Người đưa cây Măng Cụt về đất Gia Nghĩa

Vốn là người miệt vườn miền Tây Nam bộ, ông Trần Quang Đông, hiện là chủ trang trại Gia Ân ở bon Sê Rê Ú, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) đã có nhiều kinh nghiệm trong trồng, chăm sóc cây ăn quả.

Măng cụt

Khi lên địa bàn Đắk Nông khảo sát, tìm quỹ đất để làm ăn, ông nhận thấy khu vực Đắk Nia đất đai màu mỡ, khí hậu tương đối thuận lợi nên quyết định đầu tư trang trại trồng thử nghiệm một số loại cây ăn quả. Sau nhiều năm, ông Đông đã nhận thấy thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây rất phù hợp để phát triển cây măng cụt, một loại cây có giá trị kinh tế tương đối cao trên thị trường. Vậy là ông tự tìm giống và dành phần lớn quỹ đất có được để trồng măng cụt.

Đây là loại cây khá mới ở vùng Gia Nghĩa nên khi thấy ông đầu tư trồng với quy mô lớn, nhiều người còn nói ông đang “chơi một canh bạc” khá mạo hiểm. Tuy nhiên, tin vào nhận định cũng như kinh nghiệm, kỹ thuật của chính mình học hỏi được, ông đã dồn sức thâm canh loại cây này để chờ ngày cho quả ngọt. Đúng như dự tính, cây măng cụt của ông không chỉ phát triển mà khi cho quả chất lượng cũng rất tốt. Theo ông Đông, một số bạn bè đang là chủ các vựa cây ăn quả lớn ở các tỉnh miền Tây khi lên thăm trang trại cũng đều thừa nhận chất lượng quả măng cụt nơi đây rất đặc biệt. Hầu như quả nào cũng có trọng lượng khá chuẩn, da trơn bóng lại rất ngọt và thơm.

Đến nay, chỉ với hơn 8 ha măng cụt 6 năm tuổi, mỗi năm gia đình ông Đông cũng đã thu 60 tấn quả thương phẩm, cho doanh thu hơn 2 tỷ đồng. Theo ông Đông, trồng măng cụt tuy thời gian đầu tư ban đầu là khá dài so với một số loại cây ăn quả khác nhưng đổi lại, thời kỳ ra quả dài và tương đối ổn định, không mất nhiều công cho việc chăm sóc vì gần như chúng phát triển tự nhiên, không bị tỉa cành, chủ yếu thu hái và bón phân định kỳ, theo dõi và xử lý một số loại địch hại. Mặt khác, cây măng cụt chủ yếu nhân giống từ hạt và tỷ lệ thoái hóa rất thấp nên nông dân có thể chủ động về nguồn cây giống cho việc mở rộng diện tích.

Khi nói về thị trường đầu ra, ông Đông cho biết: “Thời gian qua, sản phẩm măng cụt của Trang trại Gia Ân chủ yếu xuất sang thị trường Đà Lạt (Lâm Đồng). So với nhu cầu hiện nay, 8 ha măng cụt của trang trại là chưa thấm tháp vào đâu. Điều đáng nói, vấn đề ở đây không phải là số lượng mà chất lượng quả măng cụt ở Gia Nghĩa rất đặc biệt, được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, do quy mô loại cây này mới chỉ phát triển nhỏ lẻ, chưa tạo được những vùng chuyên canh nên sản phẩm cung ứng cho thị trường thiếu tính ổn định. Vì thế, ngoài việc xây dựng thương hiệu cho quả măng cụt Gia Nghĩa, cũng như kêu gọi một số hộ dân cùng sở thích trồng loại cây này, tôi cũng mong muốn chính quyền địa phương sớm có quy hoạch, nhân rộng mô hình để măng cụt Gia Nghĩa sớm khẳng định được vị thế trên thị trường trong và ngoài tỉnh”.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Tư thương Trung Quốc đến tận nhà gom Mít Thái, trả giá cao chót vót

Với mức giá 43.000 đồng/kg tại vườn, người dân một số tỉnh vùng ĐBSCL như Tiền Giang, Bến Tre, Hậu Giang đang lãi lớn vì đây cũng là mức giá cao nhất trong 5 năm qua. Đặc biệt với mít Thái không hạt, giá có lúc lên tới 60.000 đồng/kg.

Ông Năm có 15 cây mít Thái ở Tiền Giang cho biết, vì chăm sóc khá cẩn thận nên vườn nhà ông cho trái khá đều và ổn định. Đa phần là trái loại một và hai, trung bình 1 cây chỉ có khoảng 2-3 trái loại 3. Riêng trái loại một, thương lái đến thu gom ngay tại vườn với giá mỗi trái lên tới 300.000 đồng.

Nhà vườn xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) chăm sóc mít Thái.

“Nếu giá đỉnh điểm của 2017 có khi lên tới 30.000 đồng/kg thì nay đã nhảy vọt lên 43.000 đồng/kg. Do tư thương thu gom mua mạnh nên không dễ có hàng để bán. 3 năm trước giá bán tại vườn 15.000 đồng là tôi đã có lãi, còn năm nay với mức giá trên thì vụ mít năm nay… siêu lãi. Chỉ với 15 cây mít mà có thể thu về cả trăm triệu”, ông Năm nói.

Cũng có vườn mít Thái lớn, ông Bảy Ẩn, ở huyện Cai Lậy, Tiền Giang cho biết, năm nay nhà ông thu hoạch 5 tấn. Vì là hàng chất lượng đa phần loại 1 và 2 nên bán rất nhanh.

“Tôi bán 43.000 đồng/kg cho trái loại một (trái trên 9kg) và 35.000 đồng/kg cho loại 2 (trái trên 7kg). Đây là năm mà mít Thái có giá cao nhất từ trước tới nay”, ông Bảy Ẩn nói và cho biết, khi mới trồng mít Thái có giá 15.000 đồng/kg cho trái loại một nhưng nay chỉ với hàng dạt ông đã bán được với giá này.

Ông cũng cho biết, năm nay thị trường Trung Quốc thu gom mít Thái với số lượng lớn nên hàng ngon được tuyển đi hết. Mít bán tại chợ hiện đa phần là hàng “dạt”, trái bé, hoặc bị sâu phần đầu.

“Chưa có đầu năm nào thuận lợi như năm nay. Thương lái liên tục đi gom hàng tận nhà và trả với giá cao nhưng không còn hàng để bán. Có ngày có 3-4 người hỏi nhưng vì bán hết cho người hỏi mua đầu tiên nên không còn hàng để bán”, ông Bảy chia sẻ thêm.

Hiện mít Thái loại 1 giá lên tới 43.000 đồng/kg tại vườn, cao nhất trong khoảng 5 năm trở lại đây.

Tương tự, ông Trần Văn Sáu có 2 công mít Thái siêu sớm ở xã Bình Trưng, huyện Châu Thành (tỉnh Tiền Giang) cũng cho biết, vườn của ông trồng đã thu hoạch khi cây được 2 – 3 năm. Hiện giờ, vườn ông thu hoạch bình quân mỗi trái nặng từ 8 – 20 kg, sau khi trừ chi phí thu lợi 70 – 80 triệu đồng, cao gấp 3 lần giá đỉnh điểm năm 2017.

Không chỉ ở Tiền Giang, Bến Tre nhà vườn bán được mít với giá cao mà tại Cần Thơ, Hậu Giang cũng lãi lớn với mít Thái sớm năm nay.

Cẩn trọng khi giá mít tăng cao kỉ lục

Khảo sát tại các chợ trên địa bàn TP HCM cho thấy, mít loại 3 cũng được bán với giá khá cao. Chị Hoa, tiểu thương chợ Hòa Bình (quận 5) cho biết, tại chợ đầu mối lượng mít không nhiều đa phần bị sâu đầu nhưng cũng đã có giá trên 20.000 đồng một kg nên khi bán ra có giá 30.000 đồng. Riêng với mít Thái không hạt, giá lên tới 60.000 đồng nhưng cũng chưa phải là loại nhất.

Giá mít Thái tăng cao nên nông dân rất phấn khởi. 

Lý giải cho giá mít tăng cao, hầu hết nhà vườn và thương lái cho biết, vì Trung Quốc thu gom ồ ạt nên lượng hàng khan hiếm. Nếu như những năm trước đây thị trường này chỉ thu mua trái mít đã tách múi, bỏ hạt và đóng vào hộp thì nay họ tăng mua mặt hàng mít nguyên trái. Mặt khác, do hiện chưa phải là chính vụ nên giá cao hơn so với thời kỳ vào mùa.

Theo Sở Nông nghiệp & Nông thôn tỉnh Tiền Giang, giá mít loại một bán tại vườn đang trên 40.000 đồng/kg, còn tại chợ là 60.000 đồng/kg. Đây là mức cao kỷ lục so với 5 năm trở lại đây.

Trước tình hình giá mít tăng đột biến, giúp bà con có lãi cao như hiện nay, người dân một số nơi đang phá bỏ diện tích vườn cây ăn trái để chuyển sang trồng mít. Vì vậy các chuyên gia nông nghiệp cũng lo ngại, nếu diện tích trồng mít tăng với tốc độ nhanh và không có định hướng thì nguy cơ cung vượt cầu. Mặt khác, Trung Quốc ngừng thu mua sẽ khiến giá giảm mạnh.

Thực tế là đã có thời điểm, giá mít Thái sụt giảm chỉ còn từ 2.000 – 3.000 đồng/kg. Nhiều hộ dân ở Châu Thành (Hậu Giang) không bán được mít đã phải bổ ra ném xuống ao cho cá ăn.

Nguồn: Dân Việt được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Cho Bưởi Da Xanh xen Mít Thái ruột vàng, mới thu bói đã ra 300 triệu

Anh anh Đỗ Thanh Toàn, xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) hiện có 7 ha trồng cây ăn trái đặc sản. Trong đó, anh Toàn có 3,5 ha chuyên trồng bưởi da xanh ruột đỏ, 1 ha trồng mít Thái Lan, 2,5 ha trồng mít vàng sấy xen bưởi da xanh. Tuy mới thu trái bói, nhưng diện tích trồng bưởi da xanh xen mít Thái ruột vàng đã mang về cho anh Toàn hơn 300 triệu đồng.

Anh Trần Quốc Hoàn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Nam giới thiệu anh Đỗ Thanh Toàn trồng cây ăn trái đặc sản đạt giá trị kinh tế cao trên vùng đất gò đồi xã Nhị Hà.

Chúng tôi “tận mục sở thị” vườn cây ăn trái đặc sản tỏa bóng xanh mát vùng đất đồi tục danh Láng Dầu ở thôn Nhị Hà 2. Anh Toàn nhiệt tình đưa chúng tôi đi thăm khu vườn ngọt ngào hương thơm mít chín đầu mùa.

Anh Đỗ Thanh Toàn cho biết, mặc dù mới là mùa quả chiến (quả bói), nhưng những cây mít Thái ruột vàng trong trang trại của gia đình đều cho ra những trái đẹp với sản lượng tốt.

Trao đổi với người chủ sở hữu vườn cây ăn trái đặc sản thuộc diện bậc nhất của huyện Thuận Nam, chúng tôi được biết anh từ xã Phước Minh lên xã Nhị Hà khởi nghiệp trồng cây ăn trái từ năm 2004 đến nay. Buổi đầu, anh đầu tư trồng 1 ha mãng cầu theo phương pháp cắt cành cho ra bông trái vụ. Thổ nhưỡng, khí hậu xã Nhị Hà thích hợp với các loại cây ăn trái này, anh liên tiếp thu hoạch những mùa mãng cầu trái vụ cho thu nhập cao. Chỉ với 1 ha mãng cầu qua gần 10 năm thu hoạch 2 vụ/năm, anh Toàn tích lũy trên 1 tỷ đồng.

Anh tiếp tục sang nhượng đất mở rộng diện tích vườn cây ăn trái hiện nay lên 7 ha. Trong đó, có 3,5 ha chuyên trồng bưởi da xanh ruột đỏ, 1 ha trồng mít Thái Lan, 2,5 ha trồng mít vàng sấy xen bưởi da xanh. Anh trồng bưởi da xanh và mít vàng sấy với mật độ 400 cây/ha. Trong vài vụ tới, khi bưởi da xanh giao cành, anh sẽ bỏ gốc mít để cây bưởi thông thoáng hấp thụ tốt dinh dưỡng và ánh sáng. Anh đào 7 ao chứa nước và lắp đặt hệ thống bơm tưới tiết kiệm cho vườn cây canh tác theo hướng an toàn sinh học.

“Từ nguồn hoa lợi của vườn cây trái đặc sản tuy mới cho những mùa trái chiến nhưng đã giúp gia đình tôi có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Trong thời gian tới, khi vườn bưởi da xanh 3,5 ha cho thu hoạch sẽ nâng mức thu nhập cao gấp nhiều lần so với hiện nay”, anh Đỗ Thanh Toàn.
Bóc vỏ trái bưởi da xanh ruột đỏ đầu mùa mời khách thưởng thức, anh Đỗ Thanh Toàn phấn khởi, chia sẻ: Bưởi da xanh trồng trên đất Nhị Hà ruột chín có màu hồng tươi, hương thơm, vị ngọt thanh, không hạt. Do mới trồng từ năm 2012 tới nay nên tôi mới thu hoạch trái chiến trên diện tích 2,5 ha trồng xen với mít ruột vàng. Thương lái đến tận vườn thu mua bưởi da xanh với giá 35-40 ngàn đồng/kg.

Anh Toàn cho biết thêm, có lẽ chưa có loại cây nào trồng trên đất Nhị Hà cho thu nhập cao như bưởi da xanh ruột đỏ. Riêng vườn mít Thái Lan rộng 1 ha đã bước vào năm thu hoạch thứ ba, chất lượng thơm ngon được người tiêu dùng trong tỉnh ưa chuộng. Tôi bán sỉ cho bạn hàng ở Phú Quý thu mua với giá 15 ngàn đồng/kg, cao hơn 3 ngàn đồng so với mít cùng loại trồng ở các tỉnh phía Nam đưa ra tiêu thụ tại thị trường Ninh Thuận.

Anh Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhị Hà nhận xét: Anh Đỗ Thanh Toàn là nông dân đầu tiên đưa cây bưởi da xanh ruột đỏ và mít Thái Lan về trồng trên vùng đất gò đồi thôn Nhị Hà 2 cho hiệu quả kinh tế cao. Anh nêu cao ý chí vượt khó vươn lên làm giàu nhờ trồng các loài cây đặc sản. Vườn cây ăn trái của gia đình anh được nông dân địa phương học tập kinh nghiệm thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại giá trị kinh tế cao.

Vườn bưởi da xanh ruột đỏ, mít Thái Lan của gia đình anh Toàn trở thành điểm đến của nông dân địa phương tham quan, học tập kinh nghiệm chuyển đổi hiệu quả cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện.

Nguồn: Báo Ninh Thuận tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật xử lý Măng Cụt ra hoa theo ý muốn

Măng cụt được trồng chủ yếu ở Nam bộ, trong đó đồng bằng sông Cửu Long hiện có hơn 5.000 ha, sản lượng khoảng 4.500 tấn, trong đó có 1/3 diện tích đang cho trái. Bến Tre hiện có gần 4.500 ha, là tỉnh đã công bố chính thức chọn măng cụt là cây trồng chủ lực để đầu tư phát triển theo hướng thâm canh.

Đặc sản măng cụt

Măng cụt là loại cây đặc sản, đã từng “làm mưa làm gió” trên thị trường trái cây cao cấp. Giá măng cụt lúc nào cũng cao. Đám cưới mà có mâm măng cụt là thuộc loại sang. Măng cụt được gọi là “nữ hoàng” của cây ăn trái là vậy. Chủ cơ sở cây giống Duy Hiền, cũng là người trồng để nhân giống tại xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, Bến Tre, nói về vườn cây của mình, cũng có bao thăng trầm. Để có trái măng cụt đến tay người tiêu dùng nhà vườn phải bỏ ra không ít công sức.

Trồng măng cụt

Đối với cây măng cụt, việc chuẩn bị đất cũng giống như các loại cây ăn trái khác, nhưng khoảng cách trồng phải từ 7-10 m, vì tàn lá lớn và cây sống lâu năm. Nếu trồng xen với dừa, thì nên trồng khoảng giữa 4 cây dừa là tốt nhất.

Khi trồng nên cắt bớt lá, nên trồng vào đầu mùa mưa. Có thể trồng xen với chuối, dừa để che mát. Muốn trồng thuần măng cụt, lúc đầu khi cây còn nhỏ nên xen những cây ngắn ngày để có thu nhập.

Rễ măng cụt tiếp xúc với đất kém, nên cần tưới và chăm sóc thường xuyên. Cây bị ngập nước dễ chết, cho nên cần thoát nước tốt vào mùa mưa.

Cây măng cụt rất ưa phân chuồng. Bón đạm để giúp cây tăng trưởng nhanh. Kinh nghiệm của những nhà vườn chuyên canh: Trong năm đầu có thể bón từ 50 gam đến 100 gam phân SA/cây hoặc 20-40 gam urê/cây vào một tháng sau khi trồng và từ 50-100 gam SA, hoặc 20-40 gam urê vào sáu tháng sau. Từ năm thứ hai sau khi trồng nên tăng dần lượng phân theo giai đoạn tăng trưởng. Khi cây bắt đầu cho trái, bón 500 gam phân NPK 20-20-15 một cây vào đầu và cuối mùa mưa. Lượng phân tăng khi cây lớn sẽ cho nhiều trái.

Cây trưởng thành có thể bón từ 2 kg NPK/năm. Những người có kinh nghiệm có thể bón 1,5 kg DAP/gốc vào cuối mùa mưa, kết hợp bồi sình rải lá và cỏ mục để cung cấp thêm dinh dưỡng cho cây.

Lúc đầu cắt bỏ cành yếu, nhưng cây cao từ 8 đến 10m thì cắt ngọn để giảm chiều cao, tạo tán ngang giúp cây cho trái nhiều.

Bệnh của cây măng cụt thường là sâu ăn lá, rệp dính hoặc nhện đỏ, bọ xích làm cây kiệt sức, bệnh đóm rong, chảy nhựa vàng. Các loại bệnh này đều có thuốc trị, chỉ cần nhà vườn lưu ý sẽ khỏi.

Thu hoạch trái đã chuyển màu đỏ là thuận lợi, vì có thể bảo quản được từ 7-10 ngày.

Quả măng cụt chín

Hiện tại theo dự án của Bến Tre diện tích măng cụt của tỉnh đã lên tới 4.500 ha, trong đó 200 ha đang trong thời kỳ cho trái năng suất cao.

Hạn chế của trái măng cụt là trái bị sượng. Cách tốt nhất là thu hoạch trước mùa mưa. Đặc tính của măng cụt là ra hoa trên đầu cành đọt mới nên việc cho măng cụt ra hoa sớm, trước hết phải làm cho cây ra đọt non sớm và đồng loạt.

Xử lý cho trái nghịch vụ

Để cho mùa sau ra trái sớm và chất lượng, sau thu hoạch mùa trước cần làm mấy việc sau: Thứ nhất, bón 3 kg phân đầu trâu AT1 + 30 kg phân ủ hoai + 50 gam RICHO-MS/cây có tán 6-8 mét, tưới nước đều. Thứ hai là tỉa bỏ cành vượt, cành cấp một vượt ra khỏi khung tán và cắt bỏ những cặp lá đầu cành trên toàn bộ tán lá. Làm hai việc này càng nhanh càng tốt.

Hai tuần sau, dùng MS-THIORÊ hoặc FOOD-MS1 phun sương ướt đều tán cây. Sau hai đến ba lần phun, cây sẽ nhú đọt đồng loạt. Khi đọt non nhú được 01 tuần, dùng FOOD-MS1 phun hai lần, 10 ngày một lần nữa, giúp đọt lá phát triển mạnh chuẩn bị ra hoa.

Xử lý ra hoa cũng đòi hỏi trình độ. Vì tạo được đọt non phát triển chưa hẳn là ra hoa. Khi đọt non được 05 tuần tuổi, bón 02 kg phân đầu trâu AT2 + 02 kg HUMICH/cây. Muốn có hiệu quả nhanh, thì dùng 100 gam MS hòa nước xịt đều trên cây. Một tuần sau dùng FOOD-MS2 hoặc F-PO phun sương cho ướt đều hai mặt lá cây hai lần, cách nhau 07 ngày/lần. Làm vào đầu tháng 10 âm lịch để thu hoạch đầu tháng 04 năm sau.

Có hai cách bắt cây ra hoa sớm và đồng loạt: Thứ nhất, khi đọt non 09 tuần thì siết nước (tạo khô hạn, rút nước trong mương và phủ nylon trên mặt liếp. Khoảng 2-4 tuần thấy lá non có biểu hiện héo thì tưới thật nhiều, 5-7 ngày sau tưới lần nữa để mặt liếp đủ ẩm. Thứ hai, là khất gốc (khoanh vỏ). Cách làm này chỉ áp dụng cho những vườn khó tạo khô hạn, thì khi đọt được 9-10 tuần tuổi, khoảng ngày 15 tháng 10 (âm lịch), tiến hành khất gốc xung quanh thân. Chỉ khất phần vỏ, không được chạm vào gỗ trong thân, vết khất cách mặt đất khoảng 1 mét.

Sau khi lá tươi trở lại hoặc khấc gốc 2 hoặc 3 ngày là cho cây ra hoa đồng loạt bằng cách dùng thuốc kích thích ra hoa C.A.T + FOOD-MS2 phun sương đều hai mặt lá cây một lần. Khoảng 10-20 ngày sau khi tưới nước lại và phun thuốc, cây sẽ nhú chồi hoa. Từ khi hoa nhú đến hoa nở khoảng 30-45 ngày. Muốn đậu trái tốt, nên phun hai lần thuốc đậu trái C.A.T hoặc HCR cách nhau 10 ngày một lần.

Nuôi trái cũng là vấn đề quan trọng. Khi trái đậu hai tuần, bón 02 kg phân đầu trâu AT3 + 02 kg HUMICH/cây, chia làm hai lần. Muốn cho cung cấp nhanh dinh dưỡng nuôi trái thì bón 400 gam MS hòa với 04 lít nước xịt cho một cây. Đồng thời, dùng HCR phun hai lần, 07 ngày/lần. Sau đó dùng thuốc dưỡng trái + FOOD-MS4 phun 3-4 lần, 10 ngày một lần giúp cho trái to, chắc, ngon ngọt và hạn chế hiện tượng xì mủ, sượng

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Bí quyết trồng măng cụt cho năng suất vượt trội

Trái măng cụt có giá trị kinh tế cao và có thị trường xuất khẩu rất lớn. Ở Việt Nam, trái măng cụt có giá trị dinh dưỡng cao nên được nhiều người ưa thích. Vì vậy, bà con nên nắm vững kỹ thuật trồng cây măng cụt cho năng suất cao nhất.

Măng cụt

Măng cụt thuộc cây ăn quả nhiệt đới được trồng nhiều ở Thái Lan, Mã lai, Phi luật tân, Indonesia và Việt nam. Măng cụt là loại trái cây được nhiều người ưa chuộng và được xem như là nữ hoàng của cây ăn trái nhiệt đới bởi lẽ dáng trái đẹp và chứa nhiều chất bổ dưỡng. Dưới đây là những kỹ thuật trồng cây măng cụt đúng cách nhất cho năng suất vượt trội.

Giống và kỹ thuật nhân giống

Măng cụt có thể được nhân giống bằng cách ghép đọt hoặc gieo hạt. Phương pháp ghép không đạt hiệu quả cao do cây con có tỉ lệ hao hụt rất lớn; cây ghép cho trái nhỏ và ít hơn so với cây trồng bằng hạt.
Gieo hạt là phương pháp nhân giống phổ biến của măng cụt. Măng cụt đậu trái không thụ phấn, hạt măng cụt được phát triển từ phôi cái nên cây trồng từ hạt có đặc tính giống như cây mẹ.
Cách gieo hạt: Hạt măng cụt mau mất sức nẩy mầm, do đó không nên dự trữ hạt lâu. Chọn hạt to, nặng > 1g từ những trái mặng cụt chín. Rửa sạch hạt va gieo vào bầu đất hoặc liếp ươm.
Vật liệu của bầu hoặc liếp ươm là tro trấu, bột sơ dừa hoặc cát mịn trộn phân hữu cơ. Thường xuyên tưới nước giữ ẩm, 20-30 ngày sau hạt sẽ nẩy mầm. Khi cây lớn thì chuyển sang bầu lớn chú ý không làm tổn thương rễ vì rễ măng cụt không có lông hút và rất yếu.

Mật độ khoảng cách

Măng cụt có tán cây lớn, tán là sum xuê, do đó nên trồng thưa cây cách nhau 7-10m. Mật độ 100-200 cây/ha, với khoảng cách trồng nầy cây sẽ giao tán sau 30 năm trồng.

Chuẩn bị mô

Mô cần được chuẩn bị 1-2 tháng trước khi trồng. Mô hình tròn có đường kính 0,6 –0,8m, cao 0,3-0,5m tùy theo địa hình cao hay thấp. Đất mô nên trộn với 10-20 kg phân chuồng hoai và 200g phân NPK 15-15-15. 4.

Kỹ thuật trồng

Khi cây con được 2 năm tuổi thì đem đi trồng, lúc này cây có 12-13 cặp lá và 1 cành cấp 1, khoét lỗ trên mô vừa với bầu đất, nhẹ nhàng đặt cây vào, lấp đất ngang mặt bầu, cắm cọc giữa cây không bị đổ ngã. Khi đặt cây cần cẩn thận để không bị hư rễ.

Làm cỏ, trồng xen

Có thể dùng một số cây ngắn ngày làm cây trồng xen trong vườn cây măng cụt để góp phần hạn chế cỏ dại phát triển. Việc trồng xen cần bảo đảm cây trồng xen không cạnh tranh nước và dinh dưỡng với cây măng cụt.
Trong những năm đầu khi cây chưa khép tán, cỏ dại sẽ phát triển mạnh, nên diệt cỏ bằng phương pháp thủ công, hoặc dùng máy cắt cỏ, khi cần thiết có thể diệt cỏ bằng thuốc hoá học như: Glyphosate, Gramoxone,…

Tưới nước

Măng cụt là cây có nhu cầu nước rất lớn, nhất là giai đoạn cây con và cây đang mang trái vì sau khi trổ (tháng 12 dương lịch) là thời kỳ không mưa. Do đó, cần phải tưới nước cách ngày cho cây nhất là ở giai đoạn sau khi trổ hoa, trái.

Thu hoạch

Hái trái lúc trái có màu hồng, khi hái phải thật cẩn thận và tránh sự va chạm mạnh trên trái nhằm giảm đến mức thấp nhất sự xây xát. Nên dùng dụng cụ có túi vải để hái trái, tránh để trái rơi tự do trên mặt đất làm xay xát vỏ trái…
Những quả măng cụt ngon ngọt hấp dẫn khi được chăm sóc tốt
Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật trồng Lê cho nhiều nước, quả ngọt

Quả lê là một loại quả hết sức quen thuộc với mọi người. Bên cạnh là một loại quả ngon miệng, lê còn có rất nhiều những lợi ích khác. Hơn nữa, kỹ thuật trồng cây lê không khó nên mọi người có thể dễ dàng trồng cho năng suất cao.

Quả lê

Lê là một cây ăn quả đặc sản của vùng ôn đới nước ta, lê được trồng ở các tỉnh miền núi phía Bắc tập trung ở những nơi có độ cao 500 – 1500m so với mực nước biển. Kỹ thuật trồng cây lê không khó nên người dân có thể trồng để tăng thu nhập.

Một số giống lê ở miền Bắc nước ta

Lê xanh: phân bố ở độ cao 6000m trở lên (SaPa, Bắc Hà) quả hình bầu dục, vỏ màu xanh có má phớt hồng, trọng lượng quả trung bình 300 – 400g, thịt quả trắng, nhiều nước, ăn ngọt, năng suất cao, phẩm chất khá, quả chín vào tháng 9, 10.

Lê nâu: phân bố rộng, quả tròn, tròn dẹt nâu có chấm, trọng lượng quả trung bình 200 – 300 g thịt quả khô ngon, thơm khi chưa chín có vị chát, ra hoa vào tháng 3, 4; thu hoạch tháng 8, 9; năng suất 300-750kg/cây. Mắc coọc (lê cọt): phạm vi phân bố rộng, mọc khoẻ, quả nhỏ trọng lượng trung bình 100g, vỏ qủa thô ráp, thịt quả khô, có vị chát.

Chuẩn bị

Chọn giống: Chọn cây khỏe mạnh không sâu bệnh, có thể trồng cây ghép có bầu hoặc cây gốc ghép rễ trần. Chú ý loại bỏ các mầm mọc ở phía dưới mắt ghép vì đó là mầm của cây dại. Mật độ: 400 cây/ha, hàng cách hàng 5m, cây cách cây 5m. Thời vụ: Trồng từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau khi cây rụng lá, chưa lên lá mới và lộc non.

Đất trồng: Lê VH6 trồng được ở nhiều loại đất, nhưng thích hợp nhất và cho năng suất cao ở đất màu mỡ có độ ẩm. Đào hố có kích thước: 70 x 70 x 70 cm để đất mặt riêng, đất ở đáy hố riêng (lưu ý đào xong dùng xẻng, cuốc xiểm xung quanh hố để tạo các lỗ khí thoát nước tránh úng cục bộ cho cây trồng sau này).

Bón phân mỗi hố: 20 kg phân hữu cơ + 0,5 kg phân lân super + 1kg vôi bột (Có thể thay thế phân hữu cơ bằng phân vi sinh 10kg). Trộn đều phân với lớp đất mặt đưa xuống đáy hố. Lấp đất đầy hố trước khi trồng 25-30 ngày, khi thời tiết thuận lợi sẽ trồng cây.

Kỹ thuật trồng

Trồng cây giữa hố, bới một hốc nhỏ ở giữa hố trồng, đặt cây vào vị trí, (nếu cây có bầu dùng dao rọc một đường từ trên xuống để lấy túi đựng bầu ra), lấp đất giữ chặt cây nén chặt xung quanh, tưới 10-15 lít nước cho 1 gốc. Cắm cọc cố định cây buộc bằng dây nilon để tránh cây bị lay gốc.

Kỹ thuật chăm sóc

Giữ ẩm: Dùng cỏ rác khô tủ xung quanh gốc cây để giữ ẩm, tủ cách gốc 15- 20 cm. Tưới nước: Cây lê rất cần đến nước nhất là giai đoạn cây mới trồng cây và thời gian khô hạn kéo dài. Sau trồng tuỳ tình hình thời tiết 2 tháng đầu tiến hành tưới 1- 2lần/1 tuần. Thời kỳ mang quả, cây cần nước để nuôi quả. Tùy theo thời tiết từng năm để điều chỉnh số lần tưới tuy nhiên lê cũng như cây ăn quả khác là không chịu được úng.

Bón phân: Khi cây còn nhỏ (1 -5 tuổi) bón bổ sung 30kg phân hữu cơ, 2kg đạm, 2kg lân, 2kg kali/cây/năm. Khi cây lớn đã cho thu hoạch thì cần bón tăng cường 30-40kg phân hữu cơ, 4kg đạm, 2 kg lân, 2 kg kali/cây/năm. Lượng phân trên bón làm 2 lần: Lần 1: vào tháng 2, 3: nhằm nuôi lộc cành. Lần 2: bón vào tháng 9, 10: phục hồi cây sau thu hoạch.

Phòng trừ sâu bệnh: Sâu cắn lá, cuốn lá, xoăn lá: dùng Dipterec 0,1%, Padan 0,1%, Dimẻcon 0,1% phun lên lá vào lúc trời râm máy. Sâu đục thân: dùng Dipterec hoặc vôphatốc hoà với vôi quét lên thân cây. Chú ý việc phun thuốc trừ sâu phải chấm dứt trước thu hoạch tối thiểu 15 ngày.

Thu hái và bảo quản

Thu hái khi quả bắt đầu chín vỏ quả chuyển màu xanh vàng, nếu vận chuyển xa cần thu hái sớm. Khi thu hái cần nhẹ nhàng, không làm dập nát hoặc sây sát quả. Quả thu hái xong cần đặt vào thùng gỗ, hộp cứng để vận chuyển không bị dập nát. Bảo quản quả ở nơi khô ráo thoáng mát.

Thu hoạch lê

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Đặc tính sinh học của Dứa

Hiện nay trên thế giới, cây dứa được trồng hầu hết các nước nhiệt đới và một số nước nhiệt đới có nhiệt độ tương đối ẩm như đảo Hawai, Đài Loan.

Dứa (khóm)

Dứa có thể trồng tới vĩ tuyến 38º bắc, trong đó các nước Châu Á chiếm trên 60% sản lượng dứa cả thế giới.

Các nước trồng nhiều là Philippines, Thái Lan, Malaysia, Hawai, Brazil, Mêhicô, Cuba, Uc, Nam phi.

Quả dứa được coi là một trong những cây ăn quả nhiệt đới hàng đầu, loại quả “vua”, rất được ưa chuộng ở các nước phương Tây.

Quả dứa có mùi thơm mạnh, chứa nhiều đường, lượng calo khá cao, giàu chất khoáng, nhất là Kali, có đủ các loại vitamin cần thiết như A, B1, B2, PP, C đặc biệt trong cây và quả dứa có chất Bromelin là một loại men thủy phân protêin (giống như chất Papain ở đủ đủ), có thể chữa được các bệnh rối loạn tiêu hóa, ức chế phù nề và tụ huyết, làm vết thương mau thành sẹo.

Trong công nghiệp, chất Bromelin dùng làm mềm thịt để chế biến thực phẩm, nước chấm. Ngoài ăn tươi, quả dứa chế biến thành dứa hộp và nước dứa, là những mặt hàng xuất khẩu lớn. Xác bã quả dứa sau khi chế biến dùng làm thức ăn gia súc và phân bón. Thân lá dứa làm bột giấy.

Ở nước ta, dứa trồng từ Bắc đến Nam, diện tích trồng cả nước hiện khoảng 40.000 ha với sản lượng khoảng 500.000 tấn trong đó 90% là phía Nam.

Các tỉnh trồng dứa nhiều ở miền Nam là Kiên Giang, Tiền Giang, Cà Mau, Cần Thơ, Long An… miền Bắc có Thanh Hóa, Ninh Bình, Tuyên Giang, Phú Thọ….miền Trung có Nghệ An, Quảng Nam, Bình Định,… Năng suất quả bình quân một năm ở các tỉnh phía Bắc khoảng 10 tấn, phía Nam 15 tấn/ha.

Trong năm cây dứa ra hoa nhiều vụ. Ở miền Bắc vụ chính ra hoa tháng 2-3, thu hoạch tháng 6-7, vụ trái ra hoa tháng 6-8, thu hoạch tháng 10-12. Ở miền Nam, dứa có thể ra hoa quanh năm, song thường tập trung vào tháng 4-5 và tháng 9-10. Từ khi ra hoa đến thu hoạch trung bình khoảng 4-5 tháng.

Dứa có nhiều cách chế biến để phục vụ cho con người

Yêu cầu điều kiện sinh thái:

a. Khí hậu

Dứa là cây ăn quả nhiệt đới, ưa nhiệt độ cao. Phạm vi nhiệt độ thích hợp từ 20 – 300C. Giống Cayenne chịu lạnh kém hơn giống Queen và các giống địa phương. Ở nhiệt độ cao trên 32ºC có thể làm cháy lá và vỏ quả, nhất là giống Cayenne.

Về lượng mưa, cây dứa có thể trồng nơi lượng mưa thấp, 600-700 mm/năm với mùa khô dài nhiều tháng cho đến những vùng lượng mưa nhiều tới 3500-4000 mm/ năm. Quan trọng nhất là lượng mưa phân bố hàng tháng, khoảng 80-100 mm được coi là đầy đủ, không cần tưới thêm.

Về ánh sáng, cây dứa yêu cầu ánh sáng nhiều nhưng thích ánh sáng tán xạ hơn ánh sáng trực xạ. Thiếu ánh sáng cây mọc yếu, quả nhỏ. Ngược lại nếu ánh sáng quá mạnh kèm theo nhiêt độ cao lá sẽ bị vàng hoặc đỏ, lúc này cần che mát cho dứa.

Cây dứa tuy không phải là cây ngày ngắn nhưng người ta thấy rằng giống Cayen nếu thời gian bóng tối kéo dài và nhiệt độ giảm thấp sẽ ra hoa sớm hơn. Từ những yêu cầu trên, điều kiện khí hậu nước ta từ Bắc đến Nam đều thích hợp với cây dứa.

Tuy vậy tùy theo đặc điểm từng thời gian ở từng vùng cần có biện pháp để tạo điều kiện cho cây sinh trưởng phát triển thuận lợi, đạt năng suất và chất lượng cao.

b. Đất

Cây dứa có bộ rễ tương đối yếu và ăn nông nên muốn có năng suất cao đất cần có tầng mặt xốp, nhiều mùn và chất dinh dưỡng, đồng thời thoát nước tốt trong mùa mưa. Đất nhiều sét, thoát nước chậm, cây dứa sinh trưởng kém và dễ bị bệnh. Thoát nước và tơi xốp là 2 yêu cầu quan trọng nhất đối với đất trồng dứa.

Về độ pH, cây dứa nói chung thích hợp với đất chua, độ pH từ 4.5 đến 5.5, kể cả trên đất phèn có pH bằng hoặc dưới 4 dứa vẫn sống tốt. Các giống dứa tây nhóm Hoàng hậu (Queen), giống Tây Ban Nha (Spanish) chịu chua khá hơn giống Cayen.

Ở nước ta, dứa trồng trên nhiều loại đất như đất đỏ bazan, đất đỏ vàng, phù sa cổ, đất bạc màu ở phía Bắc, đất xám ở miền Đông Nam Bộ và đất phèn ở đồng bằng sông Cửu Long. Tuy vậy, nếu không được bón phân đầy đủ, nhất là phân hữu cơ, năng suất quả sẽ không cao.

Yêu cầu chất dinh dưỡng

Dứa là cây yêu cầu rất nhiều chất dinh dưỡng do lượng sinh khối lớn. Theo tính toán, trung bình trên 1 hecta trồng trọt, dứa lấy đi từ đất 86 kg N (trong đó thân lá 74 kg, quả 9 kg), 28 kg P2O5 (thân lá 23 kg, quả 5 kg) và 437 kg K2O (thân lá 402 kg, quả 35 kg), cùng với các nguyên tố trung và vi lượng.

Cây dứa ít có nhu cầu với Canxi.

Yêu cầu với Lân cũng không lớn.

Riêng với Kali cây dứa yêu cầu nhiều nhưng nếu bón nhiều Kali lại thường dẫn đến bị thiếu Magiê cũng là một chất dinh dưỡng cần thiết.

Trong thời gian đầu sau khi trồng khoảng 5-6 tháng nhu cầu dinh dưỡng không lớn, chỉ khoảng 10% tổng số chất dinh dưỡng cây cần trong suốt chu kỳ sống.

Sau khi cây đã mọc tốt, nhu cầu chất dinh dưỡng tăng rất nhanh, đặc biệt là Kali (gấp 4-5 lần so với đạm).

Ngoài ra, cây dứa cũng cần một số nguyên tố vi lượng khác như kẽm, sắt, Mangan, Đồng….

Nhưng các biểu hiện bị thiếu thường không rõ ràng.

Nguồn: 2lua.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Dứa Philippines tràn ngập thị trường

Sau hiện tượng chuối Philippines, hiện nay trên thị trường TP.HCM xuất hiện thêm thơm (dứa) Philippines đang được bày bán tại một số siêu thị. Thơm Philippines hay còn gọi thơm Dole, trái to, khá đều, mắt thơm không sâu như mắt thơm VN nên chỉ cần gọt lớp vỏ mỏng bên ngoài là dùng được. Thơm ngoại màu vàng tươi, vị ngọt vừa phải, so với thơm trong nước chất lượng không vượt trội hơn.

Dứa Philippines

Theo người bán, vì giá loại này khá cao từ 54.000-55.000 đồng/kg, nên phần lớn khách mua ăn thử hoặc một số nhà hàng, khách sạn cao cấp dùng để trang trí trong chế biến thức uống.

Dứa được bày bán nhiều trong các siêu thị

Theo các đầu mối nhập khẩu trái cây, thông thường những tháng cuối năm nhập khẩu trái cây có xu hướng tăng mạnh do đây là thời điểm nhiều loại trái cây được thị trường VN ưa chuộng như quýt, nho, lê, táo… bước vào mùa thu hoạch, nguồn cung dồi dào. Ngoài ra, sức mua thị trường cũng tăng nhờ tác động dịp Tết Nguyên đán.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Hải Dương: Cam ngon bón bằng Đậu Tương, Ngô Sạch

Vườn cam đường nhà anh Phạm Văn Triệu (Hải Dương) sai trĩu, quả đều tay, ngọt lừ. Đó là vì cây được tưới bằng nước sạch ngâm ngô, đậu tương.

Vườn cam sai trĩu quả của gia đình anh Triệu

Không bón cây bằng Kali, phân đạm hay các kiểu truyền thống khác, ở những vườn cam đường tại Hải Dương, người ta không ngạc nhiên khi các chủ vườn đổ hàng tạ ngô, đậu tương ngâm trong những hố nước sạch lớn. Tưới bằng nước này, những trái cam ở đây vừa ngọt vừa có vị thơm ngon hơn nhiều vùng khác.

Vườn cam nhà anh Phạm Văn Triệu (Vũ Xá, Thất Hùng, Kinh Môn, Hải Dương) rộng trên 1 ha. Cả nghìn gốc cam, cây nào cũng sai trái. Trái cam nào cũng đều tay to như nắm đấm.

Anh Triệu cho biết, gia đình anh đã trồng cam đường 7 năm nay. Cam đang vào mã, chỉ 2 tháng nữa là cho thu hoạch.

Nhưng, bất ngờ nhất là nhà anh Triệu tưới cây bằng nước sạch ngâm ngô, đậu tương. Anh chia sẻ: “Sau một thời gian mày mò, thử nghiệm, tôi phát hiện ra tưới cam bằng nước ngô, đậu tương ngâm sẽ tăng vị ngọt và vị thơm cho quả. Từ năm 2009 đến nay, nhà tôi thường xuyên áp dụng cách này. Với 1.000 gốc cam, mỗi năm tôi phải bỏ ra 5 đến 6 triệu tiền ngô và đậu tương”.

So sánh cây cam bón bằng kali và cam bón bằng ngô, đậu tương, nhiều người thấy rõ sự khác biệt. Cam bón bằng kali cũng có vị ngọt nhưng ăn xong có vị hơi chát ở cổ. Trong khi đó, cam được bón bằng ngô và đậu tương cho mùi thơm, ăn xong vị ngọt còn lưu lại. Chính vì thế, hàng chục chủ vườn cam tại đây hiện đều áp dụng phương pháp này.

Cũng giống như anh Phạm Văn Triệu, gia đình ông Hậu (Thái Thịnh, Kinh Môn, Hải Dương) cho hay, gia đình ông có 40 gốc cam lần đầu ra quả. Để trái được thơm ngon, ông đã đầu tư 40 kg ngô và 15 kg đậu tương, với chi phí khoảng 400.000 đồng, để ngâm nước tưới cho cây trong thời điểm cam vào mã.

Theo các chủ vườn cam lâu năm, một tháng tưới cho cam hai lần, duy trì như vậy liên tục trong 2 tháng đến khi cam xuất bán.

Anh Phạm Văn Triệu cho biết, hiện giá cam đường bán tại vườn đã ở mức 45.000-50.000 đồng/kg. Thương lái đến tận vườn đặt và hái quả, các chủ vườn không phải đi bán.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Hưng Yên: Vườn chanh bonsai được trồng bằng Đậu Tương

Giống chanh ngoại nhập, được chăm sóc hữu cơ của anh Nguyễn Hữu Hà bán chạy dịp Tết.

Vườn chanh của anh Nguyễn Hữu Hà

Hơn 1.700 gốc chanh tứ quý của anh Nguyễn Hữu Hà (xã Tân Dân, Khoái Châu, Hưng Yên) sau nhiều năm chăm sóc, tạo thế bonsai đã được tung ra thị trường vào dịp Tết Nguyên đán này.

“Từ kinh nghiệm truyền thống dùng hạt đậu tương và cây đậu tương bón cho hoa, cây trầu không, tôi đã triển khai mô hình chăm sóc hữu cơ cho vườn chanh của mình, với thành phần chính nấm vi sinh, phân chuồng hoai mục, bột đậu tương, hạt đậu tương luộc ủ lên men”, anh Hà nói.

Bột đậu tương chứa rất nhiều chất dinh dưỡng cho cây chanh

Bột đậu tương là chất dinh dưỡng quan trọng để nuôi cây. Mỗi cây chanh bón 5 gram đậu tương thì có thể chơi 3 tháng mà không phải chăm bón gì thêm.

Cây chanh cảnh giá từ 2 đến 60 triệu đồng. Cây giá cao thường là trồng lâu năm, thế bonsai đạt thẩm mỹ cao, quả to vàng, có hoa, quả xanh, cây không xước.

Chanh vàng xuất xứ ngoại lai nhưng lại phù hợp với vùng đất Bắc Bộ. Cây sinh trưởng và chống chịu sâu bệnh tốt, không tốn công chăm sóc.

“Tôi đã tạo ra các cây chanh thế bonsai từ nhỏ cho đến cây cao 3 mét dành cho mọi nhu cầu người chơi. Đây là giống chanh từ Australia, ra quả quanh năm, quả tồn tại trên cây đến 6 tháng nên vừa để chơi trong ngày Tết vừa có thể dùng được lâu dài”, anh Hà nói.

Nghệ nhân tạo thế cho cây chanh cảnh với nhiều biểu tượng, như địa danh đất mũi Cà Mau, hay hình ảnh 5 anh em trên một chiếc xe tăng, những bàn tay xòa cụp…

Giống chanh vàng nhìn rất đẹp mắt

Cây giống sau khi trồng dưới đấ 6 tháng thì chuyển lên chậu cho rễ cây thích nghi không gian nhỏ và chất đất, cũng như cân bằng chế độ dinh dưỡng. Thân cây chanh giòn nên phải làm cho thân nóng lên mới uốn được thế mong muốn, quá trình uốn nắn tạo thế mất khoảng 3 năm.

Anh Hà đang chăm sóc cho vườn chanh

Quá trình chăm sóc hữu cơ nên chủ vườn hầu như không cần bón hoặc phun thuốc cho chanh, chỉ cần tưới nước. Toàn bộ 1,7 ha đất của anh Hà trồng 4.700 gốc chanh nhưng dịp Tết chỉ có 1.700 cây đủ tiêu chuẩn xuất đi, những gốc khác cần thời gian hoàn thiện dáng và cân bằng chế độ dinh dưỡng.

Bên cạnh tác dụng làm cảnh, quả chanh có giá bán từ 40.000 đồng mỗi cân

Hiện 1.000 cây chanh của anh Hà đã có người đặt mua, đây đều là những cây chanh thế có tuổi đời ít nhất 3 năm.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.