các loại thuốc thú y trong nuôi trồng thuỷ sản”.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Ngăn chặn dịch bệnh từ thức ăn và nguồn dinh dưỡng tối ưu cho nuôi trồng thủy sản

Ngành thủy sản phát triển và thay đổi nhanh chóng với sự gia tăng các hệ thống nuôi nước ngọt, nước mặn bằng thức ăn ép đùn. Trong khi, bột cá trở thành vấn đề nóng của ngành thức ăn thủy sản bởi thế giới vẫn đang nỗ lực tìm kiếm nguồn protein bền vững có khả năng thay thế.

Phần 1: Chặn dịch bệnh từ nguồn thức ăn

Nguồn protein động vật dồi dào nhất và có thể trở thành nguyên liệu thức ăn thủy sản chính là những nguồn protein trong ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm; gồm sản phẩm phụ từ gia cầm, bột gia cầm, bột lông vũ, bột huyết, bột xương heo và sản phẩm phụ từ động vật nhai lại. Đây thực sự là nguồn protein vô tận. Ngoài những sản phẩm này, còn có nhiều loại bột protein thực vật có nguồn gốc từ các loại hạt có dầu, hạt ngũ cốc và các loại protein đậm đặc từ đậu Hà Lan, khoai tây, đậu lupin.

Có lẽ, nguồn protein tiềm năng và đáng chú ý nhất chính là nguồn protein vi sinh vật từ nguồn chất thải và chất nền trong ngành nông nghiệp chi phí thấp, gồm protein đơn bào (SCP), nấm men đơn bào, tảo đơn bào. Một nguồn protein là bột protein từ các loại động vật không xương sống (như côn trùng, giun nhiều tơ) cũng đang ngày càng được quan tâm. Thế nhưng chỉ trừ khi chúng ta sản xuất được hàng nghìn tấn sản phẩm này, thì chúng mới được coi là nguồn protein không giới hạn.

Tuy nhiên, dù là nguồn thức ăn nào, chúng đều có thể trở thành hiểm họa gây ra dịch bệnh nếu chất lượng không đảm bảo. Thời gian qua, dịch bệnh AHPND và EMS đã tàn phá các trang trại nuôi tôm. Nguồn thức ăn từ vật sống chưa qua tiệt trùng trong suốt chu kỳ nuôi tôm bố mẹ, tôm giống (gồm cả việc sử dụng các loại giun nhiều tơ sống, Artemia và sinh khối) và một lượng ít các loại thức ăn từ bột đầu tôm trong pha nuôi tăng trưởng đều tiềm ẩn hiểm họa dịch bệnh.

Thật tiếc chưa có nhiều quốc gia quản lý an toàn thức ăn chăn nuôi thủy sản bằng luật pháp, ví dụ như hệ thống quản lý sản xuất các loại thức ăn chăn nuôi tổng hợp. Do đó, việc làm thế nào để đảm bảo người nông dân tiếp cận được nguồn thức ăn chăn nuôi chất lượng, đáp ứng mọi tiêu chí dinh dưỡng của các vật nuôi trong khâu tăng trưởng và khỏe mạnh vẫn còn là vấn đề nan giải.

Để đảm bảo nguồn thức ăn không còn là mầm mống của dịch bệnh cho các trại thủy sản, chúng ta cần vạch ra những bước đi cụ thể cho chuỗi cung ứng thức ăn chăn nuôi. Để làm được việc này, có hai hướng khả thi. Trước tiên, những nguồn nguyên liệu thức ăn từ động vật hay thực phẩm sống khi bán ra thị trường buộc phải đảm bảo sạch bệnh hoặc được khử trùng trước khi vận chuyển. Thứ hai, nguồn thức ăn đó cũng phải được khử trùng trong suốt giai đoạn chế biến dù là chế biến bằng công nghệ ép đùn hay xạ chiếu tia gamma. Ngoài ra, việc cho vật nuôi ăn lại nguồn thức ăn chế biến từ chính nó (ví dụ dùng bột đầu tôm để nuôi tôm) nên bị cấm bằng cơ chế luật pháp cứng rắn; mục đích ngăn chặn sự xuất hiện dịch bệnh từ các nguồn thức ăn chế biến bằng vật nuôi nhiễm bệnh.

Phần 2: Nguồn dinh dưỡng tối ưu

Những vướng mắc lớn nhất trong ngành sản xuất thức ăn thủy sản, cụ thể là ngành thức ăn nuôi tôm hiện nay lại nằm ở các trại nuôi và khâu quản lý. Theo tôi, ngành công nghiệp nuôi tôm phải học hỏi và đi theo ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm ở khía cạnh an toàn sinh học và dứt khoát từ bỏ hệ thống nuôi mở trong ao để phát triển và xây dựng hệ thống nuôi khép kín theo các tiêu chuẩn an toàn sinh học đầy đủ.

Ngoài ra, một nguồn thức ăn nuôi tôm được đánh giá là thành công hay không lại phụ thuộc vào khâu quản lý thức ăn ở trang trại đó, đây chính là nhiệm vụ của người nông dân (những người trực tiếp tham gia sản xuất). Các “vệ tinh” xung quanh là các công ty sản xuất thức ăn và chính phủ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng và hỗ trợ người nông dân hoạt động. Hầu hết trại nuôi tôm tại châu Á đều do nông dân làm chủ và hoạt động theo quy mô nhỏ với nguồn lực tài chính và cơ hội tiếp cận kênh thông tin khoa học kỹ thuật chính thống còn rất hạn chế. Ngành tôm nuôi cũng sẽ nối gót ngành cá vây nuôi từ việc tăng cường sử dụng các loại thức ăn ép đùn nhằm cải thiện dinh dưỡng và tăng trưởng cho tôm cho đến gia tăng nguồn thức ăn an toàn sinh học. Cuối cùng là giảm chi phí thức ăn trên mỗi đơn vị sản phẩm, chú trọng sản xuất các loại phụ gia thức ăn nhạy cảm nhiệt, enzymes, vitamin, chất tạo màu và probiotics.

Khi bạn quản lý thức ăn tốt, thì cũng góp phần mang lại thành công cho cả trang trại. Cần phải nhớ rằng, ngành nuôi trồng thủy sản đang được coi là chìa khóa giải bài toán an ninh lương thực, nhất là khi dân số toàn cầu bùng nổ. Cá và các loại thủy sản có vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp chất dinh dưỡng cho con người. Đây là một trong 3 nguồn protein chủ lực cho con người sau ngũ cốc và sữa, chiếm 6,5% tổng nguồn cung protein toàn cầu hoặc 16,4% tổng nguồn cung protein động vật. Tuy nhiên, nguồn thủy sản tự nhiên không thể đáp ứng được nhu cầu của thế giới khi dân số gia tăng suốt 2 thập kỷ qua và do đó nuôi trồng thủy sản trở thành tia hy vọng về một nguồn cung protein bền vững. Mặt khác, thủy sản là nguồn dinh dưỡng có giá phù hợp với người tiêu dùng, thậm chí ở những quốc gia châu Phi nơi có thu nhập thấp và ở châu Á. Riêng khu vực châu Á, cá và sản phẩm thủy sản là nguồn protein chủ lực sau ngũ cốc và các loại rau, chiếm 7,5% nguồn cung protein toàn khu vực và 21,9% nguồn cung protein động vật nói riêng.

Từng nghiên cứu sâu về dinh dưỡng thủy sản, tôi luôn mong chờ mọi cá nhân và tập thể trong ngành nuôi trồng thủy sản nhận thức được giá trị thực của từng sản phẩm mà họ đang sản xuất. Đó không chỉ là những sản phẩm chứa hàm lượng dưỡng chất quan trọng hàng đầu như DHA hay EPA, mà tất cả các dưỡng chất khác như các loại protein chất lượng cao, tốt cho tiêu hóa; từ đó đưa thủy sản thực sự trở thành một “siêu thực phẩm” – sự lựa chọn dinh dưỡng tối ưu cho con người.

Nguồn: Tiến sĩ Albert C.J.Tacon được tổng hợp bởi Farmtech VietNam.